Nét đặc sắc của Phật Giáo Hòa Hảo

13 Tháng Giêng 201711:32 SA(Xem: 28356)
Nét đặc sắc của Phật Giáo Hòa Hảo
 1 Dai Le Khai Dao PGHH Ban Dem 2016
  PHAN THANH NHÀN
(trích Tập San Tinh Tấn số 23)

 
Đạo Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng từ năm Kỷ Mão (1939) trong dòng lịch sử cận đại của dân tộc, một nền đạo quy nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng lễ mễ, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hóa nhân sinh.

         Vài nét đặc trưng về Đức Huỳnh Giáo Chủ: vừa học hết bậc Tiểu học thì đau ốm liên miên nên Ngài phải rời nhà trường về nhà dưỡng bịnh. Bịnh tình của Ngài không có một lương y nào trị được. Cho đến năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất Sơn và Tà-Lơn (vùng núi non linh thiêng hùng vĩ), Ngài tỏ ra đại ngộ và chính thức mở Đạo.

         Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài có học thuốc với ai đâu, thế mà Ngài chữa đâu hết đó. Ngài chữa lành được các chứng bịnh hiểm nghèo với các phương pháp thật đơn giản là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến các bác sĩ Tây y, các Đông y, các phù thủy có tiếng chữa các bịnh tà đều phải kinh dị.

         Song song với việc chữa bịnh, Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều văn gia, thi sĩ cũng như trong giới luật gia đến chất vấn, đều công nhận Ngài là bậc siêu phàm.

         Đây là lời nhận định của ông Nguyễn Xuân Thiếp tức thi sĩ Việt Châu: “Con người đó thật kỳ dị. Mỗi ngày ngồi xe hơi đi mấy trăm cây số, diễn thuyết hai ba nơi, mỗi nơi nói thao thao bất tuyệt trong hai ba giờ giữa trời trước một đám đông nông dân hằng ngàn người, ai nấy im phăng phắc như nuốt từng lời một, có kẻ khóc mướt nữa. Có lần đương diễn thuyết thì trời đổ mưa, Thầy Tư (tức Đức Huỳnh Giáo Chủ) vẫn nói mà dân chúng vẫn đứng nghe dưới mưa. Lần nào diễn thuyết xong rồi cũng lên xe đi nơi khác liền, không thấy mệt nhọc, vẫn ung dung làm thơ. Mà ăn rất ít, toàn đồ chay. Sinh lực sao mà dồi dào thế ! Sức lôi cuốn, thôi miên quần chúng sao mà mạnh thế”.

         Văn chương của Đức Huỳnh Giáo Chủ rất bình dân, nhưng hàm súc, hấp dẫn với lối truyền giáo bằng thi ca là thích hợp nhất cho quần chúng đa số là nông dân ít học, vì dễ nghe, dễ nhớ, đơn cử một vài vần thơ sau đây:

                        Non sông rực rỡ chói ngời,

                Mảnh gương Phật đạo soi đời cổ kim.

         Hay:

                       Theo đòi gương phẩm Thích Ca,

                Dốc đem tâm trí tìm ra đạo mầu.

         Hay:

                       Giúp đời đừng đợi trả ơn,

                Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng.

         Hay:

                       Đạo vô vi của Phật ân cần,

                Nối theo chí Thích Ca ngày trước.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ viết không cần giấy nháp và cũng để cho người đời thấy rằng Ngài là bậc siêu nhân, dù cho sự học ngoài đời chỉ hết Tiểu học, nhưng mà các bài Sấm Thi của Ngài dùng rất nhiều từ Hán-Việt, từ Phật học chứng tỏ một trình độ Phật học cao, một sự vận dụng kho từ Hán-Việt phong phú.

         Giáo pháp của Đức Huỳnh Giáo Chủ là siêu thượng nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ không gian và thời gian trên cõi đời nầy. Ngài là một nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại, vì trước khi Ngài ra đời khai Đạo, Phật Giáo Việt Nam bị đình đốn, sai lạc và đạo Phật thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài chủ trương cắt bỏ những nghi thức phiền toái không đi đúng theo căn nguyên của Đức Phật Thích Ca Thế Tôn. Những nghi thức vô bổ cùng những hình thức lễ bái bề ngoài không phải là giá trị và ý nghiã thực sự của tôn giáo. Không có sự tin tưởng và thực hành một cách mù quáng. Mọi vật đều được trình bày và mở rộng ra để người tín đồ tự do lựa chọn và phán đoán. Họ được tự do nghiên cứu và tìm hiểu những lời dạy dỗ của vị Thầy và đồng thời họ cũng được tự do hỏi để hiểu thấu đáo những điều gì họ còn nghi ngờ. Phật Giáo Hòa Hảo còn canh tân nhiều điểm trong phương thức hành Đạo mà trước kia không hề có, Ngài nói: “Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị”. Ngài cũng nói: “Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy Chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian nầy còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó, Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thiệt hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại”.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ khẳng định cốt lõi giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo chính là giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Phật Giáo Hòa Hảo tự nhận là kế tục của đạo Phật:

                          Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

                          Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp.

                          Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,

                          Chấp bút thần tả ít bổn Kinh.

         Hay:

                           Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,

                          Nên truyền ban cho chúng sanh tường.

         Hay:

                          Đạo vô vi của Phật ân cần,

                          Nối theo chí Thích Ca ngày trước.

         Hay:

                          Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,

                          Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.

4 Dai Le Khai Dao PGHH Ban Dem 2016

         Đức Huỳnh Giáo Chủ cho bá tánh vạn dân hiểu rõ về đời hành Đạo của Ngài như sau: “Với sự hành Đạo của tôi cảnh sống nào tôi cũng có thể sống được. Cái hành Đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành Đạo của mình, chớ những sự tùy tiện về vật chất đối với tôi, không có nghiã lý gì hết”.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ theo đúng phương châm “Ngôn hành hiệp nhứt”, nói gì làm vậy:

                                   Muốn cho dân hiểu Đạo mầu,

                           Cũng không có muốn chùa lầu cho cao.

                                   Bao nhiêu cũng biết vàng thau,

                           Dạy khôn trần thế chớ nào dạy ngu.

         Hay:

                                   Không ham danh lợi giàu sang,

                           Mong cho bá tánh được nhàn tấm thân.

         Hay:

                                   Cũng không có muốn hoa hòe,

                           Lầu cao sơn phết cũng là chẳng ham.

                                   Ai chê khờ dại cũng cam,

                           Chớ tôi cũng chẳng có ham lầu đài.

         Hay:

                              Thần cũng chẳng say mê chùa tháp,

                           Chẳng tham tiền, tham vật, món chi chi.

                              Hơn năm dư quyết chí duy trì,

                           Truyền sanh chúng phải kính thờ Trời, Phật.

         Ngài khẳng định:

                           Tới với Ta chớ đem đồ cúng,

                          Chỉ đem theo hai chữ thành lòng.

                          Chẳng có cần trà quả hương nồng,

                          Mong sanh chúng từ lòng hối ngộ.

         Trong thời gian kể từ ngày khai Đạo dạy đời cho đến khi Ngài tạm xa vắng tín đồ, có ai thấy Ngài xây chùa cao Phật bự hay Ngài ở nơi nhà cao cửa rộng có kẻ hầu người hạ không? Điều đó chứng tỏ rằng Ngài đã:

                                   Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.

                                           Chí toan gieo giống Bồ Đề,

                          Kiếm người lương thiện dắt về Tây Phang.

         Ngài xác định:

                                  Chẳng cần ai bái lạy khẩn cầu.

                                  Bỏ dị đoan mới thấy Đạo mầu,

                                  Bớt giả dối gặp người Thượng Cổ.

         Và Ngài dạy: “Chỉ thờ lạy Đức Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến THẦY mình cũng vậy, chỉ xá thôi”.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ không chỉ rao giảng giáo lý mà toàn bộ cuộc sống của Ngài là hiện thân của giáo lý đó. Không chỉ rao giảng hòa hiếu mà thực sự Ngài sống hòa hiếu, vì vậy lời giảng và cuộc sống hòa hiếu của Ngài đã đi sâu vào lòng của quần chúng, nên họ cũng muốn sống hòa hiếu như Ngài:

                          Gẫm xác trần còn cách cội thung,

                          Đâu có được giũ mùng quạt gió.

                          Cơn mừng vui nào ngờ lũ ó,

                          Vội bay ngang rồi xớt đi luôn.

                          Chữ ngậm ngùi lụy ngọc ứa tuôn,

                          Nào phải giống chim muông điểu thú.

                          Lìa quê hương quên câu nghĩa cũ,

                          Bởi xác phàm hấp thụ đã lâu.

                          Cuộc lung tung rối rắm trời Âu,

                          Nên còn ngại bước đường trở gót.

         Hay:

                                  Nghĩ mình chọn kiếp con hoang,

                          Quê hương rày đã dặm tràng sơn xuyên.

                                  Tổ đường còn một cành huyên,

                          Từ đường hôm sớm luống phiền chờ trông.

                                  Hai em thiểu trí thơ đồng,

                          Chị đà an phận theo chồng đàng xa.

                                  Từ mang một tấm áo dà,

                          Mùi thiền đã thắm ơn nhà lợt phai.

                                  Sống sanh ra phận râu mày,

                          Một đời một Đạo đến ngày chung thân.

                                  Tuy là xa cách cố nhân,

                          Nơi đời tríu mến sớm gần cửa không.

                                  Từ bi buộc chặt cõi lòng,

                          Còn ơn cúc dục để hòng mai sau.

         Dù xa quê hương, nhưng khi Tết đến Ngài cũng không quên chúc phúc tông gia. Ngài nói: “Ngày Tết đến, nương mực viết thay lời, trước kính bái tông đường, sau chúc mừng ông bà đặng muôn điều hạnh phúc. Sau có  hai bài thơ xin ông xem chơi cho rõ điều tâm sự”, là bài thi Đức Thầy gởi ông Mười (chú Đức Ông):

                          Xuân đến chúc mừng tuổi thúc ông,

                          Đàng xa không thể viếng môn tông.

                          Câu thơ cao hứng thay bầu rượu,

                          Bài phú vui mừng thế chậu bông.

                          Đạo đức gắng công nên cách mặt,

                          Văn chương rèn chí chẳng phai lòng.

                          Ơn nhà tạm gác sau nầy trả,

                          Xin bớt đau lòng bớt ngóng trông.

                                           

                          Trước đã đem thân hiến Phật đài,

                          Chắc rằng sẽ được buổi trùng lai.

                          Ra công khai hóa vì nhân chủng,

                          Nhọc sức mở mang bởi cốt hài.

                          Sanh đấng nam nhi toan xử thế,

                          Sống làm hiền triết nghĩa gồm hai.

                          Thuận hòa trăm họ đời an lạc,

                          Chừng ấy xe tiên thế dép giày.
7 Dai Le Khai Dao PGHH Ban Dem 2016

         Là người trên thế gian nầy, dù là tín đồ hay không tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ai lại không muốn sống hiếu thuận với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ai lại không muốn sống hài hòa với mọi người trong làng nước, láng giềng. Đức Huỳnh Giáo Chủ lấy tự thân mình làm gương sáng giáo dục cho người khác, cho nên mỗi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều theo gương sáng của Đức Tôn Sư của mình, họ đều thực hành thuyết Tứ Đại Trọng Ân, sống hòa hiếu với mọi người trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Mỗi tín đồ, họ cũng là nhà truyền giáo không chỉ bằng lời nói mà bằng cuộc sống cả đời của họ, cuộc sống hằng ngày của họ.

         Nhờ giáo pháp thích thời đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hàng triệu tín đồ ở miền Nam nước Việt và ảnh hưởng càng ngày càng thêm rộng ra. Đây là điểm thành công vượt trội của Phật Giáo Hòa Hảo.

         Phật Giáo Hòa Hảo ra đời với sứ mạng cứu vớt, như lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

                                     Ai ra nâng đỡ sơn hà,

                           Ai ra cứu vớt nước nhà lâm nguy.

         Hay:

                                  Nghiêng hai vai gánh nặng non sông,

                                   Vớt trăm họ lầm than bể khổ.

         Hay:

                                   Đừng làm tàn ác ham gây,

                           Sẽ có người nầy cứu vớt dùm cho.

         Hay:

                           Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma,

                          Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế.

                           Nên ta mới ra tay cứu tế.

                           Kẻo chúng sanh bịnh khổ quá chừng.

         Hay:

                           Cũng nhận được trần hoàn là khổ hải,

                           Dốc tầm đường phóng giải cho thân tâm.

                           Dìu nhơn sanh khỏi chốn mê lầm,

                           Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới.

         Hãy đọc qua toàn bộ Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ với tấm lòng thiết tha yêu thương nòi giống, yêu thương nhơn loại, chúng ta thấy ở đó những gì cần phải học, cần phải biết, những gì cần cứu vớt. Mà việc trước tiên là tự cứu vớt bản thân chúng ta đang chìm đắm trong hôn mê, trong đường danh nẻo lợi, rồi đến cứu vớt dân tộc đang phân hóa do trào lưu tư tưởng tiến bộ Tây phương tràn vào xung đột lẫn nhau.

         Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, những người tỏ ra yêu nước thương nòi là bị thực dân kềm chế hay bắt bớ tù đày. Còn đa số được gọi là dân trí thì mải mê theo danh lợi lãng quên sự nghiệp tổ tông. Chỉ khối dân quê đông đảo nhất, thuần phác, giữ được nhiều đức tính dân tộc thì lại dốt nát, sống cơ cực, làm chẳng đủ ăn, không người lãnh đạo. Vậy mà suốt dòng lịch sử, khối dân quê nầy là chủ động cho bao cuộc phục hưng dân tộc bằng cách cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực.

         Vì lý do đó, Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện ngay trong lòng nông dân để giác ngộ họ, giúp họ tiến lên tự giải thoát lấy mình, phóng giải dân tộc rồi góp phần vào việc giải thoát nhơn loại.

         Cho nên việc đầu tiên phải gây cho họ một lòng tin ở mình, ở dân tộc mình bằng cách phác họa cho mọi người một lý tưởng nhơn sinh. Lý tưởng đó Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo tổng hợp ba luồng tư tưởng lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật, tinh thần nhơn ái của Khổng Tử, tinh thần tiêu dao không màng danh lợi của Lão Tử, được phô diễn trong lời vàng tiếng ngọc, khi thì như hiệu lịnh, khi thì như nhắn nhủ khuyên răn, khi thì như cảnh báo được nhìn thấy trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Ngài:

                           Thức tỉnh nhơn dân đang mờ ám,

                          Nên làm thi phú đặng ngâm nga.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ dùng văn thơ đi thẳng vào lòng người, cho mọi người thấy cảnh khổ não của xã hội Việt Nam và toàn nhân chủng, rồi giác ngộ họ tìm đường giải thoát, đó là chủ trương đại bi và đại giác. Khi con người có giác ngộ rồi, ai nấy đều phải lo làm tròn bổn phận làm người đề tự cứu mình, gia đình mình, quốc gia dân tộc mình rồi đến nhơn loại, như Ngài hằng mong:

                          Biết làm sao gieo Đạo khắp đại đồng,

                          Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc.

đó là chủ trương đại hành và đại Đạo.

         Trong các hạnh thi thiết cứu đời, Ngài nhận thấy chỉ có hạnh Vô úy thí là cao quý nhất, nếu thực hành được sẽ tạo nên nhiều công đức, sớm hội đủ điều kiện trở nên người hiền. Với các hạnh Tài thí và Pháp thí phải tích lũy công đức lâu ngày e không đủ thời giờ để thành người hiền vì cơ hoại diệt gần kề. Một cơ hội hiếm có cho người tu hiền ở thời kỳ nầy lập lấy thân danh trong giai đoạn dân Việt Nam đứng lên hy sinh xương máu đấu tranh giành độc lập cho đất nước “Lập thân danh tuần trải nơi nơi, Chờ thời đại mới là khôn khéo” và Ngài đã nhận thấy:

                          Cuộc biến động nay mai nguy ngập,

                          Một hội nầy rán lập thân danh.
6 Dai Le Khai Dao PGHH Ban Dem 2016

         Chúng ta may mắn được có chư Phật Thánh lâm trần dìu dắt trong cơn vận nước suy vong, trao cho chúng ta phương tiện để thực hành hạnh Vô úy thí.

         Để thực hiện hạnh Vô úy, Ngài đã phương tiện tạo ra, về mặt quân sự có Bộ đội Nguyễn Trung Trực, về mặt chính trị có Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, vừa tiến công bằng vũ lực, vừa liên kết các phong trào chống Pháp trong nước và tranh thủ sự ủng hộ các phong trào chống thực dân khắp thế giới.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên bố: “Tôi, một đệ tử trung thành của đạo Phật, một chiến sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sẵn sàng cùng đoàn thể mình cuơng quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông cương quyết tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chung cho nòi giống”. (Trích báo Quần Chúng 14-11-1944).

         Ngài tha thiết kêu gọi thanh niên tráng sĩ rường cột của nước nhà, hăng hái cùng nhau đứng lên giết giặc giành lại tự do, hãy noi theo chí hướng của các bậc anh hùng tiền bối:

                          Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn tráng sĩ,

                          Nhìn thời xưa hùng vĩ nước nhà ta.

                                       Bắc Nam một dãy san hà,

                          Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.

                                  Trải qua cũng lắm hồi vận bĩ,

                                  Rồi anh em tráng sĩ đứng lên.

                                       Liều mình đục pháo xông tên,

                          Liều mình giết giặc xây nền tự do.

           Ngài biểu hiện ý chí chiến sĩ bằng hạnh sống chung với binh sĩ, ngày ngày có mặt trong cơ ngũ, cùng ăn chung, cùng nghỉ chung với chiến sĩ, không phân biệt cấp bậc tớ Thầy. Ngài cũng băng đồng lội nước, xông pha vào đường tên mũi đạn, không có một cử chỉ nào cách biệt với anh em quân nhân.

         Trong nhà Phật có từ ngữ “thân giáo”, là lấy tự thân làm gương sáng mà Đức Huỳnh Giáo Chủ là ngọn đuốc soi đường cho nhơn dân bá tánh thiệt hành Tứ Ân (Ân Tổ tiên Cha mẹ, Ân Đất nước, Ân Tam bảo, Ân Đồng bào và Nhơn loại), hòa vận mình vào vận mệnh của dân tộc, như Ngài tuyên thuyết:

                                   Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,

                                  Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.

                                  Đuổi bọn xâm lăng, gìn đất nước,

                                  Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.

         Hay:

                                   Tăng sĩ quyết chùa, am bế cửa,

                                   Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.

                                        Đền xong nợ nước thù nhà,

                          Thiền môn trở gót Phật-Đà nam mô.

         Sự tăng trưởng con số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhanh chóng không phải chỉ ở nội dung giáo lý dễ hiểu, dễ thực hành mà còn ở tác phong của người truyền giáo nói là làm đi đôi.

         Chủ trương cách mạng của Phật Giáo Hòa Hảo khắp các mặt ngấm ngầm đề ra, mà vị cứu thế muốn dùng văn thơ đi thẳng vào lòng người. Chúng ta thấy Phật Giáo Hòa Hảo với chủ trương chấn hưng tôn giáo, cải tiến tâm lý quần chúng, cải thiện xã hội, để gây một tin tưởng lớn vào lòng người ở tương lai.

- Chấn hưng Tôn giáo:

         Phật Giáo Hòa Hảo chú trọng đến việc suy đồi của đạo Phật ở trong nước diễn ra trong các chùa chiền hay trong hàng ngũ tăng đồ mà chúng ta có thể thấy được trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, như Ngài thống trách:

                                   Cả ngàn năm nhơn tâm xao xuyến,

                                   Sao tu hoài chẳng thấy ai thành.

                                   Bởi chữ tu liền với chữ hành,

                                   Hành bất chánh, người đời mới nói.

         Hay:

                                   Trong Sáu Tỉnh nhiều điều tà mị,

                                   Tu hành mà vị kỷ quá chừng.

         Hay:

                                   Ghét những kẻ tu hành bốc xước,

                                   Miệng kêu gào chuyện phước bề ngoài.

                                   Bước vào chùa thấy Phật lạy dài,

                                   Lui khỏi cửa ra tay cấu xé.

         Trong dân gian nhiều người đi chùa chỉ hiểu mơ hồ rằng nếu năng tới lui lễ bái, dâng cúng lễ vật tiền bạc thì được phước, ngược lại thì gặp tai ương. Hầu như phần đông không hiểu rằng cốt tượng, chuông mõ chỉ là hình tướng giúp cho con người dễ tập trung tư tưởng mà suy gẫm về nền giáo lý nhà Phật, chỉ là để nhắc nhở mọi người tu khỏi xao lãng việc tu hành. Nó chỉ là phương tiện chớ không phải là cứu cánh.

         Trong việc tu thân xử kỷ, Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: “Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy? Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: “Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng khuyên dạy: “Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhất ở chỗ giữ giới luật hàng ngày. Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm”.

         Tu là phải hành, mà hành thì phải công trì bái sám. Vậy chúng ta nên biết lối tu hành của nhà Phật, buộc người tu xét nét từng Sát-na, phải giữ cái tâm cho tụ, không để cho “Tâm viên ý mã”, cũng giống như con buơm buớm chờn vờn bay từ hoa nọ đến hoa kia. Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:

                          Khi cầu nguyện đừng cho phạm lỗi,

                          Phải làm tròn các việc vẹn toàn.

                          Dân chớ nên làm bướng làm càn,

                          Trong lúc ấy niệm cho lấy có.

         Ngài cũng dạy trong mục Chánh Niệm: “Ghi nhớ sự chân chánh. Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng. Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quí… được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường không thoát khỏi vòng sanh tử.

Để thoát chỗ luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành Đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo. Phải nhớ rằng xác thân do tứ đại (đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động, các mối dục tình tránh điều lụy khổ do nó gây nên”.

Phương pháp hành Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy có hiệu nghiệm là:

                                     Nếu ai mà biết chữ tu trì,

                          Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

         Hay:

                                   Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,

                                   Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu.

         Qua dẫn chứng vài lời khuyên dạy trên đây, chúng ta thấy không có sự mâu thuẫn với hai câu:

                                      Tu không cần lạy cần quỳ,

                          Ngồi đâu cũng sửa vậy thời mới mau.

         Hai câu nầy đủ để nói lên hết cái cách mạng về tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo; thiết tưởng chúng ta không nên quá dài dòng cho lắm, e làm giảm cái cô đọng và bao quát của hai câu gồm mười bốn chữ nầy.

Đức Huỳnh Giáo Chủ phê phán việc tu hành của người tu theo đạo Phật đã làm sai lạc đường lối vô vi chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni:

                                   Đồng dẹp bớt âm thinh sắc tướng,

                                   Lo chấn hưng Phật pháp mới là.

         Ngài cho chúng sanh thấy:

                                 Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,

                                  Từ xưa nay có mấy ai thành.

         Hay:

                           Phật nào ham tượng cốt phết vàng,

                           Mà tăng tạo hao tiền bá tánh.

         Hay:

                           Phật chẳng qua dụng chữ tín thành,

                           Chớ nào dụng Hương, Đăng, Trà, Quả.

         Ngài cảnh báo cho kẻ ưa làm điều dối mị, nếu không lo cải sửa sẽ chịu hậu quả khôn lường:

                          Đạo Phật vốn ngàn xưa rạng tỏ,

                           Nay lu mờ bị mõ cùng chuông.

                           Thấy chúng sanh đắp Phật bán buôn,

                           Mà tội lỗi ngàn muôn lao lý.

         Hay:

                          Chúng đục đẽo những cây với củi,

                           Đắp xi-măng sơn phết đặt tên.

                           Ngục A-Tỳ dựa kế một bên,

                           Chờ những kẻ tu hành giả dối.

         Thấy cái sai trái, Ngài khuyên nên sửa đổi:

                          Khuyên sư vãi mau mau cải hối,

                          Làm vô vi chánh Đạo mới mầu.

                          Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,

                          Hãy tìm kiếm cái không mới có.

                          Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần Đỏ,

                          Tạo làm chi những cốt với hình.

                          Khùng nói cho già trẻ làm tin,

                          Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú.

         Thế mà người đời có mấy ai giác ngộ sửa sai:

                          Thấy chúng tăng làm chuyện quái kỳ,

                           Ta khuyên mãi cũng không chịu bỏ.

         Hoặc:

                           Thấy dương gian lường gạt Thánh Thần,

                           Mà chua xót cho đời Nguơn hạ.

         Nguyên nhân sâu xa đi sai lạc Chánh Pháp là vì:

                          Rừng Kinh Kệ ít người hay chữ.

                          Quá mắt mỏ bởi chưng Phạn-ngữ,

                          Nên người đời khó kiếm cho ra.

                          Mõ chuông bày đọc tụng ó la,

                          Chớ hiếm kẻ tưòng thông nghĩa lý.

3 Dai Le Khai Dao PGHH Ban Dem 2016

         Nhằm mục đích chấn hưng Phật Giáo “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp, Chấp bút thần tả ít bổn kinh” và Đức Huỳnh Giáo Chủ “Dạy bổn đạo lấy câu trung đẳng, Chẳng nói cao vì sắp rốt đời” cũng như Ngài khuyên “Lời Ta dạy hãy nên suy nghiệm” và “Nghe cạn lời chớ có mờ hồ, Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”.

         Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ được truyền tụng, gây tin tưởng cho kẻ đang chịu nhẫn nại là được phước về sau. Chịu đựng ở đây không có nghĩa là ngồi một chỗ mà chờ ngày tận thế, nhưng phải nhập thế, phải sốt sắng lo làm ăn và lo tu hành, làm tròn bổn phận đối với Tổ tiên Cha mẹ, đối với đất nước, đối với Tam Bảo, đối với xã hội. Là tín đồ thì ai cũng thuộc ít nhiều về lời giảng dạy để khi gặp trường hợp khó khăn về sinh kế, về thiên tai thì đem ra mà dẫn chứng để lấy lòng tin.

- Cải tiến Tâm lý:

         Trong thời kỳ Pháp thuộc, dân Việt Nam bị băng hoại, con người bon chen theo danh lợi, ích kỷ, giả dối, không chí hướng và nhất là không nghĩ đến giống nòi mà chỉ nghĩ “Sớm lo lòn cúi chiều ăn ngủ, Nào biết liệu toan gỡ nợ nần”. Bởi vậy việc cấp thiết là thức tỉnh và hun đúc họ có một tinh thần “tri hành hợp nhứt”.

         Về phưong diện tu hành, Ngài thức tỉnh người mê mau trở lại con đường chân chánh, làm cho họ có một đức tin trong sạch soi sáng bằng trí tuệ, mới khỏi mắc vào mê tín dị đoan, hầu vững bước tiến:

                          Cảnh tỉnh người mê về cõi ngộ,

                          Dạy răn kẻ tục vượt nê hà.

         Phải có ý thức về bổn phận đối với Tổ tiên, đối với đất nước, nuôi chí hướng kiên cường:

                              Một phen nợ nước lâm đền,

                  Đạo làm thần tử cho bền chí trai.

                              Thừa cơ xoay trở gót hài,

                  Vung gươm Thần Thánh dẹp loài cẩu phiên.

Hay:

                          Sống làm sao vẹn chữ tu mi,

                          Sống vùng vẫy râu mày nam tử.

         Luôn luôn vững lòng chặt dạ “Rèn lòng giữ dạ sắt đinh”, không vì lời phê phán bất chánh của kẻ tiểu nhơn gièm pha mà bỏ việc dở dang “Dầu ai mua oán chác hờn mặc ai”, mà phải kiên định lập trường:

                          Đấng anh hùng dựng nên thời thế,

                          Sá chi loài trùn dế nhỏ nhen.

         “Đời Đạo liên quan rạng chói ngời”, mà muốn được như vậy, cần phải mở mang trí tuệ mới mong hiểu biết mối Đạo mình đang theo, đem hiểu biết giác ngộ mà làm việc đời. Cần phải đọc kinh sử, lấy bài học của người xưa làm kinh nhiệm cho công việc hằng ngày, công việc ngày nay không thể tách rời khỏi dòng lịch sử được, nếu ta muốn tạo lập sự nghiệp của Thánh Hiền cho đất nước:

                          Đời phải biết suy kim nghiệm cổ,

                          Thông cơ đồ dựng nghiệp Thánh hiền.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên tín đồ của Ngài phải đem cái ý chí kiên cường ra mà rèn luyện tình cảm:

         “Phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng duy nhứt của mối Đạo mình đang theo đuổi để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm xiểm, dua nịnh, ích kỷ, tự tâm, sự mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng”. Vậy phải hiểu rõ vấn đề tình cảm cũng là quan trọng. Nếu không làm chủ được tình cảm mà để cho nó phóng túng thì dẫu cho kế hoạch có hay ho thế nào cũng không giúp ích gì cho ta.

- Cải thiện Xã hội:

         Đức Huỳnh Giáo Chủ không chỉ chú trọng tới sự suy đồi của Phật Giáo mà còn chú trọng đến sự suy đồi của xã hội về nhiều phương diện. Xã hội Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc băng hoại và thối nát; cuộc sống đạo đức theo quan niệm của Khổng Giáo không còn giữ được kỷ cương. Cờ bạc, rượu chè, đàng điếm nổi lên khắp mọi nơi, mê tín dị đoan đè nặng lên mọi tầng lớp xã hội.

         Phật Giáo Hòa Hảo ra đời dùng quyền uy tinh thần để tâm phục mọi người bằng giác ngộ. Với tôn chỉ hành đạo của Phật Giáo Hòa Hảo: không được uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm. Các thứ vàng mã, thầy bùa, thầy pháp, làm chay đàn, bị xem như những thứ tin nhảm, mê hoặc lòng người làm sai lạc nền Chánh Tín trong đạo Phật:

                           Dương trần bỏ bớt tánh tham,

                  Đừng chơi cờ bạc, đừng làm ác gian.

         Hay:

                          Điếm đàng đĩ thỏa chớ gần,

                 Để sau xem thấy non Tần xôn xao.

         Hay:

                          Xá với phướn là trò kỳ quái,

                          Làm chay đàn che miệng thế gian.

         Hay:

                          Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,

                          Chớ có đốt tốn tiền vô lý.

         Hay:

                          Lo ăn xài trà rượu xình xoàng,

                          Chừng khổ não phàn nàn căn số.

         Những tệ nạn trên đây là mục tiêu cải tạo cần thiết của Phật Giáo Hòa Hảo thực hiện bước đầu tiên.

         Đọc Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ chúng ta thấy những chất liệu mà Ngài lấy ra để xây dựng nền giáo lý cho đạo Phật Giáo Hòa Hảo hoàn toàn Việt Nam, đơn sơ, thuần hậu, không cầu kỳ, không trí thức đến độ kiểu cách, không quá sâu sắc đến độ bí ẩn. Chất liệu đó rút tỉa từ cuộc sống bình dị của người nông dân miền Nam, từ căn bản Khổng Giáo, Phật Giáo được trộn lẫn vào nhau trong một tinh thần cởi mở tự nhiên. Chúng ta có thể nói rằng Phật Giáo Hòa Hảo là kết tinh trọn vẹn của văn hóa dân tộc vì trong Phật Giáo Hòa Hảo chúng ta thấy được mầu sắc Khổng Giáo trong đời sống đạo đức hằng ngày, tín ngưỡng Phật Giáo và thờ cúng Tổ tiên trong sinh hoạt tôn giáo cũng như tình tự quê hương dân tộc trong cuộc sống tình cảm.

         Trong lúc nước nhà gặp khó khăn, xã hội băng hoại, lòng người chao đảo chia rẽ, lại thêm bị ảnh hưởng chiến cuộc bên ngoài gây cho nội tình không mấy tốt đẹp cho đất nước làm con người hoang mang sợ sệt. Trong tình cảnh đó Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, là một thứ dầu mầu nhiệm nuôi ngọn lửa lòng cho dân Việt. Thế nên dù không ai bảo ai nhưng lòng của mỗi người đều tin tưởng rằng tuy nay nước nhà gặp cơn bĩ cực, nhưng rồi đây sẽ có một ngày tương lai sáng lạng “hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”.

         Một cảnh thái bình được vẽ ra “Trên vua minh chánh cầm cân, Dưới quan liêm khiết xử phân công bình” và “Trên kẻ trí lấy công bình phán đoán, Dưới vạn dân trăm họ được im lìm”. Cái cảnh mà chúng dân lạc nghiệp, muôn nhà thạnh thới, nhơn vật hòa đồng “Cỏ cùng cây điểu thú chim muông, Nhơn với vật huờn lai bổn tánh”, mà ai muốn hưởng được cảnh đó ngay bây giờ phải trau tâm trỉa tánh, tu sửa thân tâm.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo muốn đưa nhơn loại sống cảnh đại đồng “thế giới lân Hòa Hảo” và “gieo Đạo khắp đại đồng”. Nhơn loại không còn hiềm khích lẫn nhau, một lòng yêu thương đùm bọc, cùng nắm tay nhau trên đường tiến bộ “Ấy là xong bốn biển hiệp một nhà, Không ganh ghét dứt câu thù hận oán” và mãi mãi “đi vào vòng hạnh phúc”.

         Đức Huỳnh Giáo Chủ là bậc quán liễu huyền cơ ''toán biết âm dương ", đã nhận thấy bước tiến của nhơn loại đi từ chủ nghĩa cực đoan dần dần biến thành chủ nghĩa xét lại, hóa giải hết mọi xung đột để trở thành chủ nghĩa trung hòa, tránh cho nhân loại khỏi bị diệt vong. Do đó, Ngài chuẩn bị cho Việt Nam có đủ điều kiện nhận trọng trách vai trò siêu đẳng của mình trong xã hội Thánh đức an lạc ngày mai, vì:

                 “Nước Nam Việt nhằm cõi Trung Ương,

                   Sau sẽ có Phật Tiên tại thế.”

                                                                                         PHAN THANH NHÀN

 2 Dai Le Khai Dao PGHH Ban Dem 2016
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 20241:27 CH(Xem: 3141)
Đức Thầy đã dạy: Chúc mừng năm mới, mới buổi qua, Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà. Tre nêu phơ phất không còn thấy, Ra mắt tiêu mòn buổi thứ ba.
13 Tháng Bảy 20235:40 CH(Xem: 3991)
Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm 1939, cách đây đúng 84 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé tại miền Tây Nam nước Việt, làng Hòa Hảo, một vị Bồ Tát, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã khai sáng nên một tôn giáo dân tộc, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
04 Tháng Tư 202311:11 SA(Xem: 4344)
Đồng đạo có điều chi thắc mắc, hay có ý kiến gì để sinh hoạt trong tôn giáo mình được tốt đẹp và hoàn thiện hơn thì nên mạnh dạn lên diễn đàn bày tỏ ý kiến và kính mong quý trị sự viên cũng nên lắng nghe .
23 Tháng Ba 202310:08 CH(Xem: 4083)
Muốn tiếp tục tu tập, cải sửa để hành đạo, ta cần phát triển lòng từ bi, nhưng quan trọng nhất phải có định và huệ.
14 Tháng Mười 202012:11 SA(Xem: 15465)
Do mối liên hệ với Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Đẳng Đại Thần, trong nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng liệt sĩ của đất nước và mỗi khi cúng lạy đều cầu nguyện oai linh của Ông trong bài nguyện Qui y
05 Tháng Chín 20208:09 CH(Xem: 5625)
Lễ Vu-Lan còn gọi là Vu-Lan bồn, là một lễ lớn của Phật-Giáo. Phật-Giáo Hòa-Hảo của chúng ta cũng phát-xuất từ Đạo Phật , thế nên hằng năm chúng ta cũng tổ-chức ngày lễ nầy.
29 Tháng Ba 20201:12 CH(Xem: 13863)
Phật Giáo Hòa Hảo là một vết dầu loang âm thầm bằng sức mạnh của tình thương và lòng từ thiện. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã thực thi những gì mà Đức Tôn Sư của mình răn dạy. Một miền Tây trù phú, một khối lượng dân tộc đầy nội lực, một sức mạnh âm ỉ ngấm ngầm càng ngày càng được hun đúc trong lòng dân tộc.
25 Tháng Hai 202010:43 SA(Xem: 12411)
Người muốn tu, sửa thật sự, muốn bước vào con đường giác ngộ trong đời sống cần tự phân biệt lúc nào mình tu tập cải sửa và lúc nào mình hành sử sinh hoạt tôn giáo.
26 Tháng Năm 20197:39 SA(Xem: 19537)
Đức bà Lê Thị Nhậm là thân mẫu phần xác thịt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cũng là người đã dầy công nuôi dưỡng phần xác thịt của Ngài từ lúc bé thơ cho đến lúc lập Đạo cứu đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại Thánh Địa Hòa Hảo.
26 Tháng Ba 20195:19 SA(Xem: 20459)
Vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi, dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
100,000