A. NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU-HIỀN

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 8876)
A. NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU-HIỀN

Đạo Phật từ xưa tới nay luôn luôn phân làm hai hạng người:

1- Hạng xuất gia

2-Hạng tại gia

HẠNG XUẤT GIA: Gồm có các nhà sư hay những ni-cô đã hoàn-toàn ly-khai với gia-đình, quê hương, bè-bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh-kệ, săn-sóc cảnh dà-lam, trau luyện đức lành, dồi mài trí-tuệ hầu giảng giải cho bá-tánh, thập phương nghe để quày đầu hướng thiện qui-y Phật pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia-đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là khắp cả nhân loại đại đồng.

Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả thoát kiếp luân-hồi.

HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện-nam tín-nữ chưa đủ những điều-kiện xuất-gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia-đình, với đồng-bào xã-hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni-cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn-sàng hoan-nghinh ca-tụng lý-tưởng từ-bi bác-ái đại-đồng của nhà Phật và luật Nhân-quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện qui-y, giữ gìn ít điều giới-luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng-hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải-thoát.

Đây là hạng người học Phật tu Nhân.

Bàn xét như trên, thấy rằng toàn-thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư-sĩ, học Phật tu Nhân vậy.

Sách xưa có câu: "Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên" (muôn vạn quyển kinh của Phật, Thánh Tiên đều dạy sự hiếu-nghĩa làm đầu). Hôm nay đã qui-y đầu Phật, tu-niệm tại-gia, ta hãy cố-gắng vưng lời Thầy, Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu-nghĩa.

Đức Phật Thầy TÂY-AN thuở xưa thường khuyến-khích các môn nhơn đệ-tử rằng: Muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân ta cần phải hy-sinh gắng-gổ mới mong làm trọn:

1-Ân Tổ-Tiên cha mẹ

2-Ân Đất-Nước,

3-Ân Tam-Bảo,

4-Ân Đồng-Bào và Nhơn-Loại (với kẻ xuất-gia thì ân đàn-na thí-chủ).

ÂN TỔ-TIÊN CHA MẸ: Ta sanh ra cõi đời được có hình-hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ-tiên, nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận biết ơn tổ-tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn sanh tiền, có dạy ta điều hay lẽ phải ta rán chăm-chỉ nghe lời, chớ nên xao-lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân-đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên-lơn ngăn- cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự hòa-hảo trong đệ huynh, tạo hạnh-phúc cho gia-đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa-mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu-thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm-luân.

Còn đền ơn tổ-tiên, đừng làm điều gì tồi tệ, điếm nhục tông môn, nếu tổ-tiên có làm điều gì sai lầm, gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyến chí tu cầu và hy-sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ-đường.

 

ÂN ĐẤT-NƯỚC: Sanh ra, ta phải nhờ Tổ-tiên, cha mẹ, sống ta cũng phải nhờ đất-nước, quê-hương. Hưởng những tất đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền-thụ, ta cảm thấy bổn-phận phải bảo vệ đất-nước khi bi kẻ xâm-lăng giày đạp. Rán nâng-đỡ xứ sở quê-hương lúc nghiêng-nghèo, và làm cho được trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ-cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc-gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài tùy sức, nỗ-lực hy-sinh cho xứ-sở. Thảng như không đủ tài lực đảm-đương việc lớn, chưa gặp thời-cơ giúp đỡ quê-hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ-xuất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất-nước.

Đó là ta đền ơn cho đất-nước vậy.

ÂN TAM-BẢO: Tam-Bảo là gì ? Tức Phật, Pháp, Tăng.

Con người nhờ tổ-tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất-nước tạo kiếp sống cho mình, ấy về phương diện vật chất.

Về phương diện tinh-thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai trí mở óc cho sáng-suốt. Phật là đấng toàn-thiện, toàn-mỹ, bác-ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh-linh ra khỏi trầm-luân khổ-hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng, đặng đem nền Đạo cả của Ngài ban-bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại-đệ tử của Đức Phật vậy. Bởi vì Đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta phải kính trọng Phật, hãy tin-tưởng và tín-nhiệm vào sự-nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những lời chỉ dậy do các chư tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm-mầu, lòng quảng-ái của Phật đối với chúng-sanh, đã kính trọng sùng-bái Ngài, đã hành-động đúng theo khuôn-khổ Ngài đã dạy và đã vun-trồng bồi đắp cho nền Đạo được phát-triển thêm ra, xây dựng một tòa lâu đài Đạo-hạnh vô thượng vô song roi truyền mãi mãi với hậu thế.

Nên bổn-phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm sao trí-tuệ minh-mẫn đặng đi đến con đường giải-thoát, dẫn dắt giùm những kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế mới chẵng phụ công trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

ÂN ĐỒNG-BÀO VÀ NHÂN-LOẠI : Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp-đỡ những kẻ xung-quanh và cái niên-kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ-nhõi càng tuần-tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong-vũ. Vui-sướng, ta đồng hưởng với họ. Hoạn-nạn, họ cùng chịu với ta.

Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thi thành lại làm một: ấy Quốc-gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng-bào vậy.

Đồng-bào ta và ta cùng chung một chủng-tộc, cùng một nòi-giống roi truyền, cùng có những trang lịch-sử vẻ-vang oanh-liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy- biến, cùng chung phận-sự đào-tạo một tương-lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang-san đất nước. Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng-bào, hay có đồng-bào mà không có ta. Thế nên ta phải ráng giúp đỡ họ hầu đền đáp cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

Chẳng những thế thôi, ngoài-đồng bào ta còn có thế-giới, người đang cặm cụi cần-lao cung cấp những điều nhu-cầu cần-thiết. Họ là nhân-loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa-cầu. Nếu không có nhân-loại, thử hỏi dân-tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự-túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ-loi đương đầu với những khi phong-vũ nhiệt hàn với những lúc ốm đau, nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên dân-tộc ta phải nhờ đến Nhân-loại, nghĩa là nhờ đến dân-tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng-chủng mình.

Vả lại, cái tính từ-bi bác-ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm-huyền quảng-huợt. Cái tính ấy nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biêt chủng-tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã-hội mà chỉ đặt vào một Nhân-loại Chúng-sanh.

Thế ra không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng-bào mình gây ra tai-hại cho các dân-tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư-tưởng nhân-hòa một tinh-thần hỉ-xả và hãy tự xem mình có bổn-phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Đối với những kẻ xuất-gia qui-y đầu Phật, phụ vào những ân-huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực-tiếp chịu ân các đàn-na thí-chủ, nghĩa là những thiện-nam tín-nữ có hảo tâm cung-cấp những vật dụng cần-thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống, rốt lại họ phải nhờ đến sự nuôi dưởng hoàn-toàn của những kẻ tốt lòng.

Với quần-sanh, họ mang cái ơn rất nặng, cho nên họ phải dìu-dắt sinh linh đi tầm Chân-lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu-cố của thiện-tính.
Ý kiến bạn đọc
22 Tháng Giêng 201710:06 SA
Khách
Đọc những mẫu chuyện của Đức Thấy rất hay và bộ ích cho tôi !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000