10- Chánh pháp tà pháp

15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 13023)
10- Chánh pháp tà pháp

 

Bàn về Chánh Pháp và Tà Pháp khi mới nghe qua thì thấy vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, giữa Chánh và Tà nếu chúng ta không phân tách thật kỹ càng để mà chọn lựa cho đúng thì nó có thể tiêu diệt chúng ta cả linh hồn và thể xác. !!!

Thí dụ như thức ăn, thức uống, thuốc uống hay bất cứ vật dụng hàng ngày mà chúng ta chọn nhằm đồ giả để dùng thì nó sẽ diệt thân xác chúng ta một cách dễ dàng.

Về Đạo lý cũng vậy, nếu không chịu suy lường cho cẩn thận để chọn lầm Tà Đạo m à theo thì chắc chắn nó sẽ diệt chúng ta cả hồn cả xác.

Trong quyển 4, tức Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy có dạy:

 “Đạo Quỉ Vương rất nhiều chi ngánh,

Khuyên dương trần sớm tránh mới mầu.

Để ngày sau đến việc thảm sầu,

Rán nghe kỹ lời Ta mách trước.”

 Đời người ai cũng có ít nhiều lần đọc sách Đạo, đọc Kinh và nghe thuyết pháp. Hầu hết sự lý giải của sách và người thuyết minh đều có kinh nghiệm, nghiên cứu cạn sâu, rồi dựa vào nhân duyên hoàn cảnh hợp thời, hợp lý mà khai thông chuyển ngữ.

Bởi lý luận luôn luôn “bùi tai” khiến người nghe dễ dàng chạy theo đón nhận. Vì họ thường cho rằng Tu theo họ thì được mau và đắc cũng được lẹ. Giống như người bán hàng, dùng mọi học thuyết lý luận, để cho người mua hàng, chịu mua, và bán được hàng là xong. Còn xài được không thì hạ hồi phân giải.!!!

Bài viết nầy nhằm tìm hiểu về ĐẠO, cho nên chỉ luận bàn về Tà hay Chánh mà thôi.

Trước hết, vào năm 1942, khi Đức Thầy ở Bạc Liêu có viết một số bài Pháp luận, trong đó có bài “Trong việc tu thân xử kỷ”, Ngài giải rõ về Tà kiến như sau:

Có ĐỨC TIN (Tin về thần quyền) mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà thần cám dỗ, bọn tăng đồ lợi dưỡng gạt lường. Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng kiếng để chuộc tội, hoặc bắt buộc ta thờ kính một cách phiền phức làm cho lòng u tối của ta càng ngày càng u tối thêm.

Còn có lòng lành mà thiếu đức tin vào công việc từ thiện của mình thì lòng lành ấy thường hay thối chuyển vậy.

Vậy đồng thời với đức tin và lòng trí lành phải đi cặp luôn luôn.

Có đức tin và lòng lành rồi thì dùng trí huệ mà bình đoán cái ĐẠO của ta đang học hay sẽ học một cách xác thực, tìm hiểu cho rõ ràng cái mục đích ấy, như thế mới mong thoát khỏi tà kiến gạt gẫm, ta đem đức tin, lòng lành cống hiến vào chỗ thấp hèn hay một ông thầy mê dốt.”

Ngoài ra, rải rác trong các quyển Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý, Đức Thầy cũng đã từng nhắc nhở, chỉ rõ cho chúng ta phân biệt được giữa Chánh và Tà để dẫn dắt môn đồ của Ngài đi đúng con đường Chánh đạo:

1.- Đạo Chánh và Đạo Lành:

“Dạy Đạo chánh vì thương Nam-Việt,

Ở Cao-Miên vì mến Tần-Hoàng." (Q.2)

“Khuyên bổn-đạo chớ nên mê ngủ,

Thức dậy tìm Đạo chánh của Khùng.” (Q.2)

“Chọn nơi nào Đạo chánh phượng thờ,

Thì mới được thân sau cao-quí." (Q.4)

“Bác-ái xả-thân tầm Đạo-chánh,

Độ người lao-khổ dạ không phiền."

(Luận việc tu hành)

“Sớm thức-tỉnh tâm tầm Đạo-chánh,

Sau nầy về Phật với ngôi Tiên."

(Luận việc tu hành)

“Ngày nay Điên mở Đạo lành,

Khắp trong lê-thứ được rành đường tu." (Q.1)

“Muốn tu-tỉnh nay đà gặp cuộc,

Đức Di-Đà truyền mở Đạo lành.” (Q.2)

“Say thấm Đạo-lành ban vạn-vật,

Say đời chưa rõ chuyện vàng thau.” (SAY)

“Viết một ngọn lưỡi nầy một tấc,

Đem Đạo lành ban rải nơi nơi.”

(Diệu pháp Quang minh)

“Đạo lành sao lại chẳng tin,

Dầu cho thông-thái cũng gìn cốt xưa."

(Thu đã cuối)

“Làm cho kẻ bạo ngửa-nghiêng,

Đạo lành mở cửa nơi miền Nam-bang.”

(Cảm tác)

 2.- Tả Đạo và Tà Kiến:

“Học tả-đạo làm điều tà-mị,

Theo dị-đoan cúng-kiếng tinh-tà." (Q.2)

“Nói cho trần-hạ liệu-toan,

Chớ theo tả-đạo mà tan xác hồn.” (Q.3)

“Thêm còn bị lắm phen dông-tố,

Lời tà-sư ngoại-đạo gieo vào.” (Q.5)

“Tội với phước xét coi nhiều bận,

Mới khỏi lầm tà-kiến đem vào.” (Q.4)

“Gẫm trong thế-sự trần-hoàn,

Người hung người ác tà-gian cũng nhiều.” (Q.3)

“Nhơn-Hoàng cũng lấy lẽ công,

Cũng đồng trừng-trị kẻ lòng tà-gian.” (Q.3)

“Kẻ tà-gian sau bị lửa thiêu,

Người tu-niệm sống đời thượng-cổ." (Q.2)

Sau đây là mẩu chuyện bên Thầy thứ 62 với tựa đề “TU CÁCH NÀO MỚI CHÁNH”

Mẩu chuyện nầy là do anh Út Trát ở Mỹ Hội Đông kể cho chúng tôi nghe:

Đó là chuyện của anh Huỳnh văn Chấn là một giáo chức ở Quận Tân Châu, thời Pháp thuộc. Nguyên khởi anh Chấn theo chủ nghiã Cộng sản. Trên con đường hoạt động chống Pháp anh phải chịu nhiều gian khổ, rày đây, mai đó và anh vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, nên anh chán nãn, anh muốn tìm Sư học ĐẠO. Một hôm anh đi vùng Hà Tiên, Rạch Giá và gặp được một nhà Sư với Đạo hiệu Pha Kia. Ông Sư nói rằng:

“Nếu ai chịu theo tôi, tôi sẽ dạy cho phương pháp nhập thất, niệm Phật trong vòng một trăm ngày, tôi sẽ hộ cho được thấy Phật.” Nghe nói tu mau thành, anh Chấn bằng lòng theo Ông Sư.

Thế là anh phải bỏ tiền ra để anh bạn cất cho anh một cái cốc và nấu cơm hộ thất cho anh, cùng lúc phải nuôi ông Sư ở trong nhà để dạy anh cách thức niệm Phật. Bắt đầu anh nhập thất niệm Phật cũng gần đủ một trăm ngày, vì sự lo lắng cho nên anh đang niệm Phật mà lòng bị chao động, anh nghĩ rằng ông thầy dặn mình niệm Phật một trăm ngày sẽ thấy Phật, nhưng mình niệm tới đây cũng gần rồi mà không thấy gì hết. Bỗng nhiên anh thấy hình Phật hiện ra trước mắt, rồi phút chốc mất đi, bèn liền hăng hái lên, anh nghĩ chắc là mình niệm đúng một trăm ngày sẽ thấy. Đúng một trăm ngày anh Chấn ra thất.

Đã không thấy Phật mà còn được anh bạn cho hay là ông Sư từ giã bỏ đi ba hôm trước. Lúc bấy giờ anh Chấn mới hiểu, ông Sư lợi dụng mình nuôi ông ta một trăm ngày, chớ không phải cách thức tu để thấy Phật. Anh thua buồn trở về Tân Châu làm đơn xin dạy học. Đến năm 1939, Đức Thầy khai sáng nền Đạo tại Hòa Hảo. Anh Chấn đang dạy học, nghe những người đi Hòa Hảo về, họ nói Đức Thầy là một vị Phật sống ra đời để cứu độ nhân sinh. Anh Chấn lại có tâm muốn tầm Đạo, nghe thì anh muốn đi, nhưng lúc đó mắc bận dạy học ngày hai buổi, nên không đi đựơc. Mãi đến mùa Hè năm 1940, khi Đức Thầy bị người Pháp đưa xuống Rạch Xà No ở tại nhà ông Hương Bộ Thạnh, thì anh Chấn mới đến viếng Ngài.

Trong cuộc đi nầy anh Chấn mặc Âu phục để tỏ ra mình là người trí thức. Vào khoảng hơn 11 giờ trưa tại nhà ông Bộ Thạnh, ba gian cửa đều mở trống, Đức Thầy bảo người nhà đều ở hết phía sau, chỉ một mình Đức Thầy ngồi ở bàn và đang cúi xuống viết. Anh Chấn nhìn thấy tướng mạo thì độ chừng là Đức Thầy, nhưng đứng chờ một hồi lâu không thấy Đức Thầy ngước lên. Bấy giờ anh mới để giày nón, bước lên thềm gạch đi thẳng vào và chân ấn mạnh xuống, ý làm cho Đức Thầy hay có khách đến, nhưng Ngài vẫn điềm nhiên, không ngó lên. Anh liền quay ra sân, lòng thầm trách:

-Người ta nói ông nầy là Phật, nhưng tại sao ông có vẻ khi người.

Qua một thoáng suy nghĩ, anh đã bước xuống nhà khách, anh tự bắt lỗi mình, hay là tại mình vô phép nên người ta không tiếp chớ gì ? Nghĩ thế, anh Chấn liền lột nón, gở kiếng và cởi giày để lại rồi bước thật nhẹ trở vào. Bấy giờ Đức Thầy mới đứng dậy nghiêm trang chào khách và hỏi:

- Ông biết tôi là ai không?

Anh Chấn chưa biết phải trả lời ra sao, trong người anh bắt run lên như bị bịnh rét. Thấy anh Chấn không trả lời được, bấy giờ Đức Thầy mới nói tiếp, ngón tay Ngài vừa chỉ vừa nói:

- Chúa trùm Cộng sản là tôi đây!

Nói xong Ngài ngồi xuống ghế, còn anh Chấn đứng, cả mình và tay chân đều run hết, anh cố kềm và suy nghĩ:

“Mình đã từng tiếp xúc với hàng trí thức, lên quan, xuống huyện, với các nhà Sư, nhưng chưa bao giờ mình biết sợ một ai, mà hôm nay sao mình gặp ông nầy mới nói với mình có mấy tiếng mà mình khiếp sợ như thế nầy. Thật là điều kỳ lạ quá, chắc ông nầy không phải là bực tầm thường”. Lòng anh Chấn nghĩ đến đó, tự nhiên trong người bớt run, anh mới chấp tay lại:

-Thưa ông Tư! Trước kia tôi có gặp một nhà Sư, sư dạy cho cách vào thất niệm Phật trong vòng một trăm ngày, sư sẽ hộ cho được thấy Phật. Chẳng biết tu như thế là chánh hay không chánh ? Nhờ ông Tư chỉ dạy cho biết.

Đức Thầy vui vẻ đáp:

 - Đó là Ma Ba Tuần nó hiện ra cảnh ấy, chớ Phật đâu đó mà chánh.

Anh Chấn nghe Đức Thầy nói thế, anh liền hỏi thêm:

-Vậy phải tu làm sao mới chánh?

Bấy giờ Đức Thầy lấy bàn tay thoa vào ngực ba vòng và nói:

- Tu làm sao hàng phục được lòng tà quấy của mình mới chánh.

Anh Chấn nghe được câu giải đáp của Đức Thầy, anh nhận thức được chân lý tu hành cho nên anh hết sức vui mừng khâm phục, bèn quì xuống nhờ Đức Thầy cho qui y thọ giáo.

Khi nói về các Đạo tà, Đức Thầy còn cho biết:

 “Các Đạo tà mưu khéo âm thầm,

Dân rán tránh kẻo lâm mà khổ.

Chúng nó xuống khuyên răn nhiều chổ,

Dùng phép mầu lòe mắt chúng sanh.

Ai ham linh theo nó tập tành,

Sa cạm bẫy khó mong sống sót.”

(Quyển.4, Giác Mê Tâm Kệ)

Như mọi người đều biết, đạo PGHH là do Đức Thầy khai sáng từ trên 73 năm nay, là một nền Đạo phát xuất từ lòng dân tộc và ngày càng phát khai rực rỡ trên khắp thế giới. Hễ nơi nào có người Việt lưu cư là nơi đó có tín đồ PGHH, có BTS hay Hội quán để giữ gìn mối Đạo và truyền bá Giáo lý Đức Thầy khắp nơi khắp chốn, không bao giờ thối chuyển. Điều nầy, chính Đức Thầy cũng đã xác nhận về sự trường tồn của nền Đạo PGHH như sau:

“…Thời kỳ Thầy chuyển pháp độ đời, dẫu cho thế lực Thực dân Pháp và tay sai có ác độc đến đâu, cũng không thể nào làm hại Đạo được. Chừng nào hào quang trên mặt trăng không còn chiếu xuống đất, thì Đạo Thầy mới mất. Bằng ánh sáng mặt trăng còn chiếu thì Đạo Thầy vẫn còn cứu đời và lan rộng mãi mãi.”

Đức Thầy còn cho biết thêm: “Tất cả uy quyền hay thế lực đàn áp, chỉ là vun phân tưới nước cho Đạo tốt thêm, các ông cứ an tâm hành Đạo, đừng lo sợ gì hết.” (Lời nầy do Ông Nguyễn Chi Diệp thuật lại).

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hiện nay có một số người đã từng sống trong sự đùm bọc của Quê Hương Việt Nam thân thương, ngày đêm quây quần bên nhau với bốn chữ PGHH. Mà giờ đây họ chạy theo nhiều thứ Giáo lý ngoại lai, không rõ căn nguyên và nguồn gốc xuất xứ.!

Những người nầy mỗi khi nghe ai nói lời nầy là của Phật, tọa Thiền như vầy là theo kiểu Phật, ngồi Thiền, tập thở hoặc nhập thất thì mau thành… là vội vàng chạy theo. Chớ họ có biết đâu, “49 năm Phật thuyết không nói một lời”.

Trong “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, có ghi câu chuyện về “Tâm tức Phật” như sau:

Thiền Sư Cảm Thành (đệ tử Vô Ngô Thông, mất năm 860) giải thích rất rõ cho đệ tử là Thiện Hội về thuyết Đốn ngộ.

Một hôm Thiện Hội vào thiền thất của Cảm Thành và hỏi:“Kinh nói Đức Thích Ca phải tu hành trong ba A-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu được quả vị Như Lai; nay Thầy lại dạy thuyết “tức tâm tức Phật”, đệ tử không hiểu xin Thầy chỉ giáo”. Đó là một câu chất vấn về thuyết Đốn ngộ.

Cảm Thành hỏi lại: “Chú nói trong Kinh nói, vậy đó là ai nói?. Nếu nói là Phật nói, thì tại sao Kinh Văn Thù lại nói: Như Lai ở đời 49 năm chưa từng nói một tiếng nào với ai? Với lại Cổ Đức đã nói: Tìm tòi sự chứng ngộ trong Kinh văn thì chỉ thêm u trệ, cầu thành Phật bằng khổ hạnh thì là mê lầm, bỏ tâm mà cầu Phật là ngoại Đạo, nắm lấy Tâm mà cầu Phật là ma quân”.

Thiện Hội hỏi:“Nếu nói vậy thì trong Tâm nầy cái gì là Phật, cái gì không phải là Phật?” Cảm Thành nói: Ngày xưa, có người hỏi Mã Tổ Đạo Nhất: Nếu tức Tâm tức Phật thì trong Tâm cái gì là Phật? Đạo nhất trả lời: Ông nghĩ trong Tâm ấy cái gì không phải là Phật, thì chỉ cho tôi xem nào? Người ấy không nói. Mã Tổ lại nói: Khi Đại ngộ thì cái gì cũng là Phật. Khi chưa Đại ngộ, cái gì cũng vĩnh viễn sai lầm. Câu thoại đầu đó, chú có hiểu không?”

Kính thưa quý vị, xin h ãy nghiên cứu kỹ những lời dạy của Đức Thầy như đã trích dẫn trên đây, là đã quá đầy đủ cho chúng ta học PHẬT rồi. Bởi vì:

“Lời lành của Phật truyền roi,

Đọc qua suy nghiệm xét soi Chánh Tà.”

(Quyển Năm, Khuyến Thiện)

Mưa Trời thì lúc mưa lúc tạnh, còn mưa Pháp của Đức Phật và Đức Thầy thì ngàn thu bất tuyệt./.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

TRƯƠNG VĂN THẠO

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 10839)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 16263)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 24722)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25034)
100,000