Lê Yến Dung
Mỗi năm cứ vào ngày 21 Tháng Chín, mọi người như một, đều không quên một sự kiện lịch sử trọng đại, con đường chính trị mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cống hiến cho đất nước Việt Nam. Đó là việc Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đề xướng thành lập: Đảng chính trị “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.”
Sau khi Pháp tái chiếm Miền Nam, nhằm mục đích tạo tiếng nói chính trị cho Phật Giáo Hòa Hảo với lập trường chống Pháp, Đức Huỳnh Giáo Chủ với sự tham gia của một số nhà trí thức như: Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Hoàng Bích, Trần Văn Ân, và cũng do sự đoàn kết giữa những đoàn thể ái quốc (kháng chiến, cần lao, tôn giáo và chánh trị), ngài đã đứng ra thành lập đảng: Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Đây là một lực lượng chính trị đủ khả năng đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc gia trên lập trường dân tộc để đưa nhân loại đến một chủ nghĩa quân bình an lạc mà Đức Huỳnh Giáo Chủ là một bậc tiên giác đã tiên liệu được thời cuộc và bước tiến của nhân loại.
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng còn gọi tắt là Dân Xã Đảng do Đức Huỳnh Thủ Lãnh công bố ngày 21 Tháng Chín, 1946 trải dài tới ngày 30 Tháng Tư, năm 1975.
Vài ngày trước khi công bố, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã kêu gọi một số tín đồ tín cẩn từ khắp nơi huấn thị rằng.
1- Vì tình thế nước nhà, nếu Thầy đem Đạo Phật Giáo Hòa Hảo ra tranh đấu thì không thích hợp vì Đạo thì lo tu hành chơn chất, nên Thầy phải tổ chức đảng chính trị mới thích ứng nhu cầu cần thiết của nước nhà.
2- Các nhà ái quốc chơn chính trong nước, mặc dầu nhận Đức Thầy là một nhà ái quốc, nhưng không thể cùng hiệp chung với Thầy dưới danh nghĩa đạo Phật Giáo Hòa Hảo, để lo việc quốc gia. Bởi lẽ anh em ấy không thể tu hành như mình, hoặc giả đã có Đạo rồi thì không thể nào bỏ Đạo mà qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo. Vì vậy Thầy phải tổ chức chánh đảng mà thôi còn tôn giáo thì riêng ai nấy giữ.
3- Vậy tất cả các anh em tín đồ, nếu thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, thương nước, thương dân, hãy tham gia Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Đây là phương tiện để anh em hành sử Tứ Ân.
Ba điểm trên là những lời giải thích của Đức Huỳnh Giáo Chủ để cho tín đồ của Ngài biết rõ lý do tại sao Ngài thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Về nguyên lý thì người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã hiểu rõ từ căn bản giáo lý Tứ đại Trọng ân để tích cực đền đáp Ân Đất Nước và Ân Đồng Bào… Riêng về Ân Đất Nước, Đức Thầy chỉ dạy.
“Ráng nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo. Và làm cho được trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.
Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.”
Với tôn chỉ hành Đạo, cùng một lúc Đức Thầy đã chủ xướng ba cuộc cách mạng.
1-Cách mạng tôn giáo
2- Cách mạng giải phóng dân tộc
3- Cách mạng chính trị xã hội
Trong đó, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng là một đảng Quốc Gia tranh thủ sự tự chủ hoàn toàn của dân tộc, củng cố nền độc lập Quốc Gia và cấu tạo xã hội Việt Nam mới.
Sở dĩ Đảng đặt vấn đề độc lập Quốc Gia trước các vấn đề khác là vì.
1- Trên lập trường quốc tế, nước Việt Nam có được độc lập, dân tộc Việt Nam mới được sống bình đẳng với các dân tộc khác, dân tộc bình đẳng với nhau mới chủ trương được dân tộc hiệp lực, mới kiến thiết được hòa bình xác thực cho thế giới.
2- Dân tộc Việt Nam được tự chủ và mạnh mới tránh khỏi sự chi phối của đế quốc chủ nghĩa để thi hành một cách có hiệu quả những biện pháp chánh trị và kinh tế, đem lại hạnh phúc cho toàn dân.
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: “Chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân.”
Đã chủ trương “Toàn dân chánh trị” thế nên đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào.
Từ trái qua: Ông Nguyễn Giác Ngộ, ông Lê Quang Vinh (Ba Cụt), ông Trần Văn Soái (Năm Lửa). (Hình tài liệu)
Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng Cách Mạng Xã Hội, chủ trương tổ chức nền kinh tế theo nguyên tắc chủ nghĩa xã hội: “Không để giai cấp mạnh cướp công quả của giai cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc lợi cân xứng với tài năng và việc làm của mình, những người tàn tật yếu đuối thì được nuôi dưỡng đầy đủ.”
Đặc điểm của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng trong giai đoạn hiện tại, không chủ trương giai cấp đấu tranh giữa dân tộc Việt Nam vì lẽ ở xã hội Việt Nam hiện thời, trên 80 năm bi trị, chỉ có một giai cấp bị “tư bản thực dân” bóc lột.
Muốn tránh khỏi giai cấp đấu tranh về sau, thì sự cấu tạo “Xã Hội Việt Nam Mới” phải căn cứ nơi những yếu tố không cho sanh trưởng giai cấp bóc lột và chỉ trợ trưởng một giai cấp một, tức là giai cấp sanh sản.
Đường lối Dân Chủ Xã Hội đối với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là con đường Cách Mạng Đạo Đức, để tiến tới một Xã Hội Đại Đồng an lạc, bình đẳng trong thể tánh nhứt nguyên: “Phật đồng thể tánh với chúng sanh, chúng sanh là Phật sẽ thành.”
Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đồng quan điểm nầy nên Ngài cũng bảo: “Thế nên với tâm hồn từ bi bác ái mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực cho đồng bào và nhơn loại, thực hiện một xã hội công bình và nhân đạo…”
Trước sự bành trướng thần tốc và sâu rộng của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách để cản trở, phá hoại bởi một điều đặc biệt cần nhớ lại là: “Trong lịch sử hình thành chánh đảng, chưa bao giờ có sự kiện đặc biệt là trong những ngày đầu tiến trình thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, chỉ một thông điệp truyền khẩu của Đức Huỳnh Giáo Chủ ban ra, lập tức có ngay hơn một triệu đảng viên, đó là khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mà trong lịch sử, chưa bao giờ có một chánh đảng Việt Nam nào có số đảng viên cao đến cả triệu người như vậy.”
Mặc dầu phải hoạt động bí mật, đương đầu với sự khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp, hệ thống Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã bành trướng, các công tác cách mạng của đảng đã được thực hiện một cách hiệu quả, trong thời gian kỷ lục, để kịp thời ứng phó với một tình thế dầu sôi lửa bỏng của nước nhà.
Thành lập Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Bộ, ngay tại thủ đô Saigon, mà vẫn hoạt động bí mật.
Thành lập Ban Chấp Hành Liên Tỉnh Miền Tây Nam Việt để lãnh đạo trực tiếp công cuộc chiến đấu của Đảng tại các tỉnh miền Tây.
Thành lập hệ thống Ban Chấp Hành Đảng từ tỉnh đến quận, xã.
Lập cơ quan ngôn luận truyền thông là: “Nhựt báo Quần Chúng” để biểu dương cho lý tưởng Dân Chủ Xã Hội, với đường lối vừa chống thực dân vừa chống Cộng Sản, cũng là diễn đàn tranh đấu chống lại âm mưu chia cắt đất của thực dân Pháp.
Báo Quần Chúng mỗi ngày được vận chuyển qua một hệ thống đặc biệt đưa từ Saigon về các tỉnh miền Tây, phân phối tận các xã ấp.
Tổ chức lớp huấn luyện cán bộ Dân Xã. Lớp đầu tiên đào tạo những thanh niên cán bộ nòng cốt, được tổ chức ngay tại Chợ Lớn, dưới hình thức lưu động liên tiếp để tránh màn lưới mật thám của Pháp.
Tổ chức cơ quan huấn luyện chánh trị và quân sự ở miền Tây để đào tạo cán bộ, điều hành hệ thống Ban Chấp Hành Đảng.
Yểm trợ tiếp liệu và tình báo cho các đơn vị quân sự chiến đấu ngoài mặt trận.
Thiết lập hệ thống liên lạc bí mật từ thành ra chiến khu, từ Trung Ương đến các cấp, để phối hợp công tác, chuyển vận tài liệu, chỉ thị.
Đề cử đại diện Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tham gia các ủy ban hành chánh kháng chiến.
Đảng cũng đã xây dựng lực lượng vũ trang riêng để bảo vệ vùng kiểm soát. Ngày 27 Tháng Hai, năm 1947, đảng tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc, một tổ chức chính trị với các lực lượng vũ trang của Dân Xã đảng đã đồng loạt tấn công vào lực lượng vũ trang và các cơ sở của địch tại các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, CầnThơ,…
Ngay sau đó, các lực lượng vũ trang Hòa Hảo gồm có 4 nhóm.
1-Ông Trần Văn Soái tức Năm Lửa, mang danh nghĩa quân đội Hòa Hảo, hoạt động tại Cần Thơ, bản doanh đặt tại Vĩnh Long và Cái Vồn.
2-Ông Lâm Thành Nguyên, tức Hai Ngoán, hoạt động tại hai tỉnh Long Xuyên Châu Đốc, bản doanh đặt tại Cái Dầu.
3-Ông Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt mang danh nghĩa Nghĩa Quân Cách Mạng, kiểm soát vùng Rạch Gía Long Xuyên, bản doanh đặt tại Thốt Nốt.
4- Ông Nguyễn Giác Ngộ , mang danh nghĩa “Nghĩa Quân Nguyễn Trung Trực” đóng tại một vài khu vực trong tỉnh Long Xuyên, bản doanh đặt tại Chợ Mới.
Sau Hiệp Định Genève 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm sáp nhập các lực lượng vũ trang vào quân đội chính phủ.
Lực lượng của Nguyễn Giác Ngộ được sáp nhập và được hoán cải thành Trung Đoàn 57 Bộ Binh. Một binh đội khác của Trần Văn Soái được sát nhập và hoán cải thành Trung Đoàn 59.
Ngày 24 Tháng Chín, năm 1954, Tướng Trần Văn Soái, được mời giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh, ủy viên Quốc phòng của chính phủ Quốc Gia Việt Nam.
Một số tín đồ Dân Xã Đảng Hòa Hảo cũng được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính phủ như: Huỳnh Văn Nhiệm (tổng trưởng Nội Vụ), Lương Trọng Tường (tổng trưởng Kinh Tế), Nguyễn Công Hầu (tổng trưởng Canh Nông).
Năm 1963, sau khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ… Ngày 8 Tháng Năm, 1966, trong đại hội toàn quốc, Phật Giáo Hòa Hảo họp tại Thánh Địa Hòa Hảo. Toàn hội nghị đồng biểu quyết thống nhứt 3 hệ phái chánh trị:
Hệ phái ông Phan Bá Cầm giữ tên Đảng Dân Xã.
Hệ phái của ông Trình Quốc Khánh dùng danh xưng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Đảng Dân Xã dùng đảng kỳ có chữ Vạn vàng trên nền đỏ, trong khi Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng dùng đảng kỳ là ba ngôi sao đỏ trên nền vàng.
Ngoài ra còn có các nhóm Việt Nam Dân Xã Đảng của Trương Kim Cù, tập đoàn cựu Chiến Sĩ Hòa Hảo của Lâm Thành Nguyên và Hội Cựu Quân Nhân Phật Giáo Hoà Hảo của Trần Duy Đôn.
Trong cuộc bầu cử năm 1967 thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhiều người trong Đảng Dân Xã đắc cử trong các tỉnh miền Tây.
Năm 1972, theo quy chế đảng phái tham gia bầu cử do Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đề ra, “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng” được phép hoạt động như một chính đảng và được tham gia tranh cử… và đảng đã tổ chức lại theo hình thức nguyên thỉ của Đức Huỳnh Giáo Chủ với lập trường đạo đức và dân tộc lấy sự đoàn kết các lực lượng tranh đấu cách mạng để hoàn thành sứ mạng mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã giao phó…
Cho nên Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, luôn không ngừng hoạt động vì phúc lợi cho toàn dân tộc mà bổn phận chúng ta là những người đi sau, cần phải gắng sức phục vụ hi sinh bằng mọi hình thức và mọi hoàn cảnh, mỗi người một bàn tay cho dân tộc, cho quê hương vẫn còn trong thăng trầm bi thương khổ ải.
Khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975, và dưới sự cai trị của chế độ Cộng Sản thì đảng Dân Xã không thể hoạt động được nữa và bị tan rã. Một số lãnh đạo của Dân Xã Đảng như: Phan Bá Cầm, Nguyễn Văn Ca và Trịnh Quốc Khánh đều bị bắt giam và chết trong tù.
———-
(*) (Bài tham khảo nhân kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng – 21/9/1946 – Tài liệu PGHH)