( Nguyễn Bá Thế )
+ Uy nghiêm Phật sống
Khi xưa, một bậc đại gia văn học tham gia chính quyền như Ôn công Tư Mã Quang, đức độ liêm khiết và nhân từ của ông đã được nhân dân ca tụng là “Vạn gia sanh Phật” (Phật sống muôn nhà). Lại một nhân vật khác, học rộng tài cao mà phủi hết công danh, nương thân nơi chùa Linh Ẩn, từng giúp chúng, răn đời, pháp danh Đạo Tế, hành tàng xuất quỷ nhập thần dưới lối điên khùng nên có hiệu là Tế Điên, cũng được người đời xưng phục là Phật sống.
Xuyên qua hai nhân vật điển hình cho danh từ “Phật sống” kể trên, thiết tưởng Đức Huỳnh Giáo chủ đã từng được xem như vị Phật sống , há chẳng đáng sao?
Tương truyền: Ngày kia, một tìn đồ PGHH tại Kiến An (Chợ Mới) gặp một vị khách có phong thái dị nhân trao cho một bài thơ, bảo đem đến Đức Huỳnh Giáo chủ. Dưới bài thơ có mấy dòng đề tặng: “Bán lộ giang hồ kính tặng Kim sơn Phật”. Đoạn cuối có mấy câu tiết lộ huyền cơ:
Nam-mô sáu chữ Di-Đà,
Từ-bi tế-độ vậy mà chúng-sanh.
Xưa nay sáu chữ lạnh-tanh,
Kim-Sơn Phật ấy giáng sanh đành-rành.
Ngưỡng cầu Thượng-Đẳng Đại Thần,
Phải ra trị nước bảo-toàn lê-dân.
Ở nhà tụng niệm Đền xinh,
Lục-châu bát loạn nỡ nào ngó ngang.
Trong khi mắt phàm nhân chưa nhìn thấu có Phật sống ra đời, bậc đại giác có huệ nhãn đã khéo khêu động cho đương thời chú ý; và quả như thế, Đức Huỳnh Giáo chủ dù nhận lãnh danh hiệu Kim Sơn Phật có phải là quá đáng đâu!
Không phải đợi đến khi Đức Huỳnh Giáo chủ lên tiếng, người ta mới biết Ngài là vị Phật sống:
Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta,
Tạm dắt nhơn-sanh khỏi ái-hà.
Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,
Chờ thời Thiên định thiết hùng ca.
KIM ngọc nào tri Phật, Quỷ, Tà,
SƠN đài ra sức dẹp loài ma.
THƯỢNG thọ chúc cầu an bốn biển,
ĐẲNG đẳng dưới trên sớm thuận-hòa.
Công nghiệp bình sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ vẫn đã đủ chứng minh, khiến muôn đời ngưỡng mộ. Trong tiền kiếp, Ngài đã từng say mùi đạo mà bỏ cả vinh hoa phú quý của bậc Thượng đẳng đại thần.
“Điên nầy xưa cũng như ai,
Vào các ra đài tột bực giàu-sang.
Nghĩ suy danh-lợi chẳng màng,
Bèn lên ẩn-dật lâm-san tu-trì.”
(Khuyên người đời tu niệm)
Rồi ở kiếp nầy “Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ”; vẫn thuộc hàng đài các, Đức Huỳnh Giáo chủ cũng đã ngỏ lời.
"Cặp mắt Thánh dòm xem tứ hải,
Thương hồng-trần mượn xác tái-sanh.”
(Diệu pháp quang minh)
Chỉ vì Ngài dốc chí “Quyết đem chân lý đặng gìn Phật gia” cho nên mới dấn thân vào đời gió bụi, rắp toan phổ độ quần sanh. Chẳng vậy, Ngài há đắm luyến hồng trần:
Chớ mình hồn dựa lâm-san,
Thảnh-thơi còn xuống thế-gian làm gì ?
(Từ giã bổn đạo khắp nơi)
Trên đường phổ hóa hành đạo, đôi lúc phải mượn đến thi ca làm phương tiện, văn chương của Ngài vừa bình dân vừa bác học, cầm vững mực “văn dĩ tải đạo” mà luôn luôn áp dụng thứ “văn chương minh thế”:
Tỉnh tâm mượn lấy thi-ca,
Giác dân hướng thiện chánh tà phân-minh.
(Viếng làng Mỹ Hội Đông)
Đáng lại tình thương bao la của Ngài, hằng triệu người nay đã kết hợp thành một khối dưới nền đạo PGHH, sùng phụng giáo lý từ ân, tu Nhân học Phật.
Chuông Linh-Khứu ba hồi giục-thúc,
Đờn Lôi-Âm khởi điệu êm tai.
Con lành duyên khá trở gót hài,
Điên quyết chí dắt người lánh tục.
Tay bút sắt, tay gậy kim cang, phong thái văn hào mà Phật cốt, dáng tao nhã phong lưu mà hạnh Bồ tát, uy nghiệm cao đẹp biết ngần nào:
“Thuyền bát-nhã ta cầm tay lái,
Quyết đưa người khỏi bến sông mê.
…
Ngọn bút sắt chỉ đường người tối,
Gậy kim-cang đưa chúng lên đàng.”
(Diệu pháp quang minh)
Đem đức nhân hậu của Tư Mã Quang mà sánh với lượng từ bi bác ái của Đức Huỳnh Giáo chủ, có là một trời một vực hay chăng? Đem công điểm đạo phổ hóa quần sanh của Tế Điên sánh với công “Giác dân hướng thiện chánh tà phân-minh” của Đức Huỳnh Giáo chủ, ai công đức vô lượng hơn ai? Thế mà đời đã xưng tặng Tư Mã Quang là “Vạn gia sanh Phật”, ca tụng Tế Điên là “Hoạt Phật”! Thế thì Đức Huỳnh Giáo chủ sáng danh Giáo chủ nền đạo PGHH với hằng triệu tín đồ quy ngưỡng tôn đức, vẫn gọi là Phật sống đời nay hay vị Kim Sơn Phật trong tiền kiếp xa xôi, âu cũng là lẽ thường.
+ Dưới lốt chính khách ưu tú nổi bật nhà ái quốc chân chánh
Đã sẵn mang lòng Phật thương khắp chúng sanh trong ta ba thế giới, cố nhiên Đức Huỳnh Giáo chủ lại càng không thể không riêng lo cho đất nước đồng bào, nơi mà mình đã mượn xác tái sinh. Do đó, thời cuộc đun đầy, nếu có lúc Đức Huỳnh Giáo chủ nghiễm nhiên là chính khách ưu tú trên sân khấu quốc gia, điều ấy hẳn nhiên phải thế. Vì có tình đồng bào mà ra tay cứu vớt cơn dầu sôi lửa bỏng, thì mới rộng thương đến khắp muôn loài. Huống chi lòng tăng sĩ mới là lòng đa cảm trước cảnh núi xương sông máu do loài người càng ngày càng xa đạo nghĩa mà gây cuộc tranh quyền, tranh lợi, đối xử tàn ác, khốc liệt với nhau:
Liếc nhìn thế-giới can-qua,
Ngàn muôn binh tướng xua ra chiến-trường.
Dốc lòng tranh bá đồ vương,
Đeo câu danh-lợi lấp đường nghĩa-nhân.
Gieo điều tàn-khốc cho dân,
Khiến lòng Tăng-Sĩ bâng-khuâng lo-lường.
(Hoài cổ)
Bởi đã phải bâng khuâng lo lường, Đức Huỳnh Giáo chủ đành có lúc:
Tăng-sĩ quyết chùa, am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
(Tặng thi sĩ Việt Châu)
Chẳng phải đợi đến năm Ất Dâu 1945 là năm nước nhà nguy biến nhất, Đức Huỳnh Giáo chủ mới tham gia chính trị - hay nói đúng hơn là đóng góp tâm huyết trên đường làm nhiệm vụ công dân trong cơn quốc nạn. Mà ngay từ khi khai đạo (Kỷ Mão 1939), trải qua khắp nẻo hương thôn tuyên dương giáo lý Tứ Ân, Đức Huỳnh Giáo chủ vẫn đã từng khuyên nhủ tín đồ và đồng bào:
Ta thỏa chí hô-hào trung nghĩa.
Giống hiền xưa bây giờ mới tỉa,
Dốc chờ ngày bông trổ thơm-tho.
(Nang thơ cẩm tú)
Hoặc đề cao trang nghĩa khí:
Kẻ nghĩa-khí thiên kim vạn lượng,
Lũ nịnh-thần sách-sử nào khen.
(Diệu pháp quang minh)
Bài “Viếng làng Phú An”, Đức Huỳnh Giáo chủ cũng nhấn mạnh đức tính trung quân ái quốc:
Ô-kim vàng ấy ngàn cân,
Dương-gian muốn đổi lập thân cho tròn.
Trăm năm ghi-tạc miễu son,
Trung-quân ái-quốc hãy còn danh bia.
Trong “Diệu pháp quang minh” thêm lặp đi lặp lại nhiều lần về trung nghĩa:
Đứng trung-cang hành thiện truy kinh
Hoặc:
Mở hội Thánh chọn người trung hiếu.
Tử vì nước còn ghi linh miếu,
Thác vì đời thanh-sử danh bia…
Xuống dương-gian thân Điên nào nệ,
Chốn hồng-trần đuốc huệ liền khai.
Cho nam-nhi sửa mặt râu mày,
Hàng phụ-nữ giồi câu trinh-liệt.
Rán bắt chước những trang tuấn-kiệt,
Gái anh-hùng xưa có Trưng-Vương.
Đuổi quân Tàu cứu vớt quê-hương,
Bởi thế, khi đã chánh thức góp mặt trong chính trường, Đức Huỳnh Giáo chủ hằng nhiệt thành lên tiếng gọi đàn, hoặc hiệu triệu tín đồ phụng sự quốc gia dân tộc, đúng với đường lối khai đạo của Ngài từ trước. Dưới các bút hiệu Hồng Vân cư sĩ, Sĩ Cuồng, Hoàng Anh, Hoài Việt, Đức Huỳnh Giáo chủ khích động tinh thần quần chúng qua những câu thơ đầy cảm khái:
Nếu nay chẳng vẫy-vùng cương-quyết,
Thì ắt là tiêu-diệt giống-nòi.
Muôn năm chịu kiếp tôi-đòi,
Thân người như thế còn coi ra gì ? !
(Gọi đoàn)
Xưa nước đã bao lần khuynh-đảo,
Được cứu nguy nhờ máu anh-hùng.
Hi-sinh báo quốc tận trung,
Đem bầu nhiệt-huyết so cùng sắt gang.
(Gọi đoàn thanh niên)
Vì cơn bát loạn phải thương xót sinh mạng đồng bào mà ra tay cứu vớt, tạm khoác chiến bào phủ lớp cà sa, Đức Huỳnh Giáo chủ trước đây đã lao khổ bao nhiêu trên đường thuyết đạo để dìu dắt con lành đem về cửa Phật, thì trong giai đoạn hướng dẫn tín đồ và đồng bào làm nghĩa vụ công dân đáp tình sông núi, Ngài cũng đã tận tụy bấy nhiêu. Thi văn của Ngài lúc nào cũng chứa chan lời thống thiết “Gác dân hướng thiện”, tròn nhân đạo, nhiên hậu sẽ càng đẹp đẽ hơn khi được an tâm ngồi chốn Phật đài.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật-Đà nam-mô.
Hai câu nêu trên, nói lên rõ ràng tấc lòng trong sáng của khối tín đồ PGHH lúc đóng góp máu xương kháng chiến chống xâm lăng, bảo vệ nước non làm sáng danh nền đạo. Đứng trên cương vị kẻ tu hiền, danh lợi một mảy không bận tâm, khi đã phải dấn thân làm nghĩa vụ công dân thì coi đó như là một công quả, để rồi an phận trở gót cửa thiền, chay lạt nâu sồng, còn sự hi sinh nào cao đẹp hơn?
+ Một tâm hồn thi nhân tuyệt đẹp
Khi phải dùng đến văn chương làm phương tiện thuyết giáo, giọng văn Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo chủ giản dị mà thấm thía, như tấc lòng tu sĩ từ bi bác ái do cuộc sống đạm bạc mà tinh thần tư tưởng được cao khiết phi đằng:
Phận tu hành đạm bạc rau tương,
Miễn cầu được an-khương bốn-bể.
Rung chuông lành bằng muôn tiếng kệ,
Gọi hồn người hành thiện truy kinh.
Nhưng khi tâm tư rung cảm, văn chương Đức Giáo chủ lại bừng đẹp vô ngần. Là một nhà truyền giáo có biệt tài dùng văn chương bình dân để lôi cuốn bình dân quy ngưỡng, là một chính khách khéo sử dụng văn chương đanh thép để khích động quần chúng, Đức Huỳnh Giáo chủ lại còn là một thi nhân có tâm hồn tuyệt đẹp, văn chương bay bướm, gợi cảm chẳng kém gì những thi sĩ hữu danh. Chẳng thế, thi sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp đâu đã thán phục đến trung kiên tử vì đạo? Chẳng thế, Phạm Thiều đâu đã kiêng nể qua những vần thơ trao đổi? Chẳng thế, sao những ai lâm le giở giọng đả kích như Giáo Soài chẳng hạn, rốt ra đều vẫn nghiêng mình trước một thi tài mẫn tiệp, một tâm hồn phong phú đạo nghĩa, từng chữ từng câu như nhả ngọc phun châu?
Bạn là khách văn chương, yêu thứ văn trữ tình lãng mạn bạn hãy nghe đây, Đức Huỳnh Giáo chủ cũng có nhưng vần thơ “yêu” yêu đương đắm đuối – Nhưng trong cao thương tuyệt vời- Ai cũng biết Đức Huỳnh Giáo chủ là một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú, cố nhiên đâu thoát khỏi lưới tình của nhi nữ đa mang hoài vọng! Thế nhưng, đáp lại một mối tình vương vấn, Đức Huỳnh Giáo chủ đã ngân tiếng đàn lòng, cho tình yêu siêu thoát, vượt bậc thường tình, cởi mở tâm hồn:
Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non-sông.
Tình yêu chan-chứa trên hoàn-vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Khách má hồng nghe ra mà thất vọng lắm chăng, thì sẽ được mơn man xoa dịu tâm hồn qua những vần ý nhị vỗ về:
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm-chí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng-sự cho nhơn-loại,
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.
Lời đẹp, tứ cao, dẫu cho một thi sĩ tài danh nào khác múa bút, thì cũng trau chuốt đến thế thôi. Khách yêu văn, đọc qua những lời như vàng reo ngọc thốt ấy, hẳn cũng rung cảm tâm hồn. Thì khách má hồng hẳn càng rung cảm thấm thía hơn, và nếu chưa nghe ra mà hãy còn bàng hoàng say sưa như nhấp men rượu hương tình, lại sẽ càng yêu kính bội phần để hồn hòa nhịp với khúc đàn trác tuyệt:
Ta đã đa-mang một khối tình,
Dường như thệ-hải với sơn-minh.
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng-sinh.
Nếu chẳng phải là một tâm hồn thanh thoát của một bậc Giáo chủ một nền đạo, nếu không là một thi sĩ tài hòa, đâu dễ sáng tạo khúc nhạc thâm trầm, vừa đẹp lại vừa hùng, vừa cao ý vị lại vừa lâng lâng man mác cảm!
Bạn là khách văn chương, bạn đã thán phục khúc “Tự Tình” của Cao Bá Nhạ, khúc “Tự thán” của Nguyễn Trãi …, xin mời bạn nghe qua lời “Tự thán” của Đức Huỳnh Giáo chủ:
Vì đâu bốc ngọn lửa Tần,
Mà lòng Tăng-Sĩ như dần nát tan.
Bạn có nghe lòng rung cảm chưa? Non sông khói lửa mù bay vì chính sách đàn áp của cường Tần tàn bạo, nỗi thống khổ của nhân dân điêu đứng ai cũng như ai, nhưng riêng tăng sĩ thì mới thật là thống khổ nát tan lòng hơn cả. Vâng. Vì điềm nhiên phận mõ sớm chuông chiều trong khi đất nước ngửa nghiêng sao nỡ, mà khoác chiến bào phủ lớp cà sa để lên đường cứu vớt thêm phần xác của sanh linh, cũng như đã cứu vớt phần hồn khi truyền đạo, thật ngổn ngang trăm mối:
Nghĩ mình chọn kiếp con hoang,
Quê-hương rày đã dặm tràng sơn-xuyên.
Tổ-đường còn một cành huyên,
Từ-đường hôm sớm luống phiền chờ trông.
Hai em thiểu trí thơ-đồng,
Chị đà an phận theo chồng đàng xa.
Dẫu đã đành nghe tiếng gọi của đất nước mà đáp ứng, cất bước lên đường lòng nào lòng chẳng ngùi ngùi nỗi tình nhà? Thấm thía hơn nữa đối với một tu sĩ:
Từ mang một tấm áo dà,
Mùi thiền đã thắm ơn nhà lợt phai.
*
Ngẫm suy tường tận, tinh thần và phong thái của Đức Huỳnh Giáo chủ qua thi văn Sấm giảng của Ngài, thật phải nhận Ngài là hoạt Phật, là nhà cách mạng ái quốc chân chính, là một thi nhân có một tâm hồn trác luyện tuyệt vời ….
(Nguồn: "Phật Giáo Hòa Hảo - tôn giáo cận nhân tình trong lòng dân tộc" nhiều tác giả, Nxb Tổng hợp TpHCM, tháng 6/2017. 480 trang x khổ 15x23. - Tạp chí Đuốc Từ Bi, số 14.)