3. Giữ Lòng Lành.

24 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 9330)
3. Giữ Lòng Lành.

Nhưng có Đức Tin mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà thần cám dỗ, bọn tăng đồ lợi dưỡng gạt lường. Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng kiến để chuộc tội, hoặc bắt buột ta thờ kính một cách phiền phức, làm cho lòng u tối của ta càng ngày càng u tối thêm”. Đó là lời giải của Đức Thầy từ năm 1941, tại Bạc Liêu.

Ngài cũng cho biết Lòng Lành tức Lòng Trí Lành. Cho nên muốn làm lành ta còn phải lấy trí sáng mà suy nghĩ, để việc làm tránh sai lầm và thêm nhiều ý nghĩa.

Thường thấy có người dễ tin gặp ai nói “làm chay” thì cho, nghe “thầy hay” thì đến. Họ không cần suy nghĩ gì khác hơn, đinh ninh rằng mình là người hiền, cứ việc “làm phước”, còn ai làm quấy thì tội sẽ về họ. Những ý tưởng và hành động đó chưa đúng là người Tâm Đạo và trái lại, có thể làm cho bức màn vô minh càng che phủ dầy thêm, như lời của Đức Thầy mà chúng ta vừa thấy.

Người ta có biết đâu biết bao điều gian dối, đầu độc trá hình trong đó. Nếu ta nhắm mắt làm càng thì trên phương diện vật chất ta là kẻ “trợ kiệt vi ngược”; giúp kẻ ác có thêm vi cánh làm điều ác nghịch, có thể bị vạ lây; còn về tinh thần, ta sẽ mang nhiều tội lỗi vì lầm đường lạc lối và trí đạo coi như không có.

Ngoài ra, người có Lòng Lành là người biết nghĩ lành và ưa làm lành. Thiếu mất một trong hai điểm đó, chưa đủ. Trong Kinh Mahavagga, Đức Phật có giảng rằng :

“Về một phương diện nào đó, kẻ chỉ trích ta đã có lý khi nói rằng “Phật Cồ Đàm chối bỏ hành động, chủ trương vô vi và khuyên đệ tử phải xử sự vô vi”. Nhưng nầy Siha, về một phương diện khác, kẻ hiều đạo ta rất có lý khi nói rằng “Phật Cồ Đàm xác nhận hành động, chủ trương hữu vi và khuyên đệ tử xử sự hữu vi”

Nầy Siha, tại sao lại có sự chê khen cùng hữu lý ấy ? Nầy Siha, ta dạy rằng phái tránh những hành động có hại về ngôn ngữ, tư tưởng và việc làm. Trong khi ấy ta cũng dạy rằng phải thi hành những hoạt động công đức bằng ngôn ngữ, tư tưởng và việc làm”

Câu nói trên, vừa cắt nghĩa cái “vô bất vi” của Phật, mà cũng vừa dạy ta phải nghĩ lành, nói lành và làm lành.

Có nghĩ lành, tức chủ trương việc lành, thì hành động cũng do đó mà xuất phát. Người tâm đạo bao giờ cũng phải tâm niệm điều lành. Phải hằng ngày suy nghĩ, sáng tạo những ý kiến lành để làm lợi tha và cống hiến những tư tưởng đẹp của mình cho đồng bào nhân loại.

Trang Tử nói : “Ư ngã thiện giả, ngã diệc thiện chi, ư ngã ác giả, ngã diệc thiện chi” (người lành với ta, ta cũng lành; người ác với ta, ta cũng lành). Đức Thầy cũng dạy :

Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng
Chữ từ bi ta diệt nó liền
Chữ oán thù đáp lại chữ hiền
Thì thù oán tiêu tan mất hết
(Giác Mê tâm Kệ)

Trên phương diện làm lành, theo quan điểm đạo Phật, hành giả làm trong trạng thái vô cầu, nghĩa là hoàn toàn vô tư, không vụ lợi. Hành động vụ lợi phát xuất nơi óc tính toán, mưu cầu và lòng ham muốn, vì thế chỉ tạo nghiệp để trói buộc con người trong vòng luân hồi. Còn hành động vô cầu là hành động hợp lẽ tự nhiên và lòng thành thật, không một dự tính gì, đo đó nó không tạo chướng ngại nên có thể giúp người làm lành vô cầu chứng đến An lạc giải thoát.

Phần đông những người làm lành thường xuất phát với ý tưởng sẽ được phước, sẽ được danh vọng, hoặc sẽ được người khác giúp lại khi họ gặp họa hoạn. Trạng thái đó không phải không tốt, nhưng đối với Giáo Lý nhà Phật, nó vẫn còn là gây tạo trong nghiệp quả mà thôi. Mà bỏ đi những ý nghĩ như trên, thật ra không phải là một điều dễ. Hành giả phải có trí tuệ, có tinh tấn dũng mãnh mới có thể đạt đến được.

Vua Vũ Đế nhà Lương, một lần nói chuyện với Tổ Đạt Ma, vua hỏi : “Trẩm đã xây cất được nhiều ngôi chùa to, sao chép Kinh bằng chữ Phạn và cúng dường chư tăng, như vậy có công đức gì không ?”, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đáp : “Không có công đức gì hết !”

Cuộc đối thoại trên đã nói lên rằng hành động của Lương Vũ Đế là những hành động có mưu cầu, có dự tính, không phải xuất phát do ý nghĩ vô tư và vô cầu. Đức Giáo Chủ P.G.H.H có lần đã nhắc đến điều nầy và Ngài cũng cho biết rằng lòng của họ Lương còn ác nghiệp. Ngài viết :

Nhớ thuở trước vua Lương Võ Đế
Tạo chùa chiền khắp nước tu hành
Đến chừng sau ngạ tử Đài thành
Phật bất cứu vì tâm còn ác.
(Giác Mê Tâm Kệ)

Vậy thì muốn cho được viên mãn, người có Lòng Lành nên ráng sức nghĩ lành và làm lành một cách trong sạch. Họ đừng nên mưu cầu, đừng nên chấp tướng , đừng khinh mạn, đừng cầu danh và nhất là không nên sanh lòng tiếc rẻ vì công lao hay của cải đã bỏ ra để làm lành đã mất.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000