PGHH lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực
bài Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Từ nhiều năm, tôi có một nghi vấn về vài chữ Hán trong một bài thơ về cụ Nguyễn Trung Trực. Vì không có bản gốc, nên những cách suy luận nào cũng có vẻ như hợp lý. Nhưng chỉ tới hôm Chủ Nhật 15/10/2023, khi nhận được một bản gốc bài thơ thất ngôn bát cú của cụ Huỳnh Mẫn Đạt, viết bằng tiếng Hán, và được Giáo sư Trần Huy Bích giải thích tận tường, tôi mới gỡ được nghi vấn. Phân tích văn học này là một phần trong buổi lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực tổ chức tại hội quán PGHH số 2114 W. McFadden, Santa Ana, CA 92704.
Tham dự buổi lễ Phật Giáo Hòa Hảo hôm 15/10/2023 cũng có Hòa Thượng Thích Minh Mẫn (Viện chủ Chùa Huệ Quang, Santa Ana), GS Trần Huy Bích, GS Nguyễn Đình Cường, GS Phạm Quân Hồng, GS Tôn Thất Khoát, và nhiều phóng viên từ Việt Báo, Người Việt, Đài TV…
LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
Có một điểm rất độc đáo và rất truyền thống của Phật Giáo Hòa Hảo cần ghi nhận, bên cạnh nghi thức tôn giáo, với những lời dạy trong Lời Khuyên Bổn Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, cũng là đi song song với bồi đắp lòng yêu nước nồng nàn, như lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, để nghe lại truyện cuộc đời của ngài.
Buổi lễ sau các nghi thức chào cờ và tưởng niệm, đã khởi đầu với diễn văn khai mạc của ông Bùi Văn Huấn, Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ và là Trưởng Ban Tổ Chức. Tiếp theo ông Lê Hữu Ky hướng dẫn nghi thức tôn giáo, và ông Hội Trưởng Trần Văn Tài cùng quý đồng đạo cao niên đã đến trước ngôi Tam Bảo để làm lễ.
Tiếp theo, ông Võ Hiền Nhơn tuyên đọc Lời Khuyên Bổn Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đối với các độc giả quan tâm, nơi đây xin ghi lại Lời Khuyên Bổn Đạo nguyên văn:
“Lời dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
Khi đã coi giảng thì phải tự xét mình và sửa-sang những thói hư tật xấu, mình lầm-lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn-cấm sau đây:
ĐIỀU THỨ NHẤT: Ta chẳng nên uống rượu, cờ-bạc, á-phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tròn luân lý tam-cang ngũ-thường.
ĐIỀU THỨ NHÌ: Ta chẳng nên lười-biếng, phải cần-kiệm, sốt-sắng, lo làm ăn và lo tu-hiền chơn chất, chẳng nên gây-gổ lẫn nhau, hãy tha-thứ tội-lỗi cho nhau trong khi nóng giận.
ĐIỀU THỨ BA: Ta chẳng nên ăn-xài chưng dọn cho thái-quá và lợi-dụng tiền-tài mà đành quên nhơn-nghĩa và đạo-lý, đừng ích-kỷ và xu-phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.
ĐIỀU THỨ TƯ: Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền-rủa, vì Thần Thánh không can phạm đến ta.
ĐIỀU THỨ NĂM: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không nên sát-sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối-lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà-Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta.
ĐIỀU THỨ SÁU: Ta không nên đốt giấy tiền vàng-bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô-lý, vì cõi Diêm-Vương không bao giờ ăn hối-lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng-phí ấy mà trợ cưú cho những người lỡ đường đói rách, tàn-tật.
ĐIỀU THỨ BẢY: Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo-đức, ta phải suy xét cho minh-lý rồi sẽ phán-đoán việc ấy.
ĐIỀU THỨ TÁM: Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu-dắt lẫn nhau vào con đường đạo-đức, nếu ai giữ đặng trọn lành trọn sáng về nơi cõi Tây-Phương an-dưỡng mà học Đạo cho hoàn-toàn đặng trở lại cứu-vớt chúng-sanh.
Tất cả thiện-nam tín-nữ trong tôn-giáo nhà Phật, lúc rãnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ-gìn phong-hóa nước nhà, giữ những tục-lệ chơn-chánh, bỏ tất cả những sự dị-đoan mê-tín thái-quá mà làm cho đạo-đức suy-đồi.
Đạo-pháp thường hay dung với hòa,
Xét người cho tột xét thân ta.
Nếu người rõ phận vui lòng thứ,
Ta thứ được người, người thứ ta.”
Ý NGHĨA NGÀY LỄ GIỖ QUAN THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI THẦN NGUYỄN TRUNG TRỰC
Sau đó, ông Trang Văn Mến, Thủ Bổn Ban Trị Sự, nói về ý nghĩa ngày Lễ Giỗ Quan Đại Thần Nguyễn Trung Trực. Ông giải thích về hình ảnh của ngài Nguyễn Trung Trực trong truyền thống rằng: "Hằng năm vào ngày 28/08 âm lịch, hàng ngàn người đổ xô về đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá để dự lễ giỗ, tưởng nhớ công ơn vị anh hùng đã hy sinh cả đời mình cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam vào hậu bán thế kỷ thứ 19."
Ông Trang Văn Mến cũng nói sơ lược về tiểu sử ngài Nguyễn Trung Trực: "Vào năm 1837 Ngài chào đời trong một gia đình chài lưới, sống lênh đênh rày đây mai đó trên các sông rạch chằng chịt của miền nam nước Việt với tên thật là Nguyễn văn Lịch, nhưng mọi người gọi Ngài là Nguyễn Trung Trực có lẽ là đại danh mà triều đình hoặc dân chúng vì cảm phục lòng tận trung báo quốc của Ngài mà đặt ra chăng... Lúc bấy giờ, đất nước ta vô cùng đen tối với hoà ước Nhâm Tuất (1862) triều đình đã nhượng ba tỉnh miền đông (Gia Định, Biên Hòa , Định Tường ) và sau đó quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền tây ,nhiều thân hào nhân sĩ hoặc các quan lại triều đình đứng ra hiệu triệu quần chúng để chống lại quân Pháp xâm lăng...
"Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Tự Đức, Ngài đã chiêu mộ một số nghĩa binh khá đông và được triều đình phong chức Quản Cơ mà sau đây là những chiến công Ngài lập được: Ngày 10/04/1861 Ngài phục kích chiến thuyền Pháp, giết được thuyền trưởng Bourdais và 30 bộ hạ khi chúng định đổ bộ lên ruồng bố vùng Bảo Định Hạ (Mỹ Tho). Ngày 11/12/1861 Ngài đã ghi thêm một chiến công oanh liệt trong lịch sử kháng Pháp là việc đốt phá chiến thuyền Espérance tại vàm Nhật Tảo (Tân An) tiêu diệt toàn bộ thủy thủ đoàn trong đó có tên trung tá Parfair.
Rồi Ngài lui về hòn Chông ở Hà Tiên lập căn cứ kháng chiến, mở rộng địa bàn hoạt động tới Tà Niên, Sân Chim (Kiên Giang). Đêm 15/07/1866 Ngài chỉ huy nghĩa quân đánh đồn Rạch Giá giết được 5 võ quan Pháp, 67 lính Tây bị hỏa thiêu, 6 Việt gian bị bắt sống, tịch thu hơn 100 khẩu súng và nhiều đạn dược. Hai người theo Pháp là Huỳnh Công Tấn và Đỗ Hữu Phương đã hiến kế cho Pháp bắt mẹ Ngài và một số đồng bào trong vùng làm con tin. Sau nhiều ngày đêm suy tư, Ngài đã tự trói mình để cứu mẹ và dân chúng khỏi cảnh lầm than cơ cực. Pháp đã đem tiền bạc chức tước ra phủ dụ, nhưng người anh hùng tâm bền chí vững, vẫn không lay chuyển một lòng."
Theo lịch sử, khi ông bị người Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ lúc bấy giờ vừa dụ hàng vừa hăm dọa, Nguyễn Trung Trực đã trả lời rằng: “Thưa Pháp soái, chúng tôi chắc rằng chừng nào ngài cho trừ hết cỏ trên mặt đất, thì mới may ra trừ diệt được những người ái quốc của xứ sở này.”
Khi bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn, ông cũng đã bình tĩnh nói với người hỏi cung là Đại úy Piquet:
“Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt.”
Không người Việt Nam nào dám thi hành án tử hình của Ngài, do vậy, quân Pháp đã thuê một người Miên giữ vị trí đao phủ thủ. Được tin Ngài thọ tử, vua Tự Đức dạy làm lễ truy điệu và sắc phong Ngài làm Quan Thượng Đẳng Đại Thần để tỏ lòng thương tiếc và kính trọng một vị anh hùng dân tộc.
Ông Trang Văn Mến nêu lên câu hỏi: "Trong số hàng trăm những vị anh hùng dân tộc, tại sao Phật Giáo Hòa Hảo lại chọn Ngài Nguyễn Trung Trực để làm lễ giỗ?"
Rồi ông trả lời: "Hằng ngày trong bài nguyện cúng lạy của tín đồ PGHH mà quý vị vừa nghe có câu: ‘Nam mô Phật tổ, Phật thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị 5 non 7 núi...’ ở đây, chữ quan TDĐT là để chỉ Ngài Nguyễn Trung Trực vậy. Và luôn luôn tâm nguyện quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo tức là làm theo những gì Ngài đã làm, bởi vì Ngài lả bậc đã hành xử trọn vẹn nhứt bốn điều ân lớn tức là “tứ đại trọng ân “trong pháp môn Tu Nhân Học Phật mà Đức Thầy đã dạy: “Nào là luân lý Tứ Ân, Phải lo đền đáp xác thân mới còn. Ai mà sửa đặng vuông tròn. Long Vân đến hội lầu son dựa kề.”..."
Có một chi tiết lịch sử rất đặc biệt về ngài Nguyễn Trung Trực: là cơ duyên với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An. Diễn giả Trang Văn Mến giải thích về Ân Tam Bảo của ngài: "Ân tam bảo: Trong khi khí thế kháng chiến ở miền đông gần như tiêu hoại, Ngài cho di quân về miền Tây, quân sĩ Ngài cho đóng ở Tà Niên, còn Ngài thì nương náu nơi gia đình họ Lâm tại Mỹ Hội Đông. Gia đình này tu hành theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An. Có lẽ trong thời gian này Ngải quy y theo phái BSKH, vì người ta thấy Ngài thường ăn mặc nâu sòng và hay dùng thuyền lên thăm viếng ông Quản Cơ Trần Văn Thành là đại đệ tử của ĐPTTA."
Sau đó, hai vị Trần Mỹ Hạnh và Ngô Văn Ân diễn ngâm bài thơ Huyết Lệ gửi cho quân đội Pháp của Ngài Nguyễn Trung Trực.
Ý NGHĨA BÀI THƠ HÁN NGỮ ĐIẾU NGUYỄN TRUNG TRỰC
GS Trần Huy Bích đứng nói chuyện về bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực.
Tiếp theo, là một nghi vấn văn học mà tôi thắc mắc từ lâu: Trong bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực của cụ Huỳnh Mẫn Đạt, có phải câu thứ tư là “Kiếm bạt Kiên Giang…” hay “Kiếm bạc Kiên Giang…” Nếu vào Google tìm, thì cả hai đều xuất hiện nhiều ngàn lần.
Hôm Chủ Nhật 15/10/2023, trong phần tiếp theo của buổi lễ Phật Giáo Hòa Hảo là thuyết trình của Giáo sư Trần Huy Bích (nguyên phụ trách tài liệu về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện Đại học UCLA và USC). GS Trần Huy Bích đưa ra một tài liệu, bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực trong cả bản gốc Hán ngữ do cụ Huỳnh Mẫn Đạt sáng tác, bản dịch nghĩa, và bản dịch thành thơ của Cao Tự Thanh (dẫn từ sách: Việt Nam bách gia thi, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2005). Thực ra, câu “Kiếm bạch Kiên Giang…” mới là đúng. Hẳn là nhiều người cũng cùng mang nghi vấn này từ lâu (từ nhiều thập niên) như tôi bị vướng.
Nơi đây, xin ghi nguyên văn bản gốc bài thơ:
ĐIẾU NGUYỄN TRUNG TRỰC
Thắng phụ nhung trường bất túc luân,
Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân.
Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạch Kiên Giang khấp quỷ thần.
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa,
Lưỡng toàn vô uý báo quân thân.
Anh hùng cường cảnh phương danh thọ,
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
---- thơ của Huỳnh Mẫn Đạt
Dịch nghĩa:
Thắng hay bại (là chuyện) chiến trường không đủ để bàn luận,
Làm trụ đá ngăn luồng sóng từ cao đổ dốc xuống, nhớ một người đánh cá.
Lửa cháy rực đỏ ở Nhật Tảo, trời đất chấn động,,
Gươm vung sáng trắng ở Kiên Giang, quỉ thần khóc.
Một buổi sáng làm việc phi thường, nêu cao tiết nghĩa,
Hai mặt toàn vẹn, không hề sợ hãi, báo ơn vua và cha mẹ.
Bậc anh hùng vươn cứng cổ, tiếng thơm để lại lâu dài,
Làm thẹn chết những ai cúi đầu để được sống.
Bản dịch trong thể thơ:
Thắng bại sa trường chẳng đủ phân,
Giữa dòng ngăn sóng nhớ ngư dân.
Lửa hồng Nhựt Tảo ran trời đất,
Kiếm trắng Kiên Giang rợn quỷ thần.
Tiết nghĩa lẫy lừng nêu một sớm,
Hiếu trung vẹn vẻ đủ đôi phần.
Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi,
Còn sống mình đây nghĩ thẹn thân.
---- Cao Tự Thanh (Việt Nam Bách Gia Thi, 2005)
Giáo sư Trần Huy Bích thuyết trình tại sao các chữ khác không thể thích nghi, không đối thích nghi với chữ “hồng” (màu đỏ của lửa, khi dùng làm động từ sẽ có nghĩa là, làm đỏ rực cả vùng Nhựt Tảo) ở câu thứ ba, trong khi chỉ duy có chữ “bạch” (màu trắng của lưỡi kiếm, khi dùng làm động từ sẽ có nghĩa là, làm cho sáng trắng cả bầu trời Kiên Giang) thích nghi về mọi mặt với “hồng”: cùng là chữ Hán (không phải Nôm), cùng là tĩnh từ (không phải trạng từ), đối về nghĩa và đối về âm. GS Trần Huy Bích cũng giải thích về nghĩa “vươn cứng cổ” để bị chặt đầu ở trong câu thứ bảy, hình ảnh trái nghịch rất buồn của cúi đầu (đê đầu) ở câu thứ tám. Nơi đây, tôi xin phép viết lên lời cảm ơn chân thành rằng: tôi đã nghe được một bài thuyết trình văn học tuyệt vời trong buổi lễ này của Phật Giáo Hòa Hảo, và thoát được một nghi vấn. Nơi đây, cũng xin cảm ơn ông Trần Văn Tài, Hội Trưởng Ban Trị Sự PGHH/Miền Nam California, đã điện thoại để nhắc về buổi lễ hôm nay, để tôi được nghe chính xác về một bài thơ từng gây nhiều tranh luận về một vài chữ.
Tiếp tục chương trình là phần diễn ngâm bài thơ Viết Cho Mẹ của ngài Nguyễn Trung Trực do hai vị Nguyễn Kim và Mai Thị Huyền đảm trách.
Sau cùng là buổi tiệc theo truyền thống Kiên Giang Rạch Giá do đoàn phụ nữ PGHH khoản đãi, đặc biệt là món cơm Gà Hon chay, rất độc đáo. Địa chỉ hội quán PGHH là số: 2114 W. McFadden, Santa Ana, CA 92704. Điện thoại (714) 557-7563.
PHOTO 1:
Nghi thức tôn giáo. Hình trên, từ phải sang trái: Hội Trưởng PGHH Nam California Trần Văn Tài, Hòa Thượng Thích Minh Mẫn.
PHOTO 2:
GS Trần Huy Bích đứng nói chuyện về bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực.