KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ Lần thứ 99

25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 17442)
KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ Lần thứ 99

To Dinh PGHH tại Phu Tan
Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo nơi Đức Thầy đản sanh tại làng Hòa Hảo nay là huyện Phú Tân An Giang

 

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

            Lần thứ 99 (25/11/Kỷ Mùi - 25/11/Mậu Tuất) – (1919 – 2018)

                                                           

                                                                ***

BTS PGHH Nam California tổ chức Ngày Lễ Đản Sanh thứ 99 của Đức Thầy tại Hội quán PGHH vào10 giờ sáng Chủ Nhật  30-12-2018


Thưa quí đồng đạo ! 

Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ. Năm nay kỳ Đại Lễ lần thứ 99, một dấu móc thời gian rất đặc trưng về con số “Càn Khôn dĩ định”. Khiến gợi nhớ trong chúng ta những câu Sấm Kinh của Đức Thầy:

“Cửu cửu y nhiên

Tình riêng tham báu

Đổ máu tuông rơi

Khùng mới nói chơi

Chư bang hàng phục”

 

Lời Truyền Sấm nêu trên đã tiên báo một chu kỳ “Châu nhi phục thỉ” sắp đến gần, do Thiên Đình hoạch định đã an bài theo lý Tam ngươn, là một điềm lành cho đất nước Việt Nam trên đường thăng tiến cường thịnh và Đạo pháp sớm được hanh thông rực rỡ.

Trước đây 99 năm, khi đã quán thông đại sự nhân duyên, thấu đạt máy cơ huyền.Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn vùng “Địa linh nhân kiệt” trên hữu ngạn dòng Bảo giang nối liền hai dòng đại lưu sông Tiền và sông Hậu, làm nơi Đản Sanh và Ngài cũng chọn nơi linh địa nầy (Tổ Đình) để Khai Cơ Lập Giáo. Mở ra một kỷ nguyên chấn hưng Phật giáo nhiệm mầu, cứu vớt hằng triệu sanh linh đang lâm cơn đồ thán trong cảnh nước mất nhà tan, sớm được khôi phục tinh thần dân tộc quật cường và lần bước trên con đường giải thoát khỏi đọa trầm luân. Đồng thời hòa nhập tích cực vào sự vận hành “Đời đạo liên quan rạng chói ngời” theo mục tiêu lý tưởng “Khắp thế giới liên dây Hòa Hảo”.

Ngược dòng sử Đạo vẻ vang bằng tâm thái “Suy kim nghiệm cổ” tất chúng ta sẽ chiêm nghiệm rõ ra ý nghĩa nhiệm mầu từ sự kiện Đản Sanh, có liên quan chặt chẽ với công cuộc hoằng khai Đại Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đối với sứ mạng cứu đời trong thời Mạt Pháp. Tạo thành một chuỗi chuyển hóa thần kỳ chấn hưng Phật Pháp liên tục gần 200 năm, Ngài đã thừa vưng sắc lịnh Phật Trời trải qua 5 lần tái kiếp từ Đức Phật Thầy cho đến kiếp chót là Đức Huỳnh Giáo Chủ, hầu hoàn thành 5 sứ mạng thiêng liêng, tạo nên một công nghiệp vẻ vang chưa từng có trong lịch sử Phật giáo. Những thành tựu thắng diệu phi thường ấy, xuất phát từ đức độ từ bi rộng lớn của Phật Trời và các đấng Thần,Tiên đã vì đại nguyện tận độ quần sanh trong cơn khuẩn bách!Thật đại phước hữu phần cho chúng sanh đời Mạt hạ.

 

Sự kiện hy hữu trên Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:

“Xưa nay không có mấy khi

Dương trần có Phật vậy thì xuống đây”

                                                     ***

                                    “ Thừa vưng sắc lịnh vủa Trời,

                          Cùng ông Phật Tổ cứu đời khuyên dân”

 

Trần gian có Phật giáng lâm là một ân huệ hiếm có trong đời,là một thông điệp quan trọng, nhằm tiên báo cho nhân loại hằng loạt những sự kiện quan trọng:

- Nước Việt Nam rất hữu phần hữu duyên gặp được cơ tiến hóa.

- Kẻ thiện căn có cơ duyên thoát phàm, nhờ công cuộc chấn hưng Phật pháp chân truyền.

- Cả địa cầu gặp cơ may được tiếp cận một cuộc chuyển đổi nhiệm mầu từ tục hóa ra Tiên: Đổi mới từ tâm thức, tướng mạo con người, mới cả từ Thiên văn, địa vực và sum la vạn loại…nhất nhất đều trở thành cảnh giới Thần Tiên tại thế rất tú kỳ thanh lịch dám sánh  cõi Non Bồng!

 

                        “Bồng Lai cũng dám đến so cân” (Thanh Sĩ).

Cảm thụ sâu sắc máy cơ huyền về sứ mạng thiêng liêng của Đức Thầy, ông Thanh Sĩ đã cảm tác mấy vầng thơ sau:

 

“ Đức Thầy chịu sắc Lôi Âm

Xuống trần len lõi kiếm tầm cứu dân

Bốn quyển Giảng đủ Phật Thần

Cùng là Tiên Thánh lâm trần dạy khuyên

Hợp Tiên thì học theo Tiên

Hợp cùng chư Phật gieo duyên Phật đài

Hợp Thần theo việc thẳng ngay

Hợp cùng Đức Thánh giữ ngay đạo Người

Tùy duyên mà nhủ hết lời

Nghe không tùy ý con Trời tự do”

 

Tìm hiểu về “nhân duyên đại sự” lần chuyển kiếp cuối cùng nầy của Đức Huỳnh Giáo Chủ, mang nặng một trọng trách tối cao là hệ thống hóa tinh lý chân truyền qui nguyên Tam Giáo và hiệp nhứt Ngũ chi ( Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật ) nhằm tận độ cả thảy mọi căn cơ trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam vốn đã sâu duyên cùng Phật Pháp.

 

Phần Tuyên Ngôn trợ thế trong bài Sứ mạng của Đức Thầy có đoạn:

“Nên phương pháp của Ta tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam. Trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh, để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan”.

 

Bằng phương tiện ứng cơ hóa chúng thích hợp thời kỳ, với Pháp môn Học Phật Tu Nhân, được rút gọn từ tinh lý Tam Giáo, tùy duyên khế hợp hài hòa với nền Phong hóa Văn hiến ngàn đời của giống dân Hồng Lạc “Ngọc diệp kim chi”. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dùng Thánh trí siêu phàm lược tả thành một bộ Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ rất mầu nhiệm bằng ngôn ngữ rất thuần Việt rất khế ký, hợp cơ…có sức cảm hóa rất diệu năng và phổ cập đi vào lòng đại chúng một cách thần tốc. Với tính ưu việt thần kỳ ấy, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã trở thành vị Giáo Chủ đầu tiên chấn hưng nền Phật giáo bằng tư tưởng Việt hóa, đưa nền Đạo PGHH trở thành Phật Giáo Việt Nam chính thức có xuất xứ từ cội nguồn dân tộc.

 

Mang tinh thần Phật giáo Thuần Việt, nguồn Kinh Pháp PGHH thích hợp với mọi tầng lớp nhân sinh thượng, trung, hạ và khi ứng dụng hành xử rất thuận lợi trên mọi lãnh vực đạo đời, đủ sức góp phần kiến tạo một xã hội hưng thịnh thái bình và có thể hòa nhập linh hoạt với mọi sự khác biệt về chính trị, văn hóa, phong tục tập quán… cũng như thực trạng của đất nước trong mọi thời kỳ dù loạn hay trị! Bởi nguồn giáo pháp Bình Hòa của PGHH luôn nhắm đến mục tiêu: “Đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc”.

 

Để đạt được các mục đích cao cả trên cho đạo đời vẹn vẻ và thế giới đại đồng hữu hảo. Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên dạy: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Lời dạy trên có thể hiểu tóm lược bổn phận tín đồ gồm có 2 phần căn bản là: Tu thân và hành xử tứ Ân.

                            “Tu thân thiện tín hãy chuyên cần,

                             Lục tự Di Đà giữ tứ Ân.”

 Tương ứng như một hành trình tự giác, giác tha làm phương châm để đi tìm Chân Tánh và khi tín đồ tin tấn chí thành, tất sẽ được ThầyTổ ủng hộ.Về điều nầy trong đoạn cuối bài“Lời Khuyên Bổn Đạo” ĐứcThầy căn dặn:“Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ”.

 Chanh Dien An Hoa Tu 2018 tai Lang Hoa Hao

Ngôi chánh điện chùa An Hòa Tự, tức chùa Thầy tại làng Hòa Hỏa,huyện Phú Tân tỉnh An Giang,Việt Nam.
 

Đại Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ lần 99 năm nay, với quãng thời gian dài nhứt của một đời người. Khiến chúng ta không khỏi nôn nao chờ đợi ngày Đức Thầy trở gót càng thiết tha hơn, với một tấm lòng sắt son thiết thạch mãi mãi đinh ninh chắc chắn có ngày “ Thầy tớ trùng phùng”! Xét về sự hữu hình tuy Đức Thầy vắng mặt đã ngót 71 năm, nhưng khi tìm hiểu kỹ trong Kệ Giảng chúng ta đủ tin rằng: Đức Thầy bao giờ cũng hiện diện quanh ta trong cảnh giới vô hình và thường xuyên vân du khắp nẽo đường trần để thừa hành phận sự thiêng liêng. Sự kiện nầy Đức Thầy cho biết:

 

“Tuy là hữu ảnh vô hình

Chớ dân lòng tưởng sân Trình đáo lai”

Hoặc:          “ Hãy tưởng Phật đừng làm bạo ngược

                         Ta phần hồn dạo khắp thế gian

                      Vào xác trần nước mắt chứa chan

                            Khắp lê thứ nghe lời thì ít”

 

          Chúng ta từng cảm nhận được rằng Đức Thầy lâm phàm lần nầy là lần chót, mà hiện giờ sứ mạng hãy chưa hoàn tất, thì sự vắng mặt chỉ là tạm thời chờ Thiên lịnh. Do vậy sự thương lo cứu độ chúng sanh của Đức Thầy luôn mãi canh cánh bên lòng trước những cảnh tình bi thiết:

 

“Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo

Như vịt con dìu dắt nhờ gà”

Vậy chúng ta cần làm thế nào để vừa đền đáp ơn Thầy được phần nào trong muôn một cho:“Thỏa dạ Thầy nơi chốn mây rồng” mà nghĩa tớ cũng được tròn vuông bổn phận?

Theo thiển nghĩ, thì tình cảnh “Thầy lạc tớ” ví như vịt con không nơi nương tựa, chỉ còn cách tùy thuận vào cảnh đời tạm bợ, vào thế lực trần gian … để giữ Đạo chờ Thầy. Nay đã hơn 70 năm đã khá trưởng thành trong kinh nghiệm đầy gian truân khổ ải, chúng ta cần nên suy gẫm để cùng bàn luận thể nào, hầu tạo nên một sự thống nhứt hài hòa thực hành sát theo Tôn chỉ cho đúng chân truyền và phù hợp với “Thiên cơ đạo lý”.

 

Vẫn biết lâu nay chúng ta đã thấm nhuần Kinh Giảng và tin tấn hành Đạo. Tuy nhiên do thời cuộc đổi thay, hoàn cảnh trắc trở mọi điều, khó tạo thành một thể thống nhứt hài hòa, trái lại còn bị phân hóa rã rời. Thế nên khó tránh việc xa rời Tôn Chỉ Hành Đạo. Đây chính là vấn nạn mà cả cộng đồng cần quan tâm lo liệu nhiều hơn!

 

Đức Thầy thường nhắc nhở:

“Chừng nào bổn đạo rõ thông

Thiên cơ đạo lý để lòng mới thôi”

 

Hoặc:                   “Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”

 

Hay:           “Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta ?”

 

          Đại ý những lời dạy trên có nghĩa là: Đức Thầy rất mong tín đồ thông hiểu Thiên cơ đạo lý thật tinh tường và đinh ninh nhớ mãi trong lòng, rồi đem ra thực hành tu tập chín chắn sẽ đắc đạo, khi ấy chắc chắn sẽ gặp được Đức Thầy.

          Để thực hiện tốt lời dạy của Đức Thầy, thiết nghĩ chúng ta nên thường xem lại quyển “Tôn Chỉ Hành Đạo” và cùng thảo luận đóng góp ý kiến cá nhân đi đến thống nhất hành đạo theo “qui tắc đã định” hầu giữ tròn “danh giá của Đạo Phật”. Về điều quan trọng nầy đã được Đức Thầy cảnh giác và nhắc nhở trong “Lời nói đầu” quyển kinh thứ 6.

 

          “Nhưng gần đây có vài kẻ hiểu lầm, hành động một vài điều không hợp với tinh thần đạo đức, trái với chủ nghĩa từ bi bác ái và sự cao thượng của giáo pháp nhà Phật. Thế nên điều ấy làm cho quyển sách nhỏ nầy ra đời. Vậy từ nay trở đi tôi ước mong rằng với vài điều sơ lược kể ra sau đây, toàn thể thiện nam tín nữ trong đạo sẽ dùng trí tuệ mình, suy gẫm gìn giữ ăn ở theo qui tắc đã định, đặng tránh những việc đáng tiếc xảy ra, hầu giữ tròn danh giá của đạo Phật ?

          Thưa quí đồng đạo !

          Đức Huỳnh Giáo Chủ vì lòng đại bi rộng lớn, đã hạ phàm đản sanh gánh khổ và cứu độ quần sanh lần cuối ở buổi Hạ ngươn này, cũng vì đại sự nhân duyên như Đức Thích Ca và các Đức Phật quá khứ đã làm, khi cơ duyên đã hội đủ. Thế nên trong Sấm, Kinh, Kệ, Giảng…Đức Thầy đã lần lược khai thị tri kiến Phật là trước hết như: Sấm Giảng. (Quyển 1) Ngài tiết lộ cơ huyền, đi dạo lục châu đánh thức nhân sanh tin tưởng Phật Trời và làm lành lánh dữ... (Q2) Kệ Dân Của Người Khùng, gồm nhiều câu kệ bày tỏ nỗi thương cảm dân sanh cùng khổ và chỉ cho cách tu hành thoát khổ… (Q3) Sám Giảng, Ngài phân rành việc đúng sai tà chánh bài trừ mê tín dị đoan và dạy cách sửa trau (ăn năn và sám hối)… (Q4) Giác Mê Tâm Kệ, Ngài dạy phương pháp dùng tâm chơn để khai tâm giác mà phá trừ tâm mê và nâng dần trình độ tu tập của tín đồ rốt ráo hơn lên như : Diệt Lục căn, ngăn Lục trần, Bát Nhẫn, Bát Chánh, Tứ Diệu Đề…khuếch trương pháp Thiền thật tướng vô vi. (Q5) Khuyến Thiện, Ngài dạy về Thiền Tịnh song tu, nhưng chủ yếu là hoằng dương pháp mônTịnh Độ. Năm phẩm Kinh trên Đức Thầy đã khai thị tri kiến Phật có cả ngũ thừa Phật giáo, nhằm giúp tín đồ mở rộng kiến thức, phân biệt chánh tà, tội phước…nhằm từng bước cho tín đồ tỏ ngộ tri kiến chánh pháp vô vi. Từ đấy chuẩn bị tốt cho việc ứng dụng các tri kiến đã cảm thụ ấy vào việc thực hành rốt ráo trong quyển kinh Tôn Chỉ Hành Đạo, hầu tiến tới Ngộ nhập tri kiến Phật, tức sẽ tìm thấy được Chân Tánh của mình ( đắc đạo).

          Quyển Tôn Chỉ Hành Đạo (Q6) là phẩm Kinh sau cùng, đặt nặng phần thực hành rất quan trọng, ví như khuôn vàng thước ngọc làm chuẩn mực, qui tắc đã định làm phương châm tu tập hằng ngày cho tín đồ, để từng bước đạt đến các quả phẩm cao quí, đủ điều kiện đến được 2 cảnh giới Tịnh độ: Hội Long Hoa hay Tây Phương Cực Lạc.

          Nay nhân kỷ niệm Kính Mừng Đại Lễ Đản Sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ lần thứ 99 là một dấu móc đặc biệt, gần tròn một thế kỷ đấng cứu thế giáng phàm và đã hơn 71 năm ngày Chơn Sư vắng mặt. Thiết nghĩ một quãng thời gian trông chờ dài dằng dặc như thế, đủ để thôi thúc chúng ta nỗ lực hơn nữa trong thực hành ngày càng bám chặt theo Tôn Chỉ Hành Đạo, để sớm đạt công thành quả mãn, hầu lập nên kỳ tích xứng đáng kính dâng lên Đức Chơn Sư ngày trở gót, thì không còn niềm hân hoan hỷ hạ nào hơn.

          Nhân mùa Đại Lễ thiêng liêng, xin chân thành kính chúc quí đồng đạo gần xa luôn được vui khỏe, may mắn hạnh phúc và tin tấn hành trì gia tăng Huệ Phước, luôn giữ chặt lòng ngay chánh thật thà và thương yêu lẫn nhau theo tinh thần Hòa Hảo đại đồng. Nguyện cầu Ơn Trên Thầy Tổ cùng Chư Vị Thần Tiên ban bố phước lành cho Đoàn thể PGHH cho Đất nước và cả thảy chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

TP SADEC ngày  22/ 11/ Mậu Tuất ( 2018 )

 

                Kính bút

 

 

         Nguyễn Châu Lang

 

 


HỘI QUÁN PHẬT GIÁO HOÀ HẢO, 2114W. Mc Fadden Ave, Santa Ana Ca, 92604, ĐT: 714-557-7563

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 202411:21 SA(Xem: 369)
Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
07 Tháng Bảy 202410:32 CH(Xem: 1389)
“Nước Nam Việt nhằm cõi Trung Ương, Sau sẽ có Phật Tiên tại thế.” (trích Kệ Dân của người Khùng do Đức Thầy viết năm 1939 tai làng Hòa Hảo, câu 415-416).
04 Tháng Sáu 202410:40 CH(Xem: 1844)
Được biết Đức Bà sương phụ Huỳnh Công Bộ, nhũ danh Lê Thị Nhậm, đản sanh năm 1884 tại xã Long Kiến, tỉnh An Giang và qua đời vào ngày 2 tháng 6 năm 1967.
04 Tháng Sáu 202410:14 CH(Xem: 1805)
Lễ giỗ Đức Ông Huỳnh Công Bộ, thân sinh của Đức Huỳnh Giáo Chủ a được tổ chức vào lúc 10 giờ 30 sáng Chủ Nhật, ngày 14 tháng 4, 2024, tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo, 2114 W McFadden Ave, Santa Ana, CA 92704.
09 Tháng Hai 20241:27 CH(Xem: 3104)
Đức Thầy đã dạy: Chúc mừng năm mới, mới buổi qua, Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà. Tre nêu phơ phất không còn thấy, Ra mắt tiêu mòn buổi thứ ba.
28 Tháng Mười Một 20239:18 CH(Xem: 2258)
Buổi cầu siêu cho 5 đồng đạo và lớp trao đổi giáo lý hàng tuần đã được Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo miền Nam California tổ chức tại Hội Quán 2114 W McFadden Ave. Santa Ana, CA 9704 vào ngày 19-11-2023 vừa qua.
23 Tháng Mười 202312:53 SA(Xem: 5162)
Chủ Nhật 15/10/2023, khi nhận được một bản gốc bài thơ thất ngôn bát cú của cụ Huỳnh Mẫn Đạt, viết bằng tiếng Hán, và được Giáo sư Trần Huy Bích giải thích tận tường, tôi mới gỡ được nghi vấn. Phân tích văn học này là một phần trong buổi lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực tổ chức tại hội quán PGHH số 2114 W. McFadden, Santa Ana, CA 92704.
28 Tháng Chín 202312:55 CH(Xem: 3934)
SANTA ANA. Sáng Chủ Nhật ngày 24 tháng 8 năm 2023, Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) tại Nam California đã tổ chức Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An tại Hội Quán Ban Trị Sự PGHH số 2114 W. Mc Fadden, Santa Ana, CA 92704.
28 Tháng Chín 202311:10 SA(Xem: 3612)
Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo miền nam California tổ chức Đại Lễ Vu Lan vào ngày10 giờ sáng Chủ Nhật 3-9-2023 tại Hội Quán PGHH số 2114 W. McFadden , Santa Ana, California.
13 Tháng Bảy 20235:40 CH(Xem: 3968)
Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm 1939, cách đây đúng 84 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé tại miền Tây Nam nước Việt, làng Hòa Hảo, một vị Bồ Tát, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã khai sáng nên một tôn giáo dân tộc, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
100,000