NHỚ QUÊ HƯƠNG

05 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 10329)
NHỚ QUÊ HƯƠNG

nguyen_huynh_mai-content

Nguyễn Huỳnh Mai

(Mến tặng người An Giang)

Có những lúc nằm thiu thiu ngủ với cảm giác trôi bềnh bồng trên mặt sông, tâm hồn tôi thật nhẹ nhàng êm ái. Đó là khi tôi hồi tưởng thời còn bé bỏng theo mẹ đi Long Xuyên thăm bà Mười. Bà Mười là em út của ông Ngoại tôi. Bà có đôi mắt to, nghiêm khắc khiến tôi sợ sệt, e dè mỗi khi khoanh tay thưa bà.

Bà Mười của tôi có chiếc mũi cao, dọc dừa. Miệng bà rộng. Mỗi khi bà cười để lộ hàm răng đều đặn với một chiếc có viền vàng chung quanh ở cạnh khóe môi. Tóc bà Mười chảy thẳng ra sau và cuộn tròn lại như con ốc. Bà giữ nếp tóc bằng cái lược đồi mồi nhỏ bé xinh xinh. Dáng bà Mười tầm thước, bà nghiêm nghị, đoan trang.

Lúc đó thời cuộc lộn xộn nên bà Mười rời làng, tản cư ở trên ghe, rày đây mai đó. Bà ở trên chiếc ghe tam bản lớn, rộng rãi, ngăn nắp. Phía trước, phía sau đều có che thêm hai mái tôn. Mỗi khi đến thăm bà Mười, chúng tôi đi xuống chiếc cầu nhỏ rồi bước xuống thuyền của bà. Tôi hay nắm chặt tay mẹ. Tay kia mẹ vịn chiếc sào cắm trước mũi ghe. Mẹ luôn luôn thận trọng vì sợ tôi rớt xuống sông. Lúc đó tôi chỉ độ năm, sáu tuổi. Chúng tôi để guốc dép ở mũi ghe rồi mới chui vào mui ghe. Bà Mười ngồi xếp bằng nói chuyện với chúng tôi. Mỗi khi trời nóng, bà phe phẩy cây quạt. Lúc mệt bà kéo gối nằm. Có khi mẹ tôi cũng nằm để trò chuyện với bà.

Ghe của bà Mười lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Từ vách cho đến sàn ghe, chỗ nào cũng đánh vẹc-ni láng bóng. Trước mũi ghe có che thêm một tấm tôn lớn để làm nơi tiếp khách. Ngồi nơi đây gió thổi mát mẻ, vừa nói chuyện uống nước, vừa nhìn cảnh vật chung quanh, ghe thuyền qua lại, rất thích thú. Khoảng giữa ghe có mui để ở, tất cả đồ đạc đều để tại đây. Ban đêm bà Mười khóa của trước và sau lại rồi mới ngủ. Phía sau ghe cũng có che miếng tôn để nấu nướng, ngồi ăn cơm. Gần đuôi ghe bà Mười có giăng dây phơi quần áo, dựa bánh lái có một cái nhà tắm. Bên hông nhà bếp có một sàn nước đóng thấp xuống gần mực nước, để giặt quần áo, rửa chén hay làm cá, rửa rau, vo gạo, v.v...


Một hôm mẹ đang nói chuyện với bà Mười, chị bếp đang nấu ăn, tôi được dịp vọc nước với mấy cái bong bóng. Tôi ngồi trên sàn nước để cho nước sông vào mấy cái bong bóng, rồi cột bong bóng lại mấy ngấn để làm búp bê.

Không hiểu vì mê chơi hay tay tôi quá bé bỏng ngắn ngủn hoặc cúi xuống hơi quá đà, tôi rớt luôn xuống sông nghe một cái "ùm". Chị bếp chạy lại nắm áo tôi lên. Tôi khóc òa vì uống nhiều nước sông vừa sặc sụa, mình mẩy ướt như chuột lột. Mẹ vừa sợ vừa giận nên rầy tôi rất nhiều. Vì tôi nhỏ quá không có quần áo thay, mẹ phải phơi quần áo tôi trên sào. Còn tôi thì quấn khăn ngồi trong ghe cho đến lúc quần áo khô mới được mẹ dắt về. Những lần khác qua Long Xuyên chơi, tôi được chị vú dắt đi xem cải lương gánh Phụng Hảo. Chị vú tôi chỉ mười mấy tuổi, chị ấy rất mê cải lương. Còn tôi thì hay đòi về vì rất sợ bà Phàn Lê Huê. Tôi nhớ bà mặc áo cẩm bào, trên mão có hai cái lông trĩ, như hai cây roi dài. Bà hay kéo hai cây roi đó xuống mỗi khi ra oai, trợn mắt. Trên lưng bà gắn nhiều cờ đủ màu sắc. Bà múa gươm vù vù rất mạnh mẽ. Tôi sợ nhất lúc pháo nổ bà mở nắp hòm sống dậy là tôi nhắm mắt nhất định đòi về. Chị vú em giận tôi hết sức, hăm dọa nếu tôi đòi về chị sẽ không cho tôi đi xem nữa. Có lần khác tôi đi xem gánh Việt Hùng Minh Chí. Tôi nhớ là tuồng cao bồi có đu dây trong rạp hát và bắn súng. Tôi cũng rất sợ vì tiếng súng nổ và mùi pháo khét nghẹt.


Bà Mười ở góa nên sống với cậu Thuận. Cậu Thuận chỉ đi chơi với bạn trai nên ít để ý đến tôi; tôi nghe nói cậu học giỏi nhứt lớp. Thỉnh thoảng cậu cho tôi mấy cục kẹo hay năm cắc bạc.

Tôi cũng có vài kỷ niệm khác, được chơi trên ghe như lúc ở làng Hòa Hảo. Tôi hay xuống ghe ông bà Đốc để câu cá. Ông bà Đốc tản cư về làng, đậu ghe dưới bến nơi nhà bà Tư Cần Đước. Tôi có một cần câu nhỏ để câu cá lòng tong. Nhiều khi tôi chỉ ngồi trên ghe chơi nhìn cá lội. Tôi thích nhứt những buổi trưa hè ở trên ghe gió thổi nhè nhẹ rất khoan khoái. Thỉnh thoảng ghe chòng chành khi có tàu lớn chạy qua tạo thành những luồng sóng mạnh đập vào hông ghe. Thuở ấy, mẹ thường hay dắt tôi đi thăm bà con hay bạn bè. Người nào cũng tản cư ở ghe để dời đi rày đây mai đó cho dễ dàng, nhanh chóng lúc có biến loạn.

Có một lần cậu Sơ dắt đường cho mẹ và tôi qua Hiệp Xương thăm dì dượng ba Lê Hoài Nam. Từ Hưng Nhơn ở Hòa Hảo chúng tôi phải băng qua cánh đồng thật xa mới đến Hiệp Xương. Tôi mỏi chân quá đi không nổi, cậu Sơ phải cõng tôi. Trời nắng mọi người đều ra mồ hôi nhỏ giọt. Mẹ mới nói: "Thôi bây giờ mẹ mướn xe bò đi tắt đường đồng cho mau."


Thế là tôi được đi xe bò. Bánh xe bò bằng cây mà lại đi trên đất cày nên rất giằn. Mẹ và tôi ngồi lắc qua lắc lại. Cậu Sơ và ông chủ xe bò đi quen nên họ ngồi tỉnh bơ. Xe bò đi cà rịt cà tang mãi đến chiều mới tới Hiệp Xương. Bà bếp của dì dượng tôi bắt ốc, làm sạch sẽ, ướp ngũ vị hương, xỏ xâu nướng rồi kho với mắm. Mắm ăn với bông súng, rau dừa, rau muống, rau thơm, trộn với dừa khô nạo. Bữa cơm đó mẹ, cậu Sơ và tôi ăn thật ngon. Vừa đói bụng, vừa lạ miệng, ốc nướng thơm ơi là thơm. Mọi người ăn hoài không muốn nghỉ. Ăn cơm xong thì mặt trời cũng vừa lặn. Dượng tôi thắp đèn dầu lửa rồi cùng dì tôi và mẹ hàn huyên tâm sự.

Ghe cà-dom của dì dượng tôi, mũi dài, mui ngắn, nên dượng tôi lợp thêm phía trước bằng lá. Hai bên ghe có treo hai tấm rèm bằng tre, cũng lợp lá. Khi nào trời nóng, dượng tôi lấy cây chống lên cho gió thổi vào.

Tôi nằm thiu thiu ngủ bên cạnh mẹ, mẹ vừa nói chuyện vừa xoa lưng tôi. Xung quanh nơi đó cây cối rậm rạp. Vì ghe đậu ở rạch nên tiếng côn trùng, ếch nhái, ễnh ương kêu làm cho tôi sợ nên cứ rút dần lại nằm gần mẹ. Nhờ hơi mẹ sưởi ấm, tôi ngủ lúc nào không biết.

Cảm giác bình yên, êm đềm của những giấc ngủ trên mảnh đất quê hương vẫn còn in đậm và mãi mãi trong tôi. 

img_5290-content

Ảnh tác giả lúc 3 tuổi ở làng Hòa Hảo, Châu Đốc , An Giang, miền tây Việt Nam

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Ba 201712:03 CH(Xem: 18861)
Đức Thầy : “Mình tự độ cầu thêm Phật độ, Như nước xuôi gặp gió thuận chiều. Đường về chóng biết bao nhiêu, Được hai sức độ mau siêu phàm trần”.
22 Tháng Chín 20166:48 SA(Xem: 20097)
Trời chưa thiệt sáng, Hương tranh thủ ra sân hái bông cúng rằm trước khi đi chùa lễ Phật. Sân bông nay trổ rộ mà nhứt là trên những buội bông Trang có ba màu Đỏ, Trắng, Vàng trồng liền nhau vun lên trông đẹp mắt.
14 Tháng Chín 20168:27 SA(Xem: 18880)
Một vấn đề mà từ nhiều triệu thế kỷ đến nay đã gắn liền và gần như đồng hóa hẳn với nhơn loại nói riêng và tất cả sinh vật nói chung, ấy là lẽ sống .
06 Tháng Bảy 20155:23 SA(Xem: 35562)
Từ những ngày đầu ở miền Nam, 1954, khi còn trong tuổi thiếu niên, người viết bài này đã nghe nói đến nhân vật Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo (Viên Linh)
29 Tháng Giêng 20152:55 CH(Xem: 22360)
Mọi sự thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt đều làm thay đổi tâm hồn con người. Điều ấy có đúng không?
23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 9804)
Mẹ là sự hiện diện của cả một quá khứ Việt Nam đau thương, của cả những kỷ niệm bình yên, đẹp đẽ của quê hương tôi.
18 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 32179)
Chỉ mới ba tuổi đầu, con bé đã biết mỗi buổi sáng lúc bình minh ló dạng ra lan can nhìn giòng sông gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hình ảnh dòng sông Cửu Long vào lúc ban mai chói rạng dưới bầu trời xanh của quê hương mến yêu hình như chưa bao giờ bị lãng quên sau mấy mươi năm qua.
14 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 15856)
Nguyễn Huỳnh Mai- Quê hương Việt Nam! Quê hương Việt Nam lúc nào cũng âm vang trong lòng tôi. Đó là lời mời gọi thiết tha nhất mà tôi luôn luôn mong muốn có ngày trở lại để sống, để thở, để uống những ngụm nước ngọt ngào múc lên từ giòng sông Cửu Long.
20 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 12038)
Vũ H. Nguyễn- Ai trong chúng ta cũng đôi lần về thăm quê hương nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, và ai trong chúng ta cũng từng nhận thấy những khó khăn của biết bao người ở quê nhà, sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bệnh tật không đủ tiền chạy chửa, nhà không đủ kín để che nắng mưa...
17 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 9428)
Huệ Thọ- Cách đây 92 năm trước, hoa từ bi đã trổ tại làng Hòa Hảo để 20 năm sau kết trái cho một bậc vĩ nhân lâm phàm mặc khải:“ Ta thừa vưng sắc lệnh Thế Tôn Khắp hạ giới truyền khai đạo pháp”
100,000