II. 8 ĐIỀU KHỔ Ở CÕI TA BÀ & 8 ĐIỀU VUI Ở CÕI CỰC LẠC

17 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 29587)
II. 8 ĐIỀU KHỔ Ở CÕI TA BÀ & 8 ĐIỀU VUI Ở CÕI CỰC LẠC

Có bao người xét cho tột chỗ,
Tịnh độ vui, Tịnh độ nhàn vui.
Cảnh thanh minh sen báu nặc mùi,
Nào ai rõ cái vui triệt đáo.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ


II.8 ĐIỀU KHỔ Ở CÕI TA BÀ & 8 ĐIỀU VUI Ở CÕI CỰC LẠC

Ngoài những điều khổ mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết trong phần vừa qua, thì còn biết bao những sự khổ khác được Đức Phật Thích Ca rút gọn trong tám phần và được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ rõ trong “Tám Điều Khổ ở Cõi Ta Bà”. Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng cho biết về “Tám Điều Vui ở Cõi Cực Lạc”, nhằm cho chúng ta thấy được những điều khác biệt giữa hai cõi, như Ngài cho biết: “Chốn Ta-bà tim lụn dầu mòn”, và ngược lại “Cõi Tịnh-độ lắm điều thanh-nhã”. Với những điều ấy mong rằng chúng ta sớm thức tỉnh, lo tu thân để tạo duyên lành phước báu và để cầu được giải thoát về nơi an lạc.

 

Xin hãy lắng tâm để đọc và nghiệm kĩ từng điều khổ của Cõi Ta Bà và từng điều vui ở Cõi Cực Lạc, để nhận định rõ hơn về những điều ấy, hầu giúp cho chúng ta sớm nhận ra và sớm phát tâm tu tập để tìm đến sự giải thoát và đạt được điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết: “Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng, Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.” 

 

Tám Điều Khổ Của Cõi Ta Bà

Sanh (1), Lão (2), Bịnh (3), Tử (4), Cầu chẳng thành (5), Biệt-Ly (6), Oan-Tắng-Hội (7), Ưu-Sầu lo ngại (8)

 

Đức Thích-Ca từ xưa dạy bảo :
Khổ Ta-bà nhiếp lại tám phần.
Bởi chúng-sanh mang lấy xác thân,
Khổ thứ nhứt sự Sanh (1) là gốc.

 

Vào bụng mẹ chung quanh bao-bọc,
Có khác nào ở chốn ngục tù.
Buổi mẹ đau huyết kiệt hình thu,
Lúc mẹ đói dường treo lỏng-bỏng.

 

Ta kể sơ những điều bi-thống,
Mẹ no cơm chật-chội khó-khăn.
Khi ra đời đau-đớn vô ngần,
Cất tiếng khóc nếm mùi dương-thế.

 

Đoạn Lão khổ (2) thứ nhì xin kể,
Từ trẻ thơ đến tuổi thành nhân.
Hết tráng cường đến lúc mòn thân,
Răng lần rụng lưng cong gối mỏi.

 

Nằm đi đứng đỡ nưng chống chỏi,
Thử nghĩ coi lao nhọc cùng chăng?
Đoạn thứ ba ma Bịnh (3) làm nhăng,
Theo hành phạt xác thân ô-uế.

 

Bởi thời-thế chuyển xây biến-thể,
Thêm uống ăn chẳng được điều-hòa.
Là nguyên-nhân căn bịnh phát ra,
Thân trằn-trọc hôn-mê nhức-nhối.

 

Cơn bịnh hoạn càng không tránh nổi,
Còn mang thêm tật nọ tật kia.
Rồi từ đây đến lúc chia lìa,
Đoạn Tử khổ (4) thứ tư phân giải.

 

Trên dương thế hữu hình tắc hoại,
Có sanh ra khổ-hải đâu chừa.

Trải bao phen dãi gió dầm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan-nát.

 

Gần hấp-hối tâm-thần xao-xác,
Trí vẩn-vơ kinh-sợ vô cùng.
Rồi mòn lần đến lúc lâm chung,
Giã cõi tạm theo đường tội phước.

 

Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,
Mà cũng không thoát luật tuần-huờn.
Dầu ẩn nơi cùng cốc thâm sơn,
Chẳng trốn lánh tử thần cho khỏi.

 

Đoạn thứ năm nghĩ-suy tìm-tỏi,
Cầu chẳng thành (5) những việc thích-ham.
Người trên đời ai cũng lòng tham,
Muốn phước, thọ, phẩm, hàm, tiền của.

 

Nào vợ đẹp, hầu xinh, là-lụa,
Không được thì bực-tức ưu-phiền.
Cả tâm thần điêu-đứng đảo-điên,
Vậy có phải khổ hay là chẳng?

 

Đoạn thứ sáu Biệt-Ly (6) cay đắng,
Người mình thương bỗng lại chia-lìa.
Khi khóc than nước mắt đầm-đìa,
Lúc trông nhớ ruột tầm chua xót.

 

Ở thế-gian mấy ai thoát lọt,
Nợ gia-đình đeo đắm căn-duyên.
Cơn nguy nghèo thân thể truân-chuyên,
Kẻ lưu-lạc người chờ trông mãi.

 

Cuộc tan hiệp, hiệp tan ân-ái,
Đến xong đời để lại sầu ưu.
Cái khổ nầy dầu lắm trí mưu,
Cũng chung chịu như người tăm-tối.

 

Đoạn thứ bảy khổ Oan-Tắng-Hội, (7)
Hễ thương nhau tất có ghét nhau.
Thường tranh-đua tiếng thấp lời cao,
Chẳng nhẫn-nhịn thành ra cừu oán.

 

Muốn tránh xa đừng trông tâm dạng,
Cứ gặp nhau mắt tựa kim châm.
Làm cho người đau đớn âm-thầm,
Khổ như thế diễn ra mãi mãi.

 

Đoạn thứ tám Ưu-Sầu lo ngại, (8)
Cuộc tang-thương
dâu bể cảnh trần.
Nghèo thì lo một nổi nợ-nần,
Lo đau-đói liệu cơn nhà rách.

 

Buồn duyên-số phận mình nhơ sạch,
Rầu gia-đình chúng bạn khinh cười.
Giàu thì lo chen lấn với người,
Miễn cho được đầy rương đầy tủ.

 

Tám Điều Vui Ở Cõi Cực Lạc

Không khổ sanh (1), Không khổ lão (2), Không khổ bịnh (3), Thoát khổ tử (4), Không mưu cầu bất đắc (5), Thoát khổ ly-biệt (6), Khỏi khổ oán ghét gặp nhau (7), Không còn khổ, buồn, rầu, lo, sợ (8)

 

Ôi! Cả sang hèn chẳng ai thong-thả,
Sao nhơn sanh cứ mãi đắm say.
Chẳng tu thân đặng dựa Phật-Đài,
Cho thong-thả hưởng mùi sen báu.

 

Thần-thức nhập Thai-Sen tinh-hảo,
Nên khỏi màng lo nổi khổ sanh (1).
Thân thì Thân Công-Đức hiền lành,
Bất di dịch khỏikhổ lão (2).

 

Thể Thanh-tịnh thường không huyên-náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bịnh (3) kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao-đao vì nó.

 

Đường sanh-mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám dắt hồn,
Thoát luân-chuyển khỏi đeo khổ tử (4).

 

Cuộc y thực muốn chi đủ thứ,
Không nhọc-nhằn lo việc sanh-nhai.
Trí yên nhàn
nhìn cảnh Phật-Đài,
Khỏi quả khổ mưu cầu bất đắc (5).

 

Cả Hải-chúng thảy đều vững-chắc,
Toàn dân lành đâu có đắn-đo.
Dứt ái-ân quyến-thuộc chuyện-trò,
Thoát sống khổ thương-yêu, ly-biệt (6).

 

Chữ Hòa-Thuận kể sao cho xiết,
Tâm đồng nhau thượng-thiện vui-vầy.
Cảnh như như chẳng có đổi thay,
Không màng biết phân chia nhơn-ngã.

 

Sẵn vị ngôi rành phân thượng hạ,
Khỏi khổ câu oán ghét gặp nhau (7).
Thân tâm thường-trụ hết rạt-rào,
Chất thô-trược tiêu tan mất cả.

 

Cõi Tịnh-độ lắm điều thanh-nhã,
Khổ, buồn, rầu, lo, sợ (8) chẳng còn.
Chốn Ta-bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ-đại của người cũng thế.

 

Mau thức-tỉnh tu-thân kẻo trễ,
Đến tội rồi mới hối muộn-màng.
Chi cho bằng ta sớm lo toan,
Gìn giới-luật nghe kinh trọng Phật.

 

Đến lâm-chung quả lành đâu mất,
Cõi Tây-Phương chư Phật đợi chờ.
Việc tu thân thiện-tín hẫng-hờ,
Chừng họa đến e cho khó tránh.

 

Môn Tịnh-độ là phương cứu-cánh,
Rán phụng-hành
kẻo phụ Phật xưa.
Lòng từ-bi chẳng quản nắng mưa,
Xong thuyền giác rước đưa sanh-chúng.

 

Qua những điều trên, mong rằng chúng ta có thể nhận rõ về những điều khổ của Cõi Ta Bà và những điều vui ở Cõi Cực Lạc để sớm phát tâm tu tập, nhằm giúp chúng ta có được sự an nhàn ở cuộc sống hiện tại, tìm đến sự giải thoát và giúp cho thân sau được tốt đẹp hơn.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

 

 




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 10839)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 16263)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 24723)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25034)
100,000