Quyển VI Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở của Một Người Bổn-Đạo

25 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 17073)
Quyển VI Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở của Một Người Bổn-Đạo

Quyển VI
Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở
của Một Người Bổn-Đạo

_____________________

Lời Nói Đầu
---------

Năm năm trường xa cách, cái chánh-sách áp bức tôn-giáo gắt-gao của người Pháp làm cho tôi không được gần-gũi các người hầu giải bài tường tận tôn-chỉ hành đạo của tôi.

 Ấy không phải vì tôi cố ý muốn xa-lánh các người, song chẳng qua vì sự bắt-buộc của kẻ cường-quyền nên tôi và các người không được trực-tiếp cùng nhau. Tuy nhiên cũng có lắm thiện-nam tín-nữ rất trung-thành, một lòng gìn đạo. Nhưng gần đây có vài kẻ hiểu lầm, hành-động một vài điều không phù hợp với tinh thần đạo-đức, trái chủ-nghĩa từ-bi bác-ái và sự cao-thượng của giáo-pháp nhà Phật. Thế nên điều ấy làm cho quyển sách nhỏ nầy ra đời. Vậy từ nay trở đi tôi ước mong rằng với vài điều sơ-lược kể ra sau đây, toàn thể thiện-nam tín-nữ trong Đạo sẽ dùng trí-tuệ mình, suy-gẫm gìn-giữ ăn ở theo quy-tắc đã định, đặng tránh những việc đáng tiếc xãy ra, hầu giữ tròn danh-giá của Đạo Phật. Như thế chẳng phụ công ơn của Đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni đã khai sáng Đạo Phật và đã dìu-dắt quần-sanh tầm đường giải thoát.

Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
HÒA HẢO
_____________________

Quyển 6 - Bao Gồm Những Phần Sau:

I. Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền
II. Luận Về Tam Nghiệp
III. Luận Về Bát Chánh
IV. Cách Thờ Phượng, Hành Lễ Và Sự Ăn Ở Của Một Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo
V. Sự Cúng Lạy Của Người Cư Sĩ Tại Gia
VI. Lời Khuyên Bổn Đạo

_____________________

I. Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền

Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:
1. Hạng xuất gia,
2. Hạng tại gia.

HẠNG XUẤT GIA: Gồm có các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương, bè bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành, giồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh thập phương nghe để quày đầu hướng thiện quy y Phật Pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là khắp cả nhân loại đại đồng.

Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả thoát kiếp luân hồi.

HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật Nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà họ thờ phượng Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế, họ cũng lần lần lên con đường giải thoát. 

Đây là hạng người học Phật tu Nhân. 

Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy.

Sách xưa có câu: “Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật, Thánh, Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật, tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vưng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa.

Đức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn.

1. Ân Tổ Tiên cha mẹ,
2. Ân Đất Nước,
3. Ân Tam Bảo,
4. Ân Đồng Bào và Nhân loại (với kẻ xuất gia thì Ân Đàn na Thí chủ).

1. ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên; nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận phải biết ơn tổ tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế, ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân.

Còn đền ơn tổ tiên, là đừng làm điều gì tồi tệ, điếm nhục tông môn, nếu tổ tiên có làm điều gì sai lầm, gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường.

2. ÂN ĐẤT NƯỚC: Sanh ra, ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất nước quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến nỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.

Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy.

3. ÂN TAM BẢO: Tam Bảo là gì? - Tức: Phật, Pháp, Tăng.

Con người nhờ tổ tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình, ấy về phương diện vật chất.

Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng, đặng đem nền Đạo cả của Ngài ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn là các đại đệ tử của Đức Phật vậy. Bởi vì đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm vào sự nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đắp cho nền Đạo được phát triển thêm ra, xây dựng một tòa lâu đài Đạo hạnh vô thượng vô song roi truyền mãi mãi với hậu thế.

Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm những kẻ sa cơ, và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại, và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

4. ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI: Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở xung quanh và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ nhõi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.

Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng, ta đồng hưởng với họ. Hoạn nạn, họ cùng chịu với ta.

Họ và ta cũng một màu da, cũng một thứ tiếng nói. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một: ấy Quốc gia đó. Họ là ai? Tức là những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.

Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống rọi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên ta phải rán giúp đỡ họ hầu đền đáp cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.

Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào ta còn có thế giới, người đang cặm cụi cần lao cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là nhân loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn với những lúc ốm đau nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên dân tộc ta phải nhờ đến Nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.

Vả lại, cái tình từ bi bác ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền quảng hượt. Cái tình ấy nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một: Nhân loại Chúng sanh.

Thế, ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình gây ra tai hại cho các dân tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư tưởng nhân hòa, một tinh thần hỉ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.

Đối với những kẻ xuất gia quy y đầu Phật, phụ vào những ân huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực tiếp chịu ân các đàn na thí chủ, nghĩa là những thiện nam tín nữ có hảo tâm cung cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống, rốt lại họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn toàn của những kẻ tốt lòng.

Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng, cho nên họ phải dìu dắt sanh linh đi tầm Chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của thiện tín.


II. Luận Về Tam Nghiệp

Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ Đạo, đạo của con người kêu bằng "Đạo Nhân" và nó là con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết.

Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ Ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam Nghiệp và chừa Thập Ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.

Mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây:
- Thân nghiệp: (tội lỗi do xác thân gây nên);
- Khẩu nghiệp: (tội lỗi do miệng lưỡi gây nên);
- Ý nghiệp: (tội lỗi do ý tưởng gây nên).

Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:
Thân-nghiệp sanh 3 điều ác:
1. Sát-sanh
2. Đạo-tặc
3. Tà-dâm
Khẩu-nghiệp sanh 4 điều ác:
1. Lưỡng-thiệt
2. Ỷ-ngôn
3. Ác-khẩu
4. Vọng-ngữ
Ý-nghiệp sanh 3 điều ác:
1. Tham-lam
2. Sân-nộ
3. Mê-si

1. SÁT SANH: Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải chung chạ với thế giới người hung tàn bạo ngược, tánh nết liền ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn.

Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hềm, vì háo thắng... nghĩa là họ giết nhau vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một đẳng cấp xã hội, của một quốc gia; họ muốn tiêu diệt tất cả nhân loại, không một ai có quyền sanh sống cùng họ cả.

Tại trào nội, sự mà vua coi bầy tôi như cỏ rác, bầy tôi sánh vua như thể địch thù đã làm nguyên nhân cho biết bao cuộc tương tàn tương sát. Ngoài lê thứ thì con giết mẹ cha, tớ hại chủ, trò giết thầy, chồng vợ giết nhau, đệ huynh xâu xé. Những cuộc tương tàn rất thường xảy ra trong nhân loại không ngoài các lý do đã kể trên. Đó là người đối với người.

Người đối với thú cầm, sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích. Đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh vật (gà, vịt, heo... ) để nuôi thân sống, nhưng chẳng khá dựa vào lý "vật dưỡng nhơn" (thú vật sanh ra đặng nuôi con người) mà giết nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vừa đúng theo sự nhu cầu cần thiết của các món thực phẩm mình thôi và không nên hoang phí hy sinh nó, nếu sự hy sinh ấy không ích lợi cho mình lắm. Nhứt là chẳng khá giết các thú vật trong khi tế lễ. Người ta tưởng rằng khi mình phạm tội với Thánh, Thần, Trời, Đất có thể sát hại sanh vật cúng tế cầu cho tội quả tiêu trừ. Sự tin tưởng ấy rất sai lầm huyễn hoặc, vì đứng vào bực siêu hình cao cả như chư vị Thánh Thần, có lý nào vì một tình riêng làm sai chạy lẽ công. Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khấn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế Thần cúng Thánh, kêu cốt, kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên nhân các sự họa hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xảy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền bồi các tội ác trước được.

Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú vật vì sự vui thích của mình; kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú vật làm tấm bia cho họ nhắm trong những khi cao hứng quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại vậy.

Thế nên, hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng, và nhứt là đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo... chẳng khá sát hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cữ hẳn.

2. ĐẠO TẶC: Câu: "Bần cùng sanh đạo tặc" cần phải là một câu chữa mình của bọn bất lương vô đạo. Những kẻ này ngày vẩn vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn bã của xã hội này, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối sự an ninh của dân chúng, chuyên lo giết người cướp của đoạt giựt tài sản của lương dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội nhân gây ra những tai biến trong những gia đình cần lao kiệm tiết, là nguyên nhân của sự nghèo sự khó, họ phá hoại hạnh phúc của con người.

Cơ hàn đói khó, thay vì phải làm lụng như những kẻ khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi này rồi đến cái lỗi khác, phạm tội này rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân chủng. Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân xử, song cơ Trời cũng sẽ báo ứng đến những hành vi đen tối, nếu họ không chịu ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô nghì, lánh điều phi nghĩa.

3. TÀ DÂM: "Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu, ngàn việc dữ tà dâm đứng trước". Sách sử thường bảo như thế.

Lần giở xem sử sách, thời thấy tội ác ấy lan diễn ra khắp nơi, từ trào nội cho đến thứ dân, từ trong gia đình đến kẻ xa người lạ, nó là mầm gây ra biết bao thảm trạng! Gương của vua Tề với vợ Thôi Tử, An Lộc Sơn với Dương Quý Phi há chẳng còn lưu liên hậu thế. Giàu ỷ của hiếp dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cường bức đám dân hèn. Gian phu, dâm phụ từ xưa đến nay luôn luôn đều có.

Muốn tránh sự bại hoại nền luân lý nước nhà, muốn giữ gìn tiếng tăm của gia thế, phải đừng để dục tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau giồi lòng hiếu trung trinh tiết.

4. LƯỠNG THIỆT: Đứng đầu các tội ác do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng thiệt này đã làm duyên cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi vã gây gổ sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh, phá tan sự đoàn kết tình thân yêu giữa nhân loại. Nó cũng là nguồn cội của bao nhiêu bất hòa, hiềm khích.

Để giải trừ những tai vạ ấy, phải giữ cho lời nói mình được thành thật, chánh đáng; được vậy trong hương đảng mới bớt rầy rà, ngoài xã hội không điều xích mích, và mình cũng không còn chịu ác cảm, tránh sự miệt khinh của kẻ khác.

5. Ỷ NGÔN: Nói đến tội ác nầy tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài tôi tớ, quan ỷ thế mắng chưởi dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài xỉ người nghèo, kẻ xảo quyệt ỷ sự khôn lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học thức ỷ sự khôn ngoan dùng lời nói hạ nhục người dốt nát.

Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng họ bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lỗi lầm hãy dạy dỗ họ, dùng những cam ngôn mỹ từ, những lời trang nghiêm êm dịu chỉ bảo, không khá bao biếm mà mang điều tội lỗi.

6. ÁC KHẨU: Những tiếng thề thốt lỗ mãng, chưởi mắng tục tằn làm ra tội này; con chưởi mẹ mắng cha không kể luân thường thảo hiếu; mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn, hiếp đáp xóm chòm cô bác. Mở miệng ra chưởi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng Thần Thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời thỉnh Long cung, làm cho tội lỗi càng thêm chồng chập.

Hãy bỏ những tiếng tục tằn thô lỗ làm cho đời sống được êm dịu thanh bay hơn. Đối với cha mẹ phải có lễ độ, với gia đình, với bà con cô bác, với xóm chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan trang nghiêm chỉnh. Đối với con cháu trong nhà không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy dỗ chúng.

7. VỌNG NGỮ: Thêm thừa huyễn hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại. Thương người nào kiếm cách bào chữa giấu giếm sự quấy và thêu thùa sự tốt ra; ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy các điều phải của họ. Khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị.

Muốn tránh những điều khiến cho tư cách nhân quần phải bị giảm hạ, hãy tập tánh nói năng chân chánh, bỏ lối láo xược trớ trêu. Chẳng nên tráo chác với người, bỏ tiếng xảo ngôn và phải dùng lời chơn chất.

8. THAM LAM: Tánh tham lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu thảm khổ: chiến tranh, cướp bóc, giết người... Tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế... Những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác liệt, gây nên những thảm họa tầy trời. Những tấn tuồng giặc giã cướp của sát nhơn, những vụ hối lộ, những vụ tranh thế giành quyền đã làm cho nhân sanh điêu linh trong vòng tai nạn khốc hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự sát chỉ vì sự ham muốn không được thực hiện; người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất trận... Những cuộc cấu xé lẫn nhau, những vụ nồi da xáo thịt, những tương sát tương tàn, những điều hung hăng bạo ác cũng do sự tham lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có những lúc thăng trầm chìm nổi, có thì ta xài, không ta nhịn, can gì phải bày mưu tính kế chiếm đoạt của kẻ ngoài. Của là của chung trong thiên hạ, đời ta còn, nó còn; đời ta mất, nó mất. Gương Thạch Sùng, Vương Khải há không để lại cho ta một bài học đích đáng lắm ru? Thế nên hãy nghĩ đến người cũng như mình nghĩ đến mình, hãy dẹp lòng vị kỷ tham lam, lo vun trồng phước đức, bố thí kẻ nghèo hèn, rán công phu sám hối để có thể yên vui nơi miền Cực Lạc, lánh sự giả tạm ở cõi trần này.

9. SÂN NỘ: Tánh nóng nảy thường xúi con người làm những chuyện bất công sái phép, chém giết oán thù nhau. Kẻ thắng kiêu hãnh, người bại hổ ngươi, nên sự hềm thù càng lan rộng. "Giận mất khôn", cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến việc công bình, lẽ phải trái.

Diệt được nó, tâm ta được thảnh thơi, trí ta được thong thả. Hãy mở lượng khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi. Hãy nhẫn nhịn và chẳng nên cãi cọ, tranh luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hềm khích.

10. MÊ SI: Tội ác này do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự nghĩ suy mà ra; vì vậy con người ít hay phân biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý. Suốt cả đời ngu muội, chỉ biết mê man theo những vật nhỏ nhen, mau tan, mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát.

Hãy xóa bỏ những điều mê tín, qui thuận theo tinh thần đạo đức, lánh chốn mê lầm, tỉnh cơn mộng huyễn, phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường đạo hạnh, đi đến chỗ Bất diệt, Bất sanh.



III. Luận Về Bát Chánh

Trừ xong ba nghiệp chướng, hãy làm theo tám điều chánh và sau khi diệt được thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra: như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường Đạo hạnh. Những sự tấn bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục đích. Thế nên, cần phải hành luôn Đạo Bát Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên đường giải thoát.

Bát Chánh gồm có:
1. Chánh kiến
2. Chánh tư duy
3. Chánh nghiệp
4. Chánh tin tấn
5. Chánh mạng
6. Chánh ngữ
7. Chánh niệm
8. Chánh định.

1. CHÁNH KIẾN: Chánh: đúng sự thật. Kiến: thấy, xem xét.
Chánh kiến: dòm thấy, xem đúng theo sự thật.

Phàm con người thường hay bị bản ngã lôi cuốn trí mờ ám làm cho sai chạy ít nhiều sự thật. Khi vì thiếu sự sáng suốt, khi vì tư thù, khi vì lợi kỷ, khiến cho con người không biết đường ngay nẻo thẳng nên sự phán đoán không công bình chánh đáng làm cho kẻ khác chịu oan tình. Vì thế mục Chánh Kiến dạy ta phải đem hết trí năng truy cứu các sự rắc rối, cẩn thận xem xét tránh sự lạc lầm trong khi phê đoán bất cứ việc gì, dầu của mình hay của kẻ khác. Sự quan sát cực điểm, cách xét đoán tận tường, tránh cho ta những tà kiến (sự xem xét lầm lạc) sai chạy, khiến ta dẹp bản ngã đã làm cho trí tuệ mịt mờ u ám, giúp cho ta hiểu biết rõ ràng, minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng công bình.

Chẳng thế, nó còn giúp cho ta hiểu biết các điều tục lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm mầu tôn giáo khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê, trở về với đạo lý, thoát đọa hồng trần. Nó tránh cho ta tất cả những sự giả dối và nhờ thế, nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành Đạo.

2. CHÁNH TƯ DUY: Tu tưởng chân chánh. Sanh ở trong trần con người thường hay bị các thị dục cám dỗ: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng... cái tư tưởng đã rù quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thế nào thoát ly ra được. Ấy về phần tà.

Phần chánh dạy rằng: tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng cho thanh cao, trí rán tìm cái Chân lý, Chân lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình. Vì thế, hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt. Hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng Thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chúng. Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh.

3. CHÁNH NGHIỆP: Việc làm chánh đáng ngay thẳng.

Đối với kẻ xuất gia đầu Phật, ngoài những lúc tham thiền nhập định, những khi trì tụng kinh hành, những khi đọc kinh viết sách, những lúc công quả cho nhà Thiền, chẳng có làm việc chi có thể tạo thành ác nghiệp cả.

Những kẻ tại gia cư sĩ, trái lại, còn cần phải lo kế sinh nhai, mưu cuộc sống còn; kẻ buôn tảo bán tần, người việc này việc nọ, tóm lại cũng vì xác thân mà ra cả. Tuy nhiên, dầu đời sống của họ có bị sự sinh nhai chi phối, song cái chi phối ấy khác hẳn với kẻ gian tà đạo tặc, chẳng có làm việc gì xảo trá bất nhân. Trong cuộc mưu cầu cho lẽ sống, họ cũng nguyện bỏ những nghề nghiệp gây tai hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ v.v...

Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề nghiệp ấy, con người mới bị hư hỏng, trụy lạc, hoang đàng, trà đình tửu điếm... Họ là đồng lõa mà phạm nhân là những kẻ nghiện ngập say sưa.

Thế nên mục Chánh Nghiệp răn cấm chúng ta làm các nghề ấy.

Kẻ tại gia cư sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ các sanh vật, hoặc không đánh đập chém đâm ai có thể gây ra nhiều điều tội lỗi.

4. CHÁNH TIN TẤN: Tín ngưỡng chân chánh và lướt tới.

Phái vô thần luận thường cho rằng thân xác tức con người. Thân còn tức người còn, thân mất là người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật; không quả báo luân hồi; cũng chẳng có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên biết bao nhiêu mánh khóe gian hùng, bao nhiêu ngón điêu ngoa xảo trá, bao nhiêu tàn bạo ngược ngang đều được đem ra dùng cả thảy.

Vì vậy, mục Chánh Tin Tấn này khuyên hãy rán giữ đức tin cho mạnh mẽ. Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi kéo được. Và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu vớt quần sanh thoát nơi khổ hải của Đức Thế Tôn, phải nhớ rằng sanh linh đang chìm đắm trong bể hồng trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần gian, bỏ những oan trái luân hồi cay nghiệt. Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhắm cảnh Niết Bàn tấn tới; quyết chí tu thân đắc thành Đạo quả hầu dìu dắt bá tánh thập phương xa miền tục lụy. Người bỏ hết các sự rầu buồn, các điều tà vạy, dẹp lục căn lục trần, và rán làm cho tinh thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện mỹ: yên tịnh, hỉ lạc, nghiêm tranh, quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết Bàn đặng quyết có tế độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi quả báo.

5. CHÁNH MẠNG: Sanh mạng chân chánh, trong sạch.

Ở đời, người ta hay lấy xác thân mình làm gốc và hay quí trọng săn sóc nó. Ấy cũng do lục căn mà ra: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngửi hương thơm, lưỡi ưa đồ ngon béo, thân ưa sự sung sướng, ý ưa chức phận cao.

Người ta tìm đủ phương thế bổ dưỡng thân xác mình, làm cho trí tuệ càng ngày càng thêm mờ ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu diệt. Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh thần bị đen tối; bỏ hết đài các xa hoa, thân mình tự chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh; thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập Liên hoa, siêu sanh vào cõi Niết Bàn.

6. CHÁNH NGỮ: Lời nói chơn thật.

Lục căn làm cho con người nhiễm lục trần.

Vì muốn nuôi dưỡng xác thân nên mới sanh ra các điều ham hố là nguồn cội các tội lỗi. Trong những tội lỗi ấy, cũng có nghiệp chướng của miệng lưỡi: lưỡng thiệt (làm cho thiên hạ bất hòa nhau); ỷ ngôn (lời chưởi mắng kẻ dưới tay); ác khẩu (tiếng độc ác tục tằn, chưởi rủa Thần Thánh); vọng ngữ (nói láo, nói huyễn hoặc).

Hãy tập lời nói mình cho chân chánh, đúng với sự thật; hãy bỏ hết những xảo ngôn tráo chác, những tiếng thô lỗ cộc cằn, phàm những khi bàn luận việc chi, phải nói lời tỏ tường ngay thẳng. Đối với kẻ dưới bề trên, lời nói phải cho hiền lương đức hạnh, và những sự khuyên dạy chỉ bảo kẻ khác làm theo lẽ phải đều có ích lợi cho chúng sanh và đều hạp với tinh thần đạo đức.

7. CHÁNH NIỆM: Ghi nhớ sự chân chánh.

Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng. Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quí... được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường, không thoát khỏi vòng sanh tử.

Để thoát chỗ luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo. Phải nhớ rằng xác thân do tứ đại (đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động, các mối dục tình, tránh điều khổ lụy do nó gây nên.

8. CHÁNH ĐỊNH: Suy gẫm chân chánh.

Con người thường hay có những ý định làm cho mình được sáng thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên... nghĩa là những ý định hoàn toàn nhỏ-nhen thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái Sanh, cái Bịnh, cái Lão, cái Tử được đặt lên cuộc đời của người này rồi đến người khác... rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bã lợi danh, mùi phú quí, đi theo những vặt vụn tiểu ti eo hẹp.

Họ không chịu hiểu rằng, ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. Nếu lấy sự Thiền định phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn, hết khổ, hết quả báo luân hồi. Và khi ta dùng sự Chánh Định dẹp bỏ hết các sự phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẻo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết phàm trần, lần bước đi đến cõi Giải thoát.


IV. Cách Thờ Phượng, Hành Lễ Và Sự Ăn Ở Của Một Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo

1. THỜ PHƯỢNG
Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. Đành rằng vì tôn kính đấng Từ Bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế, chúng ta không cố ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng tùy theo điều kiện của các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài. Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng là cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong Đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiệu cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.

Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài. Còn người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng. Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi. Kẻ nào phải ở chung đậu với người khác không có tu hiền hay không cùng một Đạo với mình, hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ phượng thờ, thì đến khi cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng.

Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng báng mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng.

Ngoài sự thờ Phật, Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những anh hùng của đất nước, không nên thờ vị tà thần nào khác mà mình không rõ căn tích.

2. HÀNH LỄ
Chỉ thờ lạy đức Phật, Tổ tiên, ông bà cha mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi.

Tất cả các hành động trong Đạo hay ngoài đời, trước khi làm điều gì phải tính toán một cách cẩn thận, đừng làm chuyện ngông cuồng vô ý thức. Một đừng ỷ lại vào kẻ mạnh, hai đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thần Thánh, ba đừng ỷ lại sự binh vực của Thầy mình. Luôn luôn, lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy. Kẻ nào hành động ngông cuồng không suy xét cẩn thận để đến đỗi thất bại đem đến sự khó khăn, khổ não, rồi trách cứ kẻ mạnh sao không cứu mình, Thầy sao không giúp mình, Trời Phật sao không độ mình, thì sự lầm lạc ấy rất đáng thương hại.

Mỗi người hãy nên lấy trí thông minh nhận xét đạo lý hay lời nói của Thầy mình, chớ đừng lấy đức tin thọ lãnh những lời nói đó trong khi mình chưa hỏi tường tận. Như thế, mình mới có thể tấn hóa trên con đường đạo đức.

Những điều sơ lược giải thích trên đây mong rằng toàn thể trong Đạo suy gẫm kỹ càng và thực hiện để bài trừ sự mê tín ngông cuồng của thiểu số người trong Đạo, làm cho tư tưởng thiện hòa của Phật Đạo được phát triển mau chóng.

3. TANG LỄ
Lúc ông bà cha mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ, chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:

Bây giờ chúng ta đã quy y đầu Phật thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh em trong Đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì ta nên nhận định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ nên đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu thuận nhơn nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời mà cầu nguyện, rồi im lặng đi chôn.

Về việc cúng kiến ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy, trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Còn về việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.

4. CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT
Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm "Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật" (ba lần), và "Nam -Mô A-Di-Đà Phật" (ba lần).

Vái: "Phật-Tổ, Phật-Thầy, nay mình thành tâm cầu nguyện cho tên.... (tên người chết), nhờ ơn Đức Phật từ-bi cứu-độ vong-linh được thoát chốn mê-đồ, vãng-sanh miền Cực-Lạc!"

Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm: "Nam-mô Tây-phương Cực lạc thế-giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp dẫn vong linh A-Di-Đà Phật" (nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: "Tiếp dẫn Đạo sư A-Di-Đà Phật".

NÊN LƯU Ý: Tang-gia đừng nên khóc-lóc làm trở-ngại sự siêu-thoát anh-linh của người chết.

5. HÔN NHƠN
Bổn phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan sát tường tận về đức tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng, vì như thế làm cho khốn khổ nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng quá tự do mà sự thiếu kinh nghiệm làm cho đời chúng phải hư hỏng.

Nên bỏ tục lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng nên bày ra tiệc, lễ linh đình tốn kém nhiều tiền, làm cho trở nên nghèo khổ.

6. NHỮNG ĐIỀU ĐƯỢC TRÁNH HẲN HOẶC ĐƯỢC CHÂM CHẾ HOẶC NÊN LÀM

A. UỐNG RƯỢU: Phải cữ tuyệt. Nhưng khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng có tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại Đạo. Nếu say sưa sẽ phải tội lỗi.

B. THUỐC PHIỆN: Phải cữ tuyệt, không được hút một điếu nào hết. Những kẻ hút, muốn vào Đạo phải bỏ hút rồi mới được nhìn nhận. Trừ ra những người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít hợp với các vị thuốc khác mới có thể châm chế đặng.

C. CỜ BẠC: Phải cữ tuyệt. Những kẻ cờ bạc muốn vào Đạo phải thệ nguyện bỏ cờ bạc rồi mới được nhìn nhận. Về sự này, chẳng có cuộc vui nào có thể châm chế đặng.

D. ĐỐI ĐÃI CÁC TĂNG SƯ: Tất cả bổn đạo nên cung kính các tăng sư tu hành chân chánh. Nếu các ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời. Đối với những hạng tu hành mà mình biết rõ là dối thế (như mấy ông thầy đám...) hãy tìm cách khuyên can các ông trở lại con đường chân chánh của Đạo Phật. Nếu các ông vẫn tiếp tục làm điều tà mị, mình phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng những tín đồ nhà Phật hiểu đặng xa lánh họ.

E. ĐỐI VỚI CHÙA CHIỀN: Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật, dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách, mà mình giúp đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm hình tượng cho nhiều).

Khi đến chùa cũng phải tôn trọng sự thờ phượng trong chùa, không nên hủy báng.

F. ĐỐI VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC VÀ NHÂN SANH: Đối với những người theo tôn giáo khác, không nên động chạm đến cách thức tu hành của họ. Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp hoặc nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù, và phải luôn luôn làm lành với họ. Mình phải hoài hoài làm phải với những kẻ ấy, dầu họ có làm quấy với mình cũng mặc và phải nhẫn nhịn họ.

Đối với nhân sanh, bao giờ cũng phải hòa hợp với họ, và làm cho đôi đàng có thiện cảm với nhau. Phải biết thương xót đến họ và nếu khi nào họ cần dùng, phải rán sức giúp đỡ họ.

G. ĐỂ TÓC: Tất cả bổn đạo nên biết rằng Thầy không có buộc để tóc, vì đó thuộc về phong tục chớ chẳng phải về tôn giáo; nhưng sở dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ niệm cái phong tục cổ của Tổ Tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn minh cặn bã của phương Tây. Thấy vậy, nhiều người trong bổn đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành. Từ rày trở đi đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong trào tiến hóa của nước nhà, Thầy cho phép bổn đạo tự do cải cách hầu hòa hợp với lương dân cùng tôn giáo khác.

H. SỰ HỌC: Sự học hành không làm trở ngại cho đạo đức. Trái lại nhờ nó mình biết được rõ ràng giáo lý cao siêu của tôn giáo. Nó tránh cho mình những sự lạc lầm, bỏ các điều dị đoan mê tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ các điều huyễn hoặc, không bàn bạc những chuyện xa vời (như tiên đoán thiên cơ chẳng hạn...).

Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc ngữ) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng rãi. Vả lại, sự hiểu biết về khoa học không cản trở sự tu hành và nó giúp mình nghiên cứu Phật Đạo một cách rành rẽ.

I. THỂ DỤC: Người trong bổn đạo nam nữ bất luận, phải giữ gìn thân thể cho khỏe mạnh. Như thế nên luyện tập những môn thể dục nào hợp với sức khỏe, nếu mình muốn, bởi vì xác thịt có khỏe mạnh tinh thần mới sáng suốt, như vậy mình mới có thể làm sự đạo nghĩa một cách đắc lực.

J. ĂN Ở: Kẻ tu hành ăn uống phải có điều độ. Tránh những món ngon sống nấu toàn đồ độc cho cơ thể ăn vào sanh bịnh.

Phải giữ gìn thân thể sạch sẽ và từ nhà cửa cho đến chỗ ăn, chỗ nằm, phải biết trọng vệ sinh. Bỏ những thói quen ăn ở dơ bẩn, vì xác thịt dơ dáy thì tinh thần không thể nào mở mang được, và vì Thần Thánh chỉ gần những kẻ trong sạch; nên nếu ai muốn được tiếp-độ phải trong sạch vừa tinh-thần lẫn vật-chất.

K. CÁCH LÀM ĂN: Cách làm ăn phải y như mục Bát Chánh đã dạy:
- Bỏ những sự bất chánh: lường cân, tráo đấu, buôn lậu, đầu cơ, buôn rượu, bán thuốc phiện...
- Làm những nghề lương thiện, không có lường gạt ai, bỏ những thói gian xảo.

7. ĐIỀU KIỆN VÀO ĐẠO
Người nào muốn quy y phải có hai người bổn đạo cũ, có đức hạnh tiến cử và bảo lãnh, đến Ban Trị Sự trong làng cho người làm đầu biết và người làm đầu phải đọc hết thể lệ về sự tu hành cho người quy y nghe, hỏi coi có bằng lòng quy y như lời nguyện dạy và răn cấm trong Đạo chăng. Nếu họ bằng lòng, biểu họ về nhà cho ông bà, cha mẹ biết, hoặc nguyện trước bàn thờ ông bà, tổ tiên rằng: Ngày... tháng... con chịu quy y theo Đạo. Sau đó, người làm đầu (Hội trưởng) cho cuốn sách nhỏ này. Chỗ nào không có Ban Trị Sự, hai người bổn đạo cũ phải dìu dắt người mới, rồi sau sẽ dẫn đến Ban Trị Sự gần đó, không bắt buộc thề thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình thôi. Khi nào mình không muốn giữ Đạo, mình phải cho người tiến cử hay đặng bôi tên mình ra. Không người nào được phép xưng mình là người trong Đạo mà lại không giữ luật. Kẻ nào làm trái với luật lệ trong sự đạo đức dầu không xin thôi Đạo hay là chưa bị bôi tên cũng bị trách nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại Đạo.

Nên nhớ rằng: Đức Phật sẽ dìu dắt và ủng hộ những kẻ nào làm ăn chơn thật, hiền lành, đúng theo giáo lý của Ngài; chớ không bao giờ Ngài lại ủng hộ những kẻ gian tà xảo quyệt, làm các việc hung ác ngông cuồng trái những lời mà Ngài đã chỉ dạy.


V. Sự Cúng Lạy Của Người Cư Sĩ Tại Gia

BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ ÔNG BÀ

- Cầm hương xá 3 xá, quì xuống, chắp tay đưa lên trán nguyện:
Cúi kính dưng hương trước Cửu-Huyền,
Cầu trên Thất-Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh-ngộ quy-y Phật,
Chí dốc tu hiền tạo phước-duyên.
- Cắm hương, rồi đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp:
Cúi đầu lạy tạ Tổ-Tông,
Báo ơn sanh-dưỡng dày công nhọc-nhằn.
Rày con xin giữ Đạo hằng,
Tu cầu Tông-Tổ siêu thăng Phật-đài.
Nguyện làm cho đẹp mặt mày,
Thoát nơi khổ hải Liên-đài được lên.
Mong nhờ Đức Cả bề trên,
Độ con yên-ổn vững bền cội tu.
- Lạy 4 lạy.

BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT

- Cầm hương xá 3 xá, quì xuống, chắp tay đưa lên trán đọc bài Quy-Y:
• Nam-Mô Ta-Bà Giáo-Chủ Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật (tam niệm).
• Nam-Mô Thập Phương Phật.
Nam-Mô Thập Phương Pháp.
Nam-Mô Thập Phương Tăng.
• Nam-Mô Phật-Tổ, Phật-Thầy, Quan Thượng-Đẳng Đại thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn-thần, chư vị Năm Non Bảy Núi, cảm-ứng chứng-minh, nay con nguyện cải-hối, ăn-năn, làm lành lánh dữ, quy-y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.
- Cắm hương lạy 4 lạy cũng được, hoặc cắm hương đứng ngay thẳng, chắp tay vào ngực đọc tiếp:
• Nam-Mô Tây-Phương Cực-Lạc Thế-Giới Đại-Từ Đại-Bi Phổ-Độ Chúng-Sanh A-Di-Đà Phật.
• Nam-Mô nhứt nguyện cầu: Thiên-Hoàng, Địa-Hoàng, Nhơn-Hoàng, Liên-Hoa hải-hội, Thượng Phật từ-bi, Phật-Vương độ chúng, thế-giới bình-an.
• Nam-Mô nhị nguyện cầu: Cửu-huyền Thất-tổ Tịnh-độ siêu-sanh.
• Nam-Mô tam nguyện cầu: Phụ-mẫu tại đường tăng long phước thọ, phụ-mẫu quá khứ trực vãng Tây-phương.
• Nam-Mô tứ nguyện cầu: Bá-tánh vạn dân từ-tâm bác-ái, giải-thoát mê-ly.
• Nam-Mô ngũ nguyện cầu: Phật-Tổ, Phật-Thầy từ-bi xá tội đệ-tử tiêu tai tịnh sự, trí-huệ thong-minh, giai đắc đạo quả.
- Lạy bốn lạy, rồi xá:
• 1 xá chính giữa niệm: Nam-Mô A-Di-Đà Phật.
• 1 xá bên trái niệm: Nam-Mô Đại-Thế-Chí Bồ-tát.
• 1 xá bên mặt niệm: Nam-Mô Quan-Thế-Âm Bồ-tát.

BÀN THÔNG THIÊN

Cầu nguyện bàn Phật xong, ra bàn Thông Thiên cầu nguyện 4 hướng (lấy bàn Thông Thiên làm hướng chánh) trước mặt, sau lưng, hai bên vai.

Hướng chánh bàn Thông Thiên có nguyện đọc bài Quy-Y, còn ba hướng kia chỉ đọc bài Tây-phương ngũ nguyện, (mỗi hướng đọc rồi lạy 4 lạy).

(Khi cầu nguyện nếu không thể lạy được thì xá 3 xá).

Lạy đứng hay lạy quì tùy theo lúc yếu mạnh.

NIỆM PHẬT

Cúng xong muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm: Nam-Mô A-Di-Đà Phật.

Hay niệm: Nam-Mô Tây-phương Cực-lạc Thế-giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi phổ-độ chúng-sanh A-Di-Đà Phật.

(Niệm Phật nhiều ít, tùy theo sức mình, lúc cầu nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm).

Nam-Mô A-Di-Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc.

KHI ĂN CƠM

Mỗi khi ăn cơm với mắm muối chi cũng vậy đều nguyện vái Cửu huyền Thất tổ, ông bà cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo.

ĂN CHAY

Đến ngay đơm-quảy có chi cúng nấy.

Ăn chay ngày 14-15, 29-30, tháng thiếu 29 và mồng 1, có nhang thì đốt, không có thì nguyện không.

Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29-30 và mồng 1 phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua đến ngày mồng 2 có chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng 3 ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi.

ĐI XA NHÀ

Đi làm ruộng đến thời cúng, ngó về hướng Tây nguyện rồi xá 4 hướng. Còn đi xa nhà thì nguyện tưởng trong tâm cũng được.


VI. Lời Khuyên Bổn Đạo

Khi đã coi giảng thì phải tự xét mình và sửa sang những thói hư tật xấu, mình lầm lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn cấm sau đây:

1. ĐIỀU THỨ NHỨT: Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam cang ngũ thường.

2. ĐIỀU THỨ NHÌ: Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất, chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.

3. ĐIỀU THỨ BA: Ta chẳng nên ăn xài chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài mà đành quên nhơn nghĩa và đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.

4. ĐIỀU THỨ TƯ: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền rủa, vì Thần Thánh không can phạm đến ta.

5. ĐIỀU THỨ NĂM: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò, và không nên sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiến mà làm hết bịnh là Tà Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.

6. ĐIỀU THỨ SÁU: Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường đói rách, tàn tật.

7. ĐIỀU THỨ BẢY: Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.

8. ĐIỀU THỨ TÁM: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây Phương an dưỡng mà học Đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh.

Tất cả thiện nam tín nữ trong tôn giáo nhà Phật, lúc rãnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ gìn phong hóa nước nhà, giữ những tục lệ chân chánh, bỏ tất cả những sự dị đoan mê tín thái quá mà làm cho đạo đức suy đồi.

Đạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000