Nguyễn Văn Lía
Phàm con người đứng ra làm việc gì muốn có kết quả thỏa đáng đúng như ý nguyện của mình, tất phải dốc hết tâm cơ trí não vào sự việc ấy mới mong thành công tốt đẹp. Nói cách khác, muốn công việc không “ung thối’, con người cần đặt mình vào điểm tối cần, đó là sự bền chí. Vì nó là đầu mối để đi đến thành công viên mãn.
Đức Huỳnh Giáo Chủ hơn một lần tha thiết nhắn nhủ cùng đồ chúng của Ngài, qua đường lối tu hành:
“Ít ai giữ đặng chí bền,
Tu theo nước lớn ròng bền thả trôi.”
Vậy bền chí là gì ?
Bền chí tức sự cố gắng không ngừng, lòng dẻo dai chắc chắn không thối bước trước trở ngại nguy nan, một mực tiến hành đến chỗ thành tựu. Kẻ làm ruộng nếu không bền chí ra sức cấy cày, chịu muôn vàn cực khổ dãi nắng dầm mưa, cố công vun quén cho ruộng lúa tốt tươi làm gì tới mùa thâu gặt được nhiều thóc mể. Anh thợ hồ nếu chẳng có công đặt từng viên gạch, từng viên gạch…để xây cất ngôi nhà, tất không thành hình ngôi nhà đồ sộ nguy nga được.
Trên phương diện tu tỉnh, hành giả quá nôn nóng muốn “sớm tu chiều đắc”, hoặc buông lung cho vọng thức mê mờ, lần lừa giãi đãi trong việc tu tập sớm kệ chiều kinh, công phu lễ bái, tăng trưởng hạnh lành thì làm gì có ngày chứng đắc đạo mầu.
Câu chuyện ngụ ngôn, thỏ và rùa chạy đua đã thể hiện sự bền chí cao độ của chú rùa. Mặc dù chậm chạp lụ khụ nhưng rút cục, rùa vẫn thắng cuộc như thường:
“Thỏ ỷ mau chơn lo nằm nghỉ,
Đâu bằng rùa lụ khụ bò đi.”
Gương anh cày ruộng cũng vì sự chần chờ, thiếu bền chí nên phải luân hồi thống khổ suốt 91 kiếp, gặp 7 vị Phật ra đời, nhưng anh có giàu sang sung sướng hơn đâu? Cày ruộng vẫn hoàn cày ruộng. Nếu chẳng nhờ pháp âm của Đức Thích Ca Mâu Ni kể lại tiền kiếp của anh cho đồ chúng nghe, làm gì anh sực tỉnh hầu tu hành lần vào cõi giải thoát.
Một cỗ đức Thiền sư đã dạy:
“Phật Thánh Tiên trước khi chưa hiểu,
Cũng lỗi lầm nhiều chuyện như ai.
Nhưng nhờ lòng cương quyết dẻo dai,
Nên các việc lầm sai chừa hết”.
Thầy Mạnh Tử so sánh kẻ hạ nhơn với người trượng phu quân tử, chỉ cách nhau ở sự bền chí. Ông đã hạ bút: “Bỉ trượng phu giả, ngã trượng phu giả. Ngô hà úy bỉ lai” Thánh hiền là trượng phu, ta là trượng phu. Ta sợ gì không được như Thánh hiền.
Qua những câu chuyện dẫn trên ta thấy sự bền chí trọng yếu là bao? Nhưng đối với kẻ chẳng có duyên lành cùng Phật đạo, thường “tu theo nước lớn ròng bèn thả trôi” mãi xuôi theo sức mạnh hiện tiền, không giữ vững lập trường để tiến bước, kẻ ấy khó đi đến mức đường cùng cuối và sẽ “bán đồ nhi phế” bỏ dỡ bao công phu tu tập. Đức Giáo Chủ tiên đoán môn đồ của Ngài sẽ có số người chạy theo vật chất phù hoa, xa lìa đường đạo đức.
“Kẻ vô tình chẳng có chí bền,
Phải sa ngã theo nơi mộng ảo”.
và:
“Tu hành như thể thả trôi,
Nay lỡ mai bồi chẳng có thiền tâm”.
Để thúc giục người tu, đồng thời cho biết lợi ích của chữ bền sẽ đưa đến chỗ giải thoát, rời rứt cõi trần ai giả tạm. Đức Giáo Chủ đã viết:
“Chốn Phật đường rán trau đức hạnh,
Phải bền lòng mới rãnh trần ai”.
Như ta đã thấy kẻ chẳng thiền lòng bền chí sẽ bị đào thải theo dòng thời gian năm tháng; bao công phu tu tập qua một phút mềm lòng phải thả trôi theo giòng nước bạc. Trái lại, người bền chí gắng công, sẽ bù đắp lại bao sự cực khổ nhọc nhằn trong thời gian khổ khó một cách thích đáng: “Hết cơn bỉ cực tới kỳ thới lai”.
Hiểu thế, ta không vì lý do gì phải thối chí ngã lòng trước bao nguy nan nghịch cảnh. Vì “Vô ma khảo bất thành Phật đạo”. Chướng ngại khảo đảo là phương thức tày bồi cho ta những kinh nghiệm việc làm sắp tới.
Tóm lại trên đường đi đến xứ Phạt, chúng ta đừng sợ đường dài, thời gian lâu; vì “Cố đi mãi đường dài hóa ngắn”, mà nên lo cho ta thiếu sự nhứt tâm cố gắng, thiếu lòng bền chí để theo đuổi mục đích.
Sau hết, ta hãy để một phút tâm tư lắng lặng chiêm nghiệm lời truyền dạy của đấng Tôn sư hết sức thống thiết cặn kẻ:
“Muốn cho thân vượt khỏi lề,
Cắm sào trí chí một bề lo tu’.
và:
Hãy bền lòng chặt nẽo sắt đinh,
Rán kiếm chữ bất sinh bất diệt”.
Và tiếng Tôn Sư từ xa đồng vọng nhắc nhở chúng ta: “Nếu bền chí có ngày thong thả”…