I. CĂN NGUYÊN NHỮNG SỰ KHỔ TRONG ĐỜI

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 17260)
I. CĂN NGUYÊN NHỮNG SỰ KHỔ TRONG ĐỜI

Trần gian say đắm theo màu sắc,
Tịnh độ giác thuyền trị dục tâm.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ

I- CĂN NGUYÊN NHỮNG SỰ KHỔ TRONG ĐỜI 
 

 Nhìn Phật-Giáo mà tìm cái lý,

 Coi tại sao ta phải tu hành?

 Trích - Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH

 

 

 

Như chúng ta đã biết: Đức Phật Thích Ca vì nghiệm ra bốn điều khổ, Sinh-Lão-Bịnh-Tử, nên Ngài tầm Đạo, tìm đường giải thoát và để cứu vớt nhơn sanh. Còn chúng ta đã trải qua biết bao khổ đau, phiền muộn làm cho tâm chúng ta bất ổn, sinh ra những âu lo, sầu khổ… Đó là những điều mà chúng ta luôn mắc phải trong cuộc sống hàng ngày, do Lục Căn, Lục Trần và Ngũ Uẫn tạo nên, hay do thân, khẩu, ý (Tam Nghiệp) của chúng ta tạo ra, để rồi chúng ta phải chịu cảnh luân hồi quả báo của luật nhân quả. Do đó, chúng ta nên suy gẫm là mình cần làm những gì để giúp cho cuộc sống hiện tại có được sự thanh tịnh và để cho thân sau của chúng ta được tốt đẹp hơn?

 

Có đôi khi chúng ta tự hỏi về Luật Nhân Quả là huyễn hay thật, Thiên Đàng Địa Ngục có hay chăng? Để biết rõ được điều nầy, xin đọc qua những câu Sấm Giảng dưới đây của Đức Huỳnh Giáo Chủ, là người khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), để mỗi chúng ta có những nhận định riêng về Cõi Diêm Đình, Cõi Tây Phương, và Luật Nhân Quả:

 

Xuống Diêm-Đình thấy tội hỡi ôi !
Đó mới biết có nơi địa-ngục.

  Và

Chỉ một kiếp Tây-phương hồi hướng,
Thoát mê-đồ dứt cuộc luân-hồi.

 

Với hai câu trên chúng ta có thể nhận thấy được Đức Huỳnh Giáo Chủ cho chúng ta biết là Cõi Diêm Đình, Cõi Tây Phương và luân hồi sanh tử là có thật. Và Ngài cho biết về luật nhân quả cũng có thật, qua những điều mà Ngài cho biết trong Ngũ Trược như sau:

 

Ngũ Trược (Nhân Quả)

Kiếp Trược, Kiến Trược, Nảo Trược, Chúng Sanh Trược, Mạng Trược

 

Thân hôi tanh muỗi, ruồi đón rước,
Thêm nhọt u, ghẻ lác, phong cùi.
Đâu lúc nào toàn vẹn yên vui,
Kiếp-Trược (1), ta xin kể trước.

 

Dòm việc quấy ngắm điều bạo-ngược,
Mắt trông vào những chỗ đê-hèn.
Nào được xem cảnh báu đài sen,
Nghĩa Kiến Trược (2) giải ra như vậy.

 

Trí vẩn-vơ tưởng đó nhớ đây,
Thiết mưu-kế toan bề thắng-thối.
Ghi thù-oán chưởng điều đáp đối,
Nên ma Phiền-Nảo Trược (3) đắm say.

 

Chuyển luân trong nhân-vật các loài,
Căn mờ ám làm điều dại-dột.
Chúng-Sanh Trược (4), Ta đà kể nốt,
Còn thứ năm là Mạng Trược (5) trung.

 

Số giàu-sang, họa phước, bần-cùng,
Giàu hoa-nguyệt
thung-dung cẩu-thả.

Ưa đẹp mắt mến điều mới lạ,
Sang oai-quyền, hối-lộ gần xa.

Nghèo a-dua, bợ-đở nịnh tà,
Khó trộm-cướp cũng là nhơ xấu.

 

Qua những điều trên thì chúng ta có thể nhận rõ về “Kiếp-Trược”, là thân của chúng ta được lành lặn nguyên vẹn hay tàn tật ốm đau là do căn duyên quả báo của nhiều tiền kiếp trước tạo nên, vì vậy kiếp này chúng ta mới có hình vóc như hiện tại. Để nhìn rõ được ở điều này, chúng ta hãy nhìn xung quanh và tự hỏi tại sao, cũng là con người mà có người sinh ra với thân thể nguyên vẹn, có đầy đủ ông bà cha mẹ, còn có người thì tàn tật ốm đau, lại bị cha mẹ bỏ rơi, phải nhờ vào sự chăm sóc và tình thương của những vị hảo tâm để nương sống qua ngày…

 

Về “Kiến Trược” thì chúng ta có thể nhận rõ về ý thức, về nhân sinh quan của từng cá nhân, có những sự khác biệt. Đều là con người nhưng lại có người thì chỉ nhìn vào những điều không hay không đúng, còn có người thì luôn nhìn vào những điều thanh cao. Có người không nhìn thấy được giá trị của Phật Pháp, có người thì luôn học hỏi, tìm hiểu kinh sách để có được sự an lạc thanh tịnh cho cuộc sống hiện tại và để giúp cho phần thân sau được tốt đẹp hơn.

 

Về “Nảo Trược” thì có người mưu toan tính kế để làm những điều nhằm mang lợi cho bản thân, cho gia đình hay cho riêng nhóm người của họ. Và ngược lại thì có người không nghĩ gì đến bản thân, mà chỉ muốn làm mọi điều nhằm mang đến những lợi lạc chung cho mọi người, cho xã hội…

 

Còn về “Mạng Trược” thì chúng ta có thể nhận thấy rõ, cùng là con người sống chung trong quả địa cầu, thì tại sao có người được sống trong một môi trường dư ăn dư để …, còn có nơi thì khổ nghèo đói rách, hơi mòn sức kiệt, không đủ sức để phủi đi muỗi, ruồi đậu trên môi trên mắt, đó rõ ràng là mạng kiếp của mỗi con người. 

 

Qua bốn điều trên thì chúng ta có thể nhận rõ về những gì xung quanh ta, được tạo nên là do luân hồi quả báo của nhiều tiền kiếp trước tạo nên. Và nếu như chúng ta tàn bạo hung ác, làm những điều hại người hại vật… thì “Chúng-Sanh Trược” là điều mà chúng ta không thể tránh khỏi trong luật nhân quả mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết: “Chuyển luân trong nhân-vật các loài, Căn mờ ám làm điều dại-dột.

Và Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng cho biết về những điều làm cho thân tâm của chúng ta luôn bất ổn, buồn lo, bất an, lao khổ…, và tạo cho chúng ta có những tánh không hay, những mê si…, là do Ngũ Uẫn hay do Tứ Đỗ Tường tạo nên, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết như sau:

 

Ngũ Uẫn

Tham, Sân, Si, Nhơn, Ngã

 

Lời ta dạy hãy nên suy-nghiệm,
Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình.
Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,
Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.

 

Chữ gây-gổSân hãy diệt,
Cho nó đừng thấp-thoáng trong lòng.
Thêm chữ Si thiệt quá lòng-dòng,
Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.

 

Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,
Ta chớ nên phân biệt với người.
Dẹp năm tên được mới mừng cười,
Vô pháp-tướng mới là thiệt tướng.

 

Tứ Đỗ Tường

Tửu, Sắc, Tài Của, Khí Hùng

 

Người tu hành phải trừ nghiệp-chướng,
Với bốn ma mới đặng an nhàn.
Tửu nhiễm vào thân thể bất an,
Sắc mến nó ngày kia lao khổ.

 

Ta nghiệm xét từ đời Bàn-Cổ,
Có ai dùng mà đặng thành Tiên.
Mà đời nay theo nó liên-miên,
Chữ Tài Của khổ riêng một kiếp.

 

Bị tội cướp nào ai có tiếp,
Mà đời nay nó cứ mãi làm.
Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,
Mà lao lý tấm thân trần-thế.

 

Với những điều do tâm ý chúng ta nhận thấy như: tốt xấu, đẹp xinh, êm dịu, ngọt béo, tham, sân, si, nhơn, ngã… đều do Lục-Căn và Lục-Trần tạo nên, làm cho chúng ta phải bận bịu, đua chen, giận hờn…, và làm cho chúng ta không có được sự an vui thanh thản. Đó là những điều làm cho chúng ta luôn bị khổ đau và bị luân hồi sanh tử, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:

 

Lục Căn - Lục Trần

Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý

Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

 

Lo tu tỉnh mặc ai khinh-ngạo,
Diệt Lục-Căn đừng nhiễm Lục-Trần.
Chữ Sắc-Thinh chớ có hầu gần,
Hương với Vị xác trần nên lánh.

 

Chữ Xúc-Pháp treo gương Hiền Thánh,
Tránh Sáu Đường cũng đặng về Thần.
Từ xưa nay dạy chỉ nhiều lần,
Mà lê-thứ không lo chẳng liệu.

 

Nhãn thấy sắc thường hay bận-bịu,
Tai ưa nghe những điệu âm thinh.
Mắt với tai đều chọn đẹp xinh,
Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu.

 

Đồ thơm tho nó ưa nó chịu,
Chốn xạ hương hay lết lại gần.
Lưỡi ưa ngon là chuyện ân-cần,
Đồ ngọt béo nó ưa nó mến.

 

Thân tham sướng muốn tiền của đến,
Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình.
Ý thì ưa sửa sắc soi hình,
Với chức phận cho cao cho quí.

 

Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.

 

Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa-đày.
Cả tiếng kêu những kẻ trí tài,
Hãy yên lặng bình tâm suy-nghĩ

 

Qua những điều trên, thì chúng ta có thể nhận định rõ về sự khổ đau, buồn lo, về những tánh tình không hay, về những mê si, những buồn vui…, là những điều làm cho chúng ta không có được cuộc sống an vui, thanh thản. Và chúng ta cũng nhận rõ về Luật Nhân Quả, về Thiên Đàng, Địa Ngục là thật có, nên mong rằng mỗi chúng ta hãy tự tìm cho mình một hướng đi mới, nhằm giúp thay đổi nhân sinh quan của cuộc sống hiện tại và giúp cho thân sau được tốt đẹp hơn.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 11759)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 17280)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 25700)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25719)
100,000