IX. NHỮNG ĐIỀU NÊN SỬA ĐỔI, TRÁNH HẲN & NÊN LÀM KHI TU TẬP

17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 14190)
IX. NHỮNG ĐIỀU NÊN SỬA ĐỔI, TRÁNH HẲN & NÊN LÀM KHI TU TẬP

Ngày hằng giái ngũ qui tam,
Sắc không, không sắc tánh phàm đổi thay.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ

 

 Tu không cần lạy cần quì,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.

 Trích - Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH

 

 

 

Qua hai câu Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ thì chúng ta cảm nhận được sự dễ dàng của việc tu học ở thời Hạ Ngươn Mạt Pháp này. Nghe qua thì dễ, nhưng hành hay làm theo những điều ấy thì thật không dễ, nó đòi hỏi nhiều ở sự kiên nhẫn, sự chịu khó và sự công phu quân tập đối với người tu học. Nó khó khăn thế nào và thử thách ra sao, đó là điều mà chúng ta nên trắc nghiệm bản thân qua việc hành và làm theo những điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo, để nhận rõ được giá trị của những điều ấy và biết được ý chí phấn đấu của chúng ta ở giai đoạn nào trên con đường tu học. 

 

Như Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên chúng ta nên dẹp bỏ sự vị-kỷ, tánh tình ích-kỷ, dứt những mê tâm, những điều hờn ghét, không nóng-nảy, sân-si, hoặc gây-gổ… để giúp tránh được những nghiệp quả do ý của chúng ta tạo nên. Và chúng ta nên giữ lòng trong sạch, buông bỏ những tánh không hay, để hành theo những gì mà Phật chỉ dạy về sự Hỉ Xả. Và đó là những điều chúng ta nên bỏ hẳn hầu đạt được sự khoan dung bác ái của thuyết nhà Phật, được nói rõ qua những câu sau: 

 

Phải dẹp vị-kỷ mà lo tu hành.

 

Ai muốn tầm Đạo cả cao sâu, 
Thì hãy dẹp tánh tình ích-kỷ

 

Theo học Đạo mặc ai mai-mỉa,
Ta cũng đừng gây-gổ với người.

Sân-si phỏng có điều thêm bận,
Nhẫn-nhịn ắt không chuyện kéo dài.

Tham, Sân, Si chớ để trong lòng, 
Phải giữ lòng cho được sạch trong. 

Rán kiếm chỗ tầm tiên lánh tục,
Người ở đời phải được lòng trong.

Dứt mê tâm dứt điều hờn ghét,
Rán cần chuyên niệm Phật làm lành.
Thường trau-giồi chí-hướng cao thanh,
Cho khỏi thẹn con lành Phật-Giáo.

 

Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng khuyên chúng ta nên bỏ tánh khí hùng, tánh tự cường tự trọng, hay tánh khoe-khoang…, hầu giúp tránh được những hiềm khích, những lao lý của cuộc đời, để thân tâm có được thanh tịnh và luôn được sự thuận duyên trên con đường tu học, hành Đạo, được Ngài cho biết như sau:

 

Đã tu hành đừng có bôn-chôn,
Tưởng hay giỏi khoe-khoang tài cán.

 

Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,
lao lý tấm thân trần-thế.

Bỏ cái tánh tự cường tự trọng,
Gẫm cuộc đời cái bóng theo hình.

Việc đạo-đức bất cần thối thắng,
Chữ tu hiền ngay thẳng lần hồi.

 

Và Ngài khuyên chúng ta nên chừa những tật xấu, sửa tâm ô-tạp, dứt bỏ dục vọng lòng tà, sự giả-dối…, để thân không chịu sự nhiễm của cõi trần, để cõi lòng trong sạch thanh tịnh, để được gần Phật, Tiên, Thần, Thánh và được gặp Tổ gặp Thầy về sau, như ngài cho biết:

 

Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp,
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.

Phải gìn dục vọng lòng tà,
Đừng chìu theo nó vậy mà hư thân!

 

Tu cho nhàn toại tấm thân,
Đừng làm tàn-ác xa lần Tiên bang.

Những thói hư tật xấu phải răn chừa,
Sau sẽ thấy người xưa tường tận mặt.

Rán tỉnh tâm dẹp được lòng tà
Thì được thấy Phật, Tiên, Thần, Thánh

 

Ngài khuyên chúng ta nên ăn nói thiệt thà, nói năng chọn lời, chịu cay đắng, cam chịu tiếng lời…, để giúp tránh được những nghiệp quả do miệng lưỡi tạo nên và giúp chúng ta chịu đựng sự nhục vinh, sự đắng cay, chịu chữ bần tiện, để được trở lại ngay đàng…, được diễn đạt qua những câu sau:

Tín-đồ cùng các chư-tăng,
Từ rày sắp đến nói năng chọn lời.

Bước ra đường ăn nói thiệt-thà,
Dầu khôn-khéo cũng là giả dại.

 

Ai có nói Ta là người quấy,
Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời.

Đây khuyên đó đắng cay rán chịu,
Mặc người trên bận-bịu chẳng phê.

Thân hành đạo đắng-cay phải chịu,
Phận làm người phải liệu cho xong.

Phận tu-hành tai gác mặt lỳ,
Chịu cay đắng của người san-sớt.

 

Chịu cay-đắng tu hành mới giỏi.

Tu hành đâu kể nhục vinh,
Ta làm bổn-phận ngạo khinh mặc đời.

Chữ bần-tiện khuyên dân đừng nại,
Miễn cho ta trở lại ngay đàng.

Và Ngài cũng chỉ dạy cho chúng ta nên tập tánh chơn chấthiền lương, ngay thẳng, giữ đạo bạn bè, tránh điều nhơn ngã, tu rèn tâm trí cao thanh để tâm minh mẫn, gây lấy thiện duyên cùng chư Phật, được nhắc nhở như sau:

Muốn bổn-đạo tánh tình chơn-chất
Rèn lòng hiền thương xót lẫn nhau.

 

Đạo bè bạn bất phân nhơn với ngã,
Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan.

Nhân-ngã, ngã-nhân đừng cách biệt,
Sắc không, không sắc chớ lìa xa.

Ngày hằng giái ngũ qui tam,
Sắc không, không sắc tánh phàm đổi thay.

Lòng phàm rửa sạch niềm nhân ngã,
Phước Phật trau-giồi kết thiện-duyên.

Tánh thuần-lương vẻ mặt vui tươi,
Vậy mới đáng tín đồ Phật-Giáo.

 

Tánh ngay thẳng ta không dời đổi,
Dầu tan xương nát thịt chẳng màng.

Tuy nghèo hèn mà chí cao-thanh
Được hồi-phục nhờ ơn chư Phật. 

Trau dồi đúng bực thanh liêm,
Nữa sau mới biết thành kim đền đài.

Tu rèn tâm trí cho minh,
Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau.

 

Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy cho chúng ta về phụ mẫu thâm ân, là phải dưỡng nuôi, kính trọng và phượng thờ cha mẹ, để đáp đền ơn sanh thành dưỡng dục, ân Tổ Tiên Cha Mẹ. Ngài cũng chỉ dạy về luân lý tam cang, quân thần nghĩa trọng, về trung quân ái quốc, về tứ ân để chúng ta đáp đền ân Đất Nước, ân Đồng Bào, để được tròn đức hạnh, là điều báu-quí…, như Ngài cho biết:

 

Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp,
Quân-thần nghĩa trọng hữu thiên niên.

 

Mẹ cha là kẻ trọng ân,
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.

Hiếu trung truyện tích sờ-sờ,
Người đời phải biết phượng thờ mẹ cha.

Trọng mẹ cha kính nể Phật Trời,
Đừng nhiều tiếng nghinh-ngang mang lỗi.

Câu quân lý tứ ân chạm dạ,
Nếu chẳng gìn phải đọa đừng than.

Tu thân thiện-tín phải chuyên cần,
Lục-tự Di-Đà giữ Tứ Ân.

Rán giữ gìn luân-lý tam cang
Tròn đức-hạnh mới là báu-quí.

 

Tử vì nước còn ghi linh miếu,
Thác vì đời thanh-sử danh bia.

 

Dầu không siêu cũng đặng về Thần,
Nhờ hai chữ trung-quân ái-quốc.

 

 Và ngài cũng đã lên tiếng kêu gọi tất cả chúng ta, là người Việt Nam, là giống Lạc Hồng Thượng cổ, phải tưởng giống dòng và đồng hiệp tâm hiệp trí, để bảo vệ giống nòi dân tộc, để dựng lại cột đồng nhà Nam, để bảo vệ bờ cõi mà Tổ Tiên ta đã đánh đổi biết bao công sức máu đào để tạo dựng nên. Và Ngài khuyên chúng ta phải gầy dựng lại tinh thần buất khuất kiên cường của ông cha của dân tộc, đã quên mình chống ngoại xâm, chống áp bức của ngoại bang và đã tạo nên những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, để con cháu đời sau của chúng ta noi gương. Và Ngài cũng nhắc nhở chúng ta là “đừng chia lìa Bắc tổ Nam tông”, mà chúng ta hãy nên “tha thứ nhau để sống cùng nhau”, được biểu lộ qua những câu sau:

 

Chúng-sanh phải tưởng giống-dòng,
Hiệp tâm hiệp trí cột đồng nhà Nam.

 

Phải chỗi dậy nương dày hùng-tráng,
Chữ đại hùng đại lực từ-bi.

Chớ chia rẽ phải đồng tâm lực,
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.

Cả kêu lớn nhỏ quày vìa,
Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân.

Đừng chia lìa Bắc tổ Nam tông,
Chỉ biết giống Lạc-Hồng Thượng-cổ.

Khuyên dân đừng chia áo rẽ bâu,
Phải hợp tác gieo trồng giống quí.

 

Khắp Bắc Nam Lạc-Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.

Ta nhắc lại héo von cho trẻ,
Cứ đâu lưng đừng rẽ đừng chia.

Ngài chỉ dạy rõ về trách nhiệm bảo vệ bờ cõi giang sơn là trách nhiệm của tất cả chúng ta, dù là cư sĩ tại gia hay xuất gia, vì như Ngài cho biết: “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.” Và Ngài cho biết việc đền đáp ân Đất Nước, trong Tứ Ân như sau: “muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị.” 

 

Những điều vừa qua là những điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo nhằm giúp chúng ta làm tròn nhơn đạo, đó là gốc độ đời. Còn ở gốc độ đạo thì Ngài dùng tiếng kệ lời kinh để dẫn dắt chúng ta trở về với con đường Phật Pháp. Ngài khuyên nên phủi sạch lợi danh, tầm nơi Chánh Giác, nương theo đuốc huệ, thành tâm nguyện cầu để diệt dục lòng, và tội lỗi được mòn tiêu …, như Ngài cho biết qua những câu sau:

 

Rung chuông lành bằng muôn tiếng kệ,
Gọi hồn người hành thiện truy kinh.

 

Muốn cho nên khuya sớm chuyên cần,
Lòng chí nguyện sở cầu Phật Thánh.

Nương theo đuốc huệ tầm chơn-lý,
Lóng tiếng từ-bi diệt dục lòng.

Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,
Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.

Sớm chiều phủi sạch lợi-danh,
Tầm nơi Chánh-Giác cõi thanh đặng về.

Quyết lòng tầm kiếm cõi thanh,
Lánh nơi trần tục học hành đường Tiên.

Kệ-kinh tụng niệm đêm thanh,
Ấy là châu-ngọc để dành ngày sau.

 

Với những điều mà đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy vừa qua, hầu giúp chúng ta sửa đổi những tánh tình không tốt của bản thân để đạt được sự khoan dung bác ái của thuyết nhà Phật, để được thuận duyên trên con đường tu học và để cõi lòng trong sạch, thanh tịnh. Ngài chỉ dạy về phụ mẫu thâm ân, về luân lý tam cang, trung quân ái quốc, về tình đoàn kết để bảo vệ giống nòi dân tộc, bảo vệ đất nước hầu giúp chúng ta trong việc đền đáp Tứ Ân và làm tròn nhơn đạo.

 

Và Ngài cũng khuyên nên nương tựa vào Phật Pháp, nên tụng niệm canh thâu, để tìm nơi chánh giác, nương theo đuốc huệ, hầu giúp có được sự an nhàn ở cuộc sống hiện tại, giúp bồi bổ cho phần tâm linh, và tạo nên những điều báu quý để giúp cho thân sau của chúng ta được tốt đẹp hơn.

 

Nếu chúng ta hành theo những điều trên cùng những phương thức tu tập mà Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên bảo trong quyển Sấm Giảng, Thi Văn, Giáo Lý - PGHH như: làm lành, lánh dữ, cúng lạy, trì chay, giữ giới, bố thí, làm từ thiện, công quả, phóng sanh, tránh Tam Nghiệp, hành theo Bát Nhẫn, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đề, Thập Nhị Nhơn Duyên, Môn Hoàn Diệt, hay hành theo Bốn Đại Đức Của Phật: Từ, Bi, Hỉ, Xả…, đó là những phương thức tu học từ thấp lên cao, hầu giúp cho thân, tâm của chúng ta đồng hành trên con đường tu tập, để đạt được sự kiên nhẫn trong việc công phu quân tập, tinh tấn hành trì, để đạt được Chân, Thiện, Mỹ trên con đường tu học và để tìm đến sự giải thoát cho bản thân.

 

Cầu xin Chư Phật mười phương cùng ơn trên Thầy Tổ gia hộ cho tất cả chúng ta đồng công phu quân tập, tinh tấn hành trì, và cùng trợ lực nhau đi trên con đường tu học, để tất cả chúng ta có được những đôi cánh để cùng nhau được về nơi Cực Lạc, như Đức Huỳnh Giáo Chủ hằng mong ước:

 

Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,

Đồng bay về Cực Lạc một-đàng.

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 Nam Mô A Di Đà Phật.

Ý kiến bạn đọc
22 Tháng Giêng 20176:21 CH
Khách
Nam Mo A Di Da Phat. Rat hay va rat y nghia. Con xin doc moi ngay de hau mong nhin lai sua doi tam tanh Minh. Duoc tot hon. Nam Mo A Di Da Phat
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 11817)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 17333)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 25749)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25765)
100,000