Ý-NGHĨA NGÀY ĐẢN-SINH ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ

13 Tháng Giêng 201711:20 SA(Xem: 24073)
Ý-NGHĨA NGÀY ĐẢN-SINH ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ
 07 Dan Sanh Duc Huynh Giao Chu  2016
Nguyễn-Thành-Long
(trích Tập san Tinh Tấn số 21)
Ngày 25 tháng 11 âm-lịch năm Kỷ-Mùi (15-01-1920), một hài-nhi ra đời tại Miền Nam nước Việt, và 19 năm sau đó trở thành Giáo-Chủ của một tôn-giáo lớn. Đó là Đức Huỳnh Giáo-Chủ, người đã khai-sáng nền Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo, một nền Đạo dân-tộc đã tạo ra những đổi thay lớn-lao trong xã-hội Miền Nam Việt-Nam và đóng một vai-trò quan-trọng không những trong sinh-hoạt tín-ngưỡng mà còn trong lịch-sử đấu-tranh nước nhà

         Vậy Ngài là ai? Vì sao hóa-hiện xuống trần? Tiền-kiếp, đạo-quả, sứ-mạng và vĩ-nghiệp hoằng-hóa của Ngài như thế nào để dược tôn-vinh là một vị Giáo-Chủ siêu-phàm quán-thế ở cái tuổi còn quá-trẻ (19) trong quá-trình lập-giáo của nhân-loại? Đó là những câu hỏi không chỉ các bậc thức-giả đang chú tâm tìm giải-đáp mà chính tín-đồ PGHH chúng ta cũng cần thấu-triệt.

         Đức Huỳnh Giáo-Chủ thế-danh là HUỲNH-PHÚ-SỔ, giáng-sanh tại làng Hòa-Hảo, quận Tân-Châu, tỉnh Châu-Đốc, Việt-Nam. Ngài là trưởng-nam của Đức Ông Huỳnh-Công-Bộ và Đức Bà Lê-Thị-Nhậm, một gia-đình trung-lưu nhiều phúc-hậu và uy-tín với nhân-dân địa-phương. Thuở nhỏ vừa học hết bậc Tiểu-học thì bị đau ốm liên-miên nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 tuổi trở đi, Ngài không lúc nào dứt được tình-trạng đau yếu và cũng không một lương-y nào trị được.

         Năm 1939, sau khi hướng-dẫn thân-phụ đi viếng các am động miền Thất-Sơn và Tà-Lơn, những núi non hùng-vĩ ở Miền Tây Nam-Việt, Ngài hoắc-nhiên tỏ ra đại-ngộ và ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (1939), Ngài chính-thức mở Đạo.

         Sự xuất-hiện của các vị giáo-chủ cũng là một hiện-tượng từng xảy ra nhiều lần trên thế-giới và trong lịch-sử nhân-loại. Cứ mỗi khi có một nơi nào trên trái đất lâm cảnh tai-ương thảm-họa, bá-tánh điêu-linh khổ-não, thì có một Đấng Cứu-thế giáng-trần để tế-độ sanh-linh.

         Thời Xuân-Thu Chiến-Quốc, 2566 năm trước đây, xã-hội Trung-Hoa loạn-lạc, trật-tự rối-ren, các nước đánh nhau liên-miên gieo đau thương tang-tóc khắp nơi, khiến dân-tình khốn-khổ, luân-lý suy-đồi, cang-thường đảo lộn. Chính lúc đó Đức Khổng-Tử ra đời, lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà dạy con người, lấy cương-thường mà hạn-chế nhân-dục để giữ trật-tự xã-hội cho bền vững.

         Cùng thời, xã-hội Ấn-Độ phân-chia đẳng-cấp trầm-trọng, tà-đạo hoành-hành, tín-ngưỡng hỗn-loạn, tâm-trí con người đảo-điên, Đức Thích-Ca đã xuất-hiện đem ánh Đạo nhiệm-mầu soi sáng thế-gian, ban rải đức Từ-bi Bác-ái cứu vớt chúng-sinh.

20130414_104219-content

         Hơn 500 năm sau đó, trong một xã-hội Trung-Đông rối-loạn, hung ác và tội lỗi, Đức Chúa Jésus đã giáng-sinh, đem tình thương, công-lý giải-thoát con người, và treo gương hy-sinh cao-cả trên thập-tự-giá để cứu-rổi nhân-loại.

         Và cũng tương-tự như vậy, Việt-Nam vào đầu thế-kỷ 20 ở trong một tình-trạng xã-hội băng-hoại, thế-đạo suy-vi, nhân-tâm ly-tán, thảm-họa chiến-tranh lan tràn. Mặt khác, đất nước bị đặt dưới sự đô-hộ nghiệt-ngã của Pháp, khiến cho cả một dân-tộc phải điêu-linh thống-khổ, chịu nỗi áp-bức bất-công, văn-minh vật-chất, phù-phiếm xa-hoa nơi đô-thị chỉ là cái vỏ hào-nhoáng bề ngoài của một thiểu-số giàu có, uy-quyền thế-lực, còn lại đa-số dân-chúng, đặc-biệt nơi vùng nông-thôn bùn lầy nước đọng, sống trong nghèo đói cơ-cực. Trong hoàn-cảnh đau thương đen tối đó, Đức Huỳnh Giáo-Chủ lâm-phàm lập Đạo cứu nước cứu dân.

         Đản-sanh bình-thường như chúng-sinh , không có điềm lạ ứng-hiện như Đức Phật Thích-Ca, cũng không có thiên-sứ báo tin như Đức Chúa Jésus, nhưng Đức Huỳnh Giáo-Chủ chính thực là một Đấng Cứu-Thế giáng-trần. Điều nầy được Ngài tiết-lộ trong bài Sứ-Mạng do chính Ngài thủ-bút:

         (...Thiên-Tào đà xét định, khắp chúng-sinh trong thế-giới trong cái buổi Hạ-Nguơn nầy, say mê vật-dục, chìm đắm trong biển lợi-danh, gây nên nghiệp-quả, luật Trời đà trị tội xét kẻ thiện-căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ-bi cùng các Chơn-Tiên lâm-phàm độ-thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ-huyền... Ta là một trong các vị cứu đời ấy...”.

         Và Ngài giáng-hạ tại Việt-Nam là do cơ-duyên Thiên-Đình phân-định “Ai liễu đạo nơi quốc-độ nào thì cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ-tế nhân-dân...” vì các tiền-kiếp của Ngài vốn là người Việt, sinh-cư trên đất Việt:

         “...Sinh trong vòng đất Việt-Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa-cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ-pháp chuyển kiếp luân-hồi ở nơi hải-ngoại để thu-thập những điều đạo học kinh-nghiệm huyền-thâm, lòng mê-si đã diệt, sự vị-kỷ đã tan mà kể lại nguồn-gốc phát-sanh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh-cư nơi đất Việt. Những tiền-kiếp dầu sống cũng là dân quan dất Việt, dầu thác cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa...”.

         Do đó, đối với tín-đồ PGHH, Ngài là một vị Phật hóa-hiện qua nhiều tiền-kiếp với sứ-mạng cứu dân độ thế:

                          “Ta thừa vưng sắc-lịnh Thế-Tôn,

                           Khắp hạ-giái truyền khai Đạo-Pháp...”

                          “Ta thương đời len-lỏi xuống trần,

                           Đạo vô-vi của Phật ân-cần,

                           Nối theo chí Thích-Ca ngày trước...”.

         Ngài đem ánh đuốc Từ-bi huyền-diệu của Đạo mầu soi đường cho lớp người cùng khổ thiệt-thòi nầy, dẫn dắt họ ra khỏi đêm tối triền-miên để đến với Phật-Pháp:

                          “Khai ngọn đuốc Từ-Bi chí thiện.

                           Tìm con lành dắt lại Phật-đường...”.

         Ngài đã cứu vớt họ khỏi bể trầm-luân, khiến cuộc sống lầm-than vô-vọng, không có ngày mai trở nên có ý-nghĩa, an lạc. Ngài đã khai mở cho một khối quần-chúng đông-đảo mấy triệu người, biến đổi lớp nông-dân thụ-động, chất-phác, an phận thành lớp người tích-cực, hăng say dấn bước trên đường tu-tập và yêu nước. Ngài đã mang lại niềm tin và hy-vọng mới cho chúng-sanh đương-thời đang khao-khát tín-ngưỡng và lãnh đạo tinh-thần chân-chính, chí tôn.

         Nhưng tại sao Ngài lại phải đản-sanh làm người thế-gian trước khi chính-thức khai-đạo, mà không chỉ bất-ngờ hiện ra trong khoảnh-khắc để cứu khổ cứu nạn rồi trở về Cõi Trên ngay như các Đấng Thiêng-Liêng khác? Tất-nhiên phải có chủ-ý và mục-đích. Chủ-ý và mục-đích đó thể-hiện qua cuộc đời, quá-trình tầm Đạo và đắc Đạo của Ngài được Cố Cư-sĩ Nguyễn-Long Thành-Nam nghiên-cứu trình-bày như sau:

         “Đức Thích-Ca Mâu-Ni đản-sanh trong gia-đình vua Tịnh-Phạn, cũng trải qua thời-kỳ sống giữa thế-gian, cũng học-hỏi, cũng cưới vợ sanh con như một người thường. Nhưng Ngài đã không tiếp-tục sống cuộc đời hoàng-tử, không ngồi trên ngai vàng điện ngọc để hưởng-thụ phú-quý vinh-hoa có sẵn trước mặt, không tự giam mình trong định-luật Thành, Trụ, HoạiKhông, của Sanh, Lão, Bịnh, Tử như mọi người bình-thườngNgài đã dũng-cảm rời bỏ cung vàng điện ngọc lên đường tìm Chơn-Lý, và trải qua bao-nhiêu thử-thách, thất-bại, để rốt cuộc đạt Đại-Đạo tại gốc cây Bồ-Đề, rồi đem Chánh-Pháp ấy phổ-truyền cứu-độ chúng-sanh.

         Không phải đợi đến kiếp sống cuối-cùng hoàng-tử Sĩ-Đạt-Ta mới đạt Đạo, mà, theo kinh-điển thì Ngài đã đắc-quả nhứt sanh bố xứ với danh-hiệu Hộ-Minh Bồ-Tát từ trước khi đản-sanh vào triều vua Tịnh-Phạn. Cho nên sự đản-sanh của Ngài được xem như tấm Gương Sống để chúng-sanh thấy rằng muốn đạt được Đạo phải biết dứt bỏ mọi tham-vọng, rủ bỏ mọi vinh hoa phú quý, rủ bỏ mọi ràng-buộc thế-gian để mà dõng-cảm lên đường tìm Đạo. Đức Thích-Ca cũng muốn cho chúng-sanh nhìn thấy rằng tiến-trình tìm Đạo không phải bằng phẳng êm-ái mhư trên xa-lộ, mà rất gay-go, khó-khăn, rất nhiều thử-thách và chướng-ngại, đòi hỏi con người phải tự-thắng để kiên-cường đi tới thắng vượt các thử-thách chướng-ngại đó, rốt cuộc mới đáo bỉ-ngạn, tức tìm “Bờ Bên Kia” hay Bến Giác-Ngộ, hay Đạt Đạo.

         Đức Thích-Ca sanh làm con người bình-thường để tìm cho chúng-sanh con đường giải-thoát, đồng-thời nêu cho chúng-sanh thấy tiến-trình tu-hành. Đó là vừa chỉ cho chúng-sanh một lần cả Cứu-Cánh và cả Con Đường Đi.

         Năm Kỷ-Mùi, tại làng Hòa-Hảo, Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng đản-sanh, cũng sống mhư một người bình-thường, cũng chịu đựng bao-nhiêu điều đau khổ của bá-tánh, cũng trải qua những cực-hình của người dân bị trị, cũng đích-thân dõng-cảm xông vào đời, vào cách-mạng, vào kháng-chiến để giải-thoát chúng-sanh và giải-thoát đất nước.

         Sự đản-sanh của Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng giống sự đản-sanh của Đức Thích-Ca, vừa để nêu ngọn đuốc sáng trong đêm tối lịch-sử và trong đêm tối của chúng-sanh, lại vừa nêu lên tấm gương sống của một cuộc đời Hành-Đạo và Cách-Mạng cho con người Việt-Nam:

                                  “Tu đền nợ thế cho rồi,

                 Thì sau mới được đứng ngồi Tòa Sen.”

         Nói cách, Ngài đã đem Đạo vào Đời, đem Phật-Pháp truyền vào cuộc sống thường-nhựt, khiến giáo-lý cao-thâm của Đức Thế-Tôn hóa ra gần-gủi, phù-hợp với đặc-tính quốc-gia dân-tộc và con đường tu-tập Học Phật Tu Nhân, trở nên thực-tiễn giản-dị, khả-thi với mọi từng lớp trong xã-hội, thích-ứng với căn-cơ thiển-bạc của chúng-sanh trong thời Hạ-Nguơn mạt-pháp. Chính nét đặc-thù đó mà PGHH đã được đón nhận nhiệt-liệt khi khai-sáng và Đức Huỷnh Giáo-Chủ trở thành một biểu-tượng tâm-linh cao-cả được tuyệt-đối tôn thờ.

         Ngày nay, PGHH không còn là một danh-xưng xa lạ, một giáo-phái khép kín trong vùng đồng bằng Cửu-Long của một quốc-gia nhỏ bé, mà là một danh-môn chánh-giáo ngang hàng, hòa-đồng và sánh vai hợp-tác cùng các Tôn-giáo bạn trong sứ-mạng hoằng-hóa cứu-độ thế-nhân được khắp thế-giới biết đến và quy-ngưỡng. Nhiều triết-gia, học-giả, trí-thức đã phát-tâm nghiên-cứu về Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng như giáo-lý vi-diệu của Ngài. Tuy cái nhìn của quý vị nầy còn có chỗ chưa đồng quan-điểm, cảm-nhận của người tín-đồ PGHH, nhưng tất-cả đều bày tỏ sự ngưỡng-mộ và tôn-kính đặc-biệt đối với Ngài  và nền Đạo do Ngài khai mở. Đối với quý vị nầy, PGHH không còn là của riêng PGHH, của riêng dân-tộc Việt-Nam, mà là một “nền Phật-Giáo thời-đại, nhập-thế, dấn thân, tích-cực, một nền Đạo của chúng-sanh nhân-loại”. Và sự xuất-hiện của Ngài là sự xuất-hiện của một bậc “đại-giác đại-ngộ”, một bậc “sinh nhi tri”, một bậc “phi-phàm”, một “Đại Bồ-Tát”, một vị “Phật hóa-hiện”, một “Đấng Cứu-Thế”,... xuống trần.

                          “Ta chịu khổ, khổ cho bá-tánh”

                           .................................................

                          “Dẫu gian-lao dạ sắt chẳng sờn’

                            Miễn sanh-chúng thông đường giải-thoát.”

20130331_134013-content

         Với sự-nghiệp hoằng-dương Chánh-Pháp vĩ-đại độc-đáo, với tình-cảm yêu nước thương dân tha-thiết rạt-rào, với lòng từ-ái chứa-chan đối với chúng-sanh nhân-loại, Đức Huỳnh Giáo-Chủ không những sống mãi trong niềm kính yêu vọng-ngưỡng tuyệt-đối của tín-đồ PGHH, mà còn trường-tồn vĩnh-viễn trong dòng lịch-sử tâm-linh dân-tộc, và ngời sáng ngôi cao trên khung trời  Đạo-giáo thiêng-liêng huyền-diệu.

         Tiếc vì thiên-cơ đã định, Ngài phải ra đi để thi-hành một sứ-mạng thiêng-liêng nào đó. Nếu không, PGHH sẽ còn phát-triển mạnh-mẽ, giáo-lý cao-siêu thực-tiễn của Ngài còn được hoằng-hóa sâu rộng khắp thế-giới đại-đồng chớ không chỉ giới-hạn trong quốc-gia dân-tộc nhỏ bé Việt-Nam. Và nhân-loại chúng-sanh đã được nương nhờ ánh Đạo nhiệm-mầu của Ngài dẫn dắt ra khỏi cuộc sống tối-tăm khổ-não hiện nay như mấy triệu tín-đồ của Việt-Nam đã từng có cơ-duyên hưởng hơn 73 năm trước đây trong buổi khai-nguyên lập Đạo.

         Vì quá thương Thầy mến Đạo nên chúng ta mới có ước-mơ như vậy, chớ dù có muốn Ngài ở mãi với chúng ta  để dìu-dắt  giáo-hóa cũng không được, vì Ngài đã:

                          “Đền Linh-Khứu sơn trung chịu mạng,”

nên bao-giờ thiên-mạng hoàn-thành viên-mãn thì Ngài mới trở “lại gia-trung”. Trong khi chờ đợi và chào mừng ngày Đản-sanh thiêng-liêng trọng-đại lần thứ 93 hôm nay, chúng ta hãy nhớ lấy lời của Đức Tôn-Sư:

                                           “Ít lâu ta cũng trở về,

                          Khuyên trong bổn-đạo chớ hề lãng-xao.”

mà giữ lòng kiên-cố, quyết-tâm bảo-vệ và phát-huy Đạo-Pháp mà Ngài đã dày công khai-sáng. Nhứt là trong giai-đoạn cực-kỳ khó-khăn hiện-tại của Giáo-Hội, giai-đoạn mà CS đang thi-hành sách-lược bách-hại, đàn-áp tôn-giáo trong cũng như ngoài nước bằng mọi thủ-đoạn, mọi phương-cách thâm-độc, thô-bạo từ phong-tỏa, quản-lý cơ-sở thờ-phượng, tịch-thu chiếm-đoạt đất-đai, tài-sản của Giáo-Hội, ngăn-cấm truyền-giáo,... đến gây phân-hóa, chia rẽ, xâm-nhập lũng-đoạn nội-bộ, ngụy-tạo các tổ-chức tôn-giáo quốc-doanh để triệt-hạ các Giáo-Hội chính-thống.

         Nguyện cầu Ơn-Trên Chư Phật, Thầy Tổ hộ-độ cho Đất Nước sớm qua cơn Pháp-nạn, Tự-do, Dân-chủ, Nhân-quyền phục-hồi để Quý vị Lãnh-Đạo Tinh-Thần, Chư Tăng-Ni, Giáo-phẩm, Chức-sắc cùng Tín-đồ các Tôn-giáo, trong đó có Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo, được an-lạc, tu-hiền hành-đạo. Đó là ý-nghĩa thiêng-liêng, huyền-diệu của Ngày Đản-Sanh Đức Huỳnh Giáo-Chủ năm thứ 93 trọng-đại hôm nay.

         Nhân năm cũ đã qua, Năm Mới 2013 đã đến và Tân-Niên Quý-Tỵ sắp đáo lai chúng tôi xin thân-ái kính chúc toàn-thể Quý vị Lãnh-Đạo Tinh-Thần các Tôn-giáo, Chư Tăng-Ni, Giáo-Phẩm, Chức-Sắc,  Quý Đồng-đạo, Tín-hữu, Đồng-hương, Đồng-bào trong cũng như ngoài nước, một Năm Mới thân tâm an lạc, hanh-thông, thịnh-vượng, vạn sự như ý, cát tường.

         Trân-trọng kính chào và cám ơn toàn-thể Chư Liệt Vị.

                                                            Nguyễn-Thành-Long

                                                                         Mùa Đản-sanh 2012

 02 Dan Sanh Duc Huynh Giao Chu  2016
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 20197:09 SA(Xem: 15820)
KÍNH đức TÔN SƯ rãi pháp mầu MỪNG cho nhân loại khắp đâu đâu ĐẠI ân khó lấy gì đem sánh LỄ bái y hành nguyện một câu
26 Tháng Năm 20197:39 SA(Xem: 17471)
Đức bà Lê Thị Nhậm là thân mẫu phần xác thịt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cũng là người đã dầy công nuôi dưỡng phần xác thịt của Ngài từ lúc bé thơ cho đến lúc lập Đạo cứu đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại Thánh Địa Hòa Hảo.
23 Tháng Năm 20199:23 CH(Xem: 15319)
Chú Năm họa sĩ Cao Hoàng Sao, nằm êm niệm Phật khoảng 30 phút. Tới 2 giờ 45 phút xuôi tay niệm Phật nhẹ nhàng rồi ra đi. Chú hưởng thọ được 62 tuổi.
12 Tháng Năm 20197:02 SA(Xem: 17772)
Năm nay kỷ niệm lần thứ 93 ngày viên tịch Đức Ông Ba Nguyễn Văn Thới, cũng được tổ chức tưng bừng náo nhiệt, rực rỡ hoa đèn, ngạt ngào hương hoa phẩm vật quí hiếm, với tất lòng thành dâng lên hiến lễ tri ân bậc “Vĩ Nhân Đạo Đức” đã suốt đời tận tụy gian lao.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 13940)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
26 Tháng Ba 20195:19 SA(Xem: 18084)
Vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi, dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
28 Tháng Giêng 201910:19 CH(Xem: 19058)
Trên mười năm nay cứ mỗi độ Xuân về Khối Tín Đồ PGHH thành kính nhớ ơn những bậc tiền bối, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Đạo Pháp, cho dân tộc.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 15705)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
19 Tháng Mười Hai 20185:13 SA(Xem: 14178)
Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức: Vi khuẩn (bacteria) là những vi sinh vật đơn bào, sinh sản vô tính bằng cách phân chia nhân đôi tế bào. Còn virus là những “hạt” rất nhỏ, có khả năng sinh sản nhưng chỉ tồn tại được ở trong tế bào sống
04 Tháng Mười Hai 201811:43 CH(Xem: 13159)
Lễ Tạ ơn đầu tiên theo truyền thống đã được diễn ra tại khu vực của “Thuộc địa Plymouth”, khoảng thế kỷ 16, 17 của một tộc người Pilgrim thuộc Anh Quốc.
100,000