ĐỨC TIN và LÒNG LÀNH

28 Tháng Hai 202311:11 SA(Xem: 5218)
ĐỨC TIN và LÒNG LÀNH

01Ông Nguyễn Trung Hiếu, HT BTS PGHH/Toronto/Canada

Nguyễn Trung Hiếu

          Trong bài thuyết-pháp “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng ta thấy rõ rằng:  Nếu chỉ nặng về Trí thì trở nên xảo-trá ác-độc, mà cố thiên về Tâm thì thành ra si-mê tăm-tối.  Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ-lực thực-hành cả hai, phải vừa tu Tâm mà cũng vừa luyện Trí đúng theo lời chỉ dạy của Đức Thầy thì mới trèo lên được chiếc thang hạnh-đức.

          Hơn nữa, cũng theo lời dạy của Đức Thầy, trong cả hai đó, chúng ta phải phát-triển chúng, làm cho chúng trở nên có đạo-lý.  Cái Tâm có đạo-lý gọi là Tâm Đạo, và cái Trí có đạo-lý gọi là Trí Đạo.

          Để trở nên một tín-đồ thuần-thành của Phật, nghĩa là người có Tâm Đạo, Đức Giáo-Chủ đã khuyên dạy như sau:

          “Ta hãy đem Đức Tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem Lòng Lành mà hành-động y theo lời phán dạy của Phật.

          Có Đức Tin mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà thần cám-dỗ, bọn tăng-đồ lợi-dưỡng gạt-lường… làm cho lòng u-tối của ta càng ngày càng u-tối thêm.

          Còn có Lòng Lành mà thiếu Đức Tin vào công việc từ-thiện của mình thì Lòng Lành ấy thường hay thối-chuyển.

          Vậy đồng thời với Đức Tin là Lòng Trí Lành, phải đi cặp luôn luôn.”

                                            (TVGL 1942, «Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ», SGTVTB 2019, tr. 434 – 435).

          Trong từ-ngữ Đức Tin, hay cũng được gọi là Tín-ngưỡng, thường được chia ra làm hai ý-nghĩa: Chánh-tín và Mê-tín.  Nếu Đức Tin hợp với đạo thường, đem đến nhiều lợi-ích cho tinh-thần lẫn vật-chất của con người, thì được coi là Chánh-tín; ngược lại, nếu Đức Tin quàng-xiên, trái với nghĩa-lý, không mang đến lợi-ích gì cho xã-hội mà còn làm cho tinh-thần lẫn vật-chất của con người bị sa-đọa, là Mê-tín.

03

          Qua dòng lịch-sử, con người của thế-kỷ đã biết giành được quyền tự-do tín-ngưỡng cùng với một số quyền-hạn khác.  Tuy nhiên, con người cần phải nhận-thức cho rõ thế nào là giá-trị của tín-ngưỡng?  Vì tín-ngưỡng sai-lầm sẽ có hại hớn, có thể làm trở-ngại cho mọi tiến-bộ cá-nhân và có khi còn tác-hại cho cả một xã-hội nữa.

          Xưa kia, khi Đức Phật còn tại thế, có người tên Ương-Quật-Ma tu theo Bà-La-Môn, đã không đủ chánh-tín để phán-xét sự vật, nên bị sa vào đường mê-tín.  Ương-Quật-Ma nghe lời thầy là Phạm-Chí, tin rằng: Nếu hạ đủ 100 người để lấy mỗi người một ngón tay xỏ xâu làm chuỗi hột mà đeo, thì sẽ được hiển đạo.  Quật-Ma từ chỗ hiền-lành nhân-nghĩa, đã trở nên một kẻ độc-ác dữ-dằn, chẳng những chém người không biết gớm tay mà cả đến mẹ ruột của y, Quật-Ma cũng toan chặt đứt ngón tay để cho tròn con số sau cùng vì làm theo lời mê-hoặc của Phạm-Chí.

          Vì mê-tín, Ương-Quật-Ma đã gây nên tội-lỗi; còn đối với xã-hội, cũng vì mê-tín, Quật-Ma đã làm đau-khổ cho biết bao nhiêu gia-đình, điều mà người hiểu đạo có bao giờ dám làm để cầu đắc đạo?  Cho nên, mê-tín là một điều khổ-lụy mà mọi người cần cố-gắng diệt-trừ.  Đức Thầy có dạy:

              “Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn,

                Làm ngu-muội đọa thân uổng kiếp.”

                                                                                               (Quyển V: Khuyến Thiện, câu 659 – 660)

          Người có Đức Tin trang-nghiêm còn phải luôn luôn giữ cho lý-trí sáng-suốt và tâm-hồn bình-tĩnh.  Một phút mất sáng-suốt, bình-tĩnh cũng có thể gieo hoang-mang lầm-lỡ cho chính mình.

          Tăng-Tử, tên thật là Tăng-Sâm ở Nam-Vũ-Thành, là học trò xuất-sắc của Đức Khổng-Tử.  Tại đây có kẻ trùng tên với ông giết chết một mạng người.  Có người nghe tin, hớt-hãi chạy đến báo cho mẹ Tăng-Sâm hay, nói rằng: “Tăng-Sâm giết người!”.  Bà mẹ nói: “Không khi nào con ta làm điều đó!”.  Rồi bà điềm-nhiên ngồi dệt cửi.

          Chặp sau, lại có người đến bảo: “Tăng-Sâm giết người!!”.  Tăng mẫu làm thinh không nói, vẫn cứ lo dệt.

          Nhưng một lúc sau nữa, lại có người chạy đến, hô: “Tăng-Sâm giết người!!!” Bấy giờ, bà mẹ sợ cuống-quít lên, quăng thoi dệt, trèo qua tường chạy trốn.

          Đọc chuyện trên, ta thấy bà Tăng mẫu ban đầu khá bình-tĩnh, vì bà còn biết đem lý-trí mà phán-xét sự việc.  Nhưng về sau, những lời-lẽ tin-tức về Tăng-Sâm dồn-dập quá, làm lý-trí phán-đoán bị đánh bại vì xúc-động tình-cảm, bà đã bị mê-hoặc vì sợ-hãi.  Sự thật thì con bà – Tăng-Sâm – đâu có giết người.

02

          Hơn nữa, người có Tâm Đạo bao giờ cũng phải tự kiểm-thảo mình, đừng nên vì phán-đoán quá kỹ càng rồi đâm ra nghi-ngờ tất cả.  Ta phải khai-triển mỗi chánh-tín sau khi suy-xét cho minh-lý, như Đức Thầy đã khuyên: “Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo-đức, ta phải suy-xét cho minh lý rồi sẽ phán-đoán việc ấy.” (Lời Khuyên Bổn Đạo, điều thứ bảy).  Ta phải diệt-trừ lưới nghi, vì nghi-nan cũng là một điều trở-ngại lớn trên đường hành đạo.  Đức Giáo-Chủ cũng có dặn-dò điều ấy:

              “Dệt lưới nghi đeo điều phiền-phức,

                Bịn-rịn đời cực-khổ tang-thương.

                Khi nói làm ít chịu suy-lường,

                Mãi phạm tội nên rằng nghiệp ác.”

                                                                                               (Quyển V: Khuyến Thiện, câu 653 – 656)

          Muốn cho Đức Tin được khai-triển một cách đúng-đắn, ngoài cách đem lý-trí diệt-trừ mê-tín, và dứt bỏ lưới nghi, chúng ta cần tập: “Tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư-tưởng cho thanh-cao, trí rán tìm cái Chân-lý, Chân-lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình.” (Quyển VI – Luận về Bát-Chánh – Chánh Tư-Duy, SGTVTB 2019, trang 167).

          Còn gì giản-dị và rạch-ròi hơn, khi Đức Giáo-Chủ giảng về cách suy-xét cho chính-xác trong việc tu thân và tự xét mình (tu thân xử kỷ) như sau:

          “Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông-đảo rồi ta cũng vội-vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo-lý ấy như thế nào.

          Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội-vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thể nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật.  Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên-hạ thấy rõ ta mê-tín bấy nhiêu.  Đó cũng là cái đích để cho người vô Đạo nhắm đó mà bài-bác, nhạo-chê hủy-báng và cũng rất uổng cho cái công-trình thành-kính lễ-bái của ta vậy.

          Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy-gẫm phán-đoán kỹ-càng; chừng hiểu biết rõ-ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy.  Chẳng được như vậy, dầu mình theo đạo rất chánh-đáng, ông thầy rất thông-minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả.”

                                                      (TVGL 1942, «Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ», SGTVTB 2019, tr. 436).

12

          Như vậy, ta phải sáng-suốt, tránh cực-đoan, lấy con đường trung-đạo của Phật mà đi; đó mới là Đức Tin trong sạch mà Đức Thầy hằng chỉ bảo.

          Sau khi đã tự tạo cho mình Đức Tin trong sạch, hành-giả phải quả-quyết tiến bước lên con đường chánh mà mình đã chọn!

          Danh-từ Phật-học gọi sự quả-quyết theo mục-đích cầu tìm chân-lý là Tinh-Tấn.  Trong mục Chánh Tinh-Tấn, Đức Thầy khuyên người tu nên giữ Đức Tin cho mạnh-mẽ, Ngài đã viết:

          “Dầu các thị-dục có lớn-lao thế mấy, dầu cho có sức-lực gì cám-dỗ hay bức-bách bỏ lòng tín-ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi kéo được.” (Quyển VI – Luận về Bát-Chánh – Chánh Tinh-Tấn, SGTVTB 2019, trang 169).

          Trong Giác Mê Tâm Kệ, Đức Giáo-Chủ có dạy:

              “Chánh Tinh-Tấn dầu thành hay bại,

                Cứ một đường tín-ngưỡng của mình.

                Dầu cho ai phá rối đức tin,

                Ta cũng cứ một đàng đi tới.”

                                                                                          (Quyển IV: Giác Mê Tâm Kệ, câu 667 – 670)

          Người tu thiếu Tinh-Tấn không khác gì nông-dân có ruộng mà không chịu làm hoặc chỉ làm cho lấy có.

          Đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni khi phát-tâm tu-hành đã Tinh-Tấn tột vời.  Có biết bao trở lực chờ đón để phá-hoại bước tiến của Ngài; trở lực do những người thân gàn cản, trở lực do thiên-nhiên gây nên, trở lực do tình-cảm nội-tại… Nhưng Ngài đã phát đại thệ mà Phật-tử ngày nay xem như một chứng-tích rõ nhất về đức Tinh-Tấn: “Nếu không thành được Đạo thì dầu nát thân, thề không đứng dậy!”

          Tinh-Tấn thường đi đôi với Xả-Thân, vì khi đã vững-tin và quyết làm thì hành-giả bao giờ cũng dành mọi hy-sinh cho lý-tưởng.  Đức Phật, Đức Thầy và vô số tấm gương trong sáng đã thể-hiện sự Xả-Thân vì Đạo-Pháp

              “Phận Tăng-Sĩ nài bao gió bụi,

                Miễn sổ lồng tháo cũi Ta-bà.

                Theo đòi gương-phẩm Thích-Ca,

                Dốc đem tâm trí tầm ra Đạo mầu.”

                                                                              (TVGL 1940, Thu đã cuối, câu 85 – 88)

              “Thân Ta, Ta chẳng tiếc chi,

                Miễn cho bá-tánh nạn gì cũng qua.”

                                                                               (Quyển III: Sám Giảng, câu 569 – 570)

                   “Thân Ta dầu lắm đoạn-trường,

            Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn-loài.”

                                                                                  (TVGL 1942, Cảm Tác, câu 60 – 61)

          Nếu không có Tinh-Tấn và Xả-Thân thì lý-tưởng Đạo Phật ngày nay đã không có, hoặc không còn nữa.  Đức Như-Lai đã hy-sinh trọn vẹn cho Chánh-Pháp.  Chư Tổ-Sư đã cúng-dường cho Giáo-Lý.  Nhất nhất đều phải trải qua Tinh-Tấn và Xả-Thân.  Nó là động-lực và khả-năng để thành-đạt và bảo-vệ lý-tưởng Phật-Giáo.

          Đức Phật-Thầy Tây-An, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã hứng chịu mọi thử-thách gian-nan để bảo-vệ Chánh-Pháp.  Những tấm gương sáng rực đó làm sao kể hết.

          Cho nên người Tâm Đạo phải triển-khai năng hạnh Tinh-Tấn và Xả-Thân.

          Tinh-Tấn theo đuổi mục-đích Chánh-Tín của mình để không thoái chuyển.  Tinh-Tấn tu học để mở rộng tâm lành và kiến-thức.

          Xả-Thân hoằng-pháp hành thiện để bồi-đắp công-quả.  Xả-Thân bảo-vệ Chánh-Pháp khi bị cường-lực áp-bức hay phá-hoại để giữ-gìn mối Đạo.

          Nhưng theo lời chỉ dạy của Đức Thầy: “Có Đức Tin mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà thần cám-dỗ, bọn tăng-đồ lợi-dưỡng gạt-lường.  Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng-kiếng để chuộc tội, hoặc bắt-buộc ta thờ-kính một cách phiền-phức làm cho lòng u-tối của ta càng ngày càng u-tối thêm.”

                                                        (TVGL 1942, «Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ», SGTVTB 2019, tr. 434).

          Ngài cũng cho biết Lòng Lành tức Lòng Trí Lành.  Cho nên, muốn làm lành ta còn phải lấy trí sáng mà nghĩ-suy, để việc làm tránh sai-lầm và thêm nhiều ý-nghĩa.

          Chúng ta thường thấy có người dễ tin, gặp ai nói “làm chay” thì cho, nghe “thầy hay” thì đến.  Họ không cần suy-nghĩ gì khác hơn, đinh-ninh rằng mình là người hiền, cứ việc “làm phước”, còn ai làm quấy thì tội về họ.  Những ý-tưởng và hành-động đó chưa đúng là người Tâm Đạo mà trái lại, có thể làm cho bức màn vô-minh càng che-phủ dầy thêm, như lời dạy của Đức Thầy mà chúng ta vừa thấy.

          Người ta có biết đâu bao điều gian-dối, đầu-độc trá-hình trong đó.  Nếu ta nhắm mắt làm càn, thì trên phương-diện vật-chất, ta là kẻ trợ kiệt vi ngược” tức là giúp cho kẻ ác có thêm vi-cánh làm điều ác nghịch, có thể bị vạ-lây; còn về tinh-thần, ta sẽ mang nhiều tội-lỗi vì lầm đường lạc lối và Trí Đạo coi như không có.

          Ngoài ra, người có Lòng Lành là người biết nghĩ lành và ưa làm lành.  Thiếu mất một trong hai điểm đó thì coi như chưa đủ.

          Có nghĩ lành, tức chủ-trương việc lành, thì hành-động cũng do đó mà xuất-phát.  Người Tâm Đạo bao giờ cũng phải tâm-niệm điều lành.  Phải hằng ngày suy-nghĩ, sáng-tạo những ý-kiến lành để làm lợi-tha và cống-hiến những tư-tưởng đẹp của mình cho đồng-bào nhân-loại.

11

          Phần đông những người làm lành thường xuất-phát với ý-tưởng sẽ được phước, sẽ được danh-vọng, hoặc sẽ được người khác giúp lại khi họ gặp họa-hoạn.  Trạng-thái đó không phải không tốt, nhưng đối với Giáo-Lý nhà Phật, nó vẫn còn là gây tạo trong nghiệp quả mà thôi.  Mà bỏ đi những ý-nghĩ như trên, thật ra không phải là một điều dễ.  Hành-giả phải có trí-tuệ, có tinh-tấn dũng-mãnh mới có thể đạt đến được.

          Vua Lương-Võ-Đế, một lần nọ hỏi Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma: Trẫm đã xây cất được nhiều ngôi chùa to, sao chép Kinh bằng chữ Phạn và cúng-dường chư Tăng, như vậy có công-đức gì không?”  Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma đáp: “Không có công-đức gì hết!”

          Cuộc đối-thoại trên đã nói lên rằng: Hành-động của vua Lương-Võ-Đế là những hành-động có mưu-cầu, có dự-tính, không phải xuất-phát do ý-nghĩ vô tư và vô cầu.  Đức Giáo-Chủ có lần đã nhắc đến điều nầy và Ngài cũng cho biết rằng: Lòng của họ Lương còn ác nghiệp.  Ngài viết:

              “Nhớ thuở trước vua Lương-Võ-Đế,

                Tạo chùa-chiền khắp nước tu-hành.

                Đến chừng sau ngạ-tử Đài-thành,

                Phật bất cứu vì tâm còn ác.”

                                                                        (Quyển IV: Giác Mê Tâm Kệ, câu 459 – 462)

          Thật vậy, vua Lương-Võ-Đế đã bị tên loạn tướng Hầu-Cảnh quản-thúc và bỏ đói cho đến chết.

          Vì vậy, muốn cho được viên-mãn, người có Lòng Lành nên rán sức Nghĩ Lành và Làm Lành một cách trong sạch.  Họ đừng nên mưu-cầu, đừng nên chấp tướng, đừng khinh mạn, đừng cầu danh, và nhất là không nên sanh lòng tiếc-rẻ vì công-lao của-cải đã bỏ ra để làm lành đã mất.

          Nếu chuyên tâm thực-hiện như trên thì con đường giải-thoát không còn phải là một nơi huyền-ảo vô vọng.

          Trong thực-tế, ai cũng ưa-chuộng người lành, nhất là người có đức lành theo gương phẩm Thích-Ca, như Đức Thầy đã dạy:

              “Khuyên chớ chấp kẻ lòng lang sói,

                Để đức lành Ta rọi khắp nơi.

                   Non sông rực-rỡ chói ngời,

            Mảnh gương Phật Đạo soi đời cổ kim.”

                                                                                                  (TVGL 1940, Thu đã cuối, câu 53 – 56)

          Phúc-đức sanh ra bởi tự việc lành, do đó người lành chẳng những được mọi người kính yêu, mà với tâm-hồn cao-thượng của họ, họ cũng được gia-hộ.  Đức Thầy đã dạy:

              “Kẻ hiền-đức sau nầy được hưởng,

                Phép thần-linh của Đức Di-Đà.

                Lại được thêm thoát khỏi Ta-bà,

                Khỏi luân-chuyển trong vòng Lục Đạo.”

                                                                                    (Quyển II: Kệ Dân, câu 181 – 184)

          Dẫn-giải như vậy, chúng ta đủ để tin-tưởng rằng: Người có Lòng Trí Lành chắc-chắn có đức-hạnh cao, người lành là người Tâm Đạo và cũng nhờ Tâm Trí đều lành, người Tâm Đạo sẽ dễ-dàng thẳng tiến đến chỗ giải-thoát.  Tuy nhiên, Lòng Lành khi đã luyện được, hành-giả còn phải kiên-trì để đuổi theo và giữ vững mãi, đừng cho thoái-chuyển.  Bởi vì một phút thiếu kiên-trì, thì các căn và các trần hiện lên, rồi từ đó có thể dẫn đến hư-hoại và sa-đọa vào ác đạo.

          Tóm lại, xét về Tâm Đạo, ta thấy trước hết người tu cần tu-tập cho được Chánh-Tín, phải luôn giữ cho lý-trí sáng-suốt và tâm-hồn bình-tĩnh, cũng phải biết tự kiểm-thảo mình để diệt-trừ lưới nghi, và cần phải suy-xét cho minh-lý trước khi quyết-đoán bất cứ việc gì.  Kế đó, hành-giả cần phải Tinh-Tấn và Xả-Thân để phát-triển và bảo-vệ Đức Tin của mình.  Sau hết, Lòng Lành cần phải được dồi-trau bồi-đắp mãi mãi, luôn biết nghĩ lành và ưa làm lành để hạnh-đức của mình mỗi lúc mỗi sâu dầy.  Vì vậy, để trở nên một tín-đồ thuần-thành của Phật, hành-giả cần phải có cả Đức Tin trong sạch và Lòng Trí Lành luôn luôn đi cặp như lời chỉ dạy của Đức Huỳnh Giáo-Chủ trong việc Tu Thân Xử Kỷ (tu thân và tự xét mình).

                                                      Nam-Mô A-Di-Đà Phật!

                       Kính Mừng Đại Lễ Đản-Sanh Đức HUỲNH GIÁO-CHỦ PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO Năm 103

                                                        Ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Dần (18-12-2022)

                                                          Nguyễn-Trung-Hiếu

Tài-liệu tham-khảo:

1.  Đoàn-Trung-Còn, PHẬT-HỌC TỪ-ĐIỂN, Phật-học Tòng-thơ, in kỳ đầu 1966, Sài-Gòn, Việt-Nam.

2.  Đức Huỳnh Giáo-Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo, SẤM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ (SGTVTB 2019), Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo, tái-bản 2019.

 
14

15

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 202411:21 SA(Xem: 408)
Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
12 Tháng Sáu 202211:22 CH(Xem: 5684)
Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Đạo dân tộc qui nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hóa nhân sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ, một vị Bồ Tát hóa thân truyền dạy từ năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam nước Việt.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 15781)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
28 Tháng Ba 201912:51 SA(Xem: 8552)
Mai Thanh Tuấn: Đi vào đường hướng tu tập và giáo lý nội tại Tôn giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương cho người tín đồ tu học tại gia, vừa tự lực cánh sinh tạo ra cơ sở vật chất vừa quyết chí hành thiện để trau luyện tinh thần.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 17493)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 15204)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 15939)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
30 Tháng Giêng 201810:21 SA(Xem: 18461)
Nguyễn Văn Lía: Xưa Đức Phật từng bảo : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Hiểu như thế nên có người hỏi: Như vậy tại sao chúng sanh chẳng thành Phật ?
15 Tháng Tám 20179:48 CH(Xem: 22798)
Hằng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch thì người Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức đại lễ Vu Lan, hay còn gọi là mùa “Báo ơn Cha Mẹ”.
27 Tháng Sáu 20179:49 CH(Xem: 22291)
Nguyễn Văn Lía: Nói đến nhân quả, người tín đồ đạo Phật hiểu ngay đến luật trả vay, vay trả của thế trần. Vì vậy những ngôn ngữ được bàn bạc qua tâm tư trí não của họ, như: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”, “ghét cái nào trời trao cái nấy”
100,000