Chữ Nhẫn Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo

18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 23011)
Chữ Nhẫn Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo

 sen8-content

GS Nguyễn Thành Long

 --ooOoo—

  Thuở nhỏ, khi còn học ở Tiểu-học, tôi nhớ trong quyển Luân-Lý Giáo-Khoa Thư (Lớp Sơ-Đẳng) có câu chuyện như sau:

 Nhà ông Trương-Công-Nghệ đời xưa, họ-hàng chín đời còn ở lẫn với nhau rất là hòa-thuận. Vua nghe thấy vậy, lấy làm lạ, một hôm ngự giá đến chơi nhà hỏi rằng: “Cớ sao anh em họ-hàng nhà ngươi cư-xử với nhau được hòa-thuận như thế?” Ông Trương-Công-Nghệ viết một trăm chữ “nhẫn” dâng lên vua coi. Vua khen là phải, và thưởng cho mấy tấm lụa.

 Thế mới biết chữ nhẫn là quí. Người trong một họ có nhường nhịn lẫn nhau, thì mới được đoàn-tụ vui-vẻ.

 Vậy Nhẫn là gì mà đã giúp cho anh em họ-hàng nhà ông Trương-Công-Nghệ chung sống thuận-thảo lâu đời, được vua ban thưởng như vậy? Chữ Nhẫn của Phật-giáo ra sao? Chữ Nhẫn trong giáo-lý PGHH như thế nào?

 

Nhẫn nghĩa là gì?

 Nhẫn là nhường, nhịn, dằn lòng xuống (nhẫn nhịn), cố-gắng chịu đựng (nhẫn-nại), bền chí, không nóng-nảy, nãn lòng (kiên-nhẫn), cam chịu nhục để đạt mục-đích nào đó (nhẫn-nhục),...

 Người ta thường cho rằng nhẫn đi liền với nhục, nếu không muốn nói phải chịu nhục, Đó là thái-độ của kẻ hèn yếu , kém thế bắt-buộc phải ép bụng chấp nhận sự hiếp đáp, chèn ép hay điều-kiện khắt-khe của kẻ khác mà không dám có phản-ứng chống lại. Hàn-Tín, vị tướng-soái tài-ba, thao-lược, đã giúp Lưu-Bang đánh bại Hạng-Võ lập nên nhà Hán, thuở chưa gặp thời phải chịu lòn trôn tên du-côn hung-ác giữa chợ để giữ mạng sống. Nhật-Bản, một cường-quốc Á-châu thời Đệ-nhị Thế-chiến, sau khi bại trận vì hai quả bom nguyên-tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki, phải đầu-hàng vô điều-kiện, chịu sự phân chia, chiếm đóng và kiểm-soát của Hoa-Kỳ và đồng-minh, bị áp đặt, bức-bách, đòi hỏi, ngăn cấm khắc-nghiệt đủ điều... để được sống còn. Đó là những thí-dụ điển-hình cho quan-niệm nầy.

 Nhận-định như vậy không đúng. Nhẫn không phải chỉ là thái-độ cúi đầu nhịn nhục, xuôi tay nhường bước của kẻ hèn yếu, sa-cơ thất thế, an thân an phận, mà tùy theo trường-hợp, tính-chất, mục-đích, Nhẫn mang ý-nghĩa đặc-biệt, đẹp-đẽ nào đó. Việt-Vương Câu-Tiển hết lòng phục-dịch Ngô-Phù-Sai đến độ dùng cả khổ-nhục kế “nếm phân đoán bịnh” tạo lòng tin yêu để ông nầy tha cho về xứ... là biểu-hiện của một ý-chí sắt đá quang-phục hận nước thù nhà. Khương Tử-Nha đầu tóc bạc phơ, hằng ngày ngồi câu cá ở bờ sông Vị (nhợ câu không có lưỡi) suốt bao năm liền trước khi được Châu-Văn-Vương mời về làm Tể-tướng, mang ấn-tín cầm đầu 800 chư-hầu diệt nhà Thương của vua Trụ lập nhà Châu, là hình-ảnh “ẩn nhẫn chờ thời” của kẻ sĩ. Đại-đế Quang-Trung Nguyễn-Huệ sau khi đại-thắng 20 vạn quân Thanh năm Kỷ-Dậu, đã phải vội cho sứ sang làm hòa xin thụ-phong không phải vì khiếp sợ Thiên-triều, mà chỉ cốt hoãn-binh chờ ngày đủ sức tiến đánh Trung-Quốc.  

 

Chữ Nhẫn của Phật-Giáo.-

 Ở Phật-Giáo, Nhẫn không còn là một thái-độ nhịn-nhục, chấp nhận thường tình để mưu-cầu lợi-lộc cho cá-nhân, gia-đình hay rộng hơn cho quốc-gia dân-tộc, cuộc sống mà trở thành một phẩm-hạnh như bố-thí, trì-giới, tinh-tấn, tâm từ, tâm bi. Đó là hạnh nhẫn-nhục hay nhẫn-nại. Nhẫn-nhục hay nhẫn-nại là chịu đựng những phiền-não mà người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi-lầm của họ. Hạnh nầy phát-xuất từ lòng từ-bi bác-ái của Bồ-tát. Chính bản-thân Đức Phật là biểu-tượng cho hạnh nhẫn-nại nầy. Khi bị kẻ ngã-mạn đến trêu ghẹo, gây-gổ, hạ nhục, thậm chí làm tổn thương đến thân-thể, Ngài cũng giữ tâm bình-thản, không oán hận vì Ngài nghĩ rằng: có thể đó là kết-quả của một hành-động bất-thiện nào của Ngài trong quá-khứ hay là quả xấu mà Ngài đã vô-tình hay cố ý gieo nhân lúc nào đó trong dĩ-vãng.

 Về hạnh Nhẫn-nhục hay Nhẫn-nại, trong kinh Kakacũpama Sulta, Ngài đã dạy: “Dẫu cho bọn cướp đến bắt con và dùng gươm giáo cắt lìa tay chân con đi nữa, hãy luôn luôn giữ tâm trong sạch, vì nếu để cho tâm có những tư-tưởng không lành tức là không làm theo đúng lời dạy của Như-Lai vậy...

 Hãy tinh-tấn rèn luyện cho được như thế nầy: giữ tâm luôn luôn trong sạch. Không khi nào thốt ra lời xấu. Khoan-hồng độ-lượng, bi-mẫn, với tâm từ. Không oán giận, không ác-ý với ai. Những tư-tưởng từ-bi của con phải bao trùm tất-cả chúng-sanh cho đến những tên cướp tàn-ác. Hằng ngày cố-gắng làm như vậy, con sẽ rải ra khắp thế-gian một tình thương rộng lớn, bao la, mỗi ngày một phát-triển vô-biên, vô-lượng, một tình thương đem lại an lành cho tất-cả và coi tất-cả là một, đồng-nhất thể”.

 (Đức Phật và Phật-Pháp

 Nãtada Maha Thera)

 Phạm-Kim-Khanh dịch

 Điển-hình nhứt cho hạnh Nhẫn-nhục nầy là Đức Phật Quan-Âm.

 

Chữ Nhẫn trong giáo-lý PGHH.-

 Chủ-trương Học Phật Tu Nhân, Đức Huỳnh Giáo-Chủ thường nhắc-nhở tín-đồ thực-hành chữ Nhẫn là một phương trợ-lực giúp con người kiên-tâm bền chí vượt qua mọi khó-khăn, trở-ngại trên con đường tu-tập, nhứt là tham, sân, si. Đặc-biệt hạnh Nhẫn của PGHH rất giản-dị, không nhiều, chỉ có tám chữ thôi mà bao gồm đủ mọi hình-thái, phương-cách đối xử trong cuộc sống, trong mọi trường-hợp được Ngài chỉ dạy rõ-ràng, tường-tận qua bài Bát Nhẫn:

 “Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,

 Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.

 Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ,

 Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên.

 Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,

 Nhẫn tánh miên miên đắc bảo tuyền.

 Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,

 Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên.”

 

1/ Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền: Người có sức nhịn nhục, chịu đựng trong việc đối xử ở đời mới là người hiền (bậc thức-giả, hiểu biết uyên-thâm, khôn-khéo, lịch-lãm). Thật vậy, trong cuộc sống bon-chen, tranh cạnh nầy, người ta giành giựt nhau từ miếng cơm manh áo, danh-vọng tiền-tài, quyền-thế, cả đến việc hơn thua từ lời ăn tiếng nói. Nếu không biết nhường nhịn, kềm-chế, thì dễ đi đến va chạm mất lòng, đôi khi còn đưa tới chỗ cãi-vã tranh-chấp, kiện-tụng, nặng hơn nữa là chiến-tranh khiến cho đời sống lúc nào cũng cẳng-thẳng, nặng chĩu lo-âu. Cụ Trạng-Trình Nguyễn-Bỉnh-Khiêm, một nhà hiền-triết Việt Nam ở thế-kỷ 16, đã có nhận-định chính-xác như sau:

 “Ở thế đừng tranh tiếng trượng-phu,

 Làm chi cho có sự đôi co.

 Đây cậy đây khôn đây chẳng nhịn,

 Đấy rằng đấy phải đấy không thua.

 ........................................................

và Cụ khuyên người đời nên “dĩ hòa vi quý” để sống yên-ổn, vô-tư:

 Vô sự thì hơn, kẻo phải lo.”

 Kinh-nghiệm sống của người bình-dân cũng xác-nhận hiệu-năng tốt đẹp của Nhẫn năng xử thế nầy:

 “Một câu nhịn chín câu lành.”(nếu nhịn đủ cả 10 thì tốt quá).

 Dĩ-nhiên, không phải trong một sớm một chiều mà có thể bỏ cái tâm sân hận để dễ-dàng thông-cảm, nhịn-nhục, làm hòa với nhau như xưa, tuy-nhiên không có nghĩa là bất-khả-thi. Đức Huỳnh Giáo-Chủ có chỉ dạy một cách thiết-thực mà mọi người có thiện-tâm có thể làm theo không khó:

 “Ai chửi mắng thì ta giả điếc, 

 Đợi cho người hết giận ta khuyên.

 Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,

 Thì đâu có sanh câu thù oán.

 Việc hung-ác hễ vừa thấp-thoáng,

 Chữ Từ-bi ta diệt nó liền.

 Sự oán thù đáp lại chữ Hiền,

 Thì thù oán tiêu tan mất hết.”

 Giác Mê Tâm Kệ

 SGTVTB

 2/ Nhẫn giái trì tâm thận thủ tiên: Chữ giái ở đây là chữ giới Đức Thầy viết theo tiếng Miền Nam. Giới là đường ranh phân chia, ngăn cách một vùng riêng biệt không được vượt qua. Những điều trong địa-hạt nào đó không được vi-phạm thì gọi chung là giới-luật, có nghĩa là những điều ngăn cấm thường được dùng trong tôn-giáo, nhứt là Phật-giáo (như luật cấm của nhà chùa đối với các Nhà sư, chư Tăng Ni xuất-gia đầu Phật). Phật-Giáo Hòa-Hảo chúng ta cũng có giới-luật như “Lời Khuyên Bổn-Đạo” còn gọi là Tám Điều Răn Cấm. Khi đã phát tâm quy-y học Đạo thì người tín-đồ cũng như quý vị chức-sắc (nhứt là chức-sắc) phải hết lòng giữ giới chặt-chẽ, vì giới-luật là điều-kiện tiên-quyết, căn-bản thiết-yếu hỗ-trợ, đồng-thời cũng thử-thách quyết-tâm tu-tập của mình. Do vậy, trước hết chúng ta phải trau-giồi chữ Nhẫn. Nếu không nhẫn, không việc gì làm được đến nơi đến chốn. Nếu vì giới-luật có những ràng buộc khó-khăn, khe-khắt chúng ta không đủ kiên-tâm trì chí để theo và tuân-thủ thì việc tu học phải bỏ dở giữa chừng. Thật uổng cơ-duyên phát nguyện quy-y. 

 

3/ Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ: Hàng xóm, láng-giềng gần-gũi, chung đụng với nhau hằng ngày hằng bữa, làm sao chẳng có lúc đụng chạm vì lý-do nầy, lý-do khác khiến mất lòng, không vui với nhau. Nếu biết nhún-nhường, thông-cảm với nhau thì ắt sẽ đem lại sự dung-hòa tốt đẹp, hóa-giải được những điều hiểu lầm đáng tiếc đã xảy ra, trở lại tình thân-thiện, vui-vẻ như xưa.

 Ở Việt Nam ngày xưa (trước năm 1975), hàng xóm láng-giềng thường là anh em, thân-nhân, bà con quen biết trong làng sống quây-quần với nhau, thương yêu và hết lòng giúp đỡ nhau trong những lúc khó-khăn, hoạn-nạn, tối lửa tắt đèn, không phân biệt ruột thịt hay hay người dưng. Do đó mới có thành-ngữ :

 “Bà con xa không bằng láng-giềng gần.”

 Sang định-cư ở hải-ngoại, nhứt là Hoa-Kỳ, nơi con người làm viêc như cái máy, chạy đua với thời-gian, cạnh-tranh từng ly từng tý để chiếm lợi-thế, lại hội-nhập vào môi-trường xã-hội với đầy đủ mọi sắc dân, chủng-tộc, đa văn-hóa, tập-quán, phong-tục khác nhau, đặc-biệt là các khu phố đông người, thì hiếm thấy lại hình-ảnh đáng mến của câu thành-ngữ nói trên.

 

4/ Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên: Trong gia-đình, vợ chồng tình duyên đầm-ấm, đượm-nồng, hạnh-phúc, vui-vẻ là do chữ Nhẫn. Chính vì vậy mà khi cử-hành hôn-lễ, cô dâu và chú rể phải làm lễ trao nhẫn cho nhau trước sự chứng-kiến của đôi bên hai họ. Nhẫn là biểu-tượng của hòa-thuận, nhường nhịn, lúc nào cũng “tương kính như tân” và đối xử với nhau như “thuở ban đầu lưu-luyến” mới thành vợ thành chồng về bắt đầu cuộc sống lứa đôi thơ-mộng, tươi vui, hạnh-phúc.

 Nhưng cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn, không kéo dài mãi được. Cuộc sống dần dần gặp những khó-khăn trở-ngại, nghịch-cảnh ngặt nghèo, tài-chánh sụt giảm không còn dồi-dào như trước khiến gia-đình trở nên bất ổn, xáo trộn, đưa đến cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, luôn trong tình-trạng căng-thẳng, bực-bội cãi-vã, đay-nghiến, nặng lời với nhau. Trong hoàn-cảnh bi-đát như thế, nếu không giữ được Nhẫn thì gia-đình sẽ đổ vỡ, cửa nát nhà tan, con cái nheo-nhóc.

 

Luân-lý dân-gian cũng ca-tụng và khuyến-khích “Nhẫn hòa phu phụ” qua bài ca-dao dễ thương:

 “Chồng giận thì vợ làm lành,

 Miệng cười hớn-hở rằng anh giận gì?

 Thưa anh, anh giận em chi,

 Muốn lấy vợ lẻ, em thì lấy cho.” 

Nhiều cặp vợ chồng khi mới cưới, lúc nào cũng quấn-quít âu-yếm bên nhau, anh nói em nghe, sau một thời-gian thì tới em nói anh phải nghe, lâu thêm nữa thì cả hai cùng nói, mạnh ai nấy nói chẳng ai nghe ai. Đó là lúc:

  “Anh đi đường anh, tôi đường tôi,

  Tình-nghĩa đôi ta có thế thôi.”

thì làm sao sống tới trăm năm hạnh-phúc như lời chúc mừng nồng-nhiệt của thân bằng, quyến-thuộc trong bữa tiệc cưới tưng-bừng, rực-rỡ của ngày nào?

 

5/ Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc: Tâm giữ chữ Nhẫn thì ngày ngày luôn được an vui. Đã có lòng Nhẫn thì còn có muốn tranh-chấp, gây gổ với ai đâu mà phải chịu lắm điều khổ tâm cực trí. Nếu ai chửi mắng ta, nói xấu ta, phỉ-báng ta, vu-khống ta, chọc tức ta, muốn hơn ta hoặc cố-ý gây sự, hạ nhục ta, mà ta vẫn giữ được thái-độ thản-nhiên, bình-tĩnh như là không nghe, không thấy, không biết gì, một lòng tuyệt-đối không giận hờn, không lời-lẽ phản-đối, không có cử-chỉ gì chống lại họ, thì mọi hiềm-khích, bất-hòa đâu có xảy ra. Như vậy, ta sẽ có được đời sống thanh-thản, êm-đềm, an-nhiên tự tại, thật chẳng còn gì hạnh-phúc hơn.

 

6/ Nhẫn tánh miên miên đắc bảo tuyền: Biết và hành được chữ Nhẫn đã là tốt, nhưng nếu Nhẫn phát-xuất và gắn liền với tánh-tình của chúng ta thì càng hoàn-hảo hơn. Trước mọi sự việc không may, mọi chuyện không lành, mọi điều tai bay vạ gió do người khác gây ra để hại chúng ta, chúng ta không cần nhớ trường-hợp nầy là phải Nhẫn đây, mà do Nhẫn tánh sẵn có trong người, chúng ta không bận tâm, xả bỏ, khoan-dung, không chấp. Nhẫn-tánh không những giúp chúng ta bảo-toàn được danh thơm tiếng tốt, mà còn hộ-trì phương-cách hành-xử tế-nhị, độ lượng, trên con đường tu-tập theo chánh-pháp của Đức Thế-Tôn để giác-ngộ.

 

7/ Nhẫn đức bình-an tiêu vạn sự: Trong đời sống hằng ngày, nếu giữ được chữ Nhẫn đức, tức điều gì, việc gì, sự gì, trường-hợp nào cũng đều có thể nhẫn-nhục, nhường nhịn thì tưởng không còn chướng-ngại tinh-thần nào, không có khó-khăn chi cản-trở sự tiến tu, thực-thi, hành-trì của ta. Nhờ vậy mà ta luôn được bình-an tâm-hồn, muôn sự phiền-não tan biến, qua đi.

 

8/ Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên: Đạt đến chỗ hoàn-thành chữ Nhẫn là thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của thế-gian ô-trược, phiền-não, cạnh-tranh, đau khổ nầy, Thật vậy, ai mà thực-hành nghiêm-chỉnh đầy đủ tám điều Nhẫn Đức Thầy đã dạy trên đây, và nếu tất cả mọi người đều làm đúng, trọn vẹn như thế, tất-nhiên cả thế-giới sẽ được hòa-bình, chúng-sanh an lạc, không còn hận thù, chiến-tranh, chết-chóc tang-thương để toàn-thể nhân-loại được an-cư lạc nghiệp, hạnh-phúc ấm no. Bao nhiêu công-nghiệp tạo ra để lại cho đời sẽ được xem là quý báu hiển vang miên viễn chẳng dứt.

 Để làm sáng tỏ, rõ ràng thêm, đồng-thời dễ thu-nhận nhập-tâm về Đạo Nhẫn trong giáo-lý PGHH, về sau trong quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy còn diễn ý bài thơ Bát Nhẫn súc-tích, cô-động, thâm-thúy nêu trên:

  “Chữ thứ nhứt nhẫn năng xử thế,

 Là người hiền khó kiếm trong đời.

 Lập thân danh từng trải nơi nơi,

 Chờ thời đợi mới là khôn-khéo.

 Chữ nhẫn giái kỳ tâm trong trẻo,

 Khuyên dương trần giữ phận làm đầu.

 Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu,

 Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.

 Nhẫn phụ mẫu nên trang hiền sĩ,

 Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau.

 Nhịn xóm chòm cô bác mới cao,

 Nhẫn tâm nọ ngày ngày an lạc.

 Nhịn tất cả những người tuổi tác,

 Nhẫn tánh lành yên tịnh dài lâu.

 Giữ một lòng hiền-hậu mới mầu,

 Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.

 Chữ nhẫn đức kể ra luôn thể,

 Thì trong đời vạn sự bình an.

 Chữ nhẫn thành quí báu hiển vang,

 Khắp bá tánh được câu hòa-nhã.

 

 Ông Trương-Công-Nghệ phải cần đến một trăm chữ Nhẫn mới điều-hợp, sắp xếp, kêu gọi, tạo dựng được cuộc “sống chung hòa-bình” thuận-thảo, vui-vẻ, êm thấm lâu dài cho đại gia-đình, họ hàng, ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng,...Trong khi đó, Đức Huỳnh Giáo-Chủ chúng ta chỉ có tám Điều Nhẫn thôi mà bao gồm đủ mọi hình-thái, phương-cách, đối-tượng ứng xử từ trong gia-đình (giữa ông bà ,cha mẹ, con cái, chồng vợ...) ra ngoài xã-hội (giới tu-hành, hàng xóm láng-giềng), đời sống, thế-giới, để tạo hòa-bình, an lạc cho nhân-loại chúng-sanh.

 Không phải chỉ có giáo-lý Phật-Giáo, Phật-Giáo Hòa-Hảo chúng ta mới học và hành-trì chữ Nhẫn mà các nước khác cũng biết đến hiệu-năng huyền-diệu của đức Nhẫn nầy. Câu chuyện lý-thú “Chiếc Nhẫn Vạn Sự Qua” của Trung-Đông đã nói lên điều đó:

 Ông vua của một xứ ở Trung-Đông lúc nào cũng bận tâm mệt trí lo nghĩ công việc trị quốc an dân, bảo-toàn đất nước, không một phút thư-thả tâm-tư, an ổn tinh-thần, lâu ngày không còn chịu đựng nổi. Vì thế, nhân một ngày quốc-lễ, nhà vua bèn xuống chiếu cho toàn dân biết người nào mua quà hiến tặng vua mà khi nhìn vào đó nhà vua thấy an vui, quên đi mọi lo nghĩ, phiền-não, khổ-tâm thì sẽ được ban thưởng. Bao nhiêu món quà tặng quí giá, xinh đẹp, sắc-sảo hiếm có từ các nơi dâng lên suốt ngày mà chưa thấy nhà vua lưu ý món nào. Cuối-cùng có một người dâng lên vua một chiếc nhẫn khắc chữ “Vạn Sự Qua” khiến nhà vua vô-cùng ưng ý và được ban thưởng rất hậu. Điều nầy cho thấy nhà vua vốn có sẳn tâm thông, chỉ nhìn ba chữ “Vạn-Sự Qua” là tỏ ngộ ngay không cần đến lời giải-thích trình-bày nào của người dâng hiến.

 Kể từ ngày mang chiếc nhẫn kỳ-diệu nầy vào tay, nhà vua thấy thanh-thản tâm thần, an-nhiên tự-tại, mà công-việc triều-chính vẫn điều-hành sáng-suốt, minh-mẫn tốt đẹp.

 Câu chuyện “Chiếc nhẫn Vạn Sự Qua” chấm dứt đề-tài nói chuyện của chúng tôi hôm nay. Trân-trọng cám ơn và kính chào chư quý Đồng-đạo.

 

 NGUYỄN-THÀNH-LONG

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 202411:21 SA(Xem: 408)
Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
28 Tháng Hai 202311:11 SA(Xem: 5219)
Trong bài thuyết-pháp “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng ta thấy rõ rằng: Nếu chỉ nặng về Trí thì trở nên xảo-trá ác-độc, mà cố thiên về Tâm thì thành ra si-mê tăm-tối.
12 Tháng Sáu 202211:22 CH(Xem: 5684)
Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Đạo dân tộc qui nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hóa nhân sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ, một vị Bồ Tát hóa thân truyền dạy từ năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam nước Việt.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 15781)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
28 Tháng Ba 201912:51 SA(Xem: 8553)
Mai Thanh Tuấn: Đi vào đường hướng tu tập và giáo lý nội tại Tôn giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương cho người tín đồ tu học tại gia, vừa tự lực cánh sinh tạo ra cơ sở vật chất vừa quyết chí hành thiện để trau luyện tinh thần.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 17493)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 15204)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 15939)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
30 Tháng Giêng 201810:21 SA(Xem: 18461)
Nguyễn Văn Lía: Xưa Đức Phật từng bảo : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Hiểu như thế nên có người hỏi: Như vậy tại sao chúng sanh chẳng thành Phật ?
15 Tháng Tám 20179:48 CH(Xem: 22798)
Hằng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch thì người Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức đại lễ Vu Lan, hay còn gọi là mùa “Báo ơn Cha Mẹ”.
100,000