Nguyễn Long Thành Nam
(trích Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc)
Đặc điểm của Bửu Sơn Kỳ Hương là phát dương tinh thần ái quốc và nhiệt tình tranh đấu trong quần chúng qua thuyết Tứ Ân. Có lẽ vì đã tiên đoán đại nạn sắp đến cho đất nước, Việt Nam sẽ bị xâm chiếm và thống trị bởi ngoại bang, cho nên Phật Thầy Tây An đặc biệt truyền bá tư tưởng yêu nước, chuẩn bị tâm lý quần chúng ứng phó với thời kỳ mất nước sắp xảy ra.
Trước khi viên tịch, Phật Thầy có nói cho các đệ tử biết rằng “Nước ta sẽ phải trải qua thời kỳ đồ khổ khi Tây Dương đến chiếm``.
Khi giặc Pháp chiếm miền Nam, các vị kế truyền và đại đệ tử của Phật Thầy trở thành những lãnh tụ kháng chiến rất oanh liệt cang cường, như: Cố Quản Trần Văn Thành, Ông Hai Trần Văn Nhu, Đức Bổn Sư Ngô Lợi, anh hùng Nguyễn Trung Trực...
Giữa lãnh tụ Nguyễn Trung Trực và Bửu Sơn Kỳ Hương có mối liên hệ bắt đầu từ khi ông về tá túc với gia đình họ Lâm tại làng Mỹ Hội Đông tỉnh Long Xuyên. Tại đây ông sống theo nếp sống tu hành Bửu Sơn Kỳ Hương, thường mặc áo nâu sồng, và lâu lâu ngồi thuyền lên cù lao nhỏ Bình Thạnh Đông thăm Cố Quản Trần Văn Thành. Ông sống rất đạm bạc, mỗi bữa cơm chỉ ăn một con khô sặc. Trên đây là do lời thuật của ông Cả Mười, trong gia đình họ Lâm.
Ông tên Nguyễn Văn Lịch quê quán tỉnh Mỹ Tho, theo nghiệp võ làm đến chức Quản cơ triều đình Việt Nam. Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, đồng bào đau khổ, ông hiệp cùng người bạn là Nguyễn Văn Cầm quy tụ nghĩa binh chống Pháp.
Ngày 10-1-1861, ông đem nghĩa binh tấn công một chiếc tàu Pháp, giết thuyền trưởng Bourdais và 30 bộ hạ khi bọn này đi ruồng bố tại vùng Bảo Định Hạ (Mỹ Tho).
Ngày 11-12-1864, ông tổ chức hỏa công đốt chiến thuyền Espérance tại Vàm Sông Nhựt Tảo (Tân An) tiêu diệt toàn bộ địch quân, trong đó có Trung tá Parfait. Chiến công Nhựt Tảo là một kỳ công hy hữu, vì dùng thế yếu của du kích mà đoạt thắng lợi lớn, lần đầu tiên kháng chiến quân diệt chiến thuyền Pháp.
Sau đó, ông đánh phá các đồn Thuộc Nhiêu, Thủ Thừa, Bến Lức, Mỹ Hạnh, Phước Lý, Long Thành, Phú Lâm, Bà Hom.
Sau khi các tổ chức Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Trương Công Định bị tan rã, khí thế kháng chiến miền Đông lâm vào tình thế khó khăn, ông Nguyễn Trung Trực dời binh về miền Tây.
Lúc đó Tổng đốc Phan Khắc Thân trước áp lực của Pháp, có ý nhượng bộ yêu sách Pháp, bắt Thủ khoa Huân giao nạp cho Pháp, ông Nguyễn Trung Trực có nói với Phan Khắc Thân rằng:
“Nước có loạn, người tôi trung được đánh giá xuyên qua hành động giết giặc cứu nước nhiều hơn cân đai trật phẩm của trào đình. Với dân cư là như thế, còn như với tướng sĩ, cái dũng, cái trí, cái nghĩa khắc phục người chiến hữu nhiều hơn là tiếng hò hét dõng dạc...”
Rõ ràng ông đã biểu lộ tư thái, khí phách của một người lãnh đạo nghĩa binh, khác với người sĩ quan chỉ huy trong biên chế tổ chức quân đội chánh quyền.
Trận đánh oai dũng của ông sau đó là đang đêm hạ thành Kiên Giang bằng chiến thuật du kích tuyệt hảo. Quân Pháp ở trong đồn tường cao bố trí kiên cố, vậy mà du kích quân đang đêm đến bất thình lình leo lên được mặt tường diệt địch mà đoạt thành. Nhà văn Huỳnh Mẫn Đạt đặc biệt ca tụng hai chiến công hiển hách của Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Thực dân Pháp theo mưu kế của Lãnh binh Tấn, bắt mẹ ông và gia đình nhiều binh sĩ của ông, cho nên rốt cuộc, trước một tình thế vô vọng, ông đành chấp nhận điều kiện của Pháp là nạp mình để cứu mẹ và cứu đồng đội.
Pháp dụ ông nhận cộng tác thì được trọng dụng, nhưng ông nhứt định đòi chết. Và ngày 27 tháng 10 năm 1868, Pháp đem ông ra hành quyết tại Kiên Giang. Bài thơ tuyệt mạng của ông trước giờ thọ hình tại pháp trường như sau:
Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.
Theo việc binh nhung tự thuở trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chan chan chẳng đội trời.
(Bản dịch của thi sĩ Đông Hồ)
Cái chết khí phách của ông đã làm cho nhiều người thán phục và đau xót, có binh sĩ đã tự vận chết theo để tỏ lòng trung nghĩa.
Do mối liên hệ với Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Đẳng Đại Thần, trong nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng liệt sĩ của đất nước và mỗi khi cúng lạy đều cầu nguyện oai linh của Ông trong bài nguyện Qui y. Anh hùng Nguyễn Trung Trực là một truyền thống trong tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, cho nêu sau này, khi thành lập đơn vị nghĩa quân kháng chiến đầu tiên, Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã đặt tên đơn vị này là Bộ đội Nguyễn Trung Trực. Hàng năm đến ngày kỷ niệm thọ hình của ông, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cử hành lễ tưởng niệm (27-10 Dương lịch).
Hình ảnh từ Facebook Huỳnh Quốc Bảo, Khoa Đổ, Trương Ngọc, Đồng Hoài Thanh, Đình Nguyễn Trung Trực