ĐIẾU VIẾNG CÁC VỊ TỬ VÌ ĐẠO TRONG DỊP TẾT BÍNH THÂN 2016

13 Tháng Chín 20164:09 CH(Xem: 15059)
ĐIẾU VIẾNG CÁC VỊ TỬ VÌ ĐẠO TRONG DỊP TẾT BÍNH THÂN 2016

Dieu Te dong dao

Theo chân

KHỐI TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

ĐIẾU VIẾNG CÁC VỊ TỬ VÌ ĐẠO TRONG DỊP TẾT BÍNH THÂN 2016

 

                                                                        HOÀNG THỤY NHƯ LIÊN lược thuật

 

Cứ mỗi độ Xuân về, trái tim mỗi người con đất Việt lại rộn ràng, háo hức chào đón Chúa Xuân. Thiêng liêng hơn hết là mồ mã cha mẹ tổ tiên được làm cỏ lau chùi sơn phết lại cho mới mẻ. Bàn thờ gia tiên được trang trí, bày biện tươm tất, trang nghiêm…để tưởng nhớ người “đã khuất” mà ta thọ ân.

Thấm nhuần giáo lý tứ ân của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) luôn thành kính nhớ ơn những bậc tiền bối, những người đã cống hiến cuộc đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Họ không ngại hiểm nguy đã gục ngã trước cường quyền bạo lực.

             Được sự hỗ trợ của quý Ban Trị Sự GH.PGHH.TƯ, đồng đạo hải ngoại cùng đồng đạo trong nước nên gần 10 năm qua mỗi dịp Xuân về và dịp Tết đạo (18/5/âl) khối tín đồ PGHH truyền thống Việt Nam đều có chương trình điếu viếng để tưởng nhớ “nghĩa ân” những người đã kiên cường, bất khuất, chặt dạ một lòng gìn đạo, giúp đời xả thân vì đại cuộc…

          *Ngày 19/12/Ất Mùi (28/01/2016) chúng tôi gồm: Võ Văn Diêm: Trưởng đoàn; Trương Kim Long: Thủ quỹ; Nguyễn Văn Lía: Thư ký và một số thành viên: Nguyễn Quý Giới, Nguyễn Văn Yên, LưuVăn Thà, Tô Văn Mãnh, Phan Đức Phước (Minh Kỳ), Nguyễn Vũ Tâm, Lưu Thị Mỹ Dung, Phạm Xuân Huyên đồng đi điếu viếng.

Đáp lời mời của ông Tăng Văn Ngô, đang định cư tại Úc Châu, chúng tôi tham dự lễ giỗ thân mẫu ông, đồng thời điếu viếng cụ Tăng Văn Quãng cũng là người được điếu viếng trong những năm qua.

Cụ Tăng Văn Quãng người ở Mặc Cần Dưng, xã An Hòa huyện Châu Thành, An Giang. Cụ Quãng là Trung đội trưởng Bảo An Quân, là người đầy nhiệt huyết, gan dạ và giỏi võ thuật. Đêm 06/3 âl 1947 trong phiên họp kín để tấn công đồn Mặc Cần Dưng, kế hoạch bị lộ, tên Tây Tám Tàng với khẩu “My tây dết” đã nhả hết một băng đạn vào nhóm người đang họp.  Kết quả 5 người chết, trong đó có cụ Quãng. Với chí hy sinh vì Tổ Quốc nhân dân, vì đạo nghĩa của cụ tất cả đồng đạo và mọi người đều sùng ngưỡng. Bà Tăng Thị Lệ Hoa, con gái thứ năm hiện đang thờ cúng cụ.

Điếu viếng cụ Quãng xong gần 11 giờ, chúng tôi kiếu từ và đến kinh xáng Vịnh Tre, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang thăm gia đình anh Trần Văn Lách, con trai cụ Trần Văn Đầy. Cụ Đầy là một liệt sĩ có tinh thần bất khuất trước cường quyền bạo lực. Sau khi theo Thầy, đến năm 1945 cụ là Bảo an quân vừa là Trị sự viên BTS.PGHH xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc. Với 3 phát súng của tên Hồng Cẩm Hòa - Uỷ viên quân sự tỉnh Uỷ Ban Kháng Hành Châu Đốc cụ đã gục chết. Xác cụ bị tên Hòa xô xuống dòng sông. Ba ngày sau, thân nhân và tín hữu mới vớt được. Trước khi bị giết, tên Hòa sắc mặt đằng đằng sát khí gặn hỏi cụ: “Muốn sống phải bỏ đạo. Có biết không?” Cụ trả lời cương quyết, dứt khoát“Tôi theo Thầy tôi mà thôi”. Cụ Đầy mất, để lại bao sự kính nể của mọi người vì tinh thần bất khuất, trung kiên vì đạo, vì Thầy.

Trước bàn thờ, chúng tôi bái lạy cụ trong dịp tết Bính Thân sắp về mà lòng hoài cổ xót thương ngậm ngùi với tấm gương ngời sáng.

Giã từ gia chủ, đoàn chúng tôi qua sông đến xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang điếu viếng cô Phan Thị Kịp. Cô là người có tinh thần đấu tranh “đòi quyền tự do tôn giáo cho PGHH”. Giữ hạnh tu độc thân và là một giáo viên giỏi, cô đã mạnh mẽ viết bài đấu tranh gởi nước ngoài và vận động cộng đồng người Việt hải ngoại buộc nhà nước Việt Nam phải thay đổi chính sách độc tài, đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo cho tín đồ PGHH. Cô bị bắt ngày 30/3/1994 cùng Lê Thị Thu, Lê Minh Triết, Lê VănMõng với mức án tù 04 năm tại trại giam Hàm Tân, Bình Thuận.

Cuộc sống khắc nghiệt trong những năm tháng bị giam cầm, đã khiến cô ngày càng suy kiệt sức khỏe. Sau khi mãn hạn tù đày, cô mất vào ngày 20/3/2008. Người chị thứ năm và các cháu đang thờ tự cô. Ngậm ngùi tưởng nhớ hương linh người đã khuất, chúng tôi thầm tôn vinh “nữ kiệt anh thư” đã cống hiến cuộc đời son trẻ của mình cho đạo pháp và dân tộc.

Dù trời nắng gay gắt, chúng tôi tiếp tục xuôi đường về thánh địa Hòa Hảo điếu viếng cậu út Huỳnh Thạnh Mậu, bào đệ Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ông bị Việt Minh Cộng Sản sát hại với bản án tử hình tại sân vận động Cần Thơ ngày 07/10/1945 (02/09/ Ất Dậu) cùng ông Nguyễn Xuân Thiếp, Trần Ngọc Hoành sau cuộc biểu tình ngày 08/9/1945 chống lại độc tài và ủng hộ Mặt trận quốc gia thống nhất.

Chúng tôi thành kính lễ lạy Cửu huyền, Đức Ông, Đức Bà và cậu Út. Với khuôn mặt trẻ trung, phúc hậu, sáng ngời hình ảnh cậu út Mậu đã in sâu tâm não mỗi người tín đồ PGHH khi đến viếng Tổ đình Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH.

Rời Tổ đình, chúng tôi đến nhà anh Hoài Vân, con trai cụ Nguyễn Ngọc Tố (Họa đồ Tố) Đệ nhất Phó Hội trưởng BTS. GH. PGHH/TƯ nhiệm kỳ I để điếu viếng cụ Tố. Cụ là người tín đồ thuần thành và bậc lão thành của PGHH. Cụ rất tích cực trong công tác đạo sự.

Chúng tôi đến nhà cô Nguyễn Thị Lam (Thánh Địa Hòa Hảo) - con gái út cụ Hương quản Nguyễn Chi Diệp. Suốt thời gian Đức Thầy khai đạo, cụ Diệp là người gần gũi Đức Thầy, mỗi tác phẩm Ngài viết ra đều do cụ Diệp giữ bản chánh rồi sao chép truyền bá cho mọi người (khi đọc Sấm thi của Đức Thầy, chúng ta thấy cuối bài có ghi “chép theo bổn chánh do ông Nguyễn Chi Diệp giữ”). Chúng tôi thành kính nguyện hương trước bàn thờ cụ.

Đến điếu viếng cụ Ngô Thành Bá (tức Biện Đài -Thánh Địa Hòa Hảo), người có thiện duyên được Đức Thầy dẫn đi viếng núi Tà Lơn. Cụ là một tín đồ trung kiên gương mẫu. Hiện anh Phi con trai cụ chịu trách nhiệm thờ cúng cụ.

Rời nhà anh Phi, chúng tôi đến điếu viếng cụ Phan Văn Mười (Mười Tỷ -Thánh Địa Hòa Hảo). Cụ Mười là một trong bốn phòng vệ Đức Thầy, có mặt trong biến cố Đốc Vàng 25/02 nhuần Đinh Hợi 1947. Là người có duyên may thoát chết trong biến cố Đốc Vàng, cụ tiếp tục con đường hành đạo tu niệm tại gia, cho đến lúc cụ qua đời. Hiện con gái cụ, bà Phan Thị Lệ Hoa đang thờ cụ.

*Ngày 20/12/ Ất Mùi (29/01/2016)

8 giờ, chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại thành phố Long Xuyên (An Giang). Người điếu viếng đầu tiên trong ngày nay là cụ Võ Tăng Sâm. Cụ Sâm là một cao đồ của Đức Thầy bị Việt Minh Cộng Sản sát hại vào năm 1945 tại Lấp Vò. Chúng cho xác cụ vào bao bỏ xuống sông Lấp Vò. Đến giờ, con cháu cũng không biết hài cốt cụ nơi đâu! Thảm cảnh này đau xót quá!

Anh Võ Văn Thơi con cụ Sâm, người định cư ở nước ngoài mới về, bệnh nằm liệt trên giường; có hai người cháu nội cụ Sâm tiếp chúng tôi nồng hậu và chu đáo.

Cúng bái điếu viếng cụ Sâm xong, chúng tôi đến cổng trường Đại Học An Giang vào con hẻm đến nhà anh Nguyễn Xuân Trai, con thi sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp để điếu viếng. Sau ngày 08/09/1945, vâng lệnh Đức Thầy, thi sĩ Việt Châu đi Cần Thơ hòa giải vụ việc tín đồ PGHH bị bắt giữ sau cuộc biểu tình. Cụ bị bắt luôn và bị tử hình tại Cần Thơ ngày 07/10/1945 (02/09 Ất Dậu) chung với hai ông Trần Ngọc Hoành và Huỳnh Thạnh Mậu.

Chúng tôi đến phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên để điếu viếng chị Sáu Thu, Lê Thị Thu tức Huỳnh Thị Hồng Thu. Chị Thu quê ở Sông Cầu Phú Yên. Vì kính mến đạo Thầy, chị vào Nam quyết chí tu hành. Nhưng thấy đạo nhà nghiêng ngữa, chị đã viết bài đưa lên báo đài ngoại quốc để “đòi hỏi quyền tự do tôn giáo”. Chị đã bị bắt, án tù 6 năm ở Kênh ông Cò, An Giang trong vụ cùng với tu sĩ Lê Minh Triết, Lê Văn Mõng, Phan Thị Kịp. Do sự đày đọa, ăn uống thiếu thốn lúc bệnh hoạn thuốc men khan hiếm nên chị mất ngày 14/02/ âl 1997 tại trại giam.

Chúng tôi thắp hương nguyện vái người “nữ kiệt” của PGHH, dầu ở cõi nào xin phù hộ cho bửu quyến bình an, đạo PGHH sớm vượt qua nạn kiếp và mọi người yên ổn tu hành.

Chúng tôi theo con đường tắt “bê tông” nhỏ hẹp cong quẹo đến tư gia anh Năm Đỉnh, ngang lộ tẻ đường về Rạch Giá điếu viếng cụ Trần Văn Tập (Giáo Tập) thuộc xã Vĩnh Trinh, Ô Môn, Cần Thơ. Cụ Tập là một trong năm người được Đức Ông ủy thác đi Sài Sòn vào tháng 10/1962, bị chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bắt và thủ tiêu. Hiện anh Đỉnh đang thờ tự cho cha mình.

Từ Vĩnh Trinh, xe gắn máy chúng tôi vượt đường xa trên 70 km để đến kinh xáng Xà No, làng Nhơn Nghĩa, Phong Điền. Điếu viếng cụ Hương bộ Võ Mậu Thạnh. Cụ Thạnh là  một bậc lão thành, một tín đồ gương mẫu, có công rất lớn truyền bá đạo Thầy, lúc người Pháp an trí Đức Thầy tại đây. Ông được Đức Thầy khẳng định qua câu: “Hỏi thăm Hương Bộ vậy mà cách tu”. Hiện có người cháu đang thờ tự cụ.

Chúng tôi về Thành Phố Cần Thơ đến Xóm Chài, điếu viếng bà Nguyễn Thị Thu, người đã đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo. Bà chọn ngày 25/02 âl 2001 để tự thiêu lúc 75 tuổi đời cùng ngày thọ nạn của Đức Thầy 25/02 nhuần Đinh Hợi 1947. Hiện cô Phạm Thị Út đang thờ tự bà.

Gần 18 giờ cùng ngày, chúng tôi đến rạch Cả Chôm, ấp Thái Hòa, xã Phước Thới, Ô Môn, Cần Thơ điếu viếng cụ Võ Kim Linh. Sau biến cố 08/09/1945, cụ bị Việt Minh sát hại. Con gái và rể của cụ là anh Hoàng hiện đang thờ tự cụ.

 19 giờ chúng tôi đến vàm Ô Môn điếu viếng Huỳnh Quới Vinh (Chệt Mầm). Cụ là người nhất tâm kính ngưỡng Đức Thầy, quyết không bước qua chân dung Thầy khi bị Việt Minh bắt buộc: “Bước qua thì sống, không phải chết”. Cụ chọn cái chết “trung thành vì Thầy” vào ngày 11/09/1945 âl. Hiện người cháu ngoại trai, tuổi quá thất tuần và cháu dâu đang phụng thờ cụ.

Chúng tôi đổ ngược về An Giang, mỗi người về nhà nghỉ đêm lúc 22 giờ, hẹn ngày mai sẽ tiếp tục chương trình điếu viếng.

*Ngày 21/12/Ất Mùi (30/01/2016)

7 giờ chúng tôi đã có mặt tại nhà anh Trần Văn Chính, một phế binh đã cống hiến một chân cho chế độ ngày nay, đang hương khói cho Trần Văn Út (Út Hòa Lạc) ngụ tại xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Trong đợt tấn công tín đồ PGHH trong 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp ngày 05/08/2005, Cộng Sản Việt Nam đã bắt: Võ Văn Thanh Liêm, Võ Văn Thanh Long, Nguyễn Văn Điền, Tô Văn Mãnh, Võ Văn Bửu, Mai Thị Dung .v.v.. Họ bao vây hành hung Út Hòa Lạc. Không để cho người bắt bớ cầm tù, út Hòa Lạc đã châm lửa tự thiêu, phản đối hành động đàn áp tôn giáo trước sự chứng kiến rất đông công an và bà con lối xóm. Út Hòa Lạc là một tu sĩ, sống độc thân khi tuổi đời 37. Trong khói hương quyện bay nghi ngút, chúng tôi thầm tưởng niệm người trai trẻ thuở nào phụng sự cho đạo pháp, đã hành động kiên cường, để lại sự tiếc thương cho người mẹ già tuổi đã bát tuần (nay thì bà đã mất), cho thân quyến và đồng đạo khắp nơi.

Ngược lên xã Long Giang, huyện Chợ Mới, An Giang chúng tôi đến điếu viếng cụ Nguyễn Bảo Toàn (Nguyễn Hoàn Bích), một người tài đức vẹn toàn. Khi Đức Thầy thành lập VNDCXH  Đảng , cụ được bầu làm Tổng Bí Thư nhiệm kỳ đầu tiên, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước quê hương và cho PGHH. Cụ bị bắt dưới chế độ Ngô Đình Diệm vào cuối năm 1962 và bị thảm sát vào tháng giêng năm 1963. Cụ có người con trai là Nguyễn Thế Hùng đang định cư bên nước Pháp. Hiện người cháu có trách nhiệm thờ cúng cụ. Chúng tôi cúng bái mà lòng nghẹn ngào tiếc thương một bậc tiền bối đã hy sinh …

9 giờ 20 chúng tôi đến xã Nhơn Mỹ, Huyện Chợ Mới, An Giang để điếu viếng cố đồng đạo Hà Hải; được sự tiếp rước ân cần nồng hậu của một số đồng đạo uy tín và thân nhân trong gia đình. Hà Hải án tù 5 năm tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Thi hành án được 3 năm, do sự khắc nghiệt của nhà tù, thuốc men khan hiếm, đồng đạo Hà Hải ngọa bệnh càng ngày càng nặng, nên được cho về nhà rồi mất.

Bà góa phụ Hà Hải, cùng con trai, cháu nội hết sức xúc động trước tấm lòng của đoàn điếu viếng, tỏ lời cảm ơn chân thiết. Lễ vật được đặt trân trọng trên bàn thờ, đoàn chúng tôi mỗi người thành kính một nén hương mặc niệm người quá cố, và lễ lạy.

Gần 11 giờ chúng tôi dùng cơm trưa nhà đồng đạo Nguyễn Văn Lía, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới. Chúng tôi đến nhà anh Lê Thanh Sơn điếu viếng cụ Lê Văn Hay. Cụ Hay quy y theo Thầy từ những ngày đầu Thầy khai đạo 1939. Là xã trưởng, cụ rất được mọi người kính nể vì có uy tín. Cụ có công trong việc sao chép kinh giảng của Thầy để truyền bá rộng rãi cho mọi người. Cụ bị Pháp bắt cầm tù, đày ra Côn Đảo và mất tại đây khi tuổi đời rất trẻ. Anh Sơn, cháu nội đích tôn đang thờ tự cụ.

Rời nhà cụ Hay, chúng tôi đến xã Mỹ Hội Đông điếu viếng cụ Nguyễn Văn Xuân, tự Xoàn. Cụ Xuân là tín đồ thuần thành và có công sao chép kinh giảng của Thầy, truyền bá rộng rãi trong những năm 1940. Cụ sống nghĩa khí, dám cởi trói cho 4 người bị bắt trên xe lôi vì thiếu thuế thân. Sau đó, cụ bị Pháp truy nã, đày ra Côn Đảo và mất trong nhà tù năm 1944. Hiện hai người cháu gái (con ông 2 Bội) thờ tự tại tư gia.

Ngược đường lên chợ Vàm, Phú Tân, An Giang chúng tôi điếu viếng cụ Huỳnh Hữu Phỉ, nhà người cháu đang thờ phượng cụ đối diện nhà lồng Chợ Vàm. Lúc Đức Thầy hoằng hóa đạo pháp, cụ Hương Hào Phỉ là người luôn kề cận bên Thầy. Những trọng trách, Thầy giao phó cụ đều thực thi thành công, tốt dẹp.

Rời nhà cụ Hương Hào Phỉ, chúng tôi đến điếu viếng cụ Phan Bá Cầm, cách nhà cụ Phỉ khoảng 400 mét. Cụ Phan với biệt hiệu Vương Kim và Thiện Duyên là người có kiến thức uyên bác, nhà đạo học nghiên cứu Phật Pháp cao thâm, viết rất nhiều sách về PGHH. Là một đảng viên trong Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, bị bắt tù đày Côn Đảo dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Và sau 01/11/1963 ông là Bí Thư Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Sau 30/4/1975 ông bị bắt cầm tù ở Chí Hòa và mất trong nhà tù ngày 13/12/1979 (nhằm 24/10/âl) hưởng thọ 71 tuổi. Hiện người cháu ngoại cụ chịu trách nhiệm thờ cúng cụ.

14 giờ 30, trời trưa nắng gắt, chúng tôi đến xã Phú Lâm, Tân Châu, An Giang để điếu viếng cụ Nguyễn Văn Măng là một chiến sĩ Bảo An Quân gan dạ. Cụ Nguyễn Văn Măng bị VMCS sát hại tại Tân Thành, Cả Cái, nay thuộc huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, lúc tuổi đời cụ mới 23 tuổi. Thân xác cụ bị lấp vùi trong nấm mồ tập thể tại đây. Hiện hai người cháu nội cụ là Tuấn và Thị Hoàng đang thờ cúng cụ.

Chúng tôi đến Phú Vĩnh, Tân Châu, An Giang điếu viếng ông Nguyễn Đông Ngô. Trước và sau 1975, ông Ngô là chiến sĩ PGHH, chiến sĩ quân lực VNCH không khuất phục với chế độ hiện tại vẫn kiên cường chiến đấu. Ông bị bắt và hành quyết tại sân vận động Thốt Nốt, Cần Thơ ngày 27/06/1984 lúc tuổi đời 49, để lại người vợ hiền và 8 đứa con thơ. Người góa phụ bi thương trước cái chết của chồng, thẩn thờ tâm trí, mang bệnh trầm kha, hai năm sau bà mất. Hiện con ông, chú Nguyễn Tấn Phong đang thờ cụ.

Rời nhà chú Phong, theo quốc lộ 53 đến bến đò cây số 9 qua Phú Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp điếu viếng anh Nguyễn Văn Thành (Cụt Thành). Trước 1975, anh Thành là một chiến sĩ quân lực VNCH đã hiến một phần thân thể cho đất nước. Sau 1975 anh là một tín hữu Phật Giáo Hòa Hảo hết lòng vì đạo, vì Thầy; là một trong những đạo hữu tham gia “đòi hỏi quyền tự do tôn giáo”. Trước di ảnh của anh Thành, chúng tôi mỗi người một nén hương tưởng niệm người bạn cùng chung vai sát cánh trên lộ trình vun quén đạo nhà, với lòng hoài cảm nhớ thương.

Gần 18 giờ, chúng tôi đến khu 2, xã Phú Thành, huyện Tam Nông, điếu viếng cố đồng đạo Thái Văn Quang, TB. Tổ Chức BTS/GH.PGHH tỉnh Kiến Phong (nay Đồng Tháp) bị sát hại trên đường đi công tác ngày 21/03/âl 1975 lúc anh 36 tuổi đời. Hiện cháu con anh Đạt, anh của anh thờ tự.

Trước di ảnh anh Quang, chúng tôi mặc niệm, nguyện cầu cố đồng đạo siêu sinh Tịnh Độ, luôn hộ trì bửu quyến bình an và PGHH sớm vượt qua nạn kiếp.

Mặc dù trời chập choạng tối, chúng tôi cũng cố gắng đi nốt chương trình trong ngày nay. Đến nhà cố đồng đạo Nguyễn Văn Láng  để điếu viếng tại chợ An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.  NguyễnVăn Láng mất ngày 12/10/âl 2003. Trước lúc mất một năm, Nguyễn Văn Láng đã đến Quang Minh Tự trong ngày rằm tháng 10 năm 2002 để viếng chùa lễ Phật, bị Công An các cấp tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới và xã Long Điền A vây đánh. Cố đồng đạo bị thương nặng và cũng từ đó sức khỏe cứ giảm dần, rồi đi đến cái chết, trong khi tuổi đời Láng mới 43. Chúng tôi thắp nén hương tưởng niệm đồng đạo đã sớm lìa đời. Mấy năm trước lúc mất, đồng đạo đã hăng say bảo vệ đạo pháp, đòi hỏi quyền tự do tôn giáo PGHH.

Điếu viếng đồng đạo Láng xong, đồng thời chúng tôi cũng 3 lần cầu nguyện trước bàn Phật cho hương linh vợ Láng được siêu sinh Tịnh độ. Vì người góa phụ nầy mới mất, ngày mai đến tuần thất thứ nhất.

*Ngày 24/12/Ất Mùi (02/02/2016)

Khối tín đồ PGHH truyền thống công cử quý ông: Nguyễn Minh Triết, Trương Kim Long, Phan Đức Phước (Minh Kỳ) và cô Bùi Thị Thúy đến Bình Dương, Sài Gòn điếu viếng ông Huỳnh Hữu Thiện (Thư ký Dữ) bị sát hại chung với quý ông Trần Văn Tập, Lê Hoài Nam, Nguyễn Văn Dành, Huỳnh Thiện Tứ. Do Đào Văn Hiến, tên tình báo sát nhân đắc lực dưới chế độ Diệm đã bắt và thủ tiêu ông vào tháng 10/1962. Cùng lúc, đoàn cũng đến viếng mộ bà Ký Giỏi, Cô Sáu Nhạn và Bà Năm Cò (trong Sấm Thi Đức Thầy đã viết bài thơ, tựa “Vui cõi đại đồng”, tặng bà Năm Cò).

*Ngày 27/12/Ất Mùi (03/02/2016)

7 giờ chúng tôi gồm 18 người nam nữ tập trung tại nhà đồng đạo gần đền thờ Nguyễn Trung Trực và Tây An Cổ Tự xã Long Giang, Huyện Chợ Mới, An Giang để “Điếu tế” chiến sĩ và Bảo An Quân nơi nghĩa trang NTT và BAQ.

Xây dựng từ 1951 làm nơi an nghỉ cuối cùng của chiến sĩ Bộ đội Nguyễn Trung Trực và BAQ dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ (Chi đội 30 NTT). Trên 150 mộ phần của chiến sĩ và BAQ được chôn cất nơi đây, thật vô cùng đau xót (xem hình 1). Khi sau 30/4/1975, ông Dương Ngọc Thành (cựu chiến binh PGHH) mặc dù đã xin phép trùng tu từ năm 2000, nhưng trên thì cho phép dưới lại ngăn cản, nên hiện giờ tường rào hư sập, họ còn coi đây là “bải rác” mặc tình vung vải rác thải bừa lắp trên nấm mộ kẻ “đã nằm xuống cho đất nước quê hương” được an bình. (xem hinh 2).

Chúng tôi đến đây, khi trên 20 bà con nam nữ đang làm cỏ, sơn phết mồ mả lại cho mới mẻ để ăn tết. Chúng tôi bày biện bánh trái trà nước nhang đèn, để cúng điếu. Ông Nguyễn Văn Lía, thay mặt cho khối tín đồ PGHH truyền thống Việt Nam đọc bài điếu tế, làm ai cũng bùi ngùi xúc động thương tâm (xem hình 3). Xin chép ra đây để quý vị thưởng thức.

 

ĐIẾU TẾ

(NGHĨA TRANG NGUYỄN TRUNG TRỰC VÀ BẢO AN QUÂN)


 

Ôi! Khói hương bay bay

Quyện tầng theo hơi gió

Hồn chiến sĩ, Bảo An Quân ngự nơi nào đó

Xin chứng tấc lòng thành tha thiết của chúng tôi

Mấy ngày nữa tết Nguyên Đán đến rồi

Nay kính điếu anh linh người chiến sĩ

Nhớ khi xưa:

Hấp thụ lời Thầy, giáo lý Tứ ân tôn chỉ

“Thương giống nòi dẹp bả vinh huê

Lướt đạn bom giữ vững một lời thề

Tàn sát hết quân thù xâm lược

Tranh độc lập tự do cho nước

Cho giống nòi rạng rỡ trước năm châu

Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu’’

Lời Thầy dạy đi sâu vào tim óc

          Vũ khí thô sơ và tầm vông vạt nhọn, nhưng chí hùng gan  góc

          Phá tan đồn giặc, làm kinh sợ bọn hướng ngoại và bè lũ theo Tây

Bảo An Quân giữ bình yên thôn xóm đêm ngày

Bọn trộm cướp, gian lừa bị thẳng tay trừng trị

Ôi! Nhưng gặp lúc phải hồi vận bỉ

Chốn sa trường đành ngã gục kiên cường

Bao người cam gạt lệ nỗi bi thương

Trách bấy hóa công: Ôi! Sao cay nghiệt!

Đấng anh hùng vội ra đi bi thiết

Phường gian manh nhơn nhỡn chốn trần gian

Nay đến đây quang cảnh quá điêu tàn

Nhìn vạn vật vương sầu, hoa lá thảm

Thu đã mãn, tiết Đông thiên ảm đạm

Nhớ cố nhân chạnh cảm tấc lòng thiềng

Hồn anh linh chiến sĩ có linh thiêng

Xin hiển hách dìu dân, điều độ chúng…

Gần Nguyên Đán, lễ mọn bày dâng cúng

Khói hương bay quyện tỏa khắp cỏ cây

Hồn sĩ binh vơ vẩn ngự chốn nầy

Về chứng giám và cùng nhau thọ thực

Thượng hưởng!!!

 

Điếu tế xong, chúng tôi mỗi người cầm những nén hương cấm trước mộ phần các chiến sĩ và Bảo An Quân. Chúng tôi ra về mà lòng hoài cảm kính thương những con người xả thân vì đạo pháp, vì dân tộc.

*10 giờ, điểm điếu viếng cuối cùng chương trình là ông Nguyễn Văn Hạo, ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang.

               Ông Nguyễn Văn Hạo lúc 15, 16 tuổi là một thiếu niên rất gan dạ dũng cảm. Một hôm có thằng Tây mang khẩu súng trường từ chợ Bà Vệ qua Mỹ Luông (thuộc quận Chợ Mới xưa), ông đã dùng thế võ, từ sau nhảy tới đấm vô quai hàm tên ấy, và cướp khẩu súng rồi đem lên trình diện Đức Ông (thân sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ). Đức Ông vò đầu ông, và cười nói: “Nhỏ, có chí khí!”. Đức Ông ban lời khen tặng và bảo ông ở lại Tổ Đình (chớ về nhà e nguy hiểm tính mạng). Và ông được sung vào đại đội tình báo lúc bấy giờ. Ba năm sau, ông được quyền Đại đội trưởng đại đội tình báo và được biệt phái sang bộ đội Thiếu tướng Lê Quang Vinh, sau đó được phái về bộ đội Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ.

               Trước 1975 ông cũng từng là Bí Thư Ban Chấp Hành VNDCXH Đảng quận Chợ Mới nhiều nhiệm kỳ và có tham gia ngành Cảnh Sát quân lực VNCH. Sau 1975 ông bị bắt đi cải tạo ở Sa Đéc 3 năm. Mãn hạn, ông về hoạt động tôn giáo. Là một tín đồ trung kiên gương mẫu. Những năm cuối cuộc đời, ông ngọa bệnh, khi đến bệnh viện các nơi họ đều từ chối chữa trị,  phải trị y tế tư nhân, rồi mất ngày 15/5/âl 2005 hưởng thọ 74 tuổi. Hiện nay cô Nguyễn Thị Linh, con gái ông, phụng tự ông và phụng dưỡng mẹ già.

               Chương trình điếu viếng kết thúc với tổng số 30 gia đình và nghĩa trang NTT và BAQ còn một số gia đình những lần trước có điếu viếng, nay không điếu viếng được là do điều kiện an ninh, kinh tế cho người thân của những gia đình ấy. Mong những thân nhân vui lòng thông cảm cho chúng tôi.

               Nhìn chung, khi đến điếu viếng tất cả gia đình thân nhân nào cũng niềm nở hân hoan xúc động trước việc làm “đạo sự” nầy. Một việc làm “uống nước nhớ nguồn” mà tất cả chúng ta phải thực thi và ghi nhớ. Thật ra, biết bao anh hùng liệt sĩ, biết bao tấm gương chói sáng rạng ngời vì đạo pháp phải hy sinh. Trong PGHH còn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người đã nằm xuống cho PGHH và đất nước có được như ngày hôm nay. Song với hoàn cảnh hiện tại hết sức giới hạn, chúng tôi chỉ thực hiện bấy nhiêu. Rất mong thân nhân những vị chưa được điếu viếng vui lòng thông cảm hoan hỉ cho.

               Trước thềm năm mới, “khối tiín đồ PGHH truyền thống Việt Nam” xin gởi đến chư đồng đạo trong và ngoài nước lời chúc phúc an khang, bồ đề kiên cố, tinh tấn tu hành đến ngày Long Hoa đại hội.

               Nam Mô A Di Đà Phật.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Mười Một 20189:48 SA(Xem: 15057)
Lê Yến Dung: Mỗi năm cứ vào ngày 21 Tháng Chín, mọi người như một, đều không quên một sự kiện lịch sử trọng đại, con đường chính trị mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cống hiến cho đất nước Việt Nam. Đó là việc Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đề xướng thành lập: Đảng chính trị “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.”
06 Tháng Mười Một 20189:37 SA(Xem: 16375)
Nguyễn Bá Thế: "Ngẫm suy tường tận, tinh thần và phong thái của Đức Huỳnh Giáo chủ qua thi văn Sấm giảng của Ngài, thật phải nhận Ngài là hoạt Phật, là nhà cách mạng ái quốc chân chính, là một thi nhân có một tâm hồn trác luyện tuyệt vời …."
24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 13390)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 13987)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
04 Tháng Sáu 20182:31 CH(Xem: 21456)
Theo thầy Tâm Thành trong ngũ ấm chỉ có sắc ấm là có hình tướng và có giới hạn, còn thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm không có hình tướng và không có giới hạn.
18 Tháng Ba 20189:49 CH(Xem: 40942)
Châu Lang: Quyển Kim Cổ Kỳ Quan là phẩm kinh chín bổn được Ông Ba Nguyễn Văn Thới sáng tác, chia thành hai đợt trong vòng 12 năm, (từ 1907 đến 1919) viết cách nay trên dưới 100 năm.
30 Tháng Giêng 201810:21 SA(Xem: 16394)
Nguyễn Văn Lía: Xưa Đức Phật từng bảo : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Hiểu như thế nên có người hỏi: Như vậy tại sao chúng sanh chẳng thành Phật ?
27 Tháng Giêng 201811:16 CH(Xem: 16396)
Nguyễn Văn Nhựt: Mái Đạo Tràng thay cho ngôi trường nhỏ Chùa Quang Minh nương náu học bao ngày Nhân Nhà Gíao bày hoài niệm vắn dài Bao kỷ niệm ùa về ôi nhớ quá!
27 Tháng Giêng 20187:24 SA(Xem: 16722)
Lê Minh Triết: Gần ngót một thế kỷ trôi qua, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi 1919, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, bổng xuất hiện một vị Phật từ Phật quốc lâm phàm, thế danh Ngài là Huỳnh Phú Sổ, thân sinh của Ngài là Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm.
14 Tháng Chín 201711:45 SA(Xem: 18554)
Một tấm lòng thành quyện khói hương, Đưa hồn ông đến cõi Tây Phương. Phân ly hai nẽo đường sanh tử, Để lại trần gian vạn tiếc thương.
100,000