Photo Ông Lưu Văn Kiệm, phó hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, nói về
ý nghĩa ngày Vía Đức Phật Thầy Tây An. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Văn Lan/Người Việt
September 28, 2018
SANTA ANA, California (NV) – “Đức Phật Thầy Tây An, một vị bồ tát cứu thế và cũng là tiền thân Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, viên tịch 162 năm. Đức Phật Thầy tên là Đoàn Minh Huyên, sanh năm Đinh Mão, 1807, năm Gia Long Thứ Tám, tại làng Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.”
Đó là lời của bà Kim Liên, trưởng ban tổ chức Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California, Santa Ana, vào sáng Chủ Nhật, 23 Tháng Chín.
“Ngài có đời sống rất bình thường, chăm chỉ lo làm ruộng rẫy quanh năm. Nhưng đến năm 43 tuổi, ngài bỗng nhiên thay đổi kỳ lạ, khi thì phàm phu khi thánh nhân. Dân làng từ ngạc nhiên đến kinh sợ nên ngài bỏ xứ ra đi bằng chiếc xuồng con tới làng Long Kiến, tỉnh Long Xuyên vào mùa Thu Kỷ Dậu 1849. Chắc là ngài biết trước là bệnh thời khí nơi đây đang hoanh hành, dân chúng đói nghèo khốn khổ nên đến độ bệnh cứu đời. Ngài chữa bệnh rất đơn giản, bằng bông hoa, tro nhang, nước lã, giấy vàng, vậy mà bệnh gì cũng hết. Lòng tin của dân chúng bắt đầu, tin này tràn lan nên người dân tới lui tấp nập,” bà nói tiếp.
“Sau khi dùng huyền diệu Phật gia trị bệnh, ngài được bá tánh tôn thờ là một vị Phật sống. Từ đó hoằng pháp bằng cách mỗi khi chữa bệnh, đều có lời khuyên nên giữ lòng niệm Phật, thảo ngay nhơn nghĩa cho bền, thờ cha kính mẹ, không tin vào bùa chú, dị đoan mê tín,” bà nói thêm.
Quang cảnh Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tiếp đến là nghi lễ Phật Giáo Hòa Hảo do ông Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo Nam Califorina, và ba vị chức sắc dâng hương cùng toàn thể đồng đạo nghiêm trang đứng lên cầu nguyện.
Ông Lưu Văn Kiệm, phó hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, trình bày về ý nghĩa ngày Vía Đức Phật Thầy Tây An: “Nói đến Phật Thầy Tây An là mọi người nghĩ đến tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương mà ngài là vị khai sáng và Phật Giáo Hòa Hảo có sự liên hệ, nên tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo kính Phật Thầy là vị Giáo Tổ của mình.”
Ông cho biết thêm, Đức Phật Thầy Tây An đã thành lập một giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, với tinh thần dân tộc phù hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp. Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương được khởi sáng vào mùa Thu năm Kỷ Dậu (1849), với Đức Phật Thầy Tây An là Giáo Tổ, người đầu tiên trong Phật sử Việt Nam khai mở, canh tân Phật pháp, giản dị hóa tập tục thờ cúng rườm rà, đưa ra phương pháp tu hành hợp lý chứng đắc cho hàng cư sĩ tại gia. Các vị kế truyền trong hàng lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tiếp nối như Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, đến Sư Vãi Bán Khoai, và gần đây nhất là Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939.”
Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu giải thích: “Nói tới Phật Giáo Hòa Hảo thì ai cũng biết nhưng với Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương thì có người biết và một số người không biết. Phật Giáo Hòa Hảo với thuyết ‘Học Phật Tu Nhân,’ luôn tranh đấu, làm phước thiện, bố thí, xả thân cứu đời. Trong đạo ‘Nhân’ của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng và Bửu Sơn Kỳ Hương nói chung thì đều như nhau với giáo lý ‘Tứ Ân.’ ‘Nhân Đạo’ chính là tu nhân, sau đó còn phải làm tròn ‘Nhân Đạo’ nghĩa là phải giữ vẹn ‘Tứ Ân,’ phải trừ thập ác, hành thập thiện là nền móng của ‘Nhân Đạo,’ giống như cất nhà phải có nền móng vững chắc trước, sau đó mới lên lầu cao được. ‘Học Phật Tu Nhân’ nghĩa là như vậy.”
Chị Nguyễn Huỳnh Mai, dự lễ vía, cho biết: “Là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuộc thế hệ sau, khi cố gắng tìm hiểu qua sách vở và lịch sử thì được biết Đức Phật Thầy Tây An là vị Giáo Tổ của Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng chính là nguồn gốc của Phật Giáo Hòa Hảo, nên đối với tôi ngày lễ hôm nay rất quan trọng, cần phải biết nguồn gốc của mình. Hôm nay rất vui khi mọi người đến với nhau thật đông, ấm cúng gần gũi trong tình đồng đạo.”
Lễ cầu nguyện trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Bác Ba (không muốn nêu tên), ở Santa Ana, cho hay: “Tôi là người Cà Mau, làm trong ngành công chánh từ trước 1975, từng làm chung với công ty Mỹ thiết kế xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa. Năm 1959 sau khi học ở Mỹ về nước, dù ở đâu tôi cũng làm việc cho xứ sở mình hết lòng, với tình thương quê hương thắm thiết. Hơn nữa mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông, đi sát với dân tộc tính của người Việt mình.”
“Hồi trước không rành về Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng từ khi quy y với đạo Phật Thầy Tây An, tôi rất gắn bó và soi sáng được nhiều chuyện lắm, chính vì đó mà tôi cảm mến Phật Giáo Hòa Hảo là vì có đường lối rõ ràng. Tôi nghĩ chỉ có Phật Giáo Hòa Hảo là còn đứng vững trong thời kỳ nước Việt mình khổ nạn như hiện nay,” ông nói.
Ông Trần Thanh Hương, người gốc Cần Thơ, từ San Diego về dự lễ, tâm tình: “Hôm nay về dự lễ là để tạ ơn những giáo lý mà Thầy Tổ đã truyền dạy, phải trọn đạo làm người đối với đất nước, ông bà cha mẹ, tổ tiên và tổ thầy. Đối với những gì Phật dạy, phải thực hiện trọn vẹn đạo làm người con dân nước Việt, và nếu làm theo đúng chắc chắn sẽ có một đời sống an lạc.”
Cô Sáu Lê Thị Sảnh, cư dân Westminster, quê gốc Rạch Giá, chia sẻ: “Hôm nay dự lễ rất vui gặp lại quá đông đồng đạo, giống như ở Việt Nam mỗi lần làm công quả cả tháng luôn tại hội quán Phật Giáo Hòa Hảo. Với tôi thì lúc nào Đức Phật Thầy cũng ở trong tâm của mình, do đó tôi luôn nhớ lời dạy của Đức Thầy và thực hiện không dám sai!” (Văn Lan)