14- Tìm hiểu tám mươi bốn ngàn pháp môn

15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 16926)
14- Tìm hiểu tám mươi bốn ngàn pháp môn

Trong quá trình tìm hiểu Phật pháp, mỗi khi nghe nói đến 84.000 pháp môn thì trong lòng tự hỏi do đâu mà có nhiều Pháp môn như thế ? Do đó, chúng tôi cố gắng tìm tòi xem coi sách nào ghi chép đầy đủ về các Pháp môn nầy để hiểu biết và học hỏi. Bởi vì, học mà không hiểu thì sự học sẽ mơ hồ giống như người đi lạc vào rừng, bốn phía chỉ thấy cây cối mịt mờ không biết đường đâu mà bước !...

Do nơi sự mơ hồ nầy mà Đức Thầy có dạy:

Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ,

Nên người đời khó kiếm cho ra.

Mõ chuông bày đọc tụng ó la,

Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.

(Q.4, Giác Mê Tâm Kệ)

Sau đây, xin dựa vào quyển Phật Học Từ Điển để trình bày về con số 84.000 như sau:

BÁT VẠN TỨ THIÊN PHÁP MÔN. Tức là vô số phương pháp tu tập để diệt trừ phiền não, chứng đắc Bồ đề. Vì thấy căn cơ của chúng sanh khác nhau, nên Phật dạy Đạo dùng rất nhiều pháp môn mà giáo hóa họ. Lại nữa, tâm bịnh của chúng sanh rất nhiều, cho nên Phật lại dùng vô số phương pháp mà điều trị cho họ, nên gọi là Bát vạn tứ thiên (84.000) pháp môn.

Trong quyển Qui Nguyên Trực Chỉ, có đề cập đến vấn đề nầy như vầy:“Phật thuyết Bát vạn tứ thiên Pháp môn, giai thị đạo nhơn phản vọng nhi qui chơn giã. Kỳ tiệp kính, dị hành giã, duy niệm Phật nhứt môn.” (Nghĩa là: Tám muôn bốn ngàn pháp môn do Phật thuyết đều dắt dẫn người ta trở vọng mà về chơn vậy. Trong đó pháp môn tắt ngang và dễ tu hành, chỉ có một môn niệm Phật mà thôi). Đặc biệt về pháp môn Niệm Phật hay pháp môn Tịnh Độ, Đức Thầy đã xiển dương rất nhiều trong Giáo lý của Ngài:

Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,

Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà.

Thì hiền lương quên mất điều tà,

Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng.

(Q.4, Giác Mê Tâm Kệ)

Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,

Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.

Nhớ từ bi hai chữ ngâm nga,

Dầu làm lụng cũng là trì chí.

(Q.4, Giác Mê Tâm Kệ)

Việc tu thân thiện tín hẫng hờ,

Chừng họa đến e cho khó tránh.

Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh,

Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.

(Q.5, Khuyến Thiện)

Giải thích về việc phát sinh của 84 ngàn Pháp môn, trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH, Đức Lục Tổ có bảo: Nầy thiện tri thức! Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không trụ, không qua cũng không lại, chư Phật ba đời từ trong đó mà ra. Phải dùng đại trí huệ nầy đập Ngũ uẩn, phiền não, trần lao, tu hành như đây quyết định thành Phật đạo, biến Tam độc thành Giới, Định, Huệ.

Nầy thiện tri thức! Pháp môn của tôi đây từ một Bát Nhã sanh ra Tám muôn bốn ngàn trí tuệ. Vì cớ sao ? Vì người đời có Tám muôn bốn ngàn trần lao, nếu không có trần lao thì trí tuệ thường hiện, chẳng lìa tự tánh. Người ngộ Pháp nầy tức là vô niệm, vô ức, vô trước, chẳng khởi cuồng vọng, dùng tánh chơn như của mình, lấy trí huệ quán chiếu, đối với tất cả Pháp không thủ, không xả tức là thấy tánh thành Phật Đạo.

Ngoài ra, khi đề cập đến con số 84 ngàn, trong một số quyển sách Phật học chúng tôi thấy có sự giải thích như sau:

BÁT VẠN TẾ HẠNH: là Tám muôn nết nhỏ, được phân giải như thế nầy:

Tỳ Kheo có 250 giới, mỗi giới có bốn oai nghi là (1) Hành, (2) Trụ, (3) Tọa, (4) Ngọa. Tức là 250 x 4 = 1.000.

Lấy con số 1.000 nầy nhơn cho Tam tụ giới của Bồ Tát là (1) Luật nghi giới, (2) Thiện pháp giới, (3) Nhiêu ích chúng sanh giới. Tức là 1.000 x 3 = 3.000.

Lấy con số 3.000 nầy nhơn cho ba Nghiệp về Thân là (1) Sát sanh, (2) Đạo tặc, (3) Tà dâm và bốn Nghiệp về Khẩu là (1) Vọng ngữ, (2) Ỷ ngôn, (3) Lưỡng thiệt, (4) Ác khẩu. Tức là 3.000 x 7 = 21.000.

Lấy con số 21.000 nầy nhơn cho ba thứ Tham, Sân, Si và cái Mạt na thức, gọi chung là bốn mối phiền não là (Ngã si, Ngã kiến, Ngã mạn, Ngã ái). Tức là 21.000 x 4 = 84.000.

Như vậy, kết quả là Bát Vạn Tứ thiên Tế hạnh, nhưng gọi theo số chẵn là Bát Vạn Tế Hạnh.

BÁT VẠN TỨ THIÊN. Tám mươi bốn ngàn (84.000).

Ngày xưa bên Thiên Truớc, muốn tỏ ra vật chi rất nhiều, người ta thường dùng con số Bát vạn tứ thiên. Trong văn chương Phật học cũng hay nêu con số ấy mà chỉ những vật khó đếm, khó tính, như Bát vạn tứ thiên trần lao, Bát vạn tứ thiên Pháp môn.

Trong một chén nước có vô số vi trùng, người ta gọi: Bát vạn tứ thiên trùng. Núi Tu Di rất cao, khó mà tính số do tuần, người ta gọi: Bát vạn tứ thiên do tuần.

Cuộc đời của Tiên ở cảnh Phi phi tưởng rất dài, chẳng biết là bao năm mà kể, người ta tạm gọi là Bát vạn tứ thiên tuế.

Bát vạn tứ thiên đồng nghiã với vô lượng nên gọi tắt là Bát vạn.

BÁT VẠN TỨ THIÊN BỆNH. 84.000 thứ bệnh tật. Tức là : Bát vạn tứ thiên phiền não, Bát vạn tứ thiên trần lao, Bát vạn tứ thiên tâm hành.

Con người ta có vô số bệnh tật, lầm lạc, mê muội, từ trong tâm khởi lên hằng giờ, hằng phút. Muốn đối trị 84.000 thứ bệnh tật ấy thì nên dùng 84.000 pháp môn của Phật.

Nói chung, con số “84.000” hay còn gọi “tám mươi bốn ngàn” hoặc “tám vạn bốn ngàn” là một thành ngữ thường thấy trong Kinh điển Phật giáo, như: 84.000 đại kiếp, 84.000 năm, 84.000 thị nữ, 84.000 cỗ xe, 84.000 con voi, 84.000 con bò, 84.000 chén bạc, 84.000 thước vải v.v. Đây chỉ là một thành ngữ phổ thông tại Ấn Độ trong thời đó, là cách nói tổng quát để ám chỉ tính đa dạng hoặc một số lượng rất lớn.

Theo sự hiểu biết thô thiển của chúng tôi, trong kinh điển Pāli nguyên thủy không thấy đề cập đến “84 ngàn pháp môn”, mà chỉ có một đoạn văn do Trưởng lão Ānanda trả lời ông Moggallāna người chăn bò, khi ông ấy hỏi Ngài lời dạy của Đức Phật là gì, có tất cả là bao nhiêu pháp. Ngài đáp: "Trong 84 ngàn pháp, chính tôi được nghe đức Phật giảng 82 ngàn, còn 2 ngàn kia là do các vị tỳ khưu khác thuật lại" (Trưởng Lão Tăng Kệ, 1025, Tiểu Bộ).

Luận sư Buddhaghosa, trong Chú Giải Trưởng Lão Tăng Kệ, có giải thích “Pháp” ở đây được hiểu như là “Pháp uẩn” (dhammakhandha), nghĩa là đoạn văn về giáo pháp mà thôi.

Tóm lại, do nhân duyên tích lũy, dẫn dắt từ đời đời, kiếp kiếp không dứt, mới sanh ra muôn ngàn vạn khổ đau. Cho nên chư Phật, chư vị Bồ Tát phải thuyết ra muôn ngàn vạn pháp để trị liệu giống như lời Đức Thầy tiết lộ:

“Nên phương pháp của Ta tùy trình độ cơ cảm của Tín nữ Thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thấy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng Từ bi của Chư vị với Trăm quan.” (Sứ Mạng của Đức Thầy)./.

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

 

Ý kiến bạn đọc
14 Tháng Năm 20137:00 SA
Khách
Càng đọc càng rối! Có lẽ mình căn cơ thấp kém không hiểu nổi bài này!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 10847)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 16269)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 24727)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25041)
100,000