3. Tâm Trí dung thông.

24 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8145)
3. Tâm Trí dung thông.

Như đã bàn xét từ đầu sách đến đây, chúng ta luôn luôn được thấy có sự phân biệt giữa trí và tâm; đó là một sự phân tách để giảng luận, một cách chia cắt để tìm đường gội rửa trau dồi chứ thực ra, người tu nếu đơn phương hành động, thì không thể đắc đạo.

Phải thực hành cả hai, phải vừa tu tâm mà cũng vừa luyện trí, thứ nhất là trước phải trau rèn cái tâm, thì theo đó trí tuệ mới có thể phát khai được.

Ngài Đàm Hư Đại Sư đã chỉ rõ sự quan hệ giữa trí và tâm. Ngài đã khai thị cho chúng ta rằng trí không sáng là do tâm còn mê, do bụi trần làm vẩn đục. Đây là lời của Ngài :

“Bát nhã, tức Trí Tuệ, vốn sẵn có đầy đủ ở nơi chúng ta từ không biết kiếp nào cho đến bây giờ, vì thế mới gọi là cái sáng suốt vốn có.Không biết chúng ta sai lầm, mê đắm thế nào mà để cho Chân Tâm bị bụi trần làm mờ tối, nhân đó mà vọng tâm nổi lên thay thế, khiến chúng ta trôi lăn trong vòng sanh tử muốn vượt lên khỏi thật là khó khăn” (Bát nhã nguyên vi vô nhân vô lượng kiếp lai sở bổn cụ, thử sở vi túc huệ. Vô nại vô nhân mê hoặc chấp trước. Chân tâm toại nhĩ mông trần, vọng tưởng tâm nãi thủ nhi đại chí, do thị lưu chuyển sanh tử, siêu thoát duy nan).

Xét chung, ta thấy trí tuệ là chân tâm, là ánh sáng diệu quang sẵn có của mọi người, mà chân tâm cũng chính là trí tuệ do con người tu tập thiền định, hoặc thực hành giới, định, huệ mà nên. Hành giả một khi đã “hành thâm bát nhã ba la mật đa” tức đã đi sâu vào cái sáng suốt triệt để, thì trở nên người trí theo ý nghĩa Đạo Phật. Mà trí có khai mở là nhờ ở định tâm. Bấy giờ mình có thể “tự tánh tự chiếu”, nghĩa là tự lấy đài gương trong lòng mình mà tự soi lòng mình, hoặc như muốn nói “minh tâm kiến tánh”, hoặc như muốn nói “hồi quang phản chiếu, cũng đều có ý nghĩa tương tự như nhau.

Đức Giáo Chủ P.G.H.H cũng thường dạy phải trau tria cùng một lúc giữa hai món trí và tâm. Đó là cách dung thông tâm trí. Ngài từng trình bày nhiều nơi trong Giảng kệ :

Ráng tu cho quỉ kiếp thần khâm
Được tâm phát bồ đề vững chắc
Giữ đừng cho ma vương dẫn dắt
Thường nhớ câu đại lực đại hùng
Thắng thất tình giữ vẹn đạo trung
Trừ lục dục chớ cho ô nhiễm
Thập tam ma diệt bằng trí kiếm
Rứt xong rồi vô sự thảnh thơi
(Khuyến Thiện)

Nếu tĩnh tâm nào có mấy hồi
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác
(Giác Mê Tâm Kệ)

Trong bài luận về bát chánh, khi giảng về Chánh tư duy, Đức Thầy có đề cập song hành phép rèn tâm trí. Ngài bảo “tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng cho thanh cao, trí ráng tìm chân lý”.

Cũng như thế đó, chúng ta thấy rất nhiều lần, Đức Giáo Chủ dạy phải hòa hợp công việc luyện trí, tu tâm, sửa tánh :

Nếu đã tĩnh tâm tầm lẽ thẳng
Cũng nên rèn tánh gặp đàng ngay
(Tỉnh Bạn Trần Gian)

Rày tỉnh ngộ ái hà quyết dứt
Đèn đạo tâm sáng rực soi đường
Cầu tu cho đạt ngũ hương
Hươi gươm trí huệ ma vương hãi hùng !
(Tặng Cò Tàu Hảo)

Và nhất là:

Mài gươm trí cho tinh cho khiết
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không
(Giác Mê Tâm Kệ)

Để kết thúc tập tiểu luận nầy và cũng để vững thêm niềm tin tưởng, chúng ta nhớ lại một truyện cổ Ấn Độ, kể về sư tử và đàn cừu.

Một con sư tử mồ côi được đàn cừu nuôi dưỡng ngay từ khi mới lọt lòng. Sư tử vì tập nhiễm nên vẫn ăn cỏ và sinh hoạt y hệt như loài cừu. Đến một ngày nọ, đàn cừu bị một con sư tử già đuổi bắt, chúng cùng nhau chạy trối chết kể cả sư tử non. Sư tử già lấy làm lạ cho trạng thái của sư tử non, nên quyết lòng khám phá sự thật.

Một buổi trưa, cậu cừu non gốc là sư tử đó, đang ngủ say, thì sư tử già kịp lẻn đến vồ lấy, không sao thoát được. Sư Tử non hốt hoảng, chắc mình không khỏi chết. Nhưng sư tử già nhanh nhẩu lôi sư tử non đến bờ suối tỏ ý bảo nhìn xuống thì biết. Sư tử non thấy mình cũng đầu bờm nanh nhọn, cũng uy phong lẫm lẫm giống như sư tử già. Bây giờ mới nhận ra sự thật; mình là sư tử chớ không phải cừu, cậu ta mới gầm lên, diệu vũ dương oai và dũng lực không kém sư tử già.

Câu chuyện ngụ ý cho biết trong mỗi con người chúng ta đều có chân tâm (Phật tánh) nhưng vì tập nhiễm và vô minh, làm ta bỏ mất cái quí vốn tự nhiên sẵn có nơi ta, cũng như sư tử non vì tập nhiễm sinh hoạt của loài cừu mà quên mất chân tính của mình. Nếu nay ta biết chắc và tin chắc rồi cố sức tu tỉnh, thì làm gì lại không được hườn nguyên phản bổn !

Một khi tâm trần lặng dứt, trí sáng đã tinh, người tu được coi là tâm trí dung thông, họ sẽ tự khắc được thấy huệ nhất hiện lên sáng suốt. Đến đây, chẳng những cái thân tâm ngũ uẩn không còn, mà luôn cả vũ trụ vạn hữu cũng lặng mất với chơn như, bấy giờ tâm hồn sẽ an trụ trong cảnh giới vô vi, ngao du trong cõi an lạc tự tại, còn lo gì phải rơi rụng trong tam đồ lục đạo.

Tĩnh Đạm Các, Quí Đông Kỉ Dậu (1970)

NGUYỄN VĂN HẦU
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000