Nguyễn Huỳnh Mai
***
Giảng đạo, dạy đạo cần có tâm đạo và chính cái tâm đạo mới giao cảm được với người nghe đạo.
Người có tu tập mới có khả năng giảng đạo với tâm đạo, còn người thiếu tu tập chỉ luận đạo, mà nếu dùng đạo để lý luận thì không đi vào tâm của người và khó cải hóa được người nghe.
Giảng đạo với chân tâm mới cảm hóa được người nghe, mới bắc được nhịp cầu giao cảm giữa người nói và khối thính chúng muốn cầu đạo.
Tâm đạo là tinh thần đạo tự phát do sự giác ngộ của bản thân khi tu học, tu hành, đạt được trí tuệ, có sự thông suốt về nhân quả. Họ đi theo Phật luật chớ không theo nhân luật.
Người tu chân chánh đi theo Phật luật. Chính Phật luật giúp cho họ đi đúng đường vì mỗi giờ mỗi khắc họ đều tự giác, tự nhắc nhở trong mỗi hành vi, cử chỉ, mỗi tư tưởng đưa tới hành động.
Phật luật rất vi tế, đó là ánh sáng của sự ngộ giác luôn hiện diện mỗi dây phút của đời sống. Người tu học, hành đạo có chánh giác sống hoàn toàn theo Phật luật, đó mới là con đường giúp cho phát triển đạo và giúp cho đạo được trường tồn.
Đối với người tu, giữ giới luật chỉ là giai đoạn khởi đầu, chỉ khi nào sống và thở trong Phật luật mới thoát khỏi sinh tử luân hồi.
(Trích Nhật Ký Tâm Linh 8 "Tiếng Nói sự thật")
http://www.nguyenhuynhmai.com/D_1-2_2-87_4-2217_5-50_6-1_17-9_14-2_15-2/#nl_detail_bookmark