Cảm tưởng
Nhân lễ vía Đức Cố Quản Trần Văn Thành Lần 146
(21/2/ÂL 1873-21/2/ÂL 2019)
Châu Lang viết từ Sa Đéc, An giang
Kính thưa chư quí đồng đạo!
Như hằng năm cứ mỗi độ cuối Xuân, tiết Trời trở nên ấm nóng với cái nắng chói chang của những ngày đầu Hạ. Là lúc tín đồ hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và đồng bào cả nước, hối hả chuẩn bị chuyến hành hương về nguồn thăm lại thắng tích hào hùng Rừng Bảy Thưa lịch sử. Dự lễ hội thường niên tưởng niệm công lao to lớn của những anh hùng liệt sĩ, đoàn nghĩa binh Gia Nghị năm xưa, vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi,dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
Năm nay kỷ niệm lần thứ 146 ngày vía Đức Cố Quản Trần văn Thành đã hiển thánh rất bí huyền hiển hách, giữa vòng vây ác liệt của bọn Pháp tặc hung hăng, trong trận chống càn khốc liệt vào ngày 21/2/ÂL năm 1873 nơi chiến khu đầm lầy rừng Bảy Thưa hiểm yếu, tọa lạc vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, bên mình vẫn mang theo hai báu vật linh thiêng là “ lá cờ lịnh và chiếc áo lá màu dà” do Đức Phật Thầy ban tặng lúc sinh thời. Để lại vô vàn tiếc thương và lòng kính phục cho đoàn hậu thế mãi mãi ghi ân.
Cuộc đời và công nghiệp của Ngài là một chuỗi dài cống hiến vĩ đại cho đạo pháp và non sông, từ những ngày sớm nhất ở thời kỳ khai cơ lập đạo BSKH, trước bối cảnh đen tối cực kỳ của giai đoạn khởi đầu nước mất nhà tan lê dân đồ thán.Nhớ khi xưa, thuở thanh niên trai trẻ, Đức Cố vốn sẵn tấm lòng trung can nghĩa khí, cốt cách nhân từ nhẫn nại, thường luyện rèn võ nghệ kiếm cung, nuôi chí anh hùng thao lược. Chàng thanh niên Bình Thạnh Đông khí phách vừa tròn 20 tuổi, đã sẵn sàng tòng quân dẹp loạn Miên, Xiêm vùng biên thùy Tây Nam Tổ quốc, lập nhiều chiến công hiển hách, thăng tiến đến chức Chánh Quản Cơ. Khi biên cương đã được bình định vãn hồi, con đường hoạn lộ của Ngài đã đạt đến đỉnh cao sáng chói, thuộc hàng quan chức đương thời được triều đình ân sủng thưởng phong.
Do căn duyên sâu dầy với Phật Pháp, nhân lúc Đức Phật Thầy xuất thế độ đời, nhằm thời kỳ bịnh dịch tràn lan nhiễu hại đó đây. Đức Cố Quản đã giả từ binh nghiệp về làng tầm sư học đạo, Ngài đến qui y với Đức Phật Thầy đang lúc trị bịnh dịch ở đình Kiến Thạnh, Long Kiến, Chợ Mới, An Giang. Duyên lành đã đến, Đức Cố là người đầu tiên được Đức Phật Thầy thâu nhận làm đệ tử và được Ngài ân tặng cho danh hiệu cao quí đặc biệt là “CHÚ XẢ tương lai”!
Từ đấy tình Thầy trò giữa Phật Thầy và “chú xả” luôn gắn liền nhau trong suốt chặng đường hoằng hóa độ sanh và khai hoang lập ấp vùng Núi Sam và Thới Sơn, Nhà Bàng, Châu Đốc, cho đến khi Đức Phật Thầy viên tịch 12/8/ÂL 1856. Suốt bảy năm tận tụy bên Thầy, Đức Cố rất tín thành phụng sự. Nghe lời Phật Thầy “ Chú xả” đã xả hết gia sản sự nghiệp. Ngài cùng với Bà Cố một lòng đi theo Phật Thầy về Núi Sam, chỉ bằng vỏn vẹn một tấm lòng chí thành với hai bàn tay trắng, chẳng còn gì để gọi là của cải riêng tư. Hai Ông Bà cùng Phật Thầy từ Núi Sam thường di hành vào Núi Két, khai hoang lập làng Hưng Thới, Xuân Sơn, lập chùa Thới Sơn, đình Thới Sơn, trại ruộng Phước Điền, trại Nhà Láng và Bửu Hương Các…Tuy công việc bá ban vạn sự, nhưng Đức cố lúc nào cũng “xả thân” gương mẫu và hoàn thành xuất sắc những phần việc hệ trọng mà Phật Thầy giao phó. Gian truân vất vả nhất là vâng lịnh Phật Thầy đi cấm bốn Ông Thẻ, xung quanh vùng Sơn Cấm bao la, lúc bấy giờ địa hình hoang vu hiểm trở, lung trấp sình lầy, đầy rắn to thú dữ, phải mất hằng mấy tháng ròng mới được hoàn thành Phật lịnh.
Khi Đức Phật Thầy viên tịch 12/8/ÂL năm 1856. Thành kính an táng Thánh thể Phật Thầy xong xuôi. Ông Bà Cố mới hồi quê trở về Bình Thạnh Đông và Bửu Hương Các, để duy trì và phát dương mối Đạo BSKH theo lời ủy thác của Phật Thầy.Hai năm sau, năm 1858 Pháp đánh Đà Nẵng khởi đầu xâm chiếm Việt Nam và lần lượt từ 1862-1867 Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây, cũng là ngày Việt Nam hoàn toàn lọt vào tay quân Pháp và đặt ách thống trị khắc nghiệt trên mảnh đất Cha Ông.
Trước tình thế bức bách vô hồi khốn đốn cho non sông và đạo pháp. Bấy giờ Đức Cố tình nguyện trở lại đời binh nghiệp phục chức Chánh Quản Cơ, liên kết giữ thành An Giang vớí Đề đốc Phan Khắc Thân đương nhiệm. Trước tình thế ngặt nghèo lực yếu thế cô, Pháp buộc hạ khí giới đầu hàng, nhưng Đức Cố Quản vẫn khẳng khái cương quyết không giao thành An Giang, Ngài tìm cách lui binh khỏi thành để bảo toàn lực lượng, giữ tiết tháo bằng cả tâm huyết kiên trinh chống giặc, Ngài thốt lên hai câu thơ đầy khí phách trung lương:
“Thà thua xuống láng xuống bưng,
Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần”
Với quyết tâm kháng địch đến cùng, Đức Cố lui binh về củng cố căn cứ địa Láng Linh.Ngài lập đàn tế cáo Trời Đất, lấy rừng Bảy Thưa làm bản doanh kháng Pháp. Bấy giờ hưởng ứng hịch Cần Vương kháng chiến, Đức Cố liên kết các anh hùng dân tộc như: Trương Định (Gò Công), Nguyễn Trung Trực (Tân An), Võ Duy Dương và Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp), Thủ Khoa Huân (Cai Lậy) đồng loạt nổi lên chống Pháp, đánh phá đồn giặc tan tác vùng Long Xuyên, Châu Đốc…khiến giặc Pháp kinh tâm tán đởm nhiều năm liền. Cuối cùng khoảng tháng 2/1873 Pháp dồn tổng lực, bốn phía bao vậy quyết san bằng chiến khu rừng Bảy Thưa. Cuối cùng do không cân xứng lực lượng, vũ khí thô sơ… Chiến khu rừng Bảy Thưa thất thủ, nghĩa binh tan rã. Đức Cố và đoàn nghĩa binh Gia Nghị đành hy sinh, chấm dứt sự nghiệp kháng chiến và Ngài đã hóa quang hiển thánh hòa cùng hồn thiêng sông núi nhiệm mầu.
Thưa quí đồng môn!
Cứ mỗi lần lễ kỷ niệm ngày vía Đức Cố hằng năm, là mỗi lần thổn thức đau thương cho niềm đau mất nước, và ngậm ngùi tiếc thương biết bao công khó gian lao và xương máu anh hùng các bậc tiền nhân đã thấm đẫm tô điểm cho dãy gấm vóc Sơn Hà được tồn tại đến hôm nay. Góp phần cho công nghiệp vĩ đại ấy, Đức Cố Quản là một vì sao chói lọi tài đức vẹn toàn, tiêu biểu cho công nghiệp khởi đầu kháng Pháp, gìn giữ quê hương và phát dương nền chánh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, làm nền tảng vững vàng cho công cuộc chấn hưng nền Phật Giáo, duy trì hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương tồn tại và phát triển thuận theo cơ Trời, cho đến hôm nay và mãi đến ngày Long Hoa Đại Hội tương lai.
Thừa hưởng ân huệ thiêng liêng tối diệu vẻ vang ấy, thiết nghĩ đoàn hậu duệ chúng ta là lớp môn đồ hữu phước hữu duyên tột hạng, hãy nên tỏ lòng kính cẩn tri ân bằng tất cả sự chân thành vâng chỉ noi theo chí đức của tiền nhân, để cùng đoàn kết “Thương yêu lẫn nhau như con một cha và dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức” bằng sự nỗ lực tin tấn vượt qua mọi sự khác biệt rẽ chia, đồng thực hành đúng theo chân truyền “ Tôn chỉ hành đạo” một cách sáng suốt tinh nghiêm, hầu góp phần nhỏ nhiệm “ Xây dựng tòa lâu đài đạo hạnh vô thượng vô song” như Tổ Thầy đã từ bi khuyến giáo,cho được rạng danh Tổ Thầy và điểm tô sáng chói công nghiệp của tiền nhân đã dầy công vun đắp và “ Như thế chẳng phụ công ơn của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã khai sáng Đạo Phật và dìu dắt quần sanh tầm đường giải thoát”.
Mừng Đại Lễ năm nay,xin kính chúc quý đồng đạo muôn điều may mắn, tin tấn, an lạc và hưởng trọn vẹn niềm hân hoan trong mùa lễ vía Đức Cố thiêng liêng.
TP. Sa Đéc ngày 20/2/ Kỷ Hợi ( 2019)
Kính bút
Nguyễn Châu Lang
Xúc động qua hai câu thơ tâm huyết kháng chiến của Đức Cố. Tôi cảm tác bài thơ khoán thủ ngoại lệ dưới đây, mong quý đồng môn hoan hỷ!
Thà thua xuống láng xuống bưng,
Kéo ra đầu giặc lỗi chưng Quân Thần”
***
THÀ cam gian khổ quyết thư hùng,
THUA hơn một trận giữ lòng trung.
XUỐNG lịnh ba quân thề tử chiến,
LÁNG địa hiên ngang tỏ khí hùng.
XUỐNG hào cố thủ thi gan mật
BƯNG biền dũng liệt đấu hoành tung
KÉO Nghị Gia Quân ngăn thế giặc,
RA sức bình sanh diệt địch hung.
ĐẦU rơi cũng tiến không lùi bước,
GIẶC phiên càng mạnh, chí càng nung.
LỖI đạo tôi con, điều sĩ nhục,
CHƯNG nghĩa sơn hà vẹn thủy chung
QUÂN vương, xã tắc đền xong nợ,
THẦN oai Đức Cố rạng Hưng Trung./.
- Chưng ( bởi, vì, thế nên)
- Láng địa ( đất Láng Linh)
- Bưng biền ( vùng sâu thôn dã)
- Hưng Trung ( Dinh Sơn Trung) di tích kháng chiến