Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những chướng-nghiệp nhiều đời mà làm cho linh-hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên, luân-hồi chuyển kiếp, ấy cũng tại sự mê lầm của lục căn mà say đắm lục trần; ý-thức lầm-lạc ấy khiến các trò nhận lấy cái thân ô-trược nấy là thật, cái cảnh phú-quí cùng cuộc tình duyên tồn tại vui say. Nào hay thân vô thường tạm mượn do tứ đại hiệp thành. Cuộc phú-quí tựa đám phù vân, cái sắc nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi bền chắc, còn tội-chướng thì linh-hồn phải chịu luân chuyển báo đền.
Ngày nay đã tỉnh ngộ qui y cùng Phật-pháp. Như vậy cửa trường-sanh bất diệt các trò đã gặp nẽo, nương đèn trí-huệ, ly xuất phàm-trần, chán cảnh phồn hoa tìm nơi tịch tịnh. Nhưng các trò tuy lòng mộ Đạo, chớ chưa hiểu rành nẻo bước đường đi. Hãy tạm xét chữ qui y cho thấu đáo: Qui là về, mà về đâu? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn-mẫu.
Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy, Phật từ-thiện cách nào ta phải từ-thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc Đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác-ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới-luật hằng ngày. Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc-nhở các trò nhớ phận sự mà làm. Thầy xét trong tam nghiệp, các trò còn mang nặng lắm. Trong đường tu , nương theo tam nghiệp, thì khổ não lắm. Chúng-sanh tịnh được tam nghiệp mới mong về cõi Phật. Tam nghiệp là: Thân nghiệp, khầu nghiệp, ý nghiệp (đọc lại trong cuốn Khuyến-Thiện).
Nhưng Thầy xét lại khẩu nghiệp của các trò nặng-nề hơn hết. Hãy lấy gươm trí-huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan-dung mà đối-đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác-ái nhân-đạo mà cư-xử với mọi người. Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng-hộ,
KỆ RẰNG:
Đạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.