TỔ ĐÌNH PHẬT GIÁO HÒA HẢO

12 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 25062)
TỔ ĐÌNH PHẬT GIÁO HÒA HẢO

hinh_thay_to_dinh_2008_2-content
Trần Minh Quang

Cố TTK Tập San Đuốc Từ Bi trước 1975

Xuôi dòng Tiền Giang về bên hữu ngạn, dưới chợ Mỹ Lương độ ba trăm thước, hoặc theo hương lộ Tân Châu-Hòa Hảo, nay là tỉnh lộ 54, một cây số ghi 37km kể từ Tân Châu đến, nhìn về phía tay phải, khách sẽ trông thấy một tòa nhà cổ, tường vôi mái ngói hiện ra sau một khoảng sân rộng đơm nhiều cây cảnh xanh mát. Sát đường cái là lớp hàng rào gỗ thẻ quét đậm màu chu (màu nâu đậm) kề bên đôi trụ cổng xây cao ráo, bên trên gắn bốn chữ QUÍ TIỆN ĐỒNG NGHINH (1)

Đây nguyên là tư thất của Đức Ông Cả Từ (2) Huỳnh Công Bộ, thân sinh Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, vị Hương Cả lương từ đức độ có nhiều uy tín với nhân dân trong vùng. Tòa nhà nầy đã được Đức Ông, Đức Bà kiến tạo từ giữa năm Kỷ Mùi (1919) tính đến nay cũng đã hơn tám mươi năm.

Từ nơi tư thất cổ kính nầy, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi âm lịch nhằm ngày 15-01-1920 có một siêu nhân chào đời, để rồi hai mươi năm sau, năm Kỷ Mão 1939 khi đến tuổi trưởng thành Ngài chính thức mở cơ hoằng đạo độ dân. Siêu nhân ấy như mọi người đều biết là Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ. Mối đạo mà Ngài khai sáng được mệnh danh là đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Sử đạo có ghi rõ: Cũng tại ngôi giai ốc ngọc đường nầy, vào buổi chiều ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) trên khoảng sân rộng, hoa kiểng thi nhau khoe tươi phô thắm, bên bàn thông thiên, Đức Thầy sắp bày hương án cử hành nghi lễ Cáo Hoàng Thiên(3), đánh dấu ngày lịch sử Ngài chính thức nhận lấy sứ mạng thiêng liêng của Ngọc Đế và của Đức Thế Tôn mà hoằng khai Phật pháp, chấn hưng Phật giáo học đường, Ngài có bài tự thuật:

Ngọc Tòa, Phật Tổ nấy sai Ta,

Xuống cứu thế gian nẽo vạy tà.

Hiệp sức tớ Thầy truyền Diệu pháp,

Cho đời thấu rõ Đạo Ma Ha!

Ngay sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên, Đức Thầy trình Đức Ông dùng ngay sảnh đường (4) đặt nghi thức đủ Ba Ngôi Tam Bảo để làm chỗ trọng tâm quy ngưỡng cho bổn đạo chúng sanh từ bốn phương đến đảnh lễ quy y Phật pháp. Ngài còn ngõ lời nhờ Đức Ong lên quận đường Tân Châu xin phép đổi nơi nầy thành ngôi chùa lấy hiệu là “Kim Sơn Tự”.(5)

Mấy vần thi duới đây, Đức Thầy không dấu diếm trọng trách của Ngài khi thời cơ chuyển đến:

- Phi phi bổng xuất mặt Huỳnh Long,

Dụng lối Bá Nha réo Lạc Hồng!

- Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta,

Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà.

Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

Chờ thời Thiên định thiết hùng ca!

Thế là từ một ngôi tư thất mà vì yêu cầu mới khẩn thiết, vì nhiệm vụ tối thiêng liêng với đạo pháp, Đức Thầy biến nơi đây thành một nơi bửu phường, một Đạo tràng (6), một ngôi tự viện để phổ hóa dân sanh.

Thời gian 11 tháng, từ 18-5 Kỷ Mão đến 12-4 Canh Thìn, chưa đầy một năm, Đức Thầy đã thường trụ tại Đạo tràng Kim Sơn Tự để cùng lúc Ngài vận dụng một phương thức tối diệu bằng “tay trống miệng kèn” giác tỉnh nhơn sanh chấn hưng nền Phật giáo.

Sau đây tuần tự chúng ta sẽ được biết Đức Thầy thi thiết những gì để phổ độ quần sanh. Trước tiên, vì chúng sanh bịnh khổ, Ngài quyết dùng “huyền diệu của Tiên gia” độ bịnh “cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với Trăm quan”. Tiếp đến, Ngài đả phá mê tín dị đoan, “vẽ cho dân lập chí râu mày, phá tan óc tinh thần nhu nhược”. Ngài đã “Rèn dân bằng giáo thuyết bình hòa” đánh thức mọi người làm lành lánh dữ, bỏ vọng về chơn... Sau những buổi thuyết pháp, Đức Thầy ngồi lại trai phòng sáng tác Kệ Giảng chỉ rõ đường tu, nói rõ máy Thiên cơ mầu nhiệm, nói trước việc đời sắp khổ sắp lao cho bổn đạo, nhơn sanh gắng công tu tỉnh. Ngài bảo:

“Tu cho rõ mối huyền thâm

Quy đầu Phật pháp khỏi lâm tai nàn”.

Chúng ta lần lượt tìm hiểu về một số sự việc mà Đức Thầy đã áp dụng để tế khốn phù nguy cho dân chúng:

A). ĐỨC THẦY CHỮA BỊNH ĐỘ ĐỜI:

Sau ngày 18 tháng 5 Kỷ Mảo, Đức Thầy chữa bệnh độ đời. Nhiều bịnh dị kỳ: bịnh tà, bệnh điên cuồng, bệnh nan y, dịch tả... đổ xô về làng Hòa Hảo đều được Đức Thầy chữa trị mau lành mau hết chẳng khác gì Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa khi Ngài đến Xẻo Môn (Chợ Mới Ông Chưỡng) vậy. Số người đến xin trị bệnh ngày một thêm đông. Kẻ ở xa xôi như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long cho đến Sàigòn, Chợ Lớn... Người ta đua nhau đến làng Hòa Hảo để nhờ Ngài cứu bệnh và hầu hết họ đều được toại nguyện.

Phương pháp chữa trị của Ngài thật giản đơn không tốn kém, không gây phiền phức. Tùy bệnh, Ngài cho uống nước lã, hoặc dùng dây chuối, dây chỉ xe nhiều tao gọi là “Kiệt”, hoặc cho uống giấy vàng, hết giấy vàng Ngài cho bệnh nhân uống giấy nhật trình. Thuốc thang thì chỉ mấy thứ lá dễ tìm (lá xoài, lá mít, lá ổi, lá bưởi...) hoặc vài thứ bông (bông trang, bông vạn thọ) vài thứ rễ cây (rễ chanh, rễ chòi mòi...) Khi Ngài trị bệnh cho người nào là cũng đều khuyên họ kính tin Phật Trời, niệm tưởng các đấng Thiêng Liêng ban phước cho tất cả chúng sanh. Ngài nhắc nhở: “Thành lòng nước lã nên hồ, Hữu tâm chí đức Cam Lồ Phật ban!”

B). ĐỨC THẦY THUYẾT PHÁP GIÁO HÓA CHÚNG SANH:

Cũng sau ngày 18-5 Kỷ Mão, ai đến đạo tràng Kim Sơn Tự đều cũng được nghe Đức Thầy thuyết giảng về Phật pháp. Ngài khuyên ai nấy rán trau sửa thân tâm, xa ác gần lành, kính tin Trời Phật. Ngài đối xử rất khiêm tốn, rất bình dân, không phân biệt kẻ sang người hèn, đãi ngộ rất bình đẳng đối với mọi nguời. Ngài không chịu khuất phục kẻ quyền thế và cũng không hề bỉ bạc một nguời nào khốn khó. Đúng như câu “Quý Tiện Đồng Nghinh” được treo trước cổng nhà.

Trong số bá tánh thập phương tới viếng Đức Thầy, ngoài những người xin bùa xin thuốc, xin chữa bệnh, còn có lắm người đến để được nghe Ngài thuyết giảng về giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà Ngài có sứ mạng truyền bá: “Ta thừa vưng sắc lệnh Thế Tôn, Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp!” Đức Thầy thuyết đạo cả ngày lẫn đêm, thính giả xa gần tựu họp đông vô kể. Ngôi Kim Sơn Tự bấy giờ là một đại giảng đường không hơn không kém. Bằng giọng nói hòa dịu thanh tao, lưu loát rõ ràng, khi bình dị, lúc cao siêu, Ngài nói thao thao bất tuyệt, rõ là bậc “miệng nhích môi đầy văn tao nhã” vậy. Hơn nữa, ngôn từ của Ngài có sức hấp dẫn phi thường, nên thính giả nhiều khi mũi lòng rơi lệ, liền phát Bồ Đề tâm quy y Phật pháp.

Nhiều văn sĩ, nho gia, nhiều bậc trí thức tân học có bằng Cử nhân, Tiến sĩ có dịp đến tiếp kiến Đức Thầy, hầu hết họ đều tỏ ra khâm phục Ngài về đức độ lẫn tài ba và họ đều công nhận Ngài là bậc thượng trí anh tài, bậc sinh nhi tri, ít học mà thông đáng kính đáng nể, không thể so bì. Những tay cự phách trong làng nho như Hương Cả Đào Thành Đô ở Tân An, thầy Ba Thận ở Phú Lâm, ông Huỳnh Hiệp Hòa ở xã Bình Thủy, thầy Ba Tươi tức Huỳnh Trung Hòa ở Kiến An, ông Nguyễn Kỳ Trân ở Định Yên... trước sau đều có đến Đạo tràng Kim Sơn Tự ở Hòa Hảo xướng họa thơ bài với Ngài, và ai cũng đều khâm phục Đức Thầy là bậc “mồm sông bút sấm”. Những nhà tân học như đốc tờ Kiệt ở Long Xuyên, trạng sư Dậu ở Ô Môn, tú tài Thiều ở Sóc Trăng, y sĩ Tâm, kỹ sư Tường ở Sàigòn... sau khi đến viếng Ngài để đọ sức thử tài, cũng đều bái phục Đức Thầy và chịu quy y Phật, làm đệ tử Ngài.

C). ĐỨC THẦY VIẾT RA KỆ GIẢNG KHUYẾN TU:

Chỉ trong một giai kỳ ngắn ngủi thường trụ ở đạo tràng Kim Sơn Tự, Đức Thầy vừa độ bịnh, vừa thuyết đạo và cũng vừa sáng tác ra nhiều cuốn Kệ Giảng để khuyến tu. Những tác phẩm nầy phần nhiều bằng văn vần. Đặc biệt là trong lúc sáng tác, Đức Thầy đã vận dụng bút pháp thật tinh diệu, Ngài viết một cách dễ dàng, mau lẹ, hạ bút thành văn có lẽ dễ hơn so với thánh Aleyone Krishnamurti khi viết cuốn Aux Pieds Du Maitre (Dưới chân Thầy). Ngài viết một mạch hằng vài ba trăm câu, nghỉ xả hơi rồi lại tiếp tục. Trong lúc viết không cần suy nghĩ và cũng không hề dùng tới giấy nháp như hầu hết văn nhân thi sĩ thường làm.

Nội mùa thu năm Kỷ Mão (1939) nơi đạo tràng Kim Sơn Tự nầy, Đức Thầy tuần tự viết ra bốn quyển Kệ Giảng, như được biết.

Quyển thứ nhứt, nhan đề “Sám Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm” thể văn lục bát, gồm 912 câu. Khởi đầu là “Hạ nguơn nay đã hết đời”, và câu cuối “Đến đây cũng lần ngừng lại bút nghiên”

Quyển thứ nhì, nhan đề “Kệ Dân”, viết ngày 12 tháng 9 năm Kỷ Mão, bằng thể văn thất ngôn trường thiên, nội dung có 476 câu. Câu đầu “Ngồi khùng trí đoái nhìn cuộc thế...” và chấm dứt ở câu “Ta ra sức dắt dìu bá tánh”.

Quyển thứ ba, nhan đề “Sám Giảng” bằng thể văn lục bát, dài 612 câu, câu đầu là “Ngồi trên đảnh núi Liên Đài...” và chấm dứt ở câu “Chúc cho bá tánh muôn sầu tiêu tan”.

Quyển thứ tư, nhan đề “Giác Mê Tâm Kệ” với thể thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, khởi đầu bằng câu “Khai ngọn đuốc Từ Bi chí thiện” và kết thúc ở câu “Mong bá tánh vạn dân giải thoát”. Quyển nầy Đức Thầy sáng tác tại Kim Sơn Tự ngày 20 tháng 10 năm Kỷ Mão (1939)

Ấy là chưa kể các nhà trí thức đến tham vấn, xướng họa thơ văn với Đức Thầy. Tài liệu trên đây gom góp được hơn 70 bài thơ. Tính chung về Kệ Giảng, Thi bài Đức Thầy sáng tác tại đạo tràng Kim Sơn Tự gồm có 6,000 câu cả thảy.

Xét qua hành trạng, Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ là đấng tiên tri tiên giác, Ngài hiến dâng cả cuộc đời trong sạch, vì sinh dân đồ khổ mà ra tay tế độ. Hạnh nguyện của Ngài là gieo đạo khắp đại đồng, để đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc. Ngài đã sanh trưởng tại Hòa Hảo, nơi tư thất của Đức Ông Đức Bà cả Từ, đến tuổi trưởng thành, cơ duyên ứng hợp, Ngài xử dụng sảnh đường làm nơi đạo tràng để độ bệnh, thuyết pháp và biên kinh giáo đạo giúp đời. Cũng từ nơi ngôi bửu phường nầy mà nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo phát khai rực rỡ. Cho nên toàn thể tín đồ, bổn đạo của Ngài đều xem đây là cội nguồn đạo lành, là chiếc nôi xinh xắn của đoàn thể PGHH. Cũng có thể nói đây là ngôi nhà Tổ, Tổ đường, Tổ đình PGHH thiêng liêng đáng tôn đáng kính.

Tổ đình hay Tổ đường theo hán việt là từ đồng nghĩa, chỉ ngôi nhà chính, nhà thờ tổ tiên. Trong lịch sử Phật Giáo, Tổ đình rất được thông dụng để chỉ trường hợp chư vị Tổ Sư, khi các Ngài thường trụ nơi đạo tràng, tự viện nào để phổ pháp độ sanh, nơi đó được hàng tín đồ tôn kính gọi là Tổ Đình, chẳng hạn như ở quận 5, quận Bình Chánh có Tổ Đình Ấn Quang và Tổ Đình Hưng Minh Tự v.v...

Trong tình huống bị truân chuyên trên bước đường hóa đạo, Đức Thầy bị Pháp cấm cố ở bịnh viện Chợ Quán, tháng Chạp năm Canh Thìn (đầu năm 1941) đặc biệt cảm thông nỗi niềm tha thiết khát đợi mòn trông của Đức Ông, Đức Bà Cả Từ, song thân Ngài ở nơi quê hương, nhà Tổ, trong bài Tự Thán, Đức Thầy hạ bút:

“Tổ đường còn một cành huyên

Từ đường hôm sớm luống phiền chờ trông!

Nên chi dù trong lúc Đức Thầy còn trụ ở Tổ đình, hay có lúc Ngài phải truân chuyên hóa đạo tận phương xa, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều nhứt tâm hướng về Chùa Thầy cũng như ngưỡng vọng về Tổ đình Phật Giáo Hòa Hảo mà linh hương nguyện cầu quốc thái dân an, cung chiêm gương sáng của Đức Tôn Sư kính mến để rồi có quyết tâm bền chí lo hành sử Tứ Ân cho tròn hiếu nghĩa.

Trên lịch sử tôn giáo cho thấy người tín đồ Hồi Giáo thì hành hương về La Mecque, tín đồ đạo Thiên Chúa thì tập trung về La Mã (Rome). Bà con đạo Cao Đài thì ngưỡng vọng về Tòa Thánh Tây Ninh v.v... thì người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hợp tâm hướng về Tổ đình xứ Đạo, điều rất tự nhiên không có chi là khó hiểu.

x

Khách tham quan khi đến trước ngôi Tổ Đình PGHH, trước tiên là nhận thấy ở cổng có bày hàng chữ nho rất đậm nét :

Qúi Tiện Đồng Nghinh

Câu trên có nghĩa rằng nơi Tổ Đình PGHH không hề phân biệt đối xử với kẻ sang, người hèn hoặc kẻ giàu người nghèo, miễn ai có lòng mến mộ Phật pháp, mến mộ sự nghiệp PGHH do Đức Thầy hoằng hóa thì đều được sự niềm nở chào rước, tiếp nghinh. “Tiếp nghinh những kẻ có lòng nhơn đức”. Câu ngắn gọn trên đủ nói lên tinh thần bình đẳng vị tha của nhà Phật mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dày công hưng truyền, phổ hóa.

Quá bước vào nội thất, khách nhận ra ở đây có sự thờ phượng tinh nghiêm, ba gian nhà rộng bày đủ ba dòng bàn thờ Gia Tiên. Trên bệ cao nơi gian chính thì tôn trí bàn thờ Tam Bảo với bức Trần Dà tượng trưng cho tinh thần vô thượng của nhà Phật. Dưới trang Tam Bảo là bàn thờ Cữu Huyền Thất Tổ. Đứng ở gian giữa nhìn thẳng ra sân thì thấy có bàn Thông Thiên đặt ở giữa trời. Hai bên bàn Cửu Huyền Thất Tổ, khách còn thấy đôi liễn đối kẻ chữ Hán nét vàng óng ánh trên gỗ mun bóng lộn, và người ta đọc được :

Đình Thực Hương Lan Ngọc Diệp Kim Chi Giai Tịnh Mậu

Đường Bồi Đan Quế Xuân Hoa Thu Quả Tổng Đồng Vinh

(Sân rậm Hương Lan, lá ngọc nhành vàng tán tiết sum xuê chào trước sảnh, Nhà cao Đan Quế, hoa thơm trái ngọt mùa dào dạt ngát hương gia)

Khách càng chú ý nhìn lên ba khung thành vọng mang đủ ba bức hoành phi rủ xuống. Bức giữa to rộng hơn đề bốn chữ nho :

TỪ QUANG PHỔ CHIẾU (7)

Bức bên phải đề : DIỆU PHÁP QUANG MINH (8)

Bức bên trái đề : NGOAN THẠCH ĐIỂM ĐẦU (9)

Cũng từ trong gian chính, ở giữa trước bàn Cửu Huyền Thất Tổ còn đặt một bàn chữ nhật tôn trí các kiểu chơn dung Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Bước xuống mấy nấc thang gạch trước thềm là vào vị trí của khách đường, trên có biển gỗ sơn son thếp vàng tạc hai chữ :

NGHI LỄ

Nơi đây có bày bộ trường kỷ ở giữa và hai bên tả hữu đặt bàn ghế để tiếp khách. Chính nơi sảnh đường nầy, ngày xưa Đức Thầy đã đăng đàn thuyết đạo cả ngày lẫn đêm, thính giả chen chật như nêm đủ các tầng lớp người trong xã hội, xa gần tựu về nghinh thính.

Cũng tại đạo tràng Kim Sơn Tự nầy, ngay đêm Mồng Một Tết Canh Thìn (1940), Đức Tôn Sư chuyển chấp bút thần nêu cao Đại Nguyện, khai kinh kệ độ tận chúng sanh :

Nhuần gội ơn Trên rải đạo mầu,

Thương đời chỉ vẽ nẻo cao sâu,

Khai rừng kinh kệ, câu huyền bí

Để cứu nhơn sanh khỏi thảm sầu.

Hương đăng nghi ngút lễ vọng cầu,

Cám lòng bá tánh nguyện từ câu.

Chí dốc một lời Ta độ tận,

Dắt chúng lánh xa cảnh mộng sầu!

Giữ nguyện đinh ninh tiếng tạc thù,

Làm lành đâu phải tốn tiền xu.

Mà sau lại được về Tiên cảnh,

Thêm thoát ngục mê chốn Diêm phù!

Diêm phù chơn Chúa chọn người tu,

Hành phạt ác hung chốn cửa tù.

Tiếp nghinh những kẻ lòng nhơn đức

Hỡi bớ dương trần hãy rán tu!

Rán tu vẹt phá đạo lu bù,

Thấy chúng đời nầy lạc chữ tu,

Sớm tỉnh kệ kinh tìm hiểu lý,

Một ngày hội hiệp hết mờ lu!

Mờ lu được sáng, rắn hóa cù,

Hiệp mặt phân trần nỗi ám u.

Tớ Thầy tôi chúa cùng nhau gặp,

Khắp hết thế gian thoát chốn tù.

Chốn tù vốn thiệt cõi Ta Bà

Tiên cảnh được về mới lánh xa.

Chúng sanh chìm đắm trong vòng khổ,

Khuyến dạy bởi vưng Sắc Ngọc Tòa!

Ngọc Tòa Phật Tổ nấy sai ta,

Xuống cứu thế gian nẽo vạy tà.

Hiệp sức tớ Thầy truyền Diệu Pháp

Cho đời thấu rõ Đạo Ma Ha!

Ma Ha thoàn nhỏ dọn rồi đa,

Bước xuống đi qua bến giác mà.

Sao hỡi còn chờ ta réo mãi?

Dân tình xem giảng cứ ngâm nga!

Ngâm nga việc khổ tới bên a,

Bổn phận tu hiền phải lánh xa.

Biết đạo tùy thời mau tránh khổ,

Chớ đừng thi thố những tài ba.

Tài ba khoe sức uổng thây mà,

Nhựt dạ yêu đời dụng khuyến ca.

Tỉnh thức nhơn dân đang mờ ám,

Nên làm thi phú đặng ngâm nga.

Ngâm nga hiểu nghĩa đáng kim ngà,

Huyền bí nhiều lời chỉ thiệt xa

Bổn đạo rán tìm cho cặn kẽ,

Lòng hiền Phật độ khỏi tinh ma.

Từ sau 12 tháng 4 năm Canh Thìn (1940), Đức Thầy trong hoàn cảnh bị bắt buộc phải lìa quê tách bước xa làng, nơi đây Đức Ông Đức Bà tiếp khách thập phương và ban Huấn từ cho hàng chức sắc, bổn đạo tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Chú từ

(1) Quí tiện đồng nghinh: Chào mừng tất cả, không phân biệt kẻ sang hèn.

(2) Cả từ: Vị hương cả chăm lo làm việc của ông từ ở đình chùa, hương đăng cho Thân Phật. Chức vụ do Huỳnh Giáo Chủ đặt định.

(3) Cáo Hoàng Thiên: Lễ cáo trình với các đấng thiêng liêng chủ tể: Hoàng thiên, Hậu thổ...

(4) Sảnh đường : Ngôi nhà chánh của các nhà quyền quý ngày xưa, cũng chỉ nơi khách đường trang nghiêm xinh lịch.

(5) Kim Sơn Tự: Ngôi chùa hiệu Kim Sơn do Đức Thầy đặt. Thời nhân xưng tụng Ngài là Kim Sơn Phật, ý nói Phật sống trụ ở chùa Kim Sơn. Có câu: Kim Sơn Phật úy giáng sanh đành rành!

(6) Đạo Tràng: Nơi giảng đạo, thuyết trình về Phật Pháp có nhiều thính giả, học viên đến nghe, học.

(7) Từ Quang Phổ Chiếu: Ánh sáng Phật pháp chói tỏa mười phương.

(8) Diệu Pháp Quang Minh: Phật giáo nhiệm sâu soi sáng vô tận cứu rỗi vô cùng.

(9) Ngoan Thạch Điểm Đầu: Đá nghe gật đầu: Luận xã Cao Hiền truyện: Túc đạo sinh một cao tăng tu đắc quả, đời Tần vào núi Hổ Khưu gom những hòn đá lại, ông cho đó là những Phật tử ngồi nghe kinh. Ô, bác giảng kinh Phật, giảng đến Kinh Niết bàn, những hòn đá dường như cãm thông, thảy đều gật đầu như người ta đã thấu rõ triết lý đạo Phật. Thành ngữ trên nhằm tán dương biện tài của Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ.

to_dinh_pghh_dan_sanh-content

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 17739)
Cụ Bà NGUYỄN THỊ KIM CHI (1925-2013 ) vừa tạ thế tại thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang Việt Nam hồi 6:15 sáng, ngày 9 tháng 3 dl năm 2013, nhằm ngày 28 tháng giêng năm Quý Tỵ Hưởng thọ 88 tuổi.
14 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 22341)
Phương Kiều: Khu du lịch núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) rộng 8,4 héc ta, có nhiều cảnh quan kỳ thú hấp dẫn du khách. Hàng năm, nơi đây đón tiếp gần một triệu lượt du khách. Đến chơi núi Cấm, du khách có dịp nghỉ đêm trên núi mới cảm nhận được nét đẹp ẩn tàng vùng núi giữa đồng bằng Nam bộ này.
14 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 19725)
Nguyễn Huỳnh Mai. Tôi đã trải qua mấy chục mùa Đông, nhưng không có mùa Đông nào tuyệt dịu bằng mùa Đông ở làng Hòa Hảo lúc tôi còn bé. Những buổi sáng ở Hưng Nhơn, khi bên ngoài trời còn tối, tôi chợt thức sớm, tung mềm, chạy nhanh về hướng nhà bếp,
07 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 18075)
Trên địa bàn tỉnh An Giang, tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, ở khu vực Vồ Đầu trên Nuí Cấm, có một ngôi chợ rất đặc biệt, Ngôi chợ này toàn người Khmer tập trung nhóm chợ buôn bán vào buổi sáng.
05 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 15949)
Chúng tôi xin giới thiệu một vài hình ảnh sinh hoạt tu học của các em tại An Giang
100,000