NGUYỄN VĂN NHỰT
(Thanh Niên PGHH)
Nếu ai đã từng sống trong nếp sống giản đơn nhẹ lạc, mới cảm nhận hết được những gì thanh thoát, đẹp đẽ của lối sống thanh cao đạm bạc. Đó là một đức tánh đã được nêu cao ở các môi trường Đạo học: Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo. Các tôn giáo ấy hầu như rất quí trọng và nêu cao đức đạm bạc đến tột đỉnh.
Phật Giáo Hòa Hảo cũng thế, đức đạm bạc đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ đặc biệt giáo truyền cho các môn đồ của Ngài qua những câu:
“ Phận tu hành đạm bạc rau tương,
Miễn cầu được an khương bốn bể.”
Hay là:
“Tương với muối cháo rau đạm bạc,
Nghèo lương hiền biết niệm di đà.”
Đức Giáo Chủ đã hướng dẫn cho môn đệ của Ngài một lối sống thanh cao giản dị ở đức tánh đạm bạc thật siêu mầu vô cùng tận! Đời sống nếu có được đạm bạc tinh thần mới thanh tĩnh an nhẹ mà nhứt tâm cầu sanh Lạc Quốc với phương pháp niệm Phật cầu sanh. Và cũng nhờ đời sống đạm bạc đã trợ trưởng cho bao người thanh thản tìm đọc và đã thâm nhập diệu lý trong kinh sách qua lời Phật dạy. Thế nên từ xưa nay, các hành giả thường chọn cho mình cuộc đời đơn giản ấy.
Từ đời Tam Quốc, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã khuyên con: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí” (không đạm bạc, không sao sáng được cho chí mình). Đức Từ Phụ Thích Ca trước kia cũng đã tìm nếp sống đạm bạc thanh cao, từ ngôi Thái tử đổi lấy đời sống của một khất sĩ du phương. Trang Tử dù là bậc hiền tài nhưng ông lại thường ẩn sĩ không thích công danh, vui chốn rừng xanh với cuộc sống đạm bạc giản đơn nước khe hoa quả. Thầy Nhan Hồi là một trong những đệ tử trọng yếu của Đức Khổng Tử cũng giản đơn đời mình với bầu nước, đai cơm mà mãi mãi được lưu danh hậu thế. Ngay cả Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã nêu cao tấm gương ấy:
“ Các bực thánh châu lưu nhiều nước,
Nghèo thầy Nhan bầu nước đai cơm.
Tuy cơ hàn mà được danh thơm,
Hơn phú quí ngồi ôm bả lợi.”
Thế đấy, cuộc đời nầy thử nghĩ: giàu sang phú quí, nhà cao cửa rộng, danh vị lẫy lừng để rồi làm gì? Ta cũng chỉ ăn mỗi ngày hai bữa cơm, ngủ cũng nằm một chiếc chiếu, mặc một lần cũng chỉ một bộ đồ, rồi khi chết cũng chỉ nằm trong cái quan tài, nào đâu mang theo được gì mà chỉ còn:
“ Nhắm mắt cũng nắm hai tay,
Đâu đem tiền của đem rày hầu non.
Chỉ có tội phước hỡi còn,
Đến nơi thẩm phán cửa son diêm đài.
Phước nhiều tiên cảnh lên rày,
Tội nhiều sa đọa nhiều ngày thảm thê.”
Vậy ta hãy sống một cuộc đời ý vị, khoan khoái tâm hồn an lạc vô tư, chẳng vướng bận vật chi. Vị thiền sư thưở nọ đã thấu đạt lẽ cao sâu trong nếp sống đạm bạc. Với lối sống giản đơn, vị thiền sư nép mình vào rừng núi. Đời Ngài chỉ một chiếc y, một bình bát và cũng không thêm một vật chi. Một hôm có một vị hiền triết đến viếng thăm. Hai người cùng nhau đàm đạo. Một lúc, thiền sư mời vị hiền triết đi xuống suối dùng nước. Thiền sư lấy cái chén bể bên mé suối múc nước mời vị hiền triết. Hiền triết không nhận chén nước của sư trao cho. Ông ta bước xuống hồ, dùng hai tay bụm nước đưa vào miệng uống ngon lành. Thấy thế, thiền sư ném cái chén bể ấy và nói: “ Tôi vẫn còn gìn giữ cái chén bể nầy, như ông vậy mới thật là đạm bạc rảnh rang vô sự!”.
Thế là từ ấy mỗi khi uống nước, thiền sư dùng tay bụm nước y như nhà hiền triết kia. Thiền sư từ dạo ấy cảm thấy rảnh rang hơn. Có một lần nọ, thiền sư đi xuống suối uống nước cảm thấy khoan khoái nơi tâm hồn, sư dừng lại trên bờ suối ngâm lên bài kệ:
“ Tâm tâm còn gìn giữ,
Tất dạ phải âu lo.
Sầu khổ từ đây đến,
Đạm bạc xả muôn trần.
Tâm tâm hằng an lạc,
Giác tỉnh tự lòng ta.
Ẩn hiện bóng Lăng Gìa,
Trần mê ai hiểu đặng!”
“ Nghèo mặc áo vá, đi giày khâu, uống nước suối, ăn cơm hẩm chớ không là khổ, mà khổ là những kẻ thiếu đạo đức!” Đó là lời Ngài Trang Tử đã nói. Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã bảo:
“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách LẠC ĐẠO AN BẦN, XẢ THÂN TU TỈNH”
Trên con đường tu học, nếu muốn xa lần phiền não thì không gì bằng giảm bớt những điều ham muốn lôi thôi. Điều nầy trong kinh cũng đã nhắc đến: “Người nhiều muốn, nhiều cầu lợi, thì khổ não nhiều. Người ít muốn, không cầu, không mong mỏi thì không khổ vậy. Duy sự ít muốn còn nên tu, huống nó hay sanh các công đức. Người ít muốn thì không hề dua bợ để cầu người, cũng chẳng bị các căn kéo dắt. Người ít muốn thì lòng thư thả không lo sợ chi, đối việc có dư không khi nào thiếu.Người ít muốn vẫn có niết bàn”.
Vậy là người tu ta hãy tìm cho mình lối sống không bận bịu, luôn luôn thư thái, rảnh rang, chuyên tâm tìm giá trị cao siêu của đạo đức. Cái trí sáng không mong cầu, tâm từ bi buông xả không trói buộc. Nếp sống đạm bạc sẽ giúp ta làm khô cạn lòng ham muốn và sự trói buộc của phàm nhân.
Nếu luôn sống trong tinh thần thanh cao đạm bạc, dẫu là cháo rau cũng đã đủ lắm rồi, cần chi trân cam mỹ vị. Cái hạnh phúc cũng thế, nếu biết tự làm chủ lấy mình, không bị nô lệ bởi vật chất, không bị những thứ tình nhơ nhớp ràng buộc, vô mình tà kiến không che mờ, như vậy mới thật chân hạnh phúc của một người con Phật. Ta hãy nghe Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên nhắc:
“Miễn cho được ngày hai cơm tẻ,
Buổi bần hàn đặng có tu thân .”
Hay là:
“Tuy nghèo dùng đỡ cháu rau,
Bền lòng niệm phật thì sau thanh nhàn”.