Hình ảnh : Đồng đạo đến làm lễ trước bàn thờ của Đức Ông
Nguyễn Huỳnh Mai
Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California trang trọng tổ chức Ngày Giỗ Đức Ông Huỳnh Công Bộ, thân phụ của Đức Huỳnh Giáo Chủ vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhựt 12 tháng 4 năm 2015 , nhằm ngày 10 tháng 5 năm Ất Mùi tại Hội Quán PGHH, 2114 W Mc Fadden Ave , Santa Ana. CA 92704 .
Buổi lễ có sự hiện diện của quý vị niên trưởng PGHH, những người đã có cơ duyên diện kiến Đức Tôn Sư như đồng đạo niên lão Nguyễn Minh Thiện, nguyên Viện Trưởng Viện Phổ Thông Giáo Lý của Ban Trị Sự Trung Ương trước năm 1975 và cụ bà Nguyễn Hòa An, cố vấn Ban Trị Sự cùng đồng đạo cư ngụ trong vùng và đến từ thành phố San Diego.
Sau nghi thức tôn giáo trước Ngôi Tam Bảo, đồng đạo đến làm lễ trước bàn thờ của Đức Ông, để tạ ơn công đức Đức Ông đã hướng dẫn tín đồ sau khi Đức Thầy vắng mặt và nguyện noi gương Đức Ông Đức Bà quyết chí tu theo giáo lý PGHH để được an lạc và giải thoát.
Ông Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng BTS PGHH phát biểu trong ngày giỗ như sau:
Đức Thầy là một vị Phật vì muốn cứu độ chúng sanh nên đã thị hiện lâm phàm và nhiều tiền kiếp Ngài cũng là người Việt Nam như lời thố lộ của Ngài trong bài Sứ Mạng do chính tay Ngài viết. Ông cho rằng một vị Phật lâm phàm trong gia tộc họ Huỳnh thì không phải là sự ngẫu nhiên mà là đã có nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp. Khi lâm phàm Đức Thầy cũng phải có xác thân để hoằng pháp độ đời dìu dắt nhân sanh, và phần xác nầy đã được Đức Ông Đức Bà chăm sóc lo lắng nhất là khi Ngài bị bệnh trước khi hoát nhiên tỏ ngộ.
Ông nhấn mạnh, ngày nay chúng ta được học giáo lý PGHH, nghe được lời dạy của Đức Thầy để biết lo tu hiền, chúng ta phải nhớ ơn Đức Thầy , đồng thời chúng ta phải thọ ơn đấng sanh thành ra Ngài. Như chúng ta đã biết có rất nhiêu tấm gương vãng sanh của tín đồ PGHH đủ chứng nghiệm cho ta thấy sự vi diệu của giáo lý Học Phật Tu Nhân mà Đức Thầy truyền bá xiễn dương .
Công Đức sâu dầy của Đức Ông đối với tín đồ PGHH không sao kể hết, đặc biệt trong các giai đoạn từ 1945, 1946 và 1947, nhất là sau khi Đức Thầy vắng mặt, PGHH bị mang một đại nạn, một tai kiếp khủng khiếp, tín đồ PGHH đã bị VM tàn sát khắp nơi, nhất là những nhà nào có thờ tấm trần điều hay trần dà, biểu tượng của tín ngưỡng Bữu Sơn Kỳ Hương hay PGHH. Ngoài ra cũng trong khoảng thời gian này hàng triệu tín đồ sống trong các vùng mất an ninh đã dùng thuyền bè quy tụ về làng Hòa Hảo để lánh nạn và phần lớn đã định cư tại đây, nên nơi này được tín đồ gọi là Thánh Địa Hòa Hảo.
Đức Ông đã thay Đức Thầy bảo bọc che chỡ cho tín đồ đã hướng dẫn họ cả về mặt xã hội , kinh tế, văn hóa giáo dục và tín ngưỡng lẫn phát triễn tôn giáo. Đức Ông rất nghiêm khắc, công bình và ban kỷ luật nghiêm minh nhờ đó mà vùng Hòa Hảo rất bình yên trật tự, ban đêm nhà không đóng cửa mà không hề có trộm cướp vì mọi người được học giáo lý đức dục từ tiểu học đến trung học.
Kể từ khi Đức Thầy khai đạo thì tệ nạn xã hội giảm đến tối thiểu. Những sòng bạc trở nên nơi tu học hay độc giảng đường. Một xã hội suy đồi trở nên một đạo tràng rộng lớn khắp vùng.
Tiếp theo là phần nói chuyện của đồng đạo Trần Văn Bé Cao, cũng là người sanh ra và sống tại Thánh Địa cho đến lúc được định cư tại Hoa Kỳ. Ông cho biết hiện Phủ Thờ họ Huỳnh cách Tổ Đình khoảng 4 cây số gần nhà ông Chủ Bó, phía ngoài có miếu đôi. Đồng đạo Bé Cao cho biết thêm nguồn gốc của Đức Ông ở xã Kiến An, quận Chợ Mới , tỉnh An Giang, nội tổ của Đức Ông trước làm quan, hiện mộ của nội tổ Đức Ông vẫn còn tại đây. Đồng đạo Bé Cao từng chứng kiến mỗi khi có lễ lớn tại Tổ Đình PGHH, đều có thân nhân họ Huỳnh từ Kiến An đến tham dự đứng ở hàng đầu gia tộc.
Trước khi Đức Thầy ra đời Đức Ông là ông Cả của làng Hòa Hảo. Làng được chia làm 2 là thôn Mỹ Lương phía trên và phía dưới là thôn Mỹ Hòa. Trước kia , khi Đức Phật Thầy về vùng nầy thì có bệnh dịch đang hoành hành , Ngài đã khuyên nên sáp nhập lại một thành thôn Hòa Hảo và dời Đình về đó thì dân chúng sẽ bình an.
Làng Hòa Hảo có 11 ấp. Từ Phú An xuống Chợ Mỹ Lương là ấp Thượng Một. Từ Mỹ Lương đến giáp chùa Cây Xanh là ấp Thượng Hai. Từ nhà Đức Ông xuống đến ngã ba Tấn Lễ là Ấp Thượng Ba. Ấp Trung 1 từ ngã ba Tấn Lễ đến Chợ Đình . Ấp Trung 2 là cồn dài 3 cây số. Ấp Trung 3 từ chợ Đình qua An Hòa Tự. Tiếp theo là Ấp Mỹ Hóa 1, 2 và 3. Cuối cùng là Ấp Hậu Giang 1 và 2.
Làng Hòa Hảo có 3 chợ: Chợ Đình, chợ Mỹ Lương và chợ Nhân Hòa. Sau 1975 có thêm chợ Phú Hưng mới thành lập. Thánh Địa Hòa Hảo có 3 xã: xã Hòa Hảo trên 10 cây số, xã Phú Hưng và Phú An từ chợ Vàm đến Mương phèn.
Làng Hòa Hỏa nằm giữa hai con sông. Trước Tổ Đình là sông Tiền Giang, phía sau là sông Hậu Giang có phà đi sang Châu Đốc, chỗ hai dòng sông Tiền và Sông Hậu bị cắt ngang được gọi là sông Vàm Nao. Thánh địa Hòa Hảo được xem là một trong những địa linh nhân kiệt vì nằm bên dòng sông Cữu Long dưới chân dãi Thất Sơn mầu nhiệm.
Theo ông Bé Cao, làng Hòa Hảo nơi sanh trưởng của Đức huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo thời tiết rất tốt, giao thông đường bộ và đường thủy đều rất thuận tiện nên mỗi lần lễ đạo, nhất là Đại Lễ Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, hàng triệu người về tham dự , là một lễ Hội lớn nhứt ở Miền Tây , gây nên một cảnh tượng vô cùng sinh động với quang cảnh trên bờ thì hàng trăm hoa đăng xa (dưng cộ), dưới sông thì hoa đăng thoàng (bè thủy lục) được trang hoàng lộng lẫy, đèn điện sáng choang biểu diễn. Thật là một hình ảnh vô cùng kỳ ảo không làm sao nói hết được và không làm sao tìm lại được .
Tiếp theo là phần trao đổi giáo lý, đồng đạo Trần văn Bé Cao thuyết tình về đề tài Thập Nhị Nhân Duyên trong giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo.
Buổi lễ chấm dứt bằng buổi cơm chay thân mật đượm tình đồng đạo nơi đất khách quê người. Mọi người đều cùng nhau nhắc nhở những kỷ niệm êm đềm khó quên khi sống trong không khí bình an đạo vị nơi Thánh Địa Hòa Hảo thân yêu.
Hình ảnh: Đồng đạo Bé Cao đang nói về làng Hòa Hảo